Chúa Nhật thứ XII Thường Niên – Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô – Năm C

0
372

Sống tình yêu Thánh Thể

I. Các bài đọc

Bài đọc I: St 14,18-20

Bài trích sách Sáng Thế:  Melchizedek, vua Salem đã chúc lành cho Abram.

Đáp ca: Tv: 110,1-4

Thánh vịnh 110: Con là thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melchizedek.  

Bài đọc II: 1 Côrintô 11,23-26

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: mỗi khi chúng ta ăn bánh và uống chén này là chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Người lại đến.

Tin Mừng: Lc 9,11b-17

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: họ đã được cho ăn và đã no thỏa.

II. Chia Sẻ

Hôm nay, Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống, chúng ta cử hành lễ trọng thứ hai, đánh dấu việc chúng ta trở lại mùa Thường Niên. Đó là Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Có một thời, ngày này được gọi là lễ Corpus Christi, tiếng Latinh có nghĩa là “Mình Thánh Chúa Kitô”. Trong lần sửa đổi phụng vụ gần đây nhất, tên ngày lễ đã được gọi đầy đủ là lễ “Mình Máu Thánh Chúa Kitô” để phản ánh đầy đủ bản chất của bí tích Thánh Thể theo nghĩa thần học.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta những tâm tình sâu sắc, để cùng nhau suy nghĩ về mầu nhiệm tình yêu cao cả này trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.

Chúa Giêsu trao ban chính mình cho chúng ta

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã nhắc nhớ giáo đoàn Côrintô về biến cố trọng đại trong cuộc đời của Chúa Giêsu “trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh” (1 Cr 11,23). Bắt đầu bằng cụm từ đó, thánh Phaolô muốn nhắc chúng ta nhớ rằng, Chúa Giêsu không phải là nạn nhân của số phận, nhưng đã bị chính dân tộc của Ngài giao nộp và việc Ngài sẵn sàng trao phó bản thân mình đã làm chứng cho tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính trong bối cảnh tạo ra một dấu chỉ tình yêu không thể nào quên, không thể lặp lại, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và chén, trao cho các môn đệ đã nói lên rằng chúng tượng trưng cho toàn thể con người của Ngài, được ban cho họ trong giao ước mới.

Là một người Do Thái tốt lành, thánh Phaolô hiểu rằng khi Chúa Giêsu chúc lành cho bánh và rượu như Ngài đã làm “dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24), Chúa muốn công nhận rằng, hoa trái của trái đất và cây nho là dấu chỉ của tình yêu thương của Thiên Chúa và sự chọn lựa của dân Israel. Bánh và rượu sẽ biểu thị sự sống của Ngài đã được ban cho các tông đồ và cho nhân loại. Qua huyền nhiệm của việc biến bánh và rượu thành Mình và Máu thánh Ngài, Chúa Giêsu muốn nói rằng sự sống và sự chết sắp đến của Ngài là sự thể hiện cuối cùng về kế hoạch cứu rỗi đời đời của Thiên Chúa.

Đó chính là huyền nhiệm của Thánh Thể, bí tích tình yêu được trao ban cho chúng ta mỗi ngày dưới hình bánh rượu. Chính đó là dấu chỉ của sự tận hiến chính bản thân mình nơi Chúa Giêsu dành cho chúng ta để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Lời nói đi đôi với thực hành

Thánh Phaolô đã có lần phê bình cộng đoàn Côrintô vì đã biến buổi cử hành bẻ bánh trở nên như một buổi hội họp xã hội “vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng” (1 Cr 11,17). Thay vì hiệp nhất họ lại chia rẽ, thay vì huynh đệ họ lại phân lớp giàu nghèo v.v… và như vậy họ đã đánh mất đi bản chất của buổi hội họp là để quy tụ họ lại thành một trong Chúa. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Hành động của họ đã không sống như những gì họ đã được Lời Chúa dạy bảo.

Mặc dù, không giống như Mathhêu và Mácô, Luca đã trích dẫn lời Chúa Giêsu nói “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,25). Thánh Phaolô trích dẫn lời Chúa Giêsu đã nói điều đó hai lần. Sự tưởng nhớ này lặp lại những chỉ dẫn về việc cử hành Lễ Vượt Qua. Trong suy nghĩ của người Do Thái, sự hồi tưởng như vậy không chỉ đơn giản là một ký ức hay hồi ức, mà nó là sự hồi tưởng hoặc hiện thực hóa sự kiện ban đầu. Khi nhớ đến Lễ Vượt Qua, họ biến mình thành một phần của Lễ Vượt Qua và trân trọng lưu giữ trong ký ức chung của họ. Do đó, mệnh lệnh của Chúa Giêsu “làm điều này để nhớ đến Thầy” là mệnh lệnh duy trì sự hiệp thông với Ngài.

Sự hiệp thông này được thể hiện qua hành đông chia sẻ và sống tình huynh đệ. Vì như Chúa đã chia sẻ và trao ban Ngài cho chúng ta, thì các môn đệ cũng được mời gọi như vậy để sống sự hiệp thông như trong Tin Mừng hôm nay, đứng trước đám đông người đang đói, Chúa Giêsu đã thách đố các môn đệ của mình “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại hoạt động quyên góp để trợ giúp cho nhu cầu của người nghèo, điều mà các Kitô hữu luôn thực hiện cách vui tươi và với trách nhiệm. Ngài cảm ơn lòng quảng đại của các dân tộc trong việc đón tiếp hàng triệu người tị nạn vì chiến tranh ở Trung Đông, Trung Phi và hiện nay là Ucraina. Ngài nhấn mạnh đến sự liên đới: chia sẻ một ít điều chúng ta có với người không có gì, để không ai hoàn toàn không có gì. Đó là cách sống cụ thể để chia sẻ về mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể trong đời sống chúng ta.

Chúa Giêsu là tư tế đầy tình thương

Hình ảnh ông Melchizedek nhắc nhớ cho chúng ta về vai trò của Đức Kitô là tư tế tối cao. Melchizedek nổi bật trong số những người nước ngoài xuất hiện trong Kinh Thánh Do Thái vì một số lý do. Tên của ông có nghĩa là “vua công lý”, và trái ngược với truyền thống của người Do Thái, ông hoạt động như một vị vua và một tư tế. Theo lời kể, vào thời Abram, ông cai trị Salem, thường được hiểu là Giêrusalem, thành phố sẽ trở thành thủ đô của miền đất hứa của Abraham. Cuối cùng, Melchizedek trở nên bí ẩn. Ông không chỉ xuất hiện bất ngờ và sau đó biến mất khỏi câu chuyện Kinh thánh, mà còn không ai đề cập đến gia phả của ông nữa.

Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ là chúng ta tham dự vào hy tế của Đức Kitô. Chính Đức Kitô là chủ tế, là của lễ và là bàn thờ để dâng hy tế lên Đức Chúa Cha. Đấy là một hiến tế cứu độ mà chúng ta được tham dự vào khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Chính Chúa Giêsu là thương tế đời đời, để dâng hy tế này lên Thiên Chúa “Con là thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkisêđê” (Tv 109). Chúng ta hãy nhận ra điều này để siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ. Như thế là để cùng được thông hiệp vào chức tư tế của Đức Kitô. Đấng đã dâng hiến chính thân mình trên thập giá, làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn và cứu độ chúng ta.

Xin cho chúng ta nhận ra dấu chỉ sống động của Chúa Giêsu Thánh Thể trong đời sống đức tin. Nhờ đó chúng ta biết quý trọng và khát khao để được tham dự thánh lễ và rước lễ, hầu kín múc nguồn sống từ chính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã được trao ban cho chúng ta.  

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM