Chúa Nhật Thứ XIV TN – Năm A

0
381

(Bài đọc I: Dcr  9:9-10; Bài đọc II: Rm 8:9,11-13; Tin Mừng: Mt 11:25-30)

Chúa là Đấng mang đến niềm hy vọng và cậy trông

Ở trong đời sống hằng ngày, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc và có các mối tương quan hài hòa với người khác. Đó đích thực là một cuộc sống lý tưởng và ai cũng mong muốn để có được cuộc sống ấy. Tuy nhiên, điều này không dễ để đạt được hay giữ được nó, vì cuộc sống luôn có những thay đổi và vì vậy cuộc sống lý tưởng này cũng có những bấp bênh của nó. Thế nhưng, các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta nhận ra một Thiên Chúa, Đấng luôn dư dật lòng từ bi, thương xót và Ngài luôn ước ao để mang đến cho chúng ta sự bình an và hạnh phúc, qua sự hướng dẫn của Thần Khí của Ngài.

Trong Bài đọc I, trích từ sách Ngôn sứ Giacaria (9:9-10), chúng ta nghe vị ngôn sứ này khuyên dân Ít-ra-en hãy quay về với Chúa với tấm lòng chân thành và Ngài sẽ đón nhận họ vào sự hiện diện của Ngài. Ngài sẽ đến, không phải với tư cách là một chiến binh hung hăng, mà với tư cách là Đấng “công bố hoà bình cho muôn dân” (Dcr 9,10). Hình ảnh này được diễn tả, không phải như những vị vua quyền uy của chế độ quân chủ cưỡi ngựa với vũ khí trong tay, mà Ngài sẽ đến “khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,10). Điều này phác họa một Thiên Chúa khiêm nhường, thân thương, giàu lòng từ bi và thương xót. Ngài luôn mong mỏi hiện diện giữa dân của Ngài, không phải để lên án hay thể hiện quyền lực, nhưng là để an ủi, phục vụ và yêu thương.

Thánh vịnh Đáp ca (145:1-14) là một bài ca chúc tụng và tạ ơn vì lòng tốt và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh khuyến khích chúng ta đặt niềm tin vào Chúa, chứ không phải vào sự ngu ngốc của thế giới này. Hai dòng cuối của phần Thánh Vịnh này được lặp lại trong nhiều bài hát và lời cầu nguyện “Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.” Chúng là những lời đầy an ủi  cho chúng ta, vì chúng nói với chúng ta về một Thiên Chúa đầy yêu thương.

Bài đọc II, trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8:9-13). Đoạn này là một đoạn trích từ bài giảng dài hơn của Thánh Phaolô về “xác thịt chống lại Thần Khí.” Ngài đang nói rằng, chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu thực thụ, thì là những người đang sống trong Thần Khí, chứ không phải trong xác thịt, “Thưa anh em, anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Rm 8,9). Điểm quan trọng là chúng ta, những người đã cam kết với Chúa Giêsu Kitô và đang sống theo lời dạy của Ngài, thì không cần phải lo lắng về những điều của thế gian này, vì chúng ta có Thần Khí của Đức Kitô ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta điều bình an đặc biệt đó. Tuy nhiên, đối với những người chỉ nói, hoặc nghĩ rằng họ là Kitô hữu nhưng lại sống khác, thì những người này không có Thần Khí của Đức Kitô ở trong đời sống của họ và họ “không thuộc về Chúa Kitô.” Nghĩa là sống theo Thần Khí là sống theo khuôn mẫu của Thiên Chúa.

Bài đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu (11:25-30). Đoạn Tin Mừng này là một trong những đoạn an ủi nhất trong tất cả các sách Tin Mừng. Ở đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài để được an ủi, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Khi chúng ta nghe về tất cả những rắc rối của thế giới ngày nay, thật là an ủi khi biết rằng có một người mà chúng ta có thể tìm đến, người sẽ làm chúng ta tươi tỉnh và giúp chúng ta đối phó với những thử thách của cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta nghĩ rằng đây chỉ là “lời nói đạo đức” thì hãy dũng cảm để làm điều này. Đó là hãy tìm đến với Chúa Giêsu, để có được sự ban tặng an ủi và bình an này. Chính đây là lời Chúa hứa và thực sự, Ngài chính là nguồn cậy trông và hy vọng của chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống.

Ngài muốn tham gia cùng chúng ta, đi bên cạnh chúng ta và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta mệt mỏi, tuyệt vọng hay đơn giản là lạc lối. Và cũng giống như cái ách vật chất được dùng cho những con bò, con trâu khi vụ mùa đến và giúp thu hoạch vụ mùa tốt hơn. Thì khi đúng thời điểm, cái “ách” của Chúa Giêsu cũng giống như vậy. Chúng sẽ giúp chúng ta có được vụ mùa bội thu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Mùa gặt này, khi chúng ta mang lấy ách của Đức Kitô, là mùa gặt của sự bình an, mục đích, sự từ bỏ bản thân của chúng ta, khi chúng ta vun trồng và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu. Chúa sẽ ban cho sự nghỉ ngơi, không phải theo nghĩa vật chất, mà theo nghĩa là sự lo lắng, sợ hãi, nhu cầu chúng ta sẽ được kiểm soát và sự nghi ngờ đều có thể bị xua tan khỏi cuộc sống của chúng ta. Sự nghỉ ngơi đích thực, sự bình an đích thực, niềm vui đích thực, sẽ chỉ được tìm thấy nơi Đấng có quyền ban tặng những điều này: Chúa Giêsu Kitô.

Những gì Chúa nói với chúng ta trong Phúc âm ngày hôm nay là một hành động đầy lòng trắc ẩn, vì Ngài hiểu những gian nan và thử thách thực sự là một phần của cuộc sống này. Ngài ban cho chúng ta một con đường, ngay tại đây và ngay bây giờ, có thể giải thoát chúng ta trên hành trình hướng về ngôi nhà thực sự của mình trên thiên đàng. Con đường đó, con đường dẫn đến bình an như vậy, là bằng cách chấp nhận ách của Chúa Kitô, nói xin vâng để dâng tất cả cho Chúa Kitô. Cái ách Chúa Giêsu không mang đến ràng buộc chúng ta, nhưng giải thoát chúng ta. Ách của Chúa Giêsu không khó mang, thật dễ dàng khi chính Ngài nói với chúng ta như vậy. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM