(Bài đọc I: Gr 31:7-9; Bài đọc II: Hr 5:1-6; Tin Mừng Mc 10:46-52)
Con đường nào tôi chọn để đi
Chủ đề của các Bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều điều để suy nghĩ. Tuy nhiên, một trong các chủ đề đó đáng quan tâm, là Chúa luôn hành động trong cuộc sống của chúng ta, nếu chúng ta để Ngài làm điều đó. Hay nói khác đi, Thiên Chúa có thể “can thiệp” vào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhưng vì Thiên Chúa đã ban cho con người quyền tự do lựa chọn (tự do ý chí). Cho nên Ngài sẽ không làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của chúng ta, nhưng giống như bất kỳ người Cha yêu thương nào, Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ và Ngài cũng ở đó, để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi của Ngài cho mỗi người chúng ta.
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ngôn sứ Giêrêmia (31:7-9). Thời điểm của lời ngôn sứ này xảy ra không lâu trước khi dân Israel trở về từ nơi lưu đày ở Babylôn. Thông qua Vị ngôn sứ, Thiên Chúa đang nói với dân Ngài, về niềm vui sẽ đến với họ khi trở về quê hương và rằng Ngài sẽ hướng dẫn họ, như Ngài đã hướng dẫn tổ tiên của họ qua bàn tay của ông Môise: “Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng” (Gr 31, 9). Tất cả sẽ được đưa trở lại, không chỉ những người được tuyển chọn, như khi họ bị đuổi ra khỏi Giêrusalem nhiều năm trước, mà là tất cả, kể cả những người đau yếu và những bà mẹ có con nhỏ. Và Thiên Chúa luôn ở với dân, chừng nào họ còn trung thành bước đi theo đường lối của Ngài.
Đáp Ca là Thánh Vịnh (126:1-6). Tác giả Thánh vịnh đang ca ngợi Chúa vì sự tốt lành của Ngài, trong việc đem những người bị lưu đày trở về, một sự suy ngẫm về sự kiện được mô tả trong sách ngôn sứ Giêrêmia ở trên. Nhưng ngài cũng nhắc lại việc “ra đi” làm nô lệ ở Babylon và việc vui mừng “trở lại” Giêrusalem. Thiên Chúa thực hiện mọi lời hứa của Ngài, ngay cả khi chúng ta không biết. Ngài làm việc trong cuộc sống của chúng ta để hoàn thành mục tiêu cứu rỗi của Ngài, nhưng Ngài vẫn cho chúng ta quyền lựa chọn, để nói “Có!” hoặc “Không!”
Bài đọc thứ hai trích từ Thư gửi tín hữu Hipri (5:1-6). Đây là một đoạn thú vị trong lá thư vĩ đại này. Nó cho thấy Thiên Chúa Cha đã hành động như thế nào trong cuộc đời của Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, trong việc đặt Ngài làm “Thượng tế” cho mọi thời gian và vĩnh cửu: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Hr 5, 6). Vào thời Chúa Giêsu sống, thầy Thượng tế của đền thờ là người có địa vị cao nhất trong xã hội Do Thái. Qua sự đau khổ và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu đã trở thành thầy tư tế thượng phẩm tối cao trước mặt Chúa Cha cho toàn thể nhân loại:
Bài đọc Tin Mừng được lấy từ Tin Mừng theo Thánh Máccô (10:46-52). Trong câu chuyện ngắn gọn và quen thuộc này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đang hành động trong cuộc đời của một người mù tên là Batime, nhưng về nhiều mặt, người mù tội nghiệp này đại diện cho tất cả chúng ta. Dù có nhận ra hay không, tất cả chúng ta đều khao khát được “nhìn thấy” khuôn mặt của Chúa. Chúa Giêsu là “thượng tế” có thể giúp chúng ta làm điều đó nếu chúng ta kiên trì tìm kiếm Ngài.
Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã trông coi tạo vật của Ngài với tâm tình một “Người Cha”. Ngài đã lãnh đạo dân Do Thái, Dân được tuyển chọn, băng qua sa mạc Sinai và sa mạc giữa Giêrusalem và Babylon. Ngài đã giúp họ xây dựng lại các bức tường của Gierusalem sau khi họ trở về. Ngài đã sai Con của Ngài đến chết thay cho toàn thể dân chúng. Và nhiều biến cố khác nữa.
Trong câu chuyện Tin Mừng, sau khi người mù được chữa lành một cách kỳ diệu, Chúa Giêsu bảo anh ta “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” (Mc 10, 52), nhưng người mù bây giờ đã được chữa lành, lại chọn đi theo Chúa Giêsu. Đó là ý nghĩa của những bài đọc hôm này. Vì vậy, chúng ta có đang quyết tâm theo Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày hay chúng ta đang đi theo con đường riêng của mình?
Sự chữa lành anh mù Batime có một ý nghĩa sâu sắc. Van xin có được thị lực của anh mù Batime không chỉ là việc chữa lành thể xác, mà còn tượng trưng cho mong muốn sâu sắc hơn về sự nhận thức và sáng suốt về mặt tinh thần. Anh Batime đại diện cho tâm hồn khao khát ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng xua tan bóng tối của sự thiếu hiểu biết, nghi ngờ và tội lỗi, để luôn được bước đi trên con đường ngay chính. Và Chúa luôn có quyền năng can thiệp vào mọi nỗi khốn cùng của con người chúng ta, để giúp chúng ta sống đúng theo đường lối Chúa.
Kế đến, là những người theo Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi noi gương lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Ngài trong những tương tác hàng ngày của chúng ta. Bởi vì chúng ta được mời bước vào bóng tối của cuộc đời người khác, chúng ta phải tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể tập hợp những người lạc lối, an ủi những người tan nát cõi lòng và hướng dẫn những người đang tìm kiếm hướng đi. Giống như Chúa Giêsu đã giao tiếp với cá nhân anh mù Batimê, chúng ta cũng phải giao tiếp với những người chúng ta gặp bằng sự đồng cảm, thấu hiểu và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ. Chúng ta có thể không giải quyết hết được vấn đề của người khác, nhưng chúng ta có thể là ánh sáng hy vọng trong bóng tối của họ, để thấy rằng Chúa không quên họ.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM