Chúa Nhật Thứ XXXI TN – Năm C

0
583

Thành tâm tìm kiếm Chúa

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật XXXI mùa thường niên, chúng ta cần bắt đầu với Bài đọc Tin Mừng và sau đó là các bài Thánh Thư.

Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng Thánh Luca (19: 1-10). Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện quen thuộc của Giakêu, một người thu thuế Do Thái đã khao khát được “nhìn thấy” Chúa Giêsu, “ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó” (Lc 19,4). Điều này ngụ ý rằng Giakêu chắc hẳn đã nghe nói về Chúa Giêsu và ông muốn biết thêm về Ngài. Vì vậy, khi nghe tin Chúa Giêsu đang đến, Giakêu liền chạy trước đám đông và trèo lên cây để có thể nhìn rõ hơn. Khi biết suy nghĩ của ông, Chúa Giêsu dừng lại ở gốc cây, gọi ông xuống và sau đó về nhà ăn tối với ông.

Cụ thể, chúng ta có thể nhìn câu chuyện này từ mức độ thuần túy của con người và thấy một người đàn ông nhỏ bé trên cây và Chúa Giêsu dừng lại để trò chuyện với anh ta, nhưng điểm quan trọng hơn ở đây, là Chúa Giêsu sẽ rẻ khỏi con đường Ngài đang đi, để tiếp cận với những người đang chân thành tìm kiếm Ngài. Chúng ta không cần phải trèo lên cây, hay làm những việc anh hùng. Chúng ta chỉ cần mở rộng trái tim và tâm trí của chúng ta và mời Ngài vào trong tâm hồn và cuộc đời của mình “này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5).

Bây giờ, trở lại Bài đọc thứ nhất từ ​​Sách Khôn Ngoan (11: 22-12: 2), chúng ta nghe hoặc đọc những lời của một nhà hiền triết thông thái, người đã nhận ra sự vĩ đại của Thiên Chúa “Lạy Chúa, trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ, ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất” (Kn 11, 22). Nhưng Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta và thậm chí còn dịu dàng với tội nhân Chúa sửa dạy từ từ” (Kn 12,2). Thiên Chúa là một Thiên Chúa yêu thương và công chính, với sự nhân hậu, cũng như quyền năng.

Trong Thánh vịnh Đáp ca (145: 1-2, 8-11, 13-14), tác giả Thánh thi đang cho chúng ta một lời cầu nguyện, mà bất cứ ai cũng có thể nói hoặc hát, kể cả Giakêu sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường và sau đó đến nhà ông để ăn tối “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con”. Ồ! Thật là một trải nghiệm hạnh phúc! Nhưng đây là điều mà mỗi người chúng ta có thể có được, nếu chúng ta thực sự mở rộng tâm trí và tấm lòng của mình cho Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể hoặc trong lời cầu nguyện riêng tư của chúng ta. Ngài ở đó, chờ đợi chúng ta hành động để tìm kiếm Ngài.

Bài đọc II, trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thesalonica (1:11-2.2). Thông điệp của bức thư là để xua tan nỗi sợ hãi của người Thesalonica về việc không sẵn sàng khi Chúa trở lại trần gian. Do bị người La Mã (và một số người Do Thái) ngược đãi nghiêm trọng, họ nghĩ rằng chắc chắn ngày tận thế đã gần kề “ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2 Tx 2, 2). Thánh Phaolô khuyến khích họ và cả cho chúng ta, hãy tìm kiếm Chúa mỗi ngày, trong khi chúng ta có thể.

Đừng đợi cho đến khi mọi sự đi đến hồi “kết thúc”. Điều này đúng với chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy nên giống như Giakêu, chạy lên trước để tìm Chúa Giêsu trong các hoạt động hàng ngày của cuộc sống, chứ không phải đợi đến khi chúng ta đi nhà thờ, hay đến một nơi hành hương nào đó để gặp Chúa.

Tìm kiếm Thiên Chúa không phải là một bài tập nhìn từ ngọn cây, ngọn núi hay vào những tủ quần áo tối tăm. Đúng hơn, nó là một bài tập tinh thần của tâm trí và trái tim. Nhưng nó cần nhiều nỗ lực, trung thực và chân thành hơn những nỗ lực về thể lý. Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta, để Ngài yêu thương. Tất cả những gì chúng ta cần làm, là sẵn sàng chấp nhận tình yêu của Ngài bằng bất cứ cách nào mà Ngài muốn ban cho.

Hơn nữa, “tìm kiếm” hay “nhìn thấy” Chúa không phải là vấn đề thời gian hay sự kiện, mà là một quá trình liên tục, mà chúng ta nên theo đuổi mỗi ngày trong đời. Vì vậy, một gợi ý suy nghĩ là: “Bạn có đang tìm kiếm Chúa Giêsu ngự vào lòng và nhà của bạn không? Nếu không, tại sao không?”

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM