Chúa Nhật Thứ XXI Thường Niên –  Năm C

Đăng ngày: 20/08/2022

Cửa Hẹp

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 66:18-21

Bài trích sách ngôn sứ Isaia: Các quốc gia thuộc mọi dân nước, sẽ đến để thấy vinh quang Chúa.

Đáp ca: Tv:  117:1-2

Thánh vịnh 117: Hỡi toàn thể địa cầu hãy ca tụng Chúa.

Bài đọc II: Hr 12:5-7,11-13

Trích thư gởi tín hữu Hipri: những người được Thiên Chúa yêu mến, người sẽ kỷ luật.

Tin Mừng: Lc 12:13-21

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: mọi người sẽ đến từ Đông Tây Nam Bắc để tìm nơi chốn trong vương quốc Thiên Chúa.

2. Chia Sẻ

Trong hai tuần lễ vừa qua, chúng ta đều đã nghe về các bài đọc Lời Chúa nói về vương quốc của Thiên Chúa. Hôm nay các bài đọc tiếp tục cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc tìm kiếm nước Thiên Chúa, khi đề cập đến số ít và số nhiều những con người đi tìm kiếm vương quốc ấy.

Có thể thấy rõ hai nhóm người đều đã cố gắng nỗ lực để đạt được nước ấy, nhưng phương cách thì có sự khác biệt. Một nhóm thì đã cố gắng hết sức bằng chính khả năng của mình và cậy vào sức riêng của mình, hy vọng rằng sẽ chiếm được nước ấy. Phần còn lại thì theo những gì Chúa muốn và họ quyết tâm thi hành điều đó bằng con tim của mình.

Thi hành ý định của Thiên Chúa là việc làm nội tâm sâu xa, và nó đòi hỏi một sự hy sinh và từ bỏ nhất định ý riêng của mình. Thiên Chúa chẳng phải là chỉ thấy và cần thấy những gì ở bề ngoài người ta làm, nhưng điều Chúa muốn thấy, đó là nội tâm của họ về những gì họ muốn thi hành ý của Chúa.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã nói về sự thấu hiểu của Thiên Chúa đối với lòng người “Đức Chúa phán như sau: Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta” (Is 66,18). Đó là ý đinh và ước muốn quay trở về với Thiên Chúa. Khi họ đã trải qua một cuộc lưu đày đau đớn vì những lỗi lầm trong quá khứ. Giờ đây lòng khát khao của họ về việc trở lại vùng đất của cha ông, để được thờ phượng Thiên Chúa đã được nhậm lời.

Điều gì khiến thông điệp này mang tính ngôn sứ thay vì chỉ đơn giản là giáo điều? Những người Được Chọn không chỉ để trở thành những người truyền giáo, những sứ giả của sự thật không mà thôi. Thiên Chúa sẽ thêm vào dân số của họ, giới thiệu ngôn ngữ và văn hóa mới, thậm chí cả những ý tưởng mới vào giữa họ. Dòng cuối cùng của bài đọc là điều đáng suy nghĩ nhất “Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi – Đức Chúa phán như vậy” (Is 66,22). Nghĩa là Thiên Chúa vẫn có quyền để dùng số người nước ngoài đó sẽ trở thành thầy tế lễ và người Lê-vi. Nếu dân mà không trung thành với Ngài.

Ở giữa lời hứa tuyệt vời, Isaia tuyên bố cho dân chúng thông điệp mà họ có thể đã bỏ qua một cách hạnh phúc trong thời đại quá khứ: “Suy nghĩ của ta không phải là suy nghĩ của các người, cũng không phải là đường lối của ta, Chúa nói” (Isaia 55, 8). Kế hoạch của Thiên Chúa không gắn liền với chương trình đời sống của họ. Và một trong những điểm quan trọng nhất trong chương trình làm việc của Thiên Chúa là việc mở rộng các truyền thống được yêu mến của họ. Các quy định hạn chế của họ sẽ không còn xác định quyền lãnh đạo: Chúa sẽ gọi ai mà Chúa sẽ gọi.

Bài đọc này mời gọi chúng ta nhận ra khi nào và như thế nào chúng ta có thể đứng cùng với những “nhà cải tạo” dân Israel, những người rất háo hức mong Chúa giúp họ xây dựng tương lai mà họ đã hình dung. Kế hoạch của Thiên Chúa thực sự là để cứu họ. Điều đó bao gồm việc cứu họ khỏi sự hẹp hòi, độc quyền và chủ nghĩa tôn giáo của chính họ. Dân Chúa là một Hội thánh có những thành viên và tất cả mọi người trong Hội thánh này có trách nhiệm thực hiện đúng những gì mà bài Thánh vịnh hôm nay nói: Hãy đi ra khắp thế giới và loan báo Tin Mừng.

Trong bài đọc 2, thư Hipri khuyên rằng, hãy chịu đựng thử thách của bạn như một kỷ luật “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách.  Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Hr 12, 5-6).  Đây là một gợi ý không thể tinh tế hơn rằng, Chúa Giêsu là hình mẫu xứng đáng duy nhất của họ. Đó không chỉ là lời kêu gọi nâng cao tinh thần, mà còn là lời kêu gọi sự sáng suốt; tác giả của chúng ta muốn cộng đồng khám phá kế hoạch của Thiên Chúa trong những gì họ đang trải qua. Để làm được điều đó, họ phải nhớ rằng họ là “đệ tử”, những người cần trải qua “kỷ luật” để học hỏi và trưởng thành. Nếu họ cho phép, mọi thứ họ trải qua có thể là một phần của quá trình hoán cải, hành trình của họ để sống trong hòa bình, của sự công bình chân chính: sự kết hợp giữa trái tim và khối óc với Thiên Chúa. Đó là đi vào con đường hẹp mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay.

Có kẻ hỏi Người : “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 23-24). Chúa Giêsu trả lời rằng họ phải cố gắng trong thời gian còn lại để vào cửa hẹp, vì nhiều người sẽ cố vào nhưng không đủ sức. Sau đó Chúa Giêsu chuyển sang một câu chuyện ngụ ngôn về một cánh cửa khác. Một khi tất cả những người vào nhà của chủ nhân đều ở trong và anh ta khóa cửa, sẽ không có cách nào cho những người khác vào. Những người còn lại bên ngoài có thể gõ cửa, nhưng người chủ sẽ nói rằng anh ta không biết họ.

Không giống như bài Tin Mừng được đọc vài tuần trước, nơi Chúa Giêsu đang dạy về cầu nguyện, và chúng ta được yêu cầu gõ cửa và cửa sẽ được mở. Trong dụ ngôn này, người chủ sẽ không mở và nói rằng ông không biết chúng ta. Mọi người từ Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ thay thế chúng ta bên trong. Abraham, Isaac và Giacop và tất cả các tiên tri sẽ thế chỗ chúng ta trong Vương quốc của Thiên Chúa.

Đây không thể là một câu hỏi đơn giản về địa lý hay quốc tịch. Bằng cách nào đó chủ nhân biết đủ về những người này, để biết rằng, họ không bao giờ xếp hàng chờ đến bữa tiệc này. Họ không đến từ những người đã theo Ngài hoặc từ những người hy vọng vào Ngài. Họ đã không đi cùng với đám đông đến từ Đông, Tây, Nam, bắc để tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa. Nói trắng ra, những “kẻ bất lương” này có địa chỉ sai. Hy vọng của họ không có điểm chung nào với bữa tiệc đang diễn ra bên trong. Cánh cửa phải được khóa để chống lại bất kỳ ai và tất cả những ai sẽ lao vào bữa tiệc chỉ để làm hỏng nó. Họ đã không đánh giá cao Abraham, họ đã giết các nhà tiên tri và giờ họ đang cố gài bẫy Chúa Giêsu. Nhưng nếu họ thực sự nghe Lời, sẽ có một tia hy vọng. Nếu họ sẵn sàng là người cuối cùng, nếu họ sẵn sàng chờ đợi và gõ đi gõ lại nhiều lần, thì cánh cửa sẽ mở ra, và đến lúc đó họ sẽ đủ khiêm tốn để vào trong.

Theo Chúa và làm theo Ngài, chứ không làm theo ý mình là cách để chúng ta cùng bước đi với các ngôn sứ và các thánh để vào được cánh cửa của Nước Thiên Chúa. Để vào được bữa tiệc thiêng liêng cao quý này,  đòi hỏi chúng ta phải kính trọng và yêu mến Đấng đã làm nên bữa tiệc ấy và mời gọi chúng ta hưởng dùng.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM