Chúa Nhật Thứ XXXII TN – Năm A

0
400

(Bài đọc I: Kn 6:12-16; Bài đọc II: 1Tx: 4:13-18; Tin Mừng: Mt 25:1-13)

Chuẩn bị cho cuộc gặp hy vọng

Trong những tháng gần đây, chúng ta đã nghe nói nhiều về việc chuẩn bị. Tất cả các phương tiện truyền thông đều theo dõi chúng ta về cách chuẩn bị để– ứng phó với bão, lũ lụt, lốc xoáy và các thảm họa khác. Tuy nhiên, còn về việc chuẩn bị để “gặp gỡ Đấng tạo thành mình”, thì thường được liên tưởng đến những người đang hấp hối. Tuy nhiên, đó không phải là điều chúng ta muốn nói ở đây. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh là sự khôn ngoan cần thiết, để thực sự chuẩn bị cho đời sống thiêng liêng của mình, trong bất cứ lúc nào và sẵn sàng đối diện khi đi gặp Thiên Chúa.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Khôn Ngoan (6,12-16). Sách Khôn ngoan chứa đầy những lời khuyên bổ ích cho những ai đang tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với Chúa. Sách Khôn ngoan, giống như Châm ngôn, trình bày Khôn ngoan như một hiện thân của Thiên Chúa, Thiên Chúa vượt xa tầm hiểu biết của con người và là Đấng mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm. Chúng ta có thể tìm thấy sự khôn ngoan hay hiểu biết về Thiên Chúa ở đâu? Bài đọc thứ nhất hôm nay đưa ra một lời hứa đặc biệt: “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp” (Kn 6,12) và “Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện” (Kn 6,16). Ở đây, Đức Khôn ngoan khuyến khích chúng ta tìm kiếm ơn khôn ngoan này để “thận trọng và tỉnh thức” nói cách khác, để chuẩn bị cho đời sống thiêng liêng của mình.

Thánh vịnh đáp ca (63,2-8): Lời cầu nguyện tuyệt vời này được thốt ra bởi người không ngừng tìm kiếm Chúa trong mọi việc mình làm. Đây không chỉ là mối bận tâm, mà còn là ước muốn chân chính được theo Chúa trên mọi bước đường trong cuộc sống. Người khôn ngoan về mặt thiêng liêng  sẽ nhận được lời khuyên từ lời cầu nguyện này: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, linh hồn con đã khao khát Chúa.”

Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thessalonica (4,13-18): Người dân Thessalonica quá quan tâm đến những người vẫn còn sống vào thời điểm Đức Kitô Tái Lâm, vì nghĩ rằng điều đó sẽ sớm xảy ra. Liệu họ có bị “bỏ lại” khi Đức Kitô đến để đem những người đã chết về trời không? Thánh Phaolô đảm bảo với họ rằng, mọi người sẽ có cơ hội như nhau để lên thiên đàng, miễn là họ đã chuẩn bị sẵn sàng bằng cách sống cuộc sống của mình theo lời dạy của Đức Kitô: “rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4,17).

Bài đọc Tin Mừng trích từ Tin Mừng thánh Mátthêu (25,1-13): Trong đoạn này, Chúa Giêsu kể cho chúng ta câu chuyện quen thuộc về các trinh nữ khôn ngoan và trinh nữ khờ dại. Tất cả những điều này đều liên quan đến việc chuẩn bị, và một trong những cách chuẩn bị tốt nhất là có mối quan hệ sâu sắc và chân thành với Đức Kitô. Nếu không có điều này, tất cả các hình thức chuẩn bị khác sẽ phần nào mang tính tư lợi. Những người trong câu chuyện cố gắng vào tiệc cưới (thiên đàng) vào buổi tối muộn (của cuộc đời) mà không chuẩn bị trước sẽ không được vào, vì chàng rể (Chúa Kitô) không quen biết họ. Không có mối quan hệ nào cả! Chúng ta có thể tự mình làm nhiều việc, nhưng tất cả sẽ vô ích nếu những gì chúng ta đã làm không phù hợp với ý muốn của Chúa dành cho chúng ta.

Tuy nhiên, trong chương trước dụ ngôn này, Chúa Giêsu cảnh báo về sự tàn phá thành Giêrusalem, cơn đại nạn của thời kỳ cuối cùng và sự xuất hiện của Con Người. Khi đọc trong bối cảnh này, dụ ngôn hôm nay là một lời cảnh báo cho cộng đoàn Kitô hữu hãy luôn cảnh giác và sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu, Con Người sẽ trở lại vào thời sau hết. Cách giải thích này được hỗ trợ bởi việc ám chỉ đến sự chậm trễ của chàng rể. Cộng đoàn Kitô hữu mà Thánh Mátthêu viết Phúc âm này cho họ đã phải chấp nhận rằng, lời hứa về sự trở lại của Chúa Giêsu sẽ không được thực hiện trong cuộc đời của họ. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tự hỏi mình: Chúng ta có sẵn sàng đón nhận Chúa Giêsu không? Liệu chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Ngài không?

Trong những ngày này, Giáo hội mời gọi chúng ta trở nên giống như các trinh nữ khôn ngoan, hãy sẵn sàng: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13). Nhưng sự chuẩn bị mà chúng ta được mời gọi thực hiện không phải là điều xa lạ đối với đời sống Kitô hữu của chúng ta; nó không phải là một phản ứng phi thường đối với những hoàn cảnh phi thường. Thay vào đó, nó là một lời nhắc nhở chúng ta hãy nâng cao nhận thức của chúng ta về bản chất cuộc hành trình Kitô giáo của chúng ta, rằng toàn bộ cuộc đời của chúng ta phải được sống với sự nhận biết về đích đến cuối cùng của chúng ta, đó là tiệc cưới vĩnh cửu của Con Chiên.

Vì vậy, sự chuẩn bị này mà chúng ta được kêu gọi thực hiện khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của mình là gì? Lúc đầu, câu trả lời có vẻ đơn giản: các Bí tích. Đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và xưng tội. Nhưng việc chúng ta lãnh nhận các Bí tích này và sau đó sống cuộc sống của mình trong “khói bụi” khi chúng ta trải qua một tuần giữa những lần “lấp đầy” vẫn chưa đủ. Không, thay vào đó, chúng ta được mời gọi đào sâu ân sủng mà chúng ta nhận được trong các Bí tích mỗi ngày thông qua việc đào sâu mối quan hệ của chúng ta với Chàng Rể là Chúa Giêsu Kitô.

Các Bí tích không chỉ nhằm mục đích làm “trạm đổ đầy”, mà còn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ cụ thể với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa hằng sống, Đấng đổ đầy cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để kiên trì. Ân sủng của các Bí tích giúp chúng ta sống với ý thức sâu sắc hơn về sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày, để chúng ta có thể nhận được từ chính nguồn sự sống trong lời cầu nguyện hàng ngày, trong những cuộc gặp gỡ với người khác và trong hoàn cảnh, trong cuộc sống của chúng ta.  Sống một đời sống Bí tích có nghĩa là sống một cuộc sống thấm nhuần sự hiện diện của Chúa Kitô, trong đó mọi thực tại đều hướng về Ngài.

Bằng cách này, chúng ta không có nguy cơ gặp phải những khó khăn giống như những trinh nữ dại dột đó. Đây là cách chúng ta phải chuẩn bị: lớn lên mỗi ngày trong ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, được củng cố bởi ân sủng của các Bí tích. Suy cho cùng, đây là sự khôn ngoan thực sự: “Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,13). Vì  “Chú rể kia rồi, ra đón đi! (Mt 25,6).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM