Chuẩn bị sẵn sàng
Trong một số đoạn của Tân Ước, “ngày của Chúa” được dùng để nói đến sự trở lại lần thứ hai của Đức Kitô hoặc, trong Cựu Ước, một ngày phán xét sẽ gây ra sự u ám và diệt vong cho những ai không trung thành với Thiên Chúa của Israel. Dù thế nào đi nữa, các bài đọc, cũng như chủ đề của ngày Chúa Nhật cuối cùng trong Năm Phụng vụ này, là luôn có ý nghĩa về sự phán xét. Đó là một thông điệp đúng lúc!
Bài đọc thứ nhất trích từ Ngôn sứ Malakhi (3: 19-20A). Thông điệp nói về thời gian là vào đầu thế kỷ thứ V trước Công nguyên, khi Israel đang gặp nhiều xáo trộn sau khi kết thúc cuộc lưu đày ở Babylon. Có nhiều sự hư hỏng và bất trung với Thiên Chúa. Thông điệp ở đây là, tất cả nhân loại cuối cùng sẽ phải đứng về phía nào để lựa chọn “thiện” hay “ác” bởi vì “Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa” (Ml 4,1), khi sẽ có một sự tính toán và tất cả phải được phán xét. Hôm nay, chúng ta xem “ngày xét xử” này như là sự Phán Xét Cuối Cùng khi Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, “người Con của công lý”, sẽ ngồi phán xét kẻ “sống và kẻ chết.” Đây là lúc tất cả nhân loại sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động và thiếu sót, những việc làm và hành vi sai trái của họ.
Trong Thánh vịnh Đáp ca (98: 5-9), Tác giả Thánh vịnh đại diện cho những môn đệ trung thành của Thiên Chúa, đang hát ngợi khen Đấng ngự đến để sự phán xét. Các tín hữu không cần phải lo âu về Thiên Chúa, Đấng “ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực.”
Bài đọc II, trích từ Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Thexalonica (3: 7-12). Vào thời điểm bức thư này được viết ra, một số Kitô hữu tiên khởi thường nghĩ rằng, Ngày của Chúa, ngày Chúa đến lần thứ hai, là ngày nổi bật trong cuộc đời của họ. Kết quả là, nhiều người ngừng làm việc nhà, ngừng thi hành các nhiệm vụ và công việc hàng ngày, để chỉ chờ ngày này đến. Điều này trở thành một vấn đề lớn, đối với những người thấy cần phải tiếp tục một cuộc sống “bình thường”. Ngay cả Thánh Phaolô cũng nói với mọi người, hãy tiếp tục làm việc như ngài đã làm để kiếm lương thực hàng ngày “bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em” (2 Tx 3,7).
Trong Bài đọc Tin Mừng theo Thánh Luca (21: 5-19), chúng ta nghe Chúa Giêsu nói tiên tri về sự tàn phá lớn của Giêrusalem sắp xảy ra. Tất cả những điều này đã xảy ra vào năm 70 sau Công Nguyên, do hậu quả của cuộc bách hại Kitô giáo, đầu tiên là bởi người Do Thái và sau đó là người La Mã. Đó là Ngày Phán xét cho những người Do Thái không chấp nhận Đức Kitô; nhưng nó không phải là ngày tận thế. Sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục nói về Ngày Phán xét lớn hơn mà tất cả chúng ta sẽ phải đối mặt vào một ngày nào đó, đầu tiên là khi chúng ta chết và sau đó là ngày tận thế. Nhưng chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi trong tỉnh thức “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19).
Theo truyền thống, tháng 11 là tháng mà chúng ta hướng đến việc tưởng nhớ những người thân và bạn bè đã khuất của chúng ta (Ngày Các Thánh và Tất cả các linh hồn), cũng như đến cái chết và sự phán xét của chính chúng ta. Điều này không được thực hiện với tinh thần sợ hãi; đúng hơn, nó được thực hiện với tinh thần sẵn sàng khi chúng ta được nhắc nhở rằng, chúng ta là người phàm và chúng ta sẽ đến tham dự với người thân và bạn bè của chúng ta vào một ngày nào đó. Tháng 11 cũng là tháng kết thúc Năm Phụng vụ của Giáo hội và điều cần thiết đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta, đó là: “Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng chưa và chuẩn bị như thế nào?”
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM