Chúa Nhật Thứ XV Thường Niên –  Năm C

0
598

Khám Phá Những Khuôn Mặt Của Chúa

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Đnl 30:10-14

Bài trích sách đệ nhị luật: Mose nhắc nhở dân chúng rằng, các điều răn của Thiên Chúa không xa vời nhưng đã ở trong lòng họ.

Đáp ca: Tv:  69:14,17,30-31,36-37

Thánh vịnh 69: Hãy hướng về Chúa trong các nhu cầu của bạn và bạn sẽ được sống.

Bài đọc II: Cl 1, 15-20

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Colose: đức Kitô là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh.

Tin Mừng: Lc 10, 25-37

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: dụ ngôn người Samari nhân hậu.

2. Chia Sẻ

Luật lệ là một trong những quy tắc ứng xử quan trọng mà trong bất cứ xã hội nào cũng có. Luật lệ là để người ta đối xử với nhau một cách công bình và mưu ích chung. Nếu cứ tuân thủ theo những luật lệ chuẩn mực, mọi người sẽ thăng tiến tốt trong các mối tương quan và ứng xử xã hội.

Trong các sách Tin Mừng Maccô và Matthêu, Chúa Giêsu đã được hỏi về điều răn lớn nhất. Ở đây, trong Tin Mừng Luca, các nhà thông luật đã hỏi Chúa Giêsu rằng Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Câu trả lời đã được đưa ra khi Chúa Giêsu nói rằng, yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương người lân cận là những gì cần thiết cho sự sống vĩnh cửu. Câu trả lời của Chúa Giêsu rất đơn giản “cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28). Nhưng đâu là động lực để chúng ta, những người Kitô hữu khám phá ra khuôn mặt của Chúa để chúng ta sống yêu thương và phục vụ?

Khám phá một hình ảnh Thiên Chúa vô hình

Trong bài đọc II, thánh thi Clossê của thánh Phaolô đã cho chúng ta nhận ra một Thiên Chúa vô hình “Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo”(Cl 1,15). Bài thánh ca này nhắc nhở chúng ta về lời của Teilhard de Chardin, người đã hình dung Chúa Kitô là nguồn gốc và vận mệnh của vũ trụ. Một Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để cứu độ con người. Đấng mà mọi tạo vật trở thành và trong đó tất cả sẽ được hợp nhất. Thánh Phaolô  và Teilhard là những người sống tính cách thần bí đã truyền cảm hứng cho chúng ta để tự hỏi rằng, đi theo sự dẫn dắt đó theo lối thần học, chúng ta có dám dành cả đời để khám phá điều đó?

Xem ra một Thiên Chúa vô hình thì con mắt thể lý rất khó và dường như không thể để nhìn thấy Thiên Chúa đó được. Tuy nhiên, không phải vì Thiên Chúa vô hình mà chúng ta không thấy Ngài được. Chúng ta vẫn có thể nhận ra những khuôn mặt của Thiên Chúa nơi người khác, nơi những người anh em xung quanh chúng ta.

Đôi khi những khuôn mặt của Thiên Chúa đấy ẩn dấu dưới khuôn mặt của những con người dễ thương dễ mến và điều này làm cho chúng ta dễ dàng nhận ra hình ảnh của Ngài. Nhưng cũng đôi khi khuôn mặt của Thiên Chúa ẩn dấu dưới khuôn mặt của những người nghèo, những người tàn tật, những con người bị “biến dạng” vì nhiều hoàn cảnh khác nhau trong xã hội. Lúc đó rất khó để chúng ta nhận ra Ngài.

Nhưng đó lại là những khuôn mặt của Thiên Chúa, chúng ta cần khám phá bằng chính hành động bác ái yêu thương của mình. Cụ thể về người Samaritanô nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay, người đã cứu người bị kẻ cướp đánh dọc đường.

Người nạn nhân bên vệ đường đó chính là hình ảnh của một Thiên Chúa vô hình. Chúng ta hoàn toàn không thấy Chúa, nhưng chỉ thấy một người anh em đầy thương tích. Nhưng người anh em đó là khuôn mặt của Thiên Chúa mà chúng ta cần khám phá và nhận ra. Một Thiên Chúa bị che đậy bởi hình hài và khuôn mặt của một con người.

Không dễ dàng gì để nhận ra Chúa nơi những người này, nếu con tim chúng ta không có nỗi khát khao và lòng hăng say đi kiếm tìm Thiên Chúa. Chỉ có sự khát vọng muốn gặp gỡ Thiên Chúa thực sự mới có thể giúp chúng ta dừng lại và thể hiện tình mến của mình dành cho Thiên Chúa qua người anh em “nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương” (Lc 10, 33).

Và điều thực hiện này rất cụ thể trong cuộc sống chúng ta. Mặc dù chúng ta chiêm ngắm hình ảnh một Thiên Chúa vô hình nơi những người anh em chúng ta, nhưng không vì thế mà nó trở nên bất khả thi. Nó rất thực tế, gần gũi và đụng chạm trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Nó không phải là một mệnh lệnh xa vời, nhưng là một mệnh lệnh thực tiễn như sách Đệ Nhị Luật đã nói với chúng ta “mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’” (Đnl 30, 12).

Vì vậy để sống giới răn yêu thương của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải thực tế. Tình mến phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Và khi thể hiện bằng hành động, chúng ta sẽ vén tấm khăn bề ngoài đang che đi khuôn mặt mỹ miều, xinh đẹp của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.

Khuôn mặt một Thiên Chúa của lòng thương xót

Chúng ta vừa khám phá ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi con người của kẻ sắp chết vệ đường đã được người Samaritanô cứu sống. Cùng lúc đó, chúng ta lại nhận ra khuôn mặt của một Thiên Chúa đầy lòng thương xót nơi người dân ngoại tốt bụng này. Ông đã hành động bằng tình yêu và đã mang lại sự chữa lành cho nạn nhân cả về thể lý lẫn tinh thần “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương.  Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”(Lc 10, 33-34).

Nhìn thấy hoàn cảnh của nạn nhân, người Samaritanô đã từ bỏ kế hoạch của mình, hy sinh dự phóng của mình để chữa trị vết thương cho người kia, biến con lừa chở hàng của mình thành xe cứu thương và cuối cùng ủy thác cho người khác tiếp tục chăm sóc nạn nhân. Còn ai tuyệt vời hơn người Samaritanô này cho chúng ta một bức chân dung của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể nhân hậu của Thiên Chúa?Từ những tình tiết xúc động này, chúng ta có một câu chuyện về một con người có phẩm giá đã bị bôi nhọ theo mọi cách có thể: bị cướp của cải, bị từ chối và bị bỏ mặc cho đến chết. Ứng phó với nạn nhân này chắc chắn sẽ kéo theo rủi ro. Một mặt, có nguy cơ bị phục kích, biến người sẽ giúp đỡ thành nạn nhân thực sự. Một Thiên Chúa liều mạng để cứu sống chúng ta. Thiên Chúa đã dám chấp nhận đón nhận những rủi ro cho mình để thể hiện tình yêu thương chúng ta. Đó là hình ảnh của một Đức Kitô giàu lòng thương xót đã luôn yêu thương chúng ta.Như vậy trong đời sống hằng ngày có vô vàn những khuôn mặt khác nhau của Thiên Chúa mà mỗi người chúng ta cần khám phá. Và khi khám ra khuôn mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy giới răn yêu thương của Thiên Chúa trở nên dễ dàng thực hiện trong đời sống chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM