Chúa Nhật Thứ XVII TN – Năm B
(Bài đọc I: 2V 4:42-44; Bài đọc II: Ep 4:1-6; Tin Mừng: Ga 6:1-15)
Chúa nuôi dưỡng dân Ngài
Nói về nhu cầu vật chất hay nhu cầu căn bản của con người thì chúng ta dễ dàng có thể đề cập đến. Thậm chí chúng ta còn có thể biết nhu cầu của mình hằng ngày là như thế nào cho hợp lý và tốt cho bản thân. Tuy nhiên, khi nói về nhu cầu thiêng liêng, đôi khi chúng ta tỏ ra lúng túng và khó biết được nhu cầu của mình như thế nào. Nhưng dù sao, nhu cầu thiêng liêng là một yếu tố quan trọng trong đời sống của chúng ta, và mỗi người kitô hữu cần chăm lo cho bản thân của mình.
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Các Vua quyển thứ hai (4:42-44). Đoạn văn này là phần tiếp theo của câu chuyện về Ngôn sứ Elisha, người được Chúa phái đến để chiến đấu với những tệ nạn của chế độ quân chủ Do Thái (khoảng năm 800 trước Công nguyên). Ngôn sứ Êlisê đã được Thánh Linh ban cho ân tứ làm phép lạ; không phải để sử dụng cho riêng mình, nhưng để thể hiện quyền năng và sự tốt lành của Thiên Chúa. Trong câu chuyện này, Ngài đang cho 100 người ăn bằng 20 ổ bánh mì. Điều này xem ra tương tự với những gì chúng ta sẽ thấy trong bài đọc Tin Mừng dưới đây, nhưng điều mà chúng ta và những người ở thời Êlisê lẽ ra phải thấy, là Thiên Chúa cung cấp cho dân Ngài những nhu cầu, những ai kêu cầu Ngài khi họ cần: “Ông bảo : “Cứ phát cho người ta ăn ! Vì Đức Chúa phán thế này: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư” (2 V 4, 43).
Đáp Ca là Thánh Vịnh (145:10-18). Ở đây chúng ta có một thánh vịnh công nhận lòng nhân lành của Thiên Chúa và ca ngợi Ngài vì lòng nhân hậu và sự quan phòng của Ngài, nhưng điều này không dễ dàng, đặc biệt nếu chúng ta chỉ trông cậy vào Chúa vì những nhu cầu vật chất. Linh hồn quan trọng hơn thể xác và Chúa không phải là “anh nuôi”. Dòng cuối cùng của thánh vịnh này cho chúng ta một hướng đi đúng đắn: “Chúa ở gần tất cả những ai kêu cầu Ngài – trong sự thật.” Sự thật, trong bối cảnh này, có nghĩa là nhận thức chân thành về Thiên Chúa là ai.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4:1-6). Trong đoạn này, Thánh Phaolô tóm tắt toàn bộ sứ điệp của các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Nếu dựa trên sự hiểu biết và chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta, chúng ta phải để ánh sáng của Ngài chiếu soi qua việc làm và lời nói của mình: “Thưa anh em, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em” (Ep 4, 1). Hơn nữa, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa ở trong chúng ta và trong mỗi Kitô hữu đã được rửa tội, thì chúng ta phải yêu thương nhau như phản ánh Thiên Chúa ở trong chúng ta.
Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan (6:1-15). Đây là câu chuyện quen thuộc về việc Chúa Giêsu cho khoảng 5000 người ăn bằng cách hóa năm chiếc bánh ra nhiều. Hầu hết mọi người đều quá chú ý đến tầm quan trọng và sự độc đáo của phép lạ này đến nỗi họ không nhìn thấy điều gì là quan trọng nhất – đó là Thiên Chúa chu cấp cho dân Ngài! Khi câu chuyện tiến triển, dân chúng đổ xô đến với Chúa Giêsu vì họ coi Ngài là Đấng có thể cung cấp mọi nhu cầu vật chất cho họ. Họ không nhận ra rằng Thiên Chúa đang ở giữa họ qua con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng có thể và sẽ cung cấp nhiều thứ hơn là một bữa ăn. Họ cũng không để cho bản chất của phép lạ thấm sâu vào trái tim và tâm hồn họ.
Đôi khi trong thế giới ngày nay, chúng ta dễ dàng làm ngơ hoặc coi là không quan trọng về các nhu cầu thiêng liêng của mình và của người khác. Vì những gì vật chất được cung cấp cho chúng ta, dường như làm cho chúng ta thỏa mãn và coi đó là đủ. Thế nhưng, điều gì xảy ra khi chúng ta đặt tất cả những điều này lại với nhau và hỏi về thông điệp cho ngày hôm nay? Chúng ta hãy lấy lời của Phaolô làm chìa khóa để giải nghĩa. Lối sống nào xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta? Chúa Giêsu cảm nhận được cơn đói của mọi người và kêu gọi một môn đệ không chút nghi ngờ cũng cảm nhận được điều đó. Sau đó, một đệ tử khác không chỉ nhìn thấy mà còn chú ý đến những người ở đó. Ông gợi ý rằng một đứa trẻ có thể có thứ gì đó để cho trong tình huống này: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” (Ga 6, 9). Chúa Giêsu đã chúc phúc cho lòng quảng đại vô bờ bến của đứa trẻ – và mọi người đều hài lòng.
Ai đã ngờ chuyện gì có thể xảy ra ngày hôm đó? Đám đông? Chúa Giêsu? Philipphê hay Andrê? Đứa trẻ? Hoàn cảnh đã gắn kết họ lại với nhau để tạo nên một hiện thực mới, một tương lai tốt đẹp hơn bất kỳ quá khứ nào. Một số người nghĩ rằng sẽ không bao giờ đủ nhưng Chúa Giêsu và qua sự quảng đại của đứa trẻ, mọi sự đã trở nên dư thừa.
Hãy xin Chúa ban cho chúng ta biết quan tâm đến như cầu thiêng liêng của mình và của người khác. Để rồi với chút đóng góp của mỗi người, Thiên Chúa sẽ khỏa lấp mọi nhu cầu của chúng ta với lòng quảng đại vô biên của Ngài.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM