(Bài đọc I: Ml 1:14b—2:2b,8-10; Bài đọc II: 1Tx: 2:7b-9,13; Tin Mừng: Mt 23:1-12)
Ơn gọi của việc phục vụ
Chắc hẳn trong cuộc sống, mỗi người đều có một nghề nghiệp và một ơn gọi khác nhau. Mỗi ơn gọi hay mỗi nghề nghiệp đều đòi hỏi một cung cách khác nhau của việc phục vụ hoặc thi hành trách nhiệm. Điều đáng mong ước là mỗi cung cách đều mang lại sự bình an cho người phục vụ và sự hài lòng cho người được phục vụ. Trong đời sống kitô hữu, điều này là một lời kêu gọi để phục vụ những anh chị em của mình với tinh thần bác ái và yêu thương. Hay nói khác đi, đó là tinh thần của sự phục vụ khiêm nhường và hy sinh.
Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ Malakhi. Sau cuộc lưu đày ở Babylon – điều mà người Do Thái coi là hình phạt cho sự ương ngạnh của họ – và việc họ trở về Đất Hứa, một lần nữa chúng ta thấy dân tộc này bắt đầu lạc lối. Qua ngôn sứ Malakhi, Chúa đang kêu gọi dân Ngài hoán cải. Nếu chúng ta xem những lời này như lời quở trách của một vị thần xa xôi và giận dữ, thì chúng ta đã hoàn toàn hiểu sai vấn đề. Thay vào đó, ngôn sứ Malakhi giúp chúng ta hiểu bản chất của mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa của họ: “Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao ? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta ?” (Ml 2, 10). Vì vậy, mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa không phải là mối quan hệ của tôi tớ với chủ, mà là của con cái với người cha của mình.
Bài đọc II, thư thứ nhất Thánh Phaolô gởi tín hữu Thessalonica, Thánh Phaolô tiếp tục bằng ngôn ngữ thân thiện này: “Thưa anh em, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ” (1 Tx 2:7b). Thánh Phaolô không tìm cách áp đặt dân chúng, nhưng lôi kéo họ vào mối quan hệ với Chúa Cha, để họ có thể được gọi là con Thiên Chúa. Trong đoạn ngắn này của lá thư gửi tín hữu Thessalonica, dù không nhất thiết có ý định làm như vậy, Thánh Phaolô đã phác thảo một nền thần học về ơn gọi và mục vụ. Ngài mô tả cách tiếp cận truyền giáo của mình cũng tự nhiên và kỳ diệu như cách cơ thể người mẹ cung cấp chất dinh dưỡng cho đứa con đói khát của mình. Bởi vì, bà ấy thương con mình và vì đứa trẻ đang đói. Bà mẹ ấy có khả năng cho đi bản thân mình theo một trong những cách độc đáo và thân mật nhất mà bất kỳ sinh vật nào có thể trao cho người khác. Bằng cách mô tả sứ vụ của mình giống như chức vụ của người mẹ, Thánh Phaolô lặp lại cảnh Bữa Tiệc Ly trong đó Chúa Giêsu hiến thân mình cho người khác và truyền lệnh cho họ cũng làm như vậy. Sự đáp ứng tự nguyện của Thánh Phaolô trước nhu cầu của người khác phản ánh điều đó. Bằng cách sử dụng hình ảnh người mẹ cho con bú, Thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng, việc sống ơn gọi của chúng ta sẽ diễn ra một cách tự nhiên, miễn là chúng ta sẵn lòng quảng đại và đáp ứng với người khác.
Tin Mừng theo Thánh Matttheu, Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kết thúc cuộc chỉ trích những biệt phái đạo đức giả bằng một trong những chủ đề thú vị: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 11-12). Đó là tinh thần của một người tôi tớ đúng nghĩa hay nói khác đi, bất kỳ ai được mời gọi thi hành sứ vụ của mình, đều được mời gọi để phục vụ người khác với tinh thần khiêm nhường và tình thương. Nó không phải là một lối điều hành hay phục vụ mang tính áp đặt hay quyền lực, nhưng như một người tôi tớ phục vụ ông chủ. Họ cho đi bản thân mình cho người khác, miễn sao người khác được phục vụ tốt nhất và đạt được ích lợi nhất.
Trong đời sống hằng ngày của một cộng đoàn, giáo xứ hay gia đình, mỗi người chúng ta đều được mời gọi thi hành sứ vụ của mình trong tinh thần của các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Đó chính là tinh thần hy sinh phục vụ của một người cha, người mẹ dành cho con cái mình mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Đó là tinh thần của một tôi tớ dành cho ông chủ. Đó là tinh thần phục vụ của một Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi người khi cố gắng sống tinh thần phục vụ này, chắc hẳn sẽ có rất nhiều các ơn ích tuôn chaỷ của việc phục vụ của chúng ta dành cho người khác. Và khi phục vụ với tinh thần như thế, chúng ta sẽ không bao giờ tìm cách để tôn vinh bản thân mình hay cố gắng làm nổi nang chính mình, nhưng hiền lành như một đứa trẻ nằm bình yên trong vòng tay cha mẹ, để cảm nghiệm hơi ấm tình yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng. Đó cũng là hơi ấm tình yêu thương mà chúng ta được đón nhận qua việc phục vụ.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM