(Bài đọc I: Xh 19:2-6a; Bài đọc II: Rm 5:6-11; Tin Mừng: Mt 9:36-10:8)
Sứ điệp tình thương
Trong tâm tình dư âm của ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, các bài đọc Lời Chúa hôm nay một lần nữa họa lại cho chúng ta hình ảnh về một tình yêu thương chan chứa của Thiên Chúa dành cho nhân loại, nhất là khi nó được thể hiện qua tình yêu hiến tế của Đức Giêsu. Tình yêu này được ban tặng nhưng không, và bất cứ ai gắn bó với tình yêu này sẽ thuộc về đoàn dân của Chúa.
Bài đọc I trích sách Xuất Hành (19:2-6), chúng ta nghe cuộc đối thoại của ông Môsê với Thiên Chúa và điều Thiên Chúa diễn tả với ông, là tình yêu mà Ngài đã dành cho dân Israel: “Ta đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta” (Xh 19,4). Nếu dân Israel nhận ra tình yêu ấy và giữ cam kết trung thành với Giao ước, thì dân mới thực sự thuộc về Thiên Chúa. Và chỉ có như thế, họ mới có thể tìm được một hướng đi mới dứt khoát, để trở nên “một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19, 6a).
Trong Thánh Vịnh Đáp Ca (Tv 100), chúng ta nghe nhiều hơn về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa phải như thế nào: “hãy vui mừng đến trước nhan Người”, “Người đã dựng nên chúng ta, chúng ta là dân Người”, “Chúa nhân từ, lòng nhân hậu của Người còn tồn tại đến muôn đời”. Nếu chúng ta có mối tương quan cá nhân bền chặt với Chúa Giêsu Kitô, thì tất cả những đức tính này sẽ là điều tự nhiên đối với chúng ta.
Trong Bài đọc thứ II, thư thánh Phaolô gửi Tín hữu Rôma (5:6-11), chúng ta nghe Thánh Phaolô nhắc nhớ cho dân về một tình yêu hiến tế của Đức Kitô dành cho nhân loại: “thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8). Nhờ tình yêu này mà Đức Kitô đã hàn gắn mối tương quan đổ vỡ của con người với Thiên Chúa trước đó. Điều này cho thấy, chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong sự hòa giải, để làm cho con người được nối kết lại với Thiên Chúa, trong tương quan của tình yêu thương vô bờ bến.
Trong bài đọc Tin Mừng theo thánh Mátthêu (9:36-10:8), Chúa Giêsu chia sẻ sứ vụ loan báo Nước Trời với các môn đệ. Các dấu hiệu về sự hiện diện của vương quốc bao gồm công việc Chúa Giêsu đã và đang làm: người bệnh được chữa lành, người phong cùi được sạch, ma quỷ bị trừ khử và kẻ chết sống lại. Các môn đệ được sai đi để tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã bắt đầu. Đây là thời khắc chuyển tiếp trong Tin Mừng Mátthêu. Trọng tâm đã chuyển từ sứ vụ của Chúa Giêsu sang công việc của cộng đoàn mà Ngài đã thành lập, đó là các tông đồ. Hơn bất kỳ sách Phúc âm nào khác, Phúc âm Mátthêu trình bày chi tiết về công việc của Giáo hội, đó là công việc tiếp tục sau sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu.
Nhưng trước hết, điểm đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay là nói về Đức Giêsu động lòng trắc ẩn đối với đám đông: “Khi ấy, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36). Thiếu sự hiện diện của Đức Kitô, đám đông trở nên đáng thương và lạc lõng. Họ đã đi tìm Ngài, vì họ cảm nhận tình thương mà Ngài đã dành cho họ. Tiếp đó, Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu ủy thác cho mười hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng. Tức là để làm và rao giảng như những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Nhiều học giả cho rằng mười hai môn đệ tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel. Do đó, nó chỉ định tính liên tục giữa dân Israel và Giáo hội.
Như Chúa Giêsu sai các môn đệ tiếp tục công việc và sứ vụ của Người, thì Giáo hội cũng được Chúa Giêsu sai đi. Giáo Hội là sự hiện diện liên tục của Ngài trên thế gian. Mọi thành phần của Giáo Hội đều được Chúa Giêsu sai đến để góp phần vào sứ vụ này. Tức là Giáo hội trở nên một cầu nối của sự hiệp nhất nhân loại trong Chúa. Giáo hội làm cho mọi người trở nên một đàn chiên trong Đức Kitô. Và Giáo hội sẽ rao giảng về tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại được thể hiện như thế nào.
Được thuộc về Chúa, được sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa là một ân phúc, mà Giáo hội được mời gọi để chia sẻ với người khác bằng kinh nghiệm của mình. Khi thuộc về đoàn chiên của Chúa là chúng ta sẽ được dẫn dắt, yêu thương và chăm sóc bởi chính Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Nếu không, giống như đám đông, không có sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc sống, chúng ta sẽ không có mục đích, mất phương hướng, và không thuộc về đâu cả.
Xin cho chúng ta luôn biết sống thuộc về Giáo hội và mạnh dạn ra đi để chia sẻ tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta, để người khác cũng được sáp nhập và sống tình yêu thương ấy của Thiên Chúa dành cho nhân loại, vì “anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8).
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM