Chúa Nhật Thứ XXX TN – Năm A
(Bài đọc I: Xh: 22:20-26; Bài đọc II: 1Tx : 1:5c-10; Tin Mừng: Mt 22:34-40)
Yêu Chúa, yêu người
Cuộc sống mỗi người Kitô hữu là ở trong một mối tương quan, tương quan với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân. Như vậy, chính bản thân mỗi người trở thành một nối kết cho hai tương quan này và đòi hỏi mỗi người chu toàn. Đó là hai khía cạnh trong mối tương quan tốt đẹp mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người sống và thực thi lời dạy của Chúa để có một đời sống trọn hảo.
Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Xuất Hành (22:20-26). Trong đoạn văn này, chúng ta thấy Thiên Chúa dạy cho dân Ngài về cách đối xử với người đồng bào của mình. Cho dù họ là ai, họ như thế nào, thì họ không phải là người bị loại trừ, nhưng vẫn là một phần tử của cộng đồng và cần phải được tôn trọng: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Xh 22, 20). Thiên Chúa luôn yêu thương và bênh đỡ họ trong mọi tình huống.
Thánh Vịnh Đáp Ca (18:2-4, 47, 51) là lời cầu nguyện đáp lại những giới răn liên quan đến tình yêu Thiên Chúa. Trong một bản văn dài hơn, thánh vịnh này là một lời cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa tuyệt vời để ghi nhận thẩm quyền và lòng nhân từ thiêng liêng của Ngài.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thessalonica (1:5-10). Trong đoạn văn này, chúng ta nghe thấy những người Thessalonica đã phản ứng thế nào trước những lời dạy của Thánh Phaolô và giờ đây họ đã trở thành những tấm gương mẫu mực về việc yêu mến Chúa và người lân cận. Cuối cùng, Thánh Phaolô đưa ra cho chúng ta một quyết tâm rằng, hành động thì quan trọng hơn lời nói: “còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban” (1Tx 1, 6).
Bài Tin Mừng theo Tin Mừng Thánh Mathêu: Mỗi lời Chúa Giêsu nói đều có trọng lượng và giàu ý nghĩa. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 27-28). Khi đọc điều răn lớn thứ hai mà Chúa ban cho chúng ta, chúng ta thường tập trung vào phần “hãy yêu thương người lân cận”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ nói rằng chúng ta phải yêu người lân cận. Ngài đã thêm hai từ nữa – như chính mình – và những từ đó rất quan trọng. Hôm nay, chúng ta hãy chỉ tập trung vào những gì hai từ cuối cùng đã dạy chúng ta. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta yêu người lân cận, như chúng ta yêu thương chính bản thân mình. Tất nhiên, điều đó giả định rằng, chúng ta thực sự yêu thương chính bản thân mình. Nếu chúng ta không yêu thương chính bản thân mình hoặc không yêu thương chính mình một cách đúng đắn, thì sẽ không thể yêu người khác như họ đáng được yêu.
Khi “yêu chính mình”, Chúa Giêsu chắc chắn không có nghĩa muốn nói là kiêu ngạo và ích kỷ. Đó không phải là việc tự thưởng cho mình những món quà và những thứ xa xỉ khác. Để yêu chính mình, trước tiên chúng ta phải nhận ra mình là ai trước mặt Chúa. Làm sao chúng ta có thể yêu những gì chúng ta không biết? Tuy nhiên, rõ ràng là nhiều người chưa bao giờ biết hoặc không nhìn thấy chúng ta là ai trong mắt Chúa. Là nam hay nữ, giàu hay nghèo, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh và giống hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta là hình ảnh của Chúa, Đấng đã tạo ra chúng ta.
Là những người Công giáo đã được rửa tội, chúng ta là con cái của Cha chúng ta trên trời và là anh chị em của Chúa Giêsu Kitô! Là biểu tượng của Chúa Ba Ngôi và là những người con cái của Chúa Cha. Đó thực chất là con người của chúng ta. Đó là căn tính của chúng ta và đó là một món quà quý giá và đẹp đẽ được trao tặng cho chúng ta. Không nắm bắt và hiểu biết chắc chắn chúng ta là ai trong mối quan hệ với Thiên Chúa, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người ngày nay trải qua cuộc khủng hoảng về căn tính và tìm cách tạo ra căn tính riêng của mình.
Như vậy tình yêu tha nhân đòi hỏi chúng ta đi từ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chính trong mối tương quan này sẽ giúp chúng ta nhận ra mình là ai và người khác là ai so với mình. Tình yêu thương dành cho Thiên Chúa sẽ là tiêu chuẩn để chúng ta yêu thương người khác, khi chúng ta nhận ra họ cũng chính là con cái và là hình ảnh của Thiên Chúa.
Xin cho mỗi người đều nhận ra người khác như là một chi thể của chi thể của Đức Kitô để họ có thể hiệp nhất và yêu thương nhau, làm nên một thân thể sống động của Đức Kitô trong tình yêu thương.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM