Chúa Nhật Thứ XVIII TN – Lễ Chúa Hiển Dung – Năm A

0
495

(Bài đọc I: Đn: 7:9–10,13–14; Bài đọc II: 2 Pr 1:16–19; Tin Mừng: Mt 17:1–9)

Đức tin vào sự vinh quang đời đời

Ngày lễ Chúa Hiển Dung hôm nay đánh dấu một biến cố quan trọng trong cuộc đời sứ vụ công khai của Chúa Giêsu trên trần gian. Đó là cuộc Hiển Dung của Ngài với ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan trước mặt hai nhân chứng Cựu Ước là ông Môsê và Elia. Đây là một biến cố liên quan đến nền tảng đức tin của các tông đồ, đặc biệt là ba môn đệ hôm nay được Chúa cho thấy Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Biến cố naỳ củng cố đức tin của các môn đệ trước khi nhìn thấy những thách đố lớn lao của cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu.

Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ Daniel, đây là một đoạn nói về thị kiến của Daniel về Đấng Lão Thành (Thiên Chúa). Ngài ngự trên ngai với tất cả vinh quang và uy quyền, qua những gì được mô tả với tất cả sự uy nghi của Ngài, và trong thị kiến này có sự xuất hiện của Con Người: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa : có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến.Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện” (Đn 7,13). Con Người chính là hình ảnh Đức Kitô xuất hiện trong vương quyền của Thiên Chúa Cha.

Bài đọc II, trích thư của thánh Phêrô Tông đồ, trình bày về vương quyền và danh dự của Đức Kitô, Đấng được tôn vinh bởi Chúa Cha. Và điều này không chỉ đến những gì ngài đã được thấy Chúa biến hình nơi thân xác của Đức Kitô, nhưng cũng bởi tiếng nói từ Chúa Cha “Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến” (2 Pr 1, 17). Phêrô chính là một trong những nhân chứng cho thị kiến có tính ngôn sứ này về vương quyền và vinh quang của Đức Kitô.

Bài Tin Mừng, trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu. Sự biến hình xảy ra sau khi ông Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và sau khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài. Trong các Tin Mừng nhất lãm về biến cố này, đó là một cuộc thảo luận về cái giá của việc trở thành môn đồ trước biến cố biến hình.

Trong mỗi sách Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Trong khi họ ở đó, ông Êlia và Môsê xuất hiện và trò chuyện với Chúa Giêsu. Ông Êlia và Môsê đều là những nhân vật quan trọng trong lịch sử Israel. Ông Môsê đã dẫn dắt dân Israel thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và nhận từ Thiên Chúa Mười Điều Răn. Ông Môsê đại diện cho Lề luật, hướng dẫn cuộc sống của người dân Do Thái. Ông Êlia là một trong những ngôn sứ quan trọng nhất của dân Israel, người đã giúp dân Israel trung thành với Thiên Chúa, và một số người tin rằng, sự trở lại của ông Êlia sẽ báo hiệu sự xuất hiện của Đấng Mêsia cho người Do Thái. Sự xuất hiện của hai nhân vật này trong lịch sử dân Israel cho thấy sự liên tục của Chúa Giêsu với Lề luật và các ngôn sứ. Biến cố này cũng tiết lộ rằng Chúa Giêsu là sự hoàn thành của tất cả những gì đã được hứa với dân Israel.

Làm sao chúng ta có thể hiểu được “vinh quang” mà các môn đệ nhìn thấy trên núi? Đức Giêsu, Đấng vừa là người, vừa là Thiên Chúa, đã chiếm hữu vinh quang này một cách viên mãn ngay từ lúc Nhập thể trở đi. Trong phần lớn cuộc đời trần thế của Ngài, vinh quang thể xác dành cho Con Người dường như bị ẩn giấu hoặc bị che khuất. Trong một cái nhìn thoáng qua thì ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thị kiến về thân xác đó. Sau khi Phục sinh, tất cả các tông đồ và nhiều nhân chứng khác sẽ nhìn thấy thân xác vinh quang đó, như chúng ta thấy trong biến cố biến hình hôm nay, “rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2).

Biến cố Hiển Dung nhằm mục đích chuẩn bị cho các môn đệ và tất cả các tín hữu trung thành cho sự sống vinh hiển. Chúa Kitô hứa sẽ tôn vinh cả linh hồn và thể xác của tất cả những ai sống và tin vào Ngài. Khi còn ở trên trái đất này, chúng ta bắt đầu chia sẻ sự sống của Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ngài. Tuy nhiên, linh hồn của chúng ta vẫn bị suy yếu do ảnh hưởng của tội lỗi. Cơ thể của chúng ta phải chịu bệnh tật, thương tích và cái chết. Thật an ủi biết bao khi nghĩ đến một linh hồn được vinh hiển và một thể xác được vinh hiển. Ngay cả bây giờ, linh hồn của những người được chúc phúc cảm nghiệm vinh quang này khi họ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và chiêm ngưỡng lòng nhân lành của Ngài. Trong ngày chung thẩm, thân xác của những người công chính cũng sẽ được tôn vinh. Trong khi chúng ta hầu như không thể biết trước được cuộc sống này sẽ như thế nào, thì ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thoáng thấy điều đó trên núi thánh. Và điều đó củng cố đức tin của chúng ta trong niềm tin vào việc tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, khi chúng ta sống trong cuộc sống trần thế này.

Lễ Chúa Hiển Dung này là một cơ hội hoàn hảo để chiêm ngưỡng “những điều ở trên cao” (Cl 3:1). Cuộc đời này, với tất cả những vui buồn, đẹp đẽ và xấu xa, những thành công và thất bại của nó, chỉ tồn tại trong một chớp mắt so với vĩnh cửu. Chúa ban cho tất cả chúng ta cơ hội để được biến đổi vào một ngày nào đó, như Ngài đã ở trên núi thánh, chỉ cần chúng ta thực sự theo Ngài. Nếu làm như vậy, vào ngày vinh quang của sự phục sinh của chúng ta, tất cả chúng ta sẽ nói: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!” (Mt 17, 4).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM