Chúa Nhật Thứ XIII TN – Năm A

0
502

(Bài đọc I: 2 V 4:8-11,14-16a; Bài đọc II: Rm 6:3-4,8-11; Tin Mừng: Mt 10:37-42)

Liên đới với Thiên Chúa và với người khác

Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy xuất hiện một ứng dụng công nghệ vô cùng hấp dẫn, nhưng không kém phần thách đố cho cuộc sống con người đó là trí tuệ nhân tạo (Al). Với phần mềm công nghệ này, xem ra chúng có thể trả lời mọi câu hỏi trong cuộc sống từ khoa học, kỹ thuật, y khoa, cho đến cả tôn giáo… và dường như nó có thể thay thế con người trong một số quyết định. Nghĩa là nó có thể quyết định làm điều này hay điều kia dựa vào trí tuệ của chúng. Tuy nhiên cũng còn một điều đáng mừng, là cho dù nó có thể biết mọi thứ, hiểu mọi thứ, nhưng nó không biết về Chúa như là chủ thể của đức tin nơi mỗi người chúng ta. Tức là nó sẽ không bao giờ có được cái tương quan thiêng liêng với Thiên Chúa như mỗi người chúng ta, dù nó có thể trả lời rất tốt và chính xác về những vấn đề thần học. Điều này mời gọi chúng ta suy tư trên các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay về ơn gọi Kitô hữu của mỗi người chúng ta, trong tương quan thực sự với Thiên Chúa và với tha nhân.  

Bài đọc một, trích từ Sách Các Vua quyển thứ hai (4:8-16a). Ở đây, chúng ta có câu chuyện về ngôn sứ Êlisa, người được ngôn sứ Êlia bảo trợ. Ngôn sứ Elisa đã được mời vào nhà của một phụ nữ khá giả vì bà thích những cuộc trò chuyện của họ về Thiên Chúa và Giao ước “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh” (2 V 4,9). Điều này trở thành thông lệ mỗi khi Êlisa ở trong vùng đó. Vì vậy, để tiếp tục mối tương quan, bà chuẩn bị một phòng cho ông với sự chấp thuận của chồng, để ngôn sứ Êlisa có một nơi thích hợp để ở. Đổi lại, ngôn sứ Êlisa đã suy nghĩ nếu có cách nào đó để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với hai vợ chồng già tốt bụng này. Vị ngôn sứ cầu nguyện cho người phụ nữ vì bà hiếm muộn. Ngôn sứ Êlisa còn làm hơn thế nữa, vị ngôn sứ với bà  rằng “vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng” (2 V 4,16a). Bản chất của câu chuyện này là mỗi nhân vật đều hành động theo ý muốn của Thiên Chúa và xây dựng mối tương quan của họ với Thiên Chúa.

Thánh vịnh Đáp ca là Tv (89:2-3.16-19). Lời cầu nguyện đẹp đẽ này là lời cầu nguyện mà người phụ nữ trong bài đọc thứ nhất có thể đã cầu nguyện vì nó phù hợp với suy nghĩ của bà. Nói chung, Thánh vịnh là một bài ca ngợi, tạ ơn và phúc lành đã nhận được từ Thiên Chúa “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.”

Bài đọc hai, trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (6:3-11). Mở đầu cho đoạn thư này, thánh Phaolô nhắc nhở dân chúng về ân phúc của Bí tích Thánh tẩy mà họ đã lãnh nhận “Thưa anh em, khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người” (Rm 6,3). Điều nó muốn nói (theo ngôn ngữ phổ thông hơn) là nếu chúng ta thực sự là Kitô hữu, nghĩa là những người theo Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta nên tuân theo mọi điều mình nói và làm để phù hợp với những lời dạy và ý muốn của Ngài, nếu không thì cái chết của Đức Giêsu, đối với chúng ta sẽ là vô ích. Đây không phải là một mệnh lệnh khó nghe, nếu mỗi ngày chúng ta bắt đầu bằng một lời cầu nguyện ngắn xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm để biết sống sao cho xứng hợp với ơn gọi cao quý này.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Mát-thêu (10:37-42). Đoạn văn này, nếu bị đặt ra ngoài bối cảnh, thì đó thực sự là một thông điệp khá mạnh mẽ. Nói cách khác, Chúa Giêsu không nói rằng, chúng ta không được yêu thương các thành viên trong gia đình và bạn bè: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37), nhưng đúng hơn Ngài sẽ là người đầu tiên khuyến khích điều đó. Tuy nhiên, ở đây Ngài đang nói về việc đặt ưu tiên trong các mối quan hệ và sở hữu của chúng ta. Tình yêu tha nhân cần được đặt nền tảng trên tình yêu dành cho Thiên Chúa trước nhất. Cam kết trung thành với tình yêu thương của Thiên Chúa phải là một ưu tiên trong các chọn lựa của chúng ta.

Phần thứ hai của đoạn văn này, phần nào là lời tri ân đến người phụ nữ trong bài đọc thứ nhất ở trên, đã xác nhận điều này. Một lần nữa, mọi hành động của chúng ta, ngay cả những hành động đơn giản, nếu được thực hiện theo ý muốn của Thiên Chúa, đều được chúc phúc và có thể đưa chúng ta đến gần Chúa là Thượng Đế của mọi tạo vật. Đây chính là bước kế tiếp của việc yêu thương tha nhân, khi chúng ta đã có tương quan tốt với tình yêu thương của Thiên Chúa.

Thánh Matthêu cũng nêu ra phần thưởng về lòng hiếu khách dành cho những người theo Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giải thích những khó khăn của việc làm môn đệ, nhưng cho biết ai đón tiếp các môn đệ thì cũng là đón tiếp Người. “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42). Tình yêu thương tha nhân là sự thẩm định lòng yêu mến Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta.

Điều này nhấn mạnh cho chúng ta tầm quan trọng của lòng hiếu khách trong đời sống Kitô hữu. Chào đón người khác nhân danh Chúa Giêsu là mở rộng lòng hiếu khách đối với chính Chúa Giêsu. Chúng ta có nhiều cơ hội trong cuộc sống hàng ngày để tiếp cận với người khác, trở thành sự hiện diện chào đón và là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Đó là nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người anh em của chúng ta và chào đón họ với những thái độ và hành động cụ thể. Đó chính là cách chúng ta xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân trong đời sống mỗi người chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM