Chúa Nhật Thứ XII TN  – Năm A

0
460

(Bài đọc I: Gr: 20:10-13; Bài đọc II: Rm 5:12-15; Tin Mừng: Mt 10:26-33)

Thiên Chúa luôn trung tín và là nguồn hy vọng

Có một tiêu đề mà đã được rất nhiều tác giả chọn lựa cho cuốn sách của mình đó là “Tại sao điều xấu lại xảy ra với người tốt.” Ít nhất đã có 4 tác giả có chung một tiêu đề này cho cuốn sách của họ, chẳng hạn như David Henry, Harold S. Kusher, Tafara Butayi, David Arnold. Dường như đây là một câu hỏi rất hiện sinh của đời sống con người, và người ta muốn đi tìm câu trả lời, để có thể tìm lại sự công bình cho mọi vấn nạn của cuộc sống này. Trong các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay cũng gợi lên câu hỏi như thế, nhưng chúng không đi tìm nguyên nhân cho vấn nạn, cho bằng việc khám phá ra hình ảnh của một Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành và yêu thương con người và luôn luôn bênh vực con người trong mọi tình huống.  

Bài đọc một, trích sách Ngôn sứ Giêrêmia (20:10-13), ông là người luôn tìm cách trốn chạy Thiên Chúa vì không muốn bắt làm ngôn sứ. Ngoài ra, vì ông đang bị chính dân của mình bắt bớ (vì rao giảng những điều Chúa muốn dân của ông nghe), nên ông muốn Chúa trừng phạt những đám dân này. Tuy nhiên, Thiên Chúa tiếp tục nói với Giêrêmia rằng, đến thời điểm thích hợp, ông sẽ thấy sự minh oan của mình đối với kẻ thù của mình, vì Thiên Chúa là “Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng” (Gr 12,20). Bài học mà chúng ta có thể học được từ bài đọc này là “Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta,” và chỉ khi chúng ta kiên nhẫn và chờ đợi thời điểm của Ngài, chúng ta mới có thể mong đợi phần thưởng của mình. Và đôi khi có những người sẽ không thấy được thành quả đó, nhưng họ sẽ thấy chắc chắn một điều là, Thiên Chúa thành tín và sẽ không làm chúng ta thất vọng.

Thánh vịnh Đáp ca là Thánh vịnh (69:8 – 35). Lời cầu nguyện đẹp đẽ này là lời cầu nguyện mà ngôn sứ Giêrêmia có thể đã cầu nguyện vì nó phù hợp với suy nghĩ của ông. Tuy nhiên, tác giả Thánh vịnh ở đây nhận ra và chấp nhận sự thành tín của Thiên Chúa và sẵn sàng chờ đợi. Trong khi chờ đợi, ông khuyên những người khác “Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi.”

Bài đọc thứ hai, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (5:12 –15). Đôi khi thần học của thánh Phaolô vượt xa chúng ta, và dường như điều này được diễn tả trong bài đọc hôm nay. Nhưng nếu chúng ta vẫn đang ở trong “thời kỳ Phục sinh”, chúng ta có thể nhớ rằng, thánh Phaolô thường so sánh hoặc đối chiếu vai trò mà Chúa Giêsu đã hoàn thành, với thời gian và cuộc đời của A-đam (đại diện cho cả nhân loại), người không có sự hướng dẫn của Thánh Thần và không có “lề luật,” bị thống trị bởi Satan, cha đẻ của sự dối trá. Tuy nhiên, “ân sủng” được đề cập ở đây là món quà cứu rỗi chỉ có thể đến qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chính món quà “hy vọng” này mà Thiên Chúa ban cho tất cả các tín hữu “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5, 12).

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Mát-thêu (10:26-33). Đoạn này tràn đầy hy vọng và nên được nhắc đến bất cứ khi nào chúng ta đang ở một trong những “lúc khó khăn” mà chúng ta phải chịu đựng vào những thời điểm khác nhau của cuộc sống. Nó giúp chúng ta liên tưởng đến ngôn sứ Giêrêmia, người đã bị giết bởi những kẻ thù của mình, nhưng ông được công nhận là một trong những nhà tiên tri vĩ đại nhất. Chúng ta cũng có thể không bao giờ đối mặt với cái chết dưới họng súng của chiến tranh  hoặc một số thảm họa khác, nhưng chúng ta thường đối mặt với những thách đố nghiêm trọng, thử thách giới hạn của chúng ta. Nhưng khi đối diện với những hoàn cảnh như thế, chúng ta nên hướng về Chúa để được hướng dẫn và chăm sóc “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 31).

Thiên Chúa luôn nghĩ về chúng ta và chăm sóc chúng ta trong mội hoàn cảnh. Thay vì đi tìm công lý cho hoàn cảnh của mình, thì hãy tìm đến Chúa trước hết như nguồn an ủi, cậy trông và hy vọng cho chúng ta trong những hoàn cảnh ấy. Chính ngài sẽ ra tay và cứu độ chúng ta và giải thoát chúng ta ra khỏi những hoàn cảnh đâu khổ, bất công, cùng cực, nghèo đói và cô đơn của chúng ta. Vì Thiên Chúa luôn công bình và giàu lòng xót thương những kẻ kính sợ Ngài. Đó là những lời đầy khích lệ cho chúng ta, để can đảm đón nhận những biến cố xảy ra với chúng ta, dù đôi khi nó là một sự bách hại và bất công ghê gớm. Nhưng tin vào Chúa chúng ta sẽ vượt qua những điều đó và Thiên Chúa sẽ thực thi đức công chính của Ngài cho chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM