(Bài đọc I: 1 V 19:4-8; Bài đọc II: Ep 4:30-5:2; Tin Mừng: Ga 6:41-51)
Nuôi dưỡng linh hồn
Chủ đề của các bài đọc hôm nay vẫn là “Thiên Chúa lo liệu cho dân Ngài”. Đề cập đến việc cung cấp lương thực vật chất như cho 5000 người đến nghe Chúa Giêsu rao giảng. Các Bài đọc hôm nay có chủ đề tương tự, nhưng ở đây đề cập đến việc nuôi dưỡng sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn. Trong Cựu Ước, người Do Thái rất tôn kính việc Thiên Chúa nuôi dưỡng họ trong các biến cố trong quá khứ (Xem Xuất Hành 16:4; Nê-hê-mi 9:15, Tv 105:40 và Bài Đọc một hôm nay). Chính từ những biến cố đó, mà dân tộc Do Thái đã coi “Bánh” như một biểu tượng của Sự sống. Nhưng xem ra cách họ phản ứng khi Đức Giêsu tuyên bố mình là “Bánh hằng sống” đã làm cho họ bị thách đố.
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Các Vua quyển thứ nhất (19:4-8). Đây là một câu chuyện về việc Thiên Chúa một lần nữa chu cấp cho dân Ngài. Trong trường hợp này, ngôn sứ Êlia đã được Thiên Chúa giao cho một nhiệm vụ cụ thể, nhưng những nỗ lực của ông không thành công lắm; và ông ta chán nản và cố gắng bỏ chạy. Nhưng Thiên Chúa sẽ không để vị ngôn sứ đi dễ dàng như vậy. Ngài cung cấp thức ăn và nước uống cho ông Êlia, rồi lại sai ông đi hoàn thành nhiệm vụ của mình: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa” (1 V 19, 7). Thiên Chúa biết rõ nhu cầu vật chất, cũng như nhu cầu tâm linh của chúng ta.
Đáp Ca là Thánh Vịnh (34:2-9). Đây là một lời cầu nguyện đẹp đẽ của một người đã được Chúa giải cứu khỏi nguy hiểm về thể xác hoặc tinh thần và giờ đây đang tôn vinh Ngài với lòng biết ơn. Thánh vịnh này thường được sử dụng trong các đọc của Thứ Sáu Tuần Thánh vì nó ám chỉ đến việc Thiên Chúa Cha “trông chừng tất cả xương cốt của Ngài (Chúa Giêsu), không một chiếc xương nào sẽ bị gãy” (Tv 34:21).
Bài đọc thứ hai, trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4:30-5:2). Mặc dù lúc đầu chúng ta có thể không nhìn thấy, nhưng Thánh Phaolô đã đưa cho chúng ta “chìa khóa” về cách Thiên Chúa dõi theo dân Ngài ngày nay. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta, nếu chúng ta để Ngài làm điều đó. Chúng ta nên đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa thánh Thần vào mỗi buổi sáng. Khi chúng ta bỏ qua sự hướng dẫn hoặc lời khuyên của Ngài, điều đó “làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4, 30). và như thế, dường như chúng ta đang hướng tới tội lỗi như Thánh Phaolô đề cập.
Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan (6:41-51). Tin Mừng Gioan không cho chúng ta thấy cảnh Bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu ban Mình và Máu Người để tưởng nhớ như các Tin Mừng khác. Thay vào đó, Thánh Gioan dành phần lớn Chương 6 cho món quà tuyệt vời này mà chúng ta nên thường xuyên suy ngẫm, đó là diễn từ về “Bánh Hằng Sống.”
Hãy dành một chút thời gian và suy nghĩ về đức tin và tôn giáo của chúng ta khi không có Bí tích Thánh Thể hay việc Rước lễ. Chẳng hạn như vậy, thì Thánh lễ chỉ có cầu nguyện, bài giảng và ca hát. Chúng ta sẽ không có gì vật chất hay hữu hình để nhớ đến Chúa Giêsu hoặc gần gũi với Ngài về mặt thể xác. Sẽ không có nhà tạm để viếng thăm hoặc chủ sự đặt Mặt nhật để thờ phượng trong những ngày chầu Thánh Thể. Sẽ không có linh mục nào đưa Chúa Giêsu đến chỗ người bệnh hoặc người không thể tham dự thánh lễ.
Nhưng Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta món quà Thánh Thể tuyệt vời này vì Bí tích này đáp ứng nhu cầu mà tất cả chúng ta đều có. Chúng ta không thể có đời sống thiêng liêng nếu không có bí tích này. Vì vậy, chúng ta được khuyến khích đón nhận Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể thường.
Để được duy trì cuộc sống vĩnh cửu của đức tin và tình yêu này, đòi hỏi phải ăn bánh đích thực từ trời: Chúa Giêsu, chính bánh sự sống. Nếu không đến với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, hành trình đức tin Kitô giáo sẽ trở nên quá dài đối với chúng ta. Tiếp nhận Bí tích Thánh Thể trong đức tin không có nghĩa là chúng ta phải phủ nhận những gì mình nhìn thấy và nếm thử – hình dáng của bánh và rượu là có thật, vì Chúa Giêsu đang hiến mình làm lương thực. Nhưng chúng ta được mời gọi không giới hạn việc đáp lại Mình Thánh chỉ theo những gì giác quan mách bảo, và điều này có nghĩa là đón nhận Bí tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu hằng sống.
Vì chính Tin Mừng mà chúng ta đã nghe công bố, kể về những gì Chúa Giêsu đã nói và làm trong thế giới của chúng ta nhiều năm trước, là ký ức và kinh nghiệm cá nhân về Đấng mà chúng ta đón nhận và gặp gỡ dưới dấu chỉ bánh. Rước lễ với đức tin là nếm biết Chúa tốt lành biết bao bằng cách nhớ lại Người đã yêu thương chúng ta như thế nào. Trong đức tin, chúng ta nên hỏi mỗi lần rước Mình Thánh Chúa ở trong tay chúng ta: “Lạy Chúa, làm sao Chúa đến được đây?” Vì ngay cả khi chúng ta đã ăn Mình Thánh rất nhiều lần, chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ thiên đàng chứa đựng trong Bí tích Thánh Thể.
Một mầu nhiệm lớn lao mời gọi chúng ta khám phá mỗi ngày về bí tích Thánh Thể. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta nhận ra sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể bằng những cuộc gặp gỡ, và cũng nhận ra Ngài là lương thực đích thực nuôi sống linh hồn chúng ta: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM