(Bài đọc I: Is 56:1,6-7; Bài đọc II: Rm 11:13-15,29-32; Tin Mừng: Mt 15:21-28)
Dân mới của Thiên Chúa
Ở trong đời sống hằng ngày, đôi khi chúng ta tự hào về một điều gì đấy. Điều đó có thể là một danh tiếng về gia đình, về một thương hiệu nổi tiếng, hay về một điều gì đó đặc biệt nơi cá nhân. Và điều tự hào đó càng trở nên “độc quyền” hơn, khi mà không có ai có được điều ấy. Trong lịch sử Kinh thánh, Người Do Thái luôn coi mình là đặc biệt trong mắt Thiên Chúa và đúng như vậy, bởi vì chính nhờ họ mà Chúa Giêsu đã hiện hữu. Niềm tin tôn giáo, lịch sử và truyền thống của chúng ta dựa trên những gì người Do Thái đã cho chúng ta. Tuy nhiên, họ cũng coi Thiên Chúa là của riêng họ, loại trừ mọi người khác. Nhưng đây không phải là ý định của Thiên Chúa hay Chúa Giêsu. Mục tiêu cuối cùng của Thiên Chúa là “tất cả nên một” qua Chúa Giêsu Kitô (Ga 17, 21)
Trong Bài đọc thứ nhất, trích sách Ngôn sứ Isaia (56:1-7), Vị ngôn sứ đang rao giảng cho những người lưu vong ở Babylon trở về, những người đã mang theo nhiều người ngoại quốc – bạn bè, họ hàng và nô lệ cùng về theo với họ. Căng thẳng gia tăng giữa những người mới đến này và những người chưa bao giờ rời bỏ đất Israel. Vị ngôn sứ đang nói với mọi người rằng, Thiên Chúa chấp nhận tất cả những ai sẵn sàng tuân theo luật pháp của Chúa với tấm lòng chân thành và trong sạch. Họ có thể cùng nhau vào đền thờ – “Ngôi nhà cầu nguyện của Ngài,” không có phân biệt chủng tộc và màu da, giai cấp…. “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta” (Is 56, 6).
Thánh vịnh Đáp ca (67:2-8) là một bài ca mùa gặt ngợi khen Thiên Chúa đã chúc lành cho trái đất với dư dật lương thực cho dân Israel. Mục đích của bài ca này là để tất cả “các quốc gia” thấy Thiên Chúa đã chúc phúc cho người Do Thái như thế nào, để cuối cùng các quốc gia cũng sẽ chấp nhận và được hưởng ân phúc của Thiên Chúa của Israel.
Trong Bài đọc II, trích Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Rôma (11:13-32), Thánh Phaolô bực bội với người Do Thái, vì đã không chấp nhận Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Thiên Sai của họ. Ngài nói với chúng ta rằng việc họ từ chối Đức Kitô khiến họ mất mát, nhưng chúng ta được cứu rỗi; nhưng khi họ chấp nhận Đức Kitô, thì đó sẽ là vinh quang của cả nhân loại: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11, 15). Dường như họ không muốn đứng chung vào cộng đoàn các dân mà Thiên Chúa đang quy tụ. Họ coi chỉ một mình họ xứng đáng là Dân Thiên Chúa.
Bài đọc Tin Mừng theo thánh Matthêu (15:21-28). Đoạn văn này có một số ngôn ngữ xa lạ trong đó, đặc biệt là từ Đức Giêsu, trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Canaan. Tuy nhiên, vào thời Chúa Giêsu, việc gọi dân ngoại như là những con “chó” là một phần niềm tự hào về văn hóa “độc quyền” của họ. Chúa Giêsu nói với người đàn bà Canaan rằng sứ mệnh của Ngài “chỉ dành cho những con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 15,24). Nếu Chúa Giêsu chỉ là một người Do Thái thì thế là đủ và cuộc gặp gỡ sẽ kết thúc ở đó. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, không phân biệt giới hạn văn hóa hay sắc tộc. Ngài nhìn thấu trái tim của người phụ nữ ngoại quốc này và với sứ vụ của Ngài, Ngài vẫn chấp nhận yêu cầu của bà ấy, vì đức tin của bà ấy mạnh mẽ hơn cả giới hạn của nền văn hóa và sự phân biệt.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa muốn chúc lành cho người Do Thái cũng như dân ngoại biết bao. Các ngôn sứ của Cựu Ước đã thấy trước tính phổ quát của Dân mới của Thiên Chúa, tức là Giáo hội. Như trong Bài đọc I, chúng ta đã thấy điều ấy qua ngôn sứ Isaia. Lời ngôn sứ này đã được ứng nghiệm trong cuộc đời của người đàn bà Canaan này. Ngày nay điều đó được ứng nghiệm trong cuộc sống của tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, thuộc mọi chủng tộc, quốc gia và ngôn ngữ.
Chúng ta đã thấy kế hoạch tình thương của Thiên Chúa từ những bài đọc Lời Chúa này, vì chúng cho chúng ta biết rằng, Chúa muốn tất cả nhân loại được hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng vào ngày tận thế. Không có giới hạn về chủng tộc, tín ngưỡng hay nguồn gốc dân tộc…tất cả sẽ trở nên con cái Thiên Chúa và được chung hưởng vinh quang đời đời, nếu họ thực sự tin theo Chúa và sống công chính theo đường lối của Ngài.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM