Chúa nhật VI TN B- Mồng Hai Tết Nguyên Đán: Kính Nhớ Tổ Tiên

0
652

(Bài đọc I: Hc 44, 1.10-15; Bài đọc II: Ep 6, 1-4.18-23; Tin Mừng: Mt 15, 1-6)

Gia đình ngày Tết

Những ngày Tết đối với người dân Việt thì đó là những ngày hết sức thiêng liêng. Thiêng liêng vì nó mang những giá trị tâm linh và văn hóa cũng như truyền thống sâu sắc tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đối với người Công Giáo, ngày Tết còn có ý nghĩa hơn nữa, khi nó còn chứa đựng những thực hành đức tin sâu sắc theo Tin Mừng. Ngày Mồng Hai Tết mang đậm những ý nghĩa nhân văn, khi không chỉ nói về ngày đoàn tụ gia đình với ông bà cha mẹ, mà còn cầu nguyện cho ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời, để tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn. Đây là một ngày đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên Đán của chúng ta. Với sự soi sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy cố gắng nhìn truyền thống tốt đẹp này với các giá trị của Tin Mừng.

Truyền thống là nền tảng để xây dựng nên các gia đình vững mạnh

Điều này giống như Giáo hội xây dựng tất cả nền phụng vụ và luân lý của mình dựa trên tất cả những gì các tông đồ đã làm. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến các giá trị truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Sách Huấn Ca là một bài ca tụng về công ơn của tiền nhân đã làm cho con cháu đời sau, với biết bao công trình tốt đẹp cả tinh thần lẫn vật chất. Những gì các ngài làm, nó đã trở nên nền tảng tinh thần để các thế hệ con cháu xây dựng tương lai của mình: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành” (Hc 44, 12). Như vậy, truyền thống sẽ giúp chúng ta có được nền tảng đạo đức và tâm linh để xây dựng tương lai của mình. Bởi vì những truyền thống đó đã được trải nghiệm bởi sự khôn ngoan và từng trải của tiền nhân. Họ đã kín múc những điều tích cực và sâu sắc từ trong đời sống của mình và truyền lại cho con cháu, hầu mong lũ cháu đàn con luôn được hạnh phúc.

Đó chính là điều mà Thánh Phaolô cũng nói với dân thành Êphêxô khi dạy họ phải sống lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ như thế nào để luôn hợp lẽ đạo. Ngài nói điều này như một bí quyết, để xây dựng gia đình đạo đức và và thăng tiến trên đường đức hạnh: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 2-3). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều này, khi Ngài nói với họ về một truyền thống tốt đẹp chân thực cần được thực hành đúng đắn: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15, 4). Vì khi giới răn hiếu thảo được thực hành đúng đắn, nó sẽ trở nên nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng đời sống đạo đức tốt đẹp theo tinh thần của Tin Mừng. Và nếu truyền thống nào được xây dựng trên Lời Chúa và Tin Mừng, thì nó mới có thể thực sự tồn tại lâu dài và mang đến niềm vui đích thực cho cuộc sống con người.

Truyền thống bao gồm cả các lời dạy dỗ và những thực hành

Khi nói về truyền thống, chúng ta không chỉ đề cập đến những gì thuần túy là tư tưởng hay những kho tàng văn chương văn học hay văn hóa, mà nó bao gồm cả một lối sống cho truyền thống tốt đẹp ấy. Lời Chúa hôm nay mời gọi mợi người hay chân trọng những gì truyền thống được lưu lại qua lời dạy của tiền nhân và hãy thực hành nó. Có như vậy những giá trị đó mời thực sự đi vào đời sống và trổ sinh những hoa trái tốt đẹp. Chính Chúa Giêsu đã quả trách các người Pharisieu vì họ đã không thực hành đúng như những gì tiền nhân đã truyền lại. Họ đã bóp méo và thay đổi nội dung thực hành để có lợi cho ích kỷ cá nhân của họ: “như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15, 6). Điều thực hành này đối với cha mẹ như Thánh Phaolô khích lệ: “Thưa anh em, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ” (Ep 6, 1). Vâng phục hay tôn kính đó là hành động cần phải có khi thực hiện lòng hiếu thảo. Nó phải chỉ được diễn tả bằng lời, mà cả trong hành động của mình.

Truyền thống là để xây dựng và gìn giữ đức tin luôn sống động

Đối với người Kitô hữu, truyền thống nào cũng cần phải phù hợp với giá trị Tin Mừng và nuôi dưỡng đức tin, thì truyền thống đó mới thực sự được lưu truyền và gìn giữ. Đạo hiếu là một truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là một truyền thống nhân văn đi từ đời sống gia đình của mỗi người Việt Nam. Truyền thống này hoàn toàn tương xứng với giá trị Tin Mừng và truyền thống đức tin công giáo đã dạy dỗ người Kitô hữu. Cho nên truyền thống này là một nền tảng đức tin vững chắc cần được nuôi dưỡng và dạy dỗ trong đời sống của mỗi người Kitô hữu. Truyền thống này sẽ giúp đức tin được lưu truyền và củng cố đức tin của mỗi người Kitô hữu, khi sống điều răn thứ tư mà Chúa đã truyền dạy.

Ngày tết là để nhìn lại đời sống mỗi người và mỗi gia đình trong một năm và để xây dựng điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Sống điều răn thứ tư cũng cần quyết liệt hơn khi bố mẹ ngày càng lớn tuổi hơn, dễ bệnh hơn và mất đi quyền hành hơn. Do đó, cần thực thi truyền thống đạo hiếu tốt đẹp này để nói rằng, giá trị Tin Mừng đã có trong truyền thống văn hóa của chúng ta và chúng ta cần sống lệnh truyền này của Chúa mọi ngày trong đời sống chúng ta, chứ không phải chỉ ba ngày tết.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM