Chúa Nhật Thứ XXIII TN – Năm A

0
534

(Bài đọc I: Ed 33:7-9; Bài đọc II: Rm 13:8-10; Tin Mừng: Mt 18:15-20)

Chúa là trung tâm của tương quan cộng đoàn

Chủ đề của các Bài đọc hôm nay giống như một đồng xu hai mặt. Một mặt, chúng ta thấy có “lỗi lầm và lên án” và bên kia chúng ta thấy có “tha thứ và hòa giải”. Vậy ai sẽ là trung gian cho những điều này trong đời sống của một cộng đoàn, gia đình, giáo xứ? Ai sẽ là ngày thay đổi các mối tương quan đó, từ tiêu cực thành tích cực?

Trong Bài đọc thứ nhất, từ sách Ngôn sứ Ezekiel  (33:7-9), chúng ta nghe Thiên Chúa nói với ngôn sứ (và với chúng ta) về trách nhiệm của người ngôn sứ và những điều cần phải làm: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33,7). Về bản chất, vị ngôn sứ được cho biết rằng, nếu ông được lệnh hướng dẫn hoặc cảnh báo một người hoặc những người về hành vi vi phạm pháp luật, mà ông không làm điều đó, thì những người vi phạm pháp luật sẽ không phải chịu trách nhiệm, nhưng ông là người chịu trách nhiệm. Mặt khác, nếu sau khi đã cảnh cáo hoặc chỉ dẫn dân chúng về đường lối chính trực, mà dân chúng vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật, thì họ phải chịu trách nhiệm và vị ngôn sứ được coi như đã hoàn thành trách nhiệm. Tất cả đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thánh Vịnh Đáp Ca (95:1-9) là một lời cầu nguyện dưới hình thức một câu tục ngữ nói rằng chúng ta phải ca ngợi Thiên Chúa vì lòng nhân lành và nhân hậu của Người; nhưng nếu chúng ta không làm vậy, có thể có những hậu quả nghiêm trọng.

Bài đọc thứ hai trích từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (13:8-10). Trong cách đọc ở trên, chúng ta thấy mặt tiêu cực của “đồng xu”. Ở đây, trong thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy được mặt tích cực của lời dạy của ngài về “tình yêu thương người lân cận”. Cuối cùng, ngài tóm tắt bản chất của lời dạy này: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 10).  

Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng theo Thánh Mátthêu (18:15-20). Trong đoạn văn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn cho Giáo hội qua các tông đồ. Nó rất giống với lời dạy của Thiên Chúa dành cho ngôn sứ Êdêkiel trong Bài đọc thứ nhất. Bài Tin Mừng đôi khi được gọi là “bài giảng về Giáo Hội” hay “phẩm trật Giáo hội”. Trong phần này của Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu nói trực tiếp hơn về các vấn đề kỷ luật và trật tự của Giáo hội. Trong đoạn văn này, chúng ta thấy một trong ba trường hợp duy nhất Chúa Giêsu dùng từ Giáo hội trong Tin Mừng Mátthêu. Trong lời tường thuật của Mátthêu về lời giảng dạy của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nghe thấy tiếng vang của các loại vấn đề mà cộng đoàn Kitô hữu sơ khai phải đối mặt.

Trong phần đầu của “bài giảng về Giáo Hội” (Mt 18:1-14), thánh Mátthêu đề cập đến mối quan tâm của cộng đoàn Kitô hữu về cấp bậc. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của các môn đệ về ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu chỉ ra rằng những ai muốn vào Nước Trời phải giống như trẻ em, và Ngài cảnh báo những người lãnh đạo có thể dẫn dắt “những đứa trẻ” này đi lạc lối. Ngài cũng trả lời bằng dụ ngôn con chiên lạc, cho thấy Thiên Chúa sẽ tìm kiếm và mang những “con chiên” đi lạc về như thế nào.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Mt 18:15-20, Chúa Giêsu đề cập đến một vấn đề thường xảy ra trong cộng đoàn Kitô hữu: sự tranh chấp giữa hai thành viên của Giáo hội. Chúa Giêsu vạch ra một thủ tục để giải quyết những vấn đề đó một cách công bằng. Nạn nhân nên nói chuyện riêng với người phạm tội và cố gắng giải quyết tranh chấp mà không có sự tham gia của bên ngoài. Nếu không thành công thì nạn nhân nên mang theo hai hoặc ba nhân chứng và đối chất với kẻ phạm tội một lần nữa. Nếu tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, vấn đề cần được đưa ra toàn thể cộng đoàn. Nếu người phạm tội từ chối tuân thủ các khoản bồi thường do cộng đoàn quy định, thì Chúa Giêsu gợi ý rằng người phạm tội có thể bị trục xuất khỏi Giáo hội: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17).

Chúa Giêsu không ngăn cản sự bất đồng trong cộng đoàn Giáo Hội; ngài thừa nhận thực tế xung đột và sai sót và đưa ra cho các môn đệ của mình một phương tiện để giải quyết những vấn đề như vậy. Chính trong phần kết của giáo huấn này mà người ta tìm thấy sứ điệp hy vọng: Chúa Giêsu hiện diện với cộng đoàn và sẽ hướng dẫn cộng đoàn trong các mối quan hệ của họ. Nếu các quyết định được thực hiện bằng lời cầu nguyện thì cộng đoàn có thể yên tâm về sự trợ giúp của Thiên Chúa. Người lãnh đạo trong cộng đoàn trở thành như người canh gác cho nhà israel đã được nói tỏng bài đọc một. Họ có trách nhiệm với cộng đoàn và dẫn dắt cộng đoàn đi theo con đường của Chúa. Muốn như thế họ cần nhận ra rằng, chính Chúa là trung tâm của cộng đoàn mà họ cần nại đến mỗi khi cộng đoàn, gia đình, giáo xứ….. gặp vấn đề trong các mối tương giao.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM