Chúa Nhật Thứ XVI TN  – Năm A

0
501

(Bài đọc I: Kn 12:13,16-19; Bài đọc II: Rm 8:26-27; Tin Mừng: Mt 13:24-43)

Cộng tác với ơn Chúa

Trong các bài đọc hôm nay, có nhiều chủ đề, nhưng chúng dường như ăn khớp với chủ đề chính là hướng về Chúa Thánh Thần, để được hướng dẫn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đây không phải là sự trút bỏ hoàn toàn những lo lắng hoặc vấn đề của chúng ta, mà đúng hơn là ý thức có chủ ý tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, trong việc giải quyết các vấn đề của chúng ta và hoàn thành vai trò của chúng ta trong Kế hoạch Cứu rỗi của Thiên Chúa. Một số người không muốn sự giúp đỡ từ Chúa, hoặc bất kỳ ai khác và những người khác không muốn sử dụng những món quà mà Chúa đã ban cho họ. Vậy chúng ta tìm sự cân bằng ở đâu? Sự cân bằng đó đến từ việc chúng ta cần cộng tác với ân sủng của Chúa ban, để sinh lợi cho phần linh hồn của mình.

Bài đọc một trích từ Sách Khôn Ngoan (12:13-19). Tác giả sách Khôn ngoan chắc hẳn đã rất gần gũi với Thiên Chúa và tự mình kinh nghiệm được nhiều lợi ích mà Chúa ban cho những ai cầu xin sự giúp đỡ của Ngài. Toàn bộ đoạn văn này là kinh nghiệm khôn ngoan và chân thành, mà người ta có được trong đời sống thiêng liêng của mình. Từ điều này, chúng ta nên biết rằng, chỉ bằng cách hiểu và thực hiện mối tương quan của mình với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể hạnh phúc và an toàn trong tay Ngài: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề” (Kn 12,19).

Thánh vịnh Đáp ca (86:5-16) có cùng chủ đề về tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ dồi dào của Thiên Chúa; và đúng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng, Ngài cũng hoàn hảo trong công lý, điều này đòi hỏi phải trừng phạt những hành vi sai trái – một lần nữa, đó là sự công bằng. Ngày nay, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng Thiên Chúa “yêu thương hết mực”, nhưng chúng ta đừng quên rằng, công lý đòi hỏi sự công bằng.

Bài đọc II, trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (8:26-27). Ở đây chúng ta trở lại chủ đề Chúa Thánh Thần giúp đỡ chúng ta. Mặc dù thánh Phaolô nói về sự cầu nguyện trong đoạn này, nhưng ngài cũng ám chỉ rằng, chúng ta cần tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần trong mọi việc. Đây là vai trò của Chúa Thánh Thần và chúng ta nên kêu cầu Ngài để được hướng dẫn và soi sáng, “và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 27). Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong đời sống của mỗi người chúng ta, để hướng dẫn tâm hồn chúng ta từ bên trong, với những ý hướng tốt lành.

Bài đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu (13:24-43). Trong đoạn văn dài này, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta ba dụ ngôn, mỗi dụ ngôn đều có yếu tố gieo trồng, tăng trưởng và thu hoạch hoặc gặt hái hoa lợi từ công việc của mình. Điều này khiến các môn đệ bối rối, họ yêu cầu một lời giải thích, mà Chúa Giêsu đưa ra một cách riêng tư. Cả ba dụ ngôn đều sử dụng những kinh nghiệm thông thường để mô tả các khía cạnh của Nước Trời.

Dụ ngôn đầu tiên dài hơn và chi tiết hơn hai dụ ngôn tiếp theo, và nó cảnh báo chúng ta về thực tại hai mặt của Nước Trời. Sự khởi đầu của Vương quốc Thiên Đàng có thể được tìm thấy trong thế giới này. Tuy nhiên, kết quả của Vương quốc Thiên Đàng sẽ không được thực hiện cho đến khi phán xét cuối cùng. Trong khi chờ đợi, như lời cảnh báo của Chúa Giêsu cho các môn đệ, bất kỳ nỗ lực nào để đánh giá sự tiến triển của Nước Trời đều là quá sớm. Chỉ có Thiên Chúa, trong cuộc phán xét cuối cùng, sẽ phân biệt hoa quả của Nước Thiên Đàng và trao tặng phần thưởng.

Dụ ngôn thứ hai và thứ ba kêu gọi sự chú ý của chúng ta về sự dư dật, sẽ là kết quả của những khởi đầu nhỏ bé của Nước Trời. Giống như hạt cải—loại nhỏ nhất trong các loại hạt—sẽ trở thành một bụi lớn, Thiên Chúa cũng sẽ làm cho Nước Trời nở rộ. Như một lượng nhỏ men sẽ làm dậy cả mẻ bánh, thì Thiên Chúa cũng sẽ mở mang Nước Trời. Trong mỗi trường hợp, hình ảnh là sự dư dật mà Thiên Chúa mang đến, từ những dấu hiệu tốt lành dù là nhỏ nhất của Nước Trời.

Chứa đựng trong những dụ ngôn này là những lời cảnh báo cũng như những lời an ủi. Trong dụ ngôn người gieo giống, chúng ta được cảnh báo không nên xét đoán người khác. Đánh giá và nhổ “cỏ lùng” sớm sẽ gây hại cho lúa mì; sự phán xét cuối cùng thuộc về Thiên chúa. Trong truyện ngụ ngôn về hạt cải và men, chúng ta được an ủi bởi thông điệp rằng, Thiên Chúa có thể làm nên những điều kỳ diệu và tạo ra sự dư dật ngay cả từ những bước khởi đầu nhỏ nhất của Nước Thiên Đàng.

Thế giới và cuộc sống trong đó có thể phức tạp. Chúng ta dễ bị cuốn theo những con người, những ham muốn và những hành động có thể gây nguy hiểm cho đời sống thiêng liêng và sự thánh thiện của chúng ta. Có vô số “cỏ dại” luôn mọc lên gần chúng ta, luôn có thể bóp nghẹt sự sống ân sủng khỏi chúng ta. Những cám dỗ rất nhiều và luôn hiện diện với chúng ta. Ngày nay, trước sự bùng nổ của vô số lựa chọn và giải trí phổ biến, sự xói mòn các giá trị truyền thống và tập tục xã hội, và sự chấp nhận thuyết tương đối của nhiều người, đó là một môi trường cực kỳ khó khăn, để một người có đức tin sống một cuộc đời thánh thiện và trong sạch.

Như vậy, điều này gợi lên cho chúng ta một tâm tình là cần cộng tác với ân sủng của Chúa, dù có nhỏ bé, thì với sự cộng tác này, cùng với sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần, nó sẽ phát sinh hoa trái. Đó sẽ là những hoa trái đích thực, đáng mong đợi, vì nó được sinh ra bởi ân sủng của Chúa và theo ý muốn của Ngài. Đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào trong đời sống để gieo những hạt giống tốt, “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình” (Mt 11,24) và hy vọng với ơn Chúa, chúng ta sẽ có vụ mùa bội thu, đó chính là phần thưởng thiên đàng.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM