(Bài đọc I: Cv: 8:5-8,14-17; Bài đọc II: 1 Pr 3:15-18; Tin Mừng: Ga: 14:15-21)
Sống trong niềm vui
Các Bài Đọc hôm nay, Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh, tiếp tục nói với chúng ta về niềm vui bắt nguồn từ việc yêu mến và phụng sự Thiên Chúa một cách chân thành và vui vẻ. Tuy nhiên, để hiểu điều này và tìm ra nguồn gốc của niềm vui và sự nhiệt thành này, mà những người theo Chúa Giêsu thời ban đầu, cũng như tác giả Thánh Vịnh đã có, chúng ta phải tìm kiếm sâu xa hơn một chút. Vì khi nói về “niềm vui” theo nghĩa thiêng liêng, chúng ta không có nghĩa là “Ha! Ha!” hoặc nhảy nhót theo loại niềm vui cảm xúc của thể lý. Thay vào đó, niềm vui tinh thần là một sự thanh thản, yên bình lấp đầy con người chúng ta từ bên trong tâm hồn.
Trong Bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ (8:5-17), chúng ta nghe câu chuyện ông Philipphê, một trong những tân phó tế, đến Samaria để công bố Lời Chúa. Để thu hút sự chú ý đến lời rao giảng của ông Philípphê, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ qua ông, và nhiều người Samari đã cải đạo và chịu phép thanh tẩy. Niềm vui được thể hiện không phải từ những phép lạ hay từ lời rao giảng của ông Philipphê, nhưng chính từ Thần Khí của Chúa Giêsu, mà họ đã lãnh nhận qua việc đặt tay của các tông đồ, “khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8,15). Qua việc hoán cải tâm hồn và dấn thân chịu Phép Rửa, cũng như lãnh Chúa Thánh Thần, mà họ đã nhận được niềm vui, tình yêu, bình an và nhiều hồng ân khác.
Trong Thánh vịnh Đáp ca, (66:1-20), chúng ta nghe tác giả thánh vịnh tán dương những kỳ công vĩ đại hay những phép lạ mà Thiên Chúa đã làm trong quá khứ qua dân Ngài, là những người trung thành và vâng phục Ngài. Cuối cùng, tác giả thánh vịnh ca ngợi Chúa vì đã ban phước cho ông và đáp lại lời cầu nguyện của ông.
Bài đọc II, trích Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3:15-18). Trong đoạn này, ông Phêrô đang nói với những người theo ông, và cả chúng ta nữa, rằng chúng ta nên chia sẻ niềm vui của Phúc âm với bất kỳ ai quan tâm “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” ( 1 Pr 3, 15). Và làm điều này không phải bằng sự ép buộc hay sự thống trị, mà bằng sự nhẹ nhàng chia sẻ với họ những điều tuyệt vời mà Chúa đã làm cho tất cả chúng ta. Nếu chúng ta cần giúp đỡ để làm điều này, hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng, vì ngay chính Đức Kitô “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3,18).
Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Gioan (14:15-21). Đây là phần tiếp theo của bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước. Bối cảnh là Bữa Tiệc Ly, và Chúa Giêsu đang nói với các môn đệ rằng, Ngài sắp rời xa họ ‘một thời gian’, nhưng Ngài sẽ ở cùng họ nhờ Thánh Thần của Ngài, “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Trong đoạn này, chúng ta tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần): Tất cả là Một, nhưng mỗi ngôi vị đều có vai trò cụ thể của mình trong Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa, tình yêu thiêng liêng mà Thiên Chúa đã chia sẻ trong chính mình và muốn chia sẻ với chúng ta. Đây là tình yêu mà ông Philípphê đã chia sẻ với những người Samari. Đây là tình yêu đã khiến tác giả Thánh vịnh ca ngợi Chúa. Và đây là tình yêu đã khiến Thánh Phêrô trở nên can đảm và dạn dĩ sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ông vào Chúa Nhật Lễ Ngũ Tuần đầu tiên đó.
Nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ nhận biết và đánh giá cao sự hiệp nhất giữa Chúa Con và Chúa Cha. Họ cũng sẽ hiểu rằng, họ cũng tham gia vào sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14:20).
Bài đọc hôm nay là một ví dụ về sự tương phản mà Tin Mừng Gioan trình bày giữa cộng đoàn các môn đệ, những người mà Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra cho họ, và với thế giới vô tín, sẽ ở trong bóng tối. Thế giới vô tín không thể chấp nhận “Thần Khí sự thật,” mà các môn đệ sẽ nhận được. Chỉ qua Thánh Linh, sự mặc khải và tình yêu của Thiên Chúa mới được biết đến.
Như với tất cả hoa trái của Thánh Linh, niềm vui thực sự không thể được tạo ra thông qua một hành động theo ý muốn của chúng ta. Niềm vui đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta trải nghiệm niềm vui sâu xa, khi Chúa Thánh Thần làm cho công việc và sự hiểu biết về Chúa Giêsu trở thành một thực tại lớn lao hơn trong lòng chúng ta. Và niềm vui thực sự phát triển và thăng tiến, khi chúng ta lớn lên trong sự trung tín với Chúa Giêsu “Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).
Lm Phêrô Phạm Minh Triều