Chúa Nhật Thứ XIV Thường Niên –  Năm C

0
408

Giấc Mơ Bình An

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 66:10-14c

Bài trích sách ngôn sứ Isaia:  Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.

Đáp ca: Tv: 123:1-4

Thánh vịnh 123: Con mắt tôi không ngừng hướng về Chúa.

Bài đọc II: Gl  6:14-18

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Galat: tôi không tự hào điều gì ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô.

Tin Mừng: Lc 10:1-12,17-20

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng về vương quốc của Nước Thiên Chúa.

2. Chia sẻ

Trong thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài đã đề cập đến những giấc mơ bị tan vỡ. Điều này đến từ một thế giới bị sâu xé từ nhiều phía bằng các hình thức khác nhau và nhất là vì thiếu tình huynh đệ. Đó là thực tế của thế giới chúng ta đang sống. Giấc mơ về một thế giới bình an hạnh phúc là giấc mơ chung của toàn thể nhân loại. Dù họ là ai, dù họ ở đâu, thì giấc mơ đó luôn là một khát vọng chính đáng.

Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy rằng, chính Thiên Chúa là người khơi lên ước mơ về một thế giới bình an hạnh phúc và chính Ngài là người thực hiện ước mơ ấy. Sự bình an hạnh phúc mà con người khát khao không gì khác hơn là công trình và ân sủng ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho mỗi người chúng ta.

Giấc mơ về ơn cứu  độ, chúng ta có thể thấy trong thị kiến của Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I. Isaia đã loan báo về một thế giới của sự bình an thịnh vượng. Sẽ có một vương quốc của sự sung mãn hạnh phúc, vì luôn có Chúa hiện diện và ban phúc bình an Vì Đức Chúa phán như sau:Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” (Is 66,12). Thiên Chúa sẽ ban tràn mọi ân ban cho dân Người và họ sẽ được sống trong sự sung túc của ơn cứu độ.

Nhưng đó là giấc mơ về một vương quốc thịnh vượng. Hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi để thực hiện giấc mơ ấy, là đem bình an đến cho thế giới “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10, 3-6). Tuy nhiên, xem ra số người làm việc cho sứ vụ của Tin Mừng còn quá ít và Chúa đã mời gọi “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Lc 10, 2).

Sẽ có bao nhiêu người vui mừng ra đi để thực hiện sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho khắp mọi nơi, mọi nước để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa. Giấc mơ tốt đẹp sẽ không thành hiện thực nếu thiếu vắng những con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu không đưa cho các môn đệ một cuốn giáo lý nào để dạy. Tất cả đều dựa vào việc hàn gắn những tan vỡ, cùng với mệnh lệnh là chia sẻ sự bình an của họ cho dân chúng. Truyền giáo theo phong cách của Chúa Giêsu là một sứ vụ hiện diện; cách những nhà truyền giáo của Chúa đối với những người khác là lời tuyên bố đầu tiên và mạnh mẽ nhất của họ về việc vương quốc của Thiên Chúa sẽ trở thành sự sống. Khi họ đã làm tốt. Cuối cùng, sau khi mọi người bị thu hút bởi niềm vui trong lối sống của họ, thì những con người ấy sẽ được mời gọi để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu theo gương của họ.

Có một người kể về kinh nghiệm truyền giáo như sau: Kinh nghiệm của một trong những người bạn Romania của tôi giải thích cho tôi điều này. Cô bạn của tôi bước vào đời sống tu trì trong khi hoạt động của giáo hội tại đây được coi là bất hợp pháp; cử hành nghi lễ có thể khiến bạn bị bắt, và các cộng đoàn tu sĩ nam nữ bí mật hoạt động ngầm liên tục có nguy cơ bị bỏ tù. Chị nữ tu đã làm việc trong một nhà máy, nơi một số nữ công nhân trẻ khác thu hút sự chú ý của chị  ấy, chỉ đơn giản bởi một điều vô hình là về sự hiện diện của họ. Khi người nữ tu biết họ và hỏi điều gì khiến họ khác biệt, họ thừa nhận rằng họ là những người có niềm tin. Một ngày nọ, họ mời người nữ tu đến cầu nguyện với họ tại căn hộ của họ. Thời gian trôi qua và sự tin tưởng ngày càng lớn. Cuối cùng họ thừa nhận rằng họ thuộc về một cộng đoàn Kitô hữu bí mật và mời người nữ tu tham gia cùng họ. Là những con cừu non giữa bầy sói, họ đã học cách truyền giáo bằng sự hiện diện và chỉ sau đó bằng những lời mời chính thức làm môn đệ.

Những người truyền giáo bằng sự hiện diện của họ trước hết được nhận biết bởi sự tự do của họ. Họ có thể đi chơi với bất kỳ ai mà không cần quan tâm đến những gì người khác có thể nghĩ hoặc nói về họ. Họ nhận thấy nhu cầu và đáp ứng chúng bằng bất cứ khả năng nào mà họ có. Họ không gây ra sự chống đối nhiều vì họ hoàn toàn không bị ấn tượng bởi quyền lực, uy tín và những thứ lấp lánh. Họ sống giây phút hiện tại, vì biết rằng ngày mai nằm ngoài tầm kiểm soát của họ và tương lai hứa hẹn những điều đôi khi không thực.Như vậy, người môn đệ được kêu gọi để đem bình an đến cho người khác. Ơn bình an chính là hiệu quả và ân sủng của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu chuộc được ban phát cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng cần những máng thông chuyển ân sủng ấy. Đó là một ơn sủng đặc biệt đối với những người rao giảng Tin Mừng, vì nó sẽ mang đến một sự biến đổi nơi đời sống của mỗi người. Hay nói khác đi, đó là cách để làm cho họ trở nên những thụ tạo mới trong Chúa. Như thánh Phaolô nói trong bài đọc II rằng Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới (Gl 6,15). Trở nên thụ tạo mới chính là giấc mơ của Thiên Chúa dành cho con người và Ngài mời gọi chúng ta hãy làm vì điều ấy.Được cộng tác với Thiên Chúa trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng và xây dựng vương quốc bình an của Chúa nơi trần gian là một vinh dự cho người môn đệ. Chúng ta có cảm thấy hãnh diện và sẵn sàng để ra đi, để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ của Ngài, qua mọi hoạt động của đời sống chúng ta? Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra ân sủng to lớn của ơn cứu độ nơi đời sống của chúng ta và nhiệt thành dấn thân để trở nên những thợ gặt lành nghề trong cánh đồng của Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM