Chúa Nhật Thứ XX Thường Niên –  Năm C

0
325

Ngọn Lửa Đức Tin

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Gr 38:4-6,8-10

Bài trích sách Ngôn sứ Giêrêmia: Giêrêmia phải chịu hình phạt vì đã đấu tranh cho công lý và sự bất công cho người nghèo.

Đáp ca: Tv:  40:2-4,18

Thánh vịnh 40: Lời cầu nguyện xin Thiên Chúa cứu giúp.

Bài đọc II: Hipri 12:1-4

Trích thư Hipri: Hãy kiên trì trong cuộc chạy đua của chúng ta trong khi mắt không ngừng hướng nhìn về Chúa.

Tin Mừng: Lc 12:49-53

Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Đức Kitô đến không phải chỉ mang bình an, nhưng cũng mang sự chia rẽ.

2. Chia Sẻ

Có bao giờ anh chị em đã từng đau khổ vì đức tin của mình chưa? Anh chị em có tin vào Chúa Giêsu không? Vào chính lúc này, vẫn đang có những Kitô hữu bị tra tấn và giết hại vì họ dám nhận mình là người Kitô hữu.

Có thể nói rằng, bị bách hại là một phần của đời sống người Kitô hữu trên khắp thế giới, để phải trả giá cho đức tin của mình. Từ những cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem cho đến mọi miền vùng đất mà Tin Mừng hiện diện, thì luôn có những bắt bớ và áp bức trong đời sống người Kitô hữu.

Chỉ cần nhìn lướt qua chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, trong Giáo hội thời đại nào cũng có những vị tử đạo. Họ chết dưới nhiều chế độ và văn hóa khác nhau, nhưng đều chung một điểm, là trở nên chứng nhân cho Thiên Chúa khi kiên quyết giữ niềm tin của mình.

Điều đó chúng ta có thể nhận thấy trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, khi nói về những con người sống kiên cường trong đức tin của mình. Và chính Chúa Giêsu đã trở nên yếu tố quan trọng để xác quyết xem ai là người có đức tin tinh tuyền nhất và lý do mà họ giữ đức tin của mình.

Như câu chuyện của ngôn sứ Giêrêmia được kể trong bài đọc I hôm nay. Bởi vì ngôn sứ dám nói sự thật để làm chống lại những nhà lãnh đạo thời bấy giờ, ông đã bị ném vào một cái bể và để cho chết “Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa”(Gr 38, 9).

Tại một thời điểm trong cuộc vây hãm, nhà vua đã yêu cầu Giêrêmia thay mặt dân chúng cầu bầu với Thiên Chuá. Đáp lại, Giêrêmia nói rằng nhà vua sẽ sớm thay đổi quân Giu-đa mà không có gì tốt hơn là một đội quân bị thương vong (Gr 37:10). Tức giận vì sự thiếu hợp tác của vị ngôn sứ, nhà vua đã giao ông cho các quý tộc, họ đã ném ông ta vào một cái bể chứa. Chính lối sống thật mà Giêrêmia đã bị trả giá cho hành động của mình. Lối sống này xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa.

Trong bài đọc thứ II, tác giả thư Hipri kể về cuộc tử đạo của Chúa Giêsu và khuyến khích người đọc hãy vững vàng trong cuộc đấu tranh chống lại tội lỗi. Và cho dù cuộc chiến của họ vì đức tin có vất vả như thế nào, thì so với cuộc khổ nạn của Chúa, điều ấy vẫn chưa đáng là gì cả “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu” (Hr 12, 4).

Trong câu cuối cùng của bản văn này, độc giả được nhắc nhở rằng, cũng như Chúa Giêsu gặp phải sự chống đối vì những nỗ lực của Ngài, thì họ cũng vậy. Trên thực tế, những người nhận lá thư này vào thế kỷ thứ nhất đã phải đối mặt với sự ngược đãi từ thế giới La Mã, cũng như Do Thái. Tuy nhiên, tác giả cổ đại đã nói với họ, “các ngươi vẫn chưa chống cự đến mức đổ máu” (câu 4). Theo William Barclay, tuyên bố này nhấn mạnh sự đắt giá thiết yếu của đức tin Kitô giáo. Sự cứu rỗi của chúng ta phải trả giá bằng mạng sống của Con Thiên Chúa. Một di sản như thế không phải là thứ mà một người có thể làm hoen ố được. Những câu này đưa ra yêu cầu đặt ra cho mọi Kitô hữu: Hãy tỏ ra xứng đáng với sự hy sinh đã được thực hiện cho bạn bởi Chúa Giêsu và tất cả những người tử vì đạo đã sống và chết vì Ngài.

Chúng ta cũng nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Những người trung thành đã đi trước chúng ta và được hiệp nhất mãi mãi trong Chúa Giêsu là một nguồn động lực tái tạo liên tục cho những người chúng ta còn đang gặp khó khăn. Tác giả thư Hipri mô tả những người trung thành này là “nhân chứng tuyệt vời”. Như thánh Phaolô cũng đã khẳng định “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4, 17-18).

Tin Mừng Luca trình bày Chúa Giêsu như một nhà cách mạng, đã đến để đốt cháy thế giới và là nguồn gốc của sự chia rẽ “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51). Lời tuyên bố của Chúa Giêsu là nguồn gốc của sự chia rẽ thay vì hòa bình. Điều này chỉ ra cuộc khủng hoảng mà chính sự hiện diện của Ngài đã gây ra. Khủng hoảng, từ tiếng Hy Lạp krisis, có nghĩa là sự lựa chọn hoặc thách thức. Bởi bản chất triệt để của con người và sứ điệp của Ngài, sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa nhân loại nhất thiết đòi hỏi một sự lựa chọn. Bạn có dành cho Chúa điều ấy hay không? Không có sự ngoại lệ nào đối với sự lựa chọn này.

Như vậy, với niềm tin vào Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện những chọn lựa. Những chọn lựa này hoặc có thể làm cho chúng ta gắn bó với gia đình thế gian, hoặc sẽ làm cho chúng ta trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Điều nào chúng ta đã dám sống để làm chúng cho niềm tin của mình? Vì thế, đừng ngại sống đức tin của mình, cho dù chúng ta có gặp phải những cản trở hay khó khăn trong đời sống hằng ngày.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM