Chúa Nhật thứ XXVII Thường niên Năm C

0
296

(Bài đọc I Kb 1,2-3; 2,2-4; Bài đọc II 2 Tm 1,6-8,13-14; Tin Mừng Lc 17,5-10)

Niềm tin phó thác

Chủ đề của các Bài đọc hôm nay là Niềm tin và đồng hành với sự Tín thác; một cái gì đó mà chúng ta nghĩ rằng, chúng ta đã biết về tất cả những điều đó phải không? Đức tin là một ân huệ đặc biệt, mà chúng ta nhận được khi lãnh Bí tích Rửa tội, nhưng nó không giống như bất kỳ món quà nào khác, mà chúng ta đã có thể nhận được. Đức tin không chỉ là một tài năng đặc biệt như chơi một nhạc cụ hoặc giao tiếp thông thạo hai hoặc nhiều ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng giống như những món quà hay tài năng đó, nếu chúng ta không sử dụng chúng, chúng ta sẽ mất chúng hoặc làm mai một. Cả niềm tin và tài năng đều có thể chết.

Cả hai đều đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều, để phát triển và “tinh chỉnh” trước khi chúng ta có thể thành thạo chúng và hoàn toàn tin tưởng vào bản thân mình và vào Thiên Chúa.

Trong Bài đọc thứ I, từ sách Ngôn sứ Kha-ba-cúc (1,2-3, 2,2-4), chúng ta nghe vị ngôn sứ nài xin Thiên Chúa ban ơn trợ giúp cho dân Giu-đa, trong những ngày cuối cùng của Chế độ Quân chủ Do Thái gần kề, vào cuối thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Vì lòng chân thành của Kha-ba-cúc, Thiên Chúa đã đáp lời cầu nguyện của ông, không phải với sự nhẹ nhõm ngay lập tức, nhưng bằng sự khuyến khích chờ đợi và kiên nhẫn, vì sự kết thúc không còn xa: “Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu” (Kb 2,3). Niềm tin và sự kiên nhẫn luôn song hành với nhau.

Trong Thánh vịnh Đáp ca (95,1-2, 6-9), tác giả Thánh vịnh khuyến khích các môn đệ của mình kiên nhẫn, ngay cả khi đối mặt với khủng hoảng. Lý luận của ông là ngay cả khi chúng ta đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, chúng ta phải nhớ rằng: “Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.” Chúng ta phải thực hiện đức tin và sự tin cậy của mình vào Thiên Chúa và làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn, cho dù có thể có hoặc có thể không như những gì chúng ta muốn hoặc trong khung thời gian mà chúng ta mong đợi.

Bài đọc thứ II, trích từ thư thứ hai của của thánh Phaolô gửi ông Ti-mô-thê (1,6-8, 13-14). Thời điểm viết lá thư này là vào năm cuối đời của thánh Phaolô. Lúc ngài còn đang ở trong tù ở Rome, và nó đang trong một khoảng thời gian có những cuộc đàn áp nghiêm trọng của người La Mã. Thánh Phaolô khuyến khích Ti-mô-thê hãy kiên nhẫn và tin cậy nơi Chúa Giêsu, để mọi việc trở nên đúng đắn: “anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1,8). Chúng ta nên lắng nghe cẩn thận những lời khuyên mà thánh Phaolô đưa ra. Lời khuyên của ngài là vượt thời gian, không phải chỉ có ý nghĩa trong quá khứ, nhưng cũng là cho thời đại chúng ta bây giờ.

Bài đọc Tin Mừng được trích từ Tin Mừng Luca (17,5-10). Một lần nữa, chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu nói cách phóng đại để đưa ra quan điểm. Vấn đề là đức tin chân chính có thể phát huy tác dụng kỳ diệu, nếu nó phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa và với vai trò của chúng ta trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em”(Lc 17,6). Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng này khó hiểu hơn một chút. Vai trò của chúng ta có thể có nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể rất dễ nhìn thấy hoặc cũng khá khó nhận thấy; nhưng dù là gì đi nữa, phần thưởng của chúng ta ở trên trời, cũng sẽ tương xứng với mức độ chúng ta hoàn thành vai trò của mình. “Ngay cả khi đó, ‘khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm’, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

Tất cả chúng ta đều đã nghe câu Kinh thánh nói rằng, “Đường lối của Đức Chúa, không phải đường lối của loài người”, và đó là một điều hữu ích cho chúng ta. Với cách mà xã hội và thế giới đang diễn ra ngày nay, chúng ta có thể tìm kiếm bình an và an ninh thực sự ở đâu, nếu không phải là từ nơi Chúa của chúng ta? Vì vậy, câu hỏi mà chúng ta có thể tự hỏi mình là: “Khi chúng ta chán nản hoặc gặp khó khăn, chúng ta sẽ “bám rễ vào đâu” để được bình an và hạnh phúc?”

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM