Chúa Thánh Thần – Người Bạn Vĩ Đại Của Mọi Kitô Hữu.

0
2370

Trong hành trình cuộc sống, có lẽ, mỗi người đều có ít là một người bạn thân cho riêng mình. Cách riêng, nơi người Kitô hữu, khi nhận lãnh phép rửa, họ “nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20, 22), họ đã có cho mình một người bạn thật đặc biệt. Người Kitô hữu được tháp nhập vào Đức Giêsu Kitô và lãnh nhận trọn vẹn Ngôi Vị Thánh Thần. Thân xác họ trở nên Đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, và chính Ngài trở nên bạn chí thánh nơi linh hồn họ.

Thật khó để tin, một vị Thiên Chúa lại là bạn của con người, nhưng sự thật, Chúa Thánh Thần là người bạn vĩ đại đó. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta cũng thực như Ngài ở trong tương quan tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Trước khi Ngài ngự vào linh hồn ta, Ngài làm cho nó trở nên xinh đẹp, xứng đáng với sự hiện diện thần linh của Ngài. Chúa Thánh Thần ở trong tôi, trong bạn là những tâm hồn đầy tràn ân sủng. Ngài là người bạn thần linh nhưng hết sức gần gũi, một người bạn hằng ban ơn và giúp sức, sẻ chia và ủi an, bảo vệ và hướng dẫn. Để minh chứng “Chúa Thánh Thần là người bạn vĩ đại của mọi Kitô hữu”, qua bài viết này, tôi sẽ lần lượt trình bày: Chúa Thánh Thần _ Người là ai? Tại sao nói Chúa Thánh Thần là người bạn vĩ đại của mọi Kitô hữu? Sau cùng, tôi sẽ đưa ra nhận định về người bạn Thánh Thần, từ đó điều chỉnh thái độ cư xử đối với người bạn thân chí thánh này.

I. Chúa Thánh Thần là ai ?

Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa ít được biết đến, vị Thiên Chúa bị lãng quên. Với nhiều Kitô hữu, Chúa Thánh Thần là Đấng cứu giúp, chứ không phải là Đấng hiện diện[1]. Chúng ta có rất nhiều danh xưng cũng như nhiều hình ảnh để nói về Ngài, đó là: “Hơi Thở Thiên Chúa”, “Thần Khí Thánh”, “Thần Khí Sự Thật”, “Chúa Thánh Thần”… Ngài hiện diện dưới nhiều hình ảnh hay biểu tượng: lưỡi lửa, chim bồ câu, gió, nước, ngón tay Thiên Chúa … Tất cả các danh xưng, và hình ảnh trên chưa đủ để trả lời thấu đáo cho chúng ta câu hỏi: Chúa Thánh Thần là ai? Bởi Chúa thánh Thần không phải là những gì chúng ta có thể gói gọn trong khái niệm. Chúng ta sẽ nhận biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như một Ngôi Vị Thiên Chúa qua hành động Ngài thực hiện trong lịch sử, qua những gì các ngôn sứ nói do thần hứng. Chúng ta thấy rằng, Chúa Thánh Thần hiện diện mọi nơi và có tính sáng tạo, Ngài hiện diện trong thân tình và yêu thương. Ngài là Thiên Chúa với tư cách là sự biểu lộ quyền năng của Chúa Cha, không phải như Ngôi Lời là hình ảnh được bày tỏ trong lịch sử nhân loại[2]. Ngài là sự biểu lộ của mầu nhiệm Thiên Chúa, là quyền năng, là sự sống và là tình yêu Thiên Chúa.

1. Chúa Thánh Thần là quyền năng Thiên Chúa

Thánh Thần chính là hiện thân hành động của Thiên Chúa khi Người phục sinh Đức Kitô, “Nếu Thần Khí của Đấng đã phục sinh Đức Giêsu Kitô từ cõi chết ở trong anh em, Đấng đã phục sinh Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sẽ ban cho thân xác hay chết của anh em, bởi Thần Khí Người” (Rm 8, 11). Đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa là Thần Khí của sự phục sinh, qua Thánh Thần, quyền năng vô biên của Chúa Cha được phát huy. Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô đã bị đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống bởi quyền năng Thiên Chúa” (2Cr 13, 4). Thánh Phêrô cũng giải thích: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, Đấng công chính đã chết cho kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1Pr 3, 18-19). Vậy Thần khí là tác động của Thiên Chúa trong sự toàn năng của Người[3].

Sức mạnh của Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa. Từ trên cao, sức mạnh đó đáp xuống trên con người, xâm chiếm con người (x. 1Sm 16, 13) và bao trùm lên con người: “Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ đổ xuống trên ngươi (Saul)[…] và ngươi sẽ được biến đổi thành một người khác”. Trong Tân Ước, nơi Tin Mừng Luca, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên thiếu nữ Maria, và “quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng” trên trinh nữ (Lc 1, 35). Thánh Thần và “Quyền Năng” là hai danh từ nhưng là một thực tại duy nhất[4].

Sứ vụ của Chúa Giêsu được khai mào “trong quyền năng Chúa Thánh Thần” (Lc 4,14), và  Ngài đã thực hiện những công trình đầy quyền năng Thánh Thần: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18). Không những thế, các Tông Đồ, những người mang chứng từ của Chúa Giêsu cũng được ban đầy tràn sức mạnh Chúa Thánh Thần, mạnh dạn nói lời Thiên Chúa (x. Cv 4, 31)[5].

Từ những chứng từ trên, chúng ta có thể quả quyết, Thần Khí là hiện thân quyền năng Thiên Chúa, hay có thể nói “Quyền Năng” chính là danh thánh của Thiên Chúa: “Các con sẽ thấy Con Người ngự bên phải của Đấng Quyền Năng” (Mt 26,64). Thần Khí chính là Thiên Chúa trong đặc tính căn bản, cũng như trong hoạt động vô cùng của Người. Đối với đức tin Kitô giáo, Thánh Thần là một Ngôi Vị, vì thế, người ta sẽ nói rằng, Ngài là hành động được “Ngôi Vị hóa”. Ngài thực hiện tất cả những công trình của Thiên Chúa[6].

Thiên Chúa sẽ là ai, nếu không có Chúa Thánh Thần? Có Chúa Cha là nguồn suối, từ nơi Người, mọi sự tuôn chảy; có Chúa Con là hình ảnh chiêm ngưỡng của Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần mọi sự tuôn chảy. Chính Chúa Thánh Thần là sự tuôn chảy, là sự trao đổi vĩnh hằng của tình yêu. Làm sao Thiên Chúa là Cha và Con sẽ là “Tình Yêu”, nếu không có Chúa Thánh Thần nối kết? Như thế, Thánh Thần còn được gọi là sự “Hiệp Thông” và “Tình Yêu”.

2. Chúa Thánh Thần là tình yêu

Chúng ta biết rằng, “tương giao” làm nên mọi sự hiện hữu. Không có gì hiện hữu mà không có tương giao, kể cả Thiên Chúa. Ba Ngôi “tương giao hiệp nhất” nên một: Ngôi Lời sinh hạ từ Cha; Thánh Thần nhiệm xuất từ Cha và Con. Cả Ba Ngôi sung mãn khi trao tặng cho nhau, Ba Ngôi hiệp nhất diễn tả mối tương quan thân mật ở lại trong tình yêu.

Thần Khí là “Ngôi Vị Tình Yêu,” bởi lẽ khi thai sinh Con, Cha thông ban Thần Khí của Người cho Con. Cha bộc lộ mình bằng câu nói “Ta sinh ra Con,” và Con cũng nói “Tôi ở trong Cha tôi”. Trong Thần Khí, cả hai cùng nói “Chúng ta” là “một” (x. Ga 10, 30). Giữa hai người phàm, tình yêu cũng xảy ra như vậy, họ cảm nghiệm như đó là nguồn lực thứ ba, nó phát huy sự khác biệt của mỗi người, lại nối kết họ trong sự hiệp thông. Vì thế, họ không nói “tình yêu của anh,” hay “tình yêu của em,” mà họ nói “tình yêu chúng ta.” Tình yêu trong hai con người thì không triệt để, nó có khả năng lịm tắt đi trong một con tim mà vẫn tồn tại ở con tim kia. Nhưng tình yêu Thiên Chúa thì được sở hữu bất khả chia ly, bởi cả Cha và Con trong Thánh Thần tình yêu[7].

Thánh Thần là tình yêu, là tình con thảo của Con sống với Cha. Tình yêu này cũng được đổ tràn trong chúng ta, là những người con của Cha, là em của anh cả Giêsu. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta trở nên một thân thể duy nhất, và đương nhiên trở thành con của Cha. Mà đã là con, chúng ta được thừa kế “Tình yêu” Thánh Thần.

Thánh Thần là tình yêu được chứng thực trong thư 1Ga 4, 8-16. Ngoài ra, sự đồng nhất giữa Thánh Thần và “Tình Yêu” còn được gợi ý nhiều trong các thư Phaolô: Ta được thánh hóa trong Thần Khí và trong lòng mến (x. Ep 1, 4); Ơn cứu độ cuối cùng được đảm bảo bởi “tình yêu tràn đổ trong lòng chúng ta” (Rm 5, 5) và bởi “bảo chứng Thần Khí đặt sẵn trong lòng ta” (2Cr 1,22). Thánh Thần trổ sinh hoa quả đức mến đã đành, chính bản thân Ngài là hoa trái tình yêu dành cho loài người, mà tình yêu phó mạng của Thiên Chúa sản sinh ra. Thánh Thần chín mùi trên cây thập tự: “Người phát ra Thần Khí,” dòng Nước Hằng Sống của Chúa Thánh Thần vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thủng. Ngài được “trao ban,” được “đón nhận.” Ngài là “ân huệ” trong đó, tình yêu Thiên Chúa được cụ thể hóa[8].

Tình yêu vĩ đại này không chỉ dành riêng cho loài người, mà cho hết thảy thụ tạo. Toàn bộ tạo thành được sáng tạo trong Thần Khí bằng tình yêu vô tận “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra […] Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật” (Kn 11, 24-12,1). Thần Khí không chỉ là tình yêu khuấy động cõi sâu thẳm nơi lòng con người, nhưng còn là sự ân cần gìn giữ thế giới tự nhiên sống động. Ngài là Đấng siêu thăng nhân loại để họ trở thành người hơn. Ngài là “tình yêu Thiên Chúa đổ tràn lòng chúng ta” (Rm 5, 5), là “Thần Khí sự sống” (Rm 8, 1) được ban cho chúng ta.

3. Chúa Thánh Thần là sự sống

Thần Khí được dịch từ chữ Hípri là “ruah” và trong tiếng Hy Lạp là “Pneuma”. Cả hai từ này đều có nghĩa là hơi thở, không khí. Trong nhiều bản văn, hơi thở của Thiên Chúa được dùng để nói tới sự hiện diện và hành động đổi mới cũng như sáng tạo của Thiên Chúa Israel. Hạn từ “Thần Khí” này chỉ về sự hiện diện đầy sức mạnh và sự sống của Thiên Chúa trong thiên nhiên, trong lịch sử Israel và cuộc sống cá nhân[9].

 Hình ảnh hơi thở và lời nói được liên kết với nhau, lời nói xuất hiện nhờ hơi thở. Ngay từ khởi thủy và ở chóp đỉnh cuộc Vượt Qua, Lời Thiên Chúa và Thần Khí cùng hoạt động hòa nhịp với nhau. Cũng như nơi loài người, lời nói và hơi thở cùng chuyển tải lời nói, hai thứ không tách rời nhau, “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Được sáng tạo trong Thần Khí, trần gian này phải có linh hồn, có sự sống. Hơi thở là biểu tượng sự sống, thế giới được Hơi thở thần linh gọi ra hiện hữu là một thế giới sống. Theo nghĩa này, tạo dựng đồng nghĩa với việc phục sinh kẻ chết. Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi Ađam, khiến ông trở nên “một con người” (St 2,7). Hơi thở sự sống rảo quanh khắp mặt đất “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,30). Vì Thần Khí là sự sáng tạo và là sự sống, nên lời hứa của Ngài thông phần vào hy vọng thời Mêsia. Buổi lưu đày, Israel giống như cánh đồng rải rác đầy xương khô, nhưng Thần Khí từ bốn phương trời xà xuống trên đám xương khô đó, Dân Thánh sẽ phục sinh: “Ta sẽ đặt hơi thở của Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống” (Ed 37, 5). Thời lưu đày trở về, trong vùng đất cháy bỏng mặt trời, dân bị cơn khát giày vò. Thiên Chúa thực thi lời hứa ban nguồn nước dồi dào là ân huệ Thần Khí: “Ta sẽ rải trên các ngươi một dòng nước trong vắt […] Ta sẽ đổ trong các ngươi chính Thần Khí của ta” (Ed 36, 25-27)[10].

Trong khi Cựu Ước trình bày Thần Khí như là Đấng trao ban sự sống, thì Tân Ước lại nói đến ý nghĩa mới: Thần Khí là Đấng cưu mang ơn phục sinh (x. Rm 8, 11). Phaolô liên kết chặt chẽ Chúa Kitô Phục sinh với Thần Khí: Ngài là Ađam mới với khả năng trao ban sự sống (x.1Cr 15, 45). Gioan nói đến sự tái sinh nhờ Thánh Thần (x. Ga 3, 5), suối nước trường sinh, (x. Ga 4, 14), nguồn mạch sự sống (x. Ga 6, 63). Dựa trên những bản văn này, Kinh Tin Kính của Công Đồng Nixê và Constantinô sẽ xác định giáo lý “Thần Khí là Đấng ban sự sống”[11].

Xét cho cùng, mục đích mầu nhiệm khổ nạn và Phục sinh là ban Thánh Thần, bởi lẽ Thiên Chúa tạo dựng con người, và Ngài muốn ban cho con người sự sống đời đời. Để trao ban sự sống dồi dào đó, Ngài đã ban chính Con một làm người, chết trên thập tự. Chính trong giây phút nước và máu tuôn chảy từ cạnh sườn người Con, Chúa Thánh Thần đã được ban cho nhân loại. Cũng lẽ đó, Kitô hữu trong Bí tích Thanh tẩy, họ được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô, họ được lãnh nhận Thánh Thần là chính sự sống dồi dào và vĩnh cửu Thiên Chúa ban, họ trở thành con Thiên Chúa, được thừa kế tình yêu Thiên Chúa và sống trong tình yêu đó.

Mặc dù, chúng ta không thể định nghĩa Chúa Thánh Thần là ai như một khái niệm, nhưng chúng ta đã biết rất chắc chắn rằng, Thánh Thần là quyền năng, là tình yêu và là sự sống viên mãn của Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa vĩ đại quyền năng, thế nhưng, Ngài cũng là bạn của Kitô hữu chúng ta, những thụ tạo cần Ngài ban sức sống và tình yêu.

II. Tại Sao Nói Chúa Thánh Thần Là Bạn Vĩ Đại Của Mọi Kitô Hữu?

Có lẽ, khi nói về Thánh Thần, người ta thường gọi Ngài là Thầy dạy, là Đấng bào chữa, hay Đấng chỉ đường, chẳng mấy ai gọi Ngài là bạn. Với tôi, việc gọi Chúa Thánh Thần là bạn của các Kitô hữu là điều thật chắc chắn và ý nghĩa, bởi lẽ: Ngài đích thật là người bạn ở trong linh hồn các tín hữu; Ngài hằng hoạt động trong mỗi tín hữu; Ngài có những đặc tính của người bạn tốt.

1. Chúa Thánh Thần đích thân ở trong linh hồn các tín hữu

Chúng ta biết rằng, linh hồn con người là kiệt tác của Thiên Chúa, là Hơi Thở Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa trong tự do và tình yêu mà Ngài sáng tạo muôn loài, trong đó con người là thụ tạo đặc biệt. Con người chúng ta được tạo dựng giống Thiên Chúa không chỉ ở dáng vẻ bề ngoài, nhưng còn giống trong chính yếu tính của hữu thể. Thiên Chúa đã làm cho linh hồn chúng ta nên thiêng liêng giống Người. Người làm cho linh hồn ta nên bất tử, sẽ sống mãi như Người. Theo lời thánh Phêrô Tông Đồ, Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được thực sự tham dự vào bản tính thần linh của Người (x.2Pr 1, 4). Linh Khí thầm kín của Thần Khí Thiên Chúa làm cho thần trí con người cởi mở với Thiên Chúa là Đấng cởi mở với con người trước, để cứu độ và thánh hóa con người. Chính do ân huệ hữu hiệu Thần Khí ban, con người đi vào một “đời sống mới,” con người được dẫn đưa vào thực tại siêu nhiên của chính sự sống thần linh và trở thành “một nơi Thánh Thần cư ngụ” (Rm 8,9), “một Đền Thờ sống động của Thiên Chúa” (1Cr 6,19). Nhờ Thánh Thần, Chúa Cha và Chúa Con đến và ở với con người. Trong sự hiệp thông ân sủng với Ba Ngôi, “không gian sinh hoạt” của con người được mở rộng, được nâng lên bậc siêu nhiên của đời sống thần linh. Con người sống trong Thiên Chúa và sống nhờ Thiên Chúa. Con người sống theo Thần Khí và ước muốn những gì thuộc về Thần Khí[12].

Thần Khí Chúa được tuôn đổ vào trong bản thể linh hồn chúng ta, do đó cũng tuôn đổ vào các tài năng của chúng ta, giúp chúng ta có khả năng làm những hành vi siêu nhiên cao cả nhất. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng: Trước khi chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần, chúng ta giống người mang gánh nặng của tuổi tác, tật nguyền. Nhưng, khi Chúa Thánh thần ngự xuống, chúng ta liền được biến đổi, trở nên trẻ trung, xinh đẹp và tràn đầy nghị lực[13].

Chúng ta tự hỏi, Chúa Thánh Thần ngự vào linh hồn chúng ta khi nào? Phải chăng khi chúng ta lọt lòng mẹ, hay trước đó? Câu trả lời thỏa đáng là: Chúa thánh Thần ngự vào linh hồn chúng ta qua Bí tích Thanh tẩy. Trong Bí tích Thanh tẩy, linh hồn chúng ta được thanh tẩy khỏi mọi nhơ nhớp của nguyện tội, được mặc lấy ơn Thánh Sủng. Chính trong Bí tích khai tâm này, Chúa Thánh Thần đích thân ngự vào lập cư trong linh hồn chúng ta, và làm cho nó nên đền thờ sống động của Ngài. Dù chúng ta đi đâu, làm gì, thì Chúa Thánh Thần vẫn thực sự ở với chúng ta. Ngài chỉ lìa bỏ chúng ta khi chúng ta phạm tội trọng, khi chúng ta cố tình xua đuổi Ngài ra khỏi linh hồn mình, cùng với tất cả những ân sủng và tình yêu thần linh của Ngài. Chỉ khi linh hồn chúng ta được thanh tẩy qua Bí tích Giải tội và thực sự được tắm rửa trong Máu Châu Báu Đức Giêsu Kitô, thì Thánh Thần sẽ lại đến với linh hồn chúng ta[14].

Con người là thụ tạo được thiên Chúa tạo dựng và được phức hợp bởi xác và hồn. Thân xác chúng ta là cát bụi, và sẽ trở thành cát bụi sau khi chết. Linh hồn chúng ta thì thiêng liêng và bất tử giống Thiên Chúa, bất cứ vẻ sinh đẹp nào cũng từ linh hồn mà đến. Tuy nhiên, với con người, dường như thân xác mới là phần được quan tâm hơn hẳn. Suốt ngày, chúng ta chỉ bận tâm tới những nhu cầu, lợi ích và sung sướng cho thân xác. Suốt đêm, chúng ta tiếp tục dung dưỡng thân xác bằng những giờ ngủ dài. Nếu thân xác chỉ hơi bị đau, hoặc khó chịu, là chúng ta vội vàng xoa dịu nó, mời bác sĩ, dùng những liều thuốc đắt tiền. Còn với linh hồn, nơi mà Chúa Thánh Thần hằng cư ngụ, chúng ta dường như lãng quên, thậm chí là xung đột[15].

Trong cuộc xung đột giữa một bên là xác thịt ước muốn nghịch với Thần Khí, một bên là Thần Khí có những ước muốn nghịch với xác thịt, thì chính Chúa Thánh Thần là Đấng phân xử. Trong thư gửi tín hữu Galata, Thánh Phaolô viết: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí và như vậy anh em sẽ không làm những gì xác thịt mong ước. Vì Thần Khí có những mong ước nghịch với xác thịt, hai bên kình chống nhau vì vậy mà anh em không làm những điều anh em muốn” (Gl 5, 16-17). Vì con người do tinh thần và thể xác cấu thành, nên tự nơi con người có sự kình địch giữa xu hướng của “tinh thần” và xu hướng “xác thịt”. Thánh Phaolô nói: “Những việc do xác thịt gây nên thì ai cũng biết, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, say sưa, rượu chè, và những điều tương tự” (Gl 5, 19-21). Đối lại những việc xấu xa đó, thánh Phaolô đưa ra “hoa trái của Thần Khí” đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, tin tưởng, hiền lành, tự chủ” (Gl 5, 22-23). Từ mạch văn này cho thấy, thánh Tông Đồ không cố kết án hay khinh thị thân xác cho bằng bàn tới những nhân đức và nết xấu tương phản nhau, từ đó ngài đưa ra nhận xét; “Thật vậy, những ai sống theo xác thịt thì hướng về những gì là xác thịt, còn những ai sống theo Thần Khí thì hướng về những gì là Thần Khí […] Anh em được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí Thiên Chúa ở nơi anh em” (Rm 8, 5-9)[16].

Mặc dù có sự xung đột giữa thân xác và linh hồn những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nhưng không chỉ nơi linh hồn, mà cả nơi thân xác cũng là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô viết thư gửi tín hữu Côrintô khi nói đến tội tà dâm, Ngài khuyên các tín hữu tránh xa tội gian dâm vì “mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19). Hơm nữa, chúng ta có thể lập luận rằng, Đức Giêsu Kitô là đầu của thân thể, mỗi người trong Hội Thánh là chi thể. Thần Khí Chúa hiện diện trong Đức Giêsu, Thần Khí hiện diện trong cả đầu lẫn các chi thể. Mỗi chi thể được cấu thành bởi hồn và xác. Bởi thế, Cả thân xác lẫn linh hồn người tín hữu đều là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần.

Mỗi một linh hồn có ơn sủng đều là Nhà Tạm sống động của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta chiêm ngắm, thờ lạy và tôn kính Chúa Giêsu trên bàn thờ thế nào, thì chúng ta cũng phải tôn thờ Chúa Thánh Thần trong linh hồn chúng ta như vậy. Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể trong hàng triệu Bánh Thánh ở khắp nơi trên thế giới là bằng chứng tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nhưng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong linh hồn chúng ta còn kỳ diệu hơn nữa, bởi sự hiện diện của Thiên Chúa trong Thánh Thể sẽ chấm dứt vào ngày sau hết. Trái lại, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong linh hồn ta sẽ không bao giờ chấm dứt. “Thầy sẽ xin cùng Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng an ủi khác, để Ngài sẽ ở cùng anh em luôn mãi” (Ga 14, 16)[17].

Việc Chúa Thánh Thần chọn linh hồn lẫn thân xác ta làm nơi cự ngụ là một trong những bằng chứng cảm động và đẹp đẽ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa Thánh Thần cư ngụ trong ta không để cho “vui” hay chỉ để “”, mà Ngài hằng luôn hoạt động giúp con người ta có sự sống mới, sự sống được thần hóa.

2. Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong người tín hữu

Trước hết, với cộng đoàn các tín hữu sơ khai, cụ thể nơi các Tông Đồ, là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn. Các Tông Đồ đi theo Đức Giêsu, học hỏi giáo lý tốt lành của Người, chứng kiến nhiều phép lạ Người làm. Thế nhưng, các ông vẫn là những kẻ kém tin, nhút nhát và sợ hãi. Các ông chỉ được biến đổi trở nên mạnh mẽ, vững tin khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Qua cuộc thăm viếng lớn lao và đầy tình thương này, chúng ta thấy được sự hoạt động mãnh liệt của Thánh Thần trong mỗi vị Tông Đồ. Sách Công vụ Tông Đồ ghi lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4). Chỉ trong phút chốc, Chúa Thánh Thần đã làm cho những người yếu nhược và kém tin kia hiểu ra những gì Chúa Giêsu đã dạy họ suốt ba năm trời. Chúa Thánh Thần phá tan mọi nỗi sợ hãi trong tâm hồn các Tông Đồ, gia tăng sức mạnh và những ơn cần thiết, giúp các ông sẵn sàng đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng.

Tiếp đến, chúng ta dễ dàng nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các vị thánh. Linh hồn các thánh ắt hẳn chan chứa niềm vui và sự an ủi khi được Thánh Thần cư ngụ, bằng chứng là các ngài đã thực hiện biết bao việc lạ lùng mà chúng ta đọc thấy trong các sách tiểu sử. Với sức mạnh Thánh Thần ban cho các ngài, mọi đau khổ trở nên dễ chịu và các ngài vượt thắng mọi khó khăn.

Thánh Ignatiô tử đạo (thành Antiokia), người đã bị hoàng đế Trajan lăng mạ bởi vì đã nói là người “mang Thiên Chúa”, hay nói Thiên Chúa hiện diện trong ngài. Đối với Ignatiô tất cả các tín hữu đều có Thiên Chúa hiện diện trong mình, họ là những người “mang Thiên Chúa.” Ignatiô nóng lòng chờ đợi ngày nhận được ơn tử đạo, chờ đợi giờ phút đi gặp mặt Thiên Chúa để được kết hợp với Chúa Kitô. Trong bức thư gửi Giáo đoàn Rôma, ngài viết: “Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa và nhờ hàm răng của muông thú tôi được nghiền tán để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kitô” (Rom 4, 1).

Thánh Cyrillô thì nói: “Chúa Thánh Thần in sâu vào trong chúng ta hình ảnh thần linh, và tặng ban cho chúng ta vẻ diễm lệ siêu phàm. Chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, Đấng đang thực sự sống trong chúng ta. Theo đó, chúng ta được gọi là thần thánh, bởi sự kết hợp với Thánh Thần, chúng ta được tham phần vào bản tính thần linh khôn hiểu của thiên Chúa” (St. Cyril, Dial. VII).

Thánh Basiliô nói: “Nhờ Thánh Thần, mỗi vị thánh đều trở nên thần linh, như chính Thiên Chúa phán: ‘Ta đã nói các ngươi là thần’” (St.Basii, Con Eunom).

Một vị Giáo phụ khác cho rằng: “Chúa Thánh Thần không ở trong linh hồn chúng ta như một vị khách. Người ở đó như chàng rể, vì sự kết hợp giữa Người với chúng ta là sự kết hợp hôn ước, đó là sự kết hợp thân ái và mật thiết nhất.

Trong bài giảng của cha thánh Gioan Maria Vianney, cha nói rằng, một linh hồn có Chúa Thánh Thần ngự trị được nếm sự ngọt ngào trong lúc cầu nguyện đến nỗi cảm thấy thời gian quá ít, linh hồn ấy luôn sống trước sự hiện diện của Chúa. Chúa Thánh Thần hằng gợi lên những tư tưởng, những lời lẽ tốt lành trong linh hồn những người công chính[18]. Cha thánh cũng nói: “Những người yêu mến Thánh Thần sẽ cảm nghiệm mọi thứ vui sướng trong mình. Thánh Thần dẫn dắt chúng ta giống người mẹ dẫn dắt đứa con nhỏ, hoặc giống một người sáng mắt dẫn một người mù.”

Thời đại nào, Giáo Hội cũng bị công kích, và các Kitô hữu đâu đó vẫn còn đang chịu cảnh áp bức, chèn ép, đàn áp tinh vi, thế nhưng, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động. Ngài ban cho những giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ ơn can đảm và khôn ngoan để bảo vệ công lý hòa bình. Chúa Thánh Thần linh hứng và tăng sức cho những nam thanh, thiếu nữ trong những gia đình giàu sang, danh giá, dám từ bỏ và sẵn sàng dấn thân phục vụ người nghèo, người bệnh. Chúa Thánh Thần hoạt động bằng cách an ủi, nâng đỡ, thêm sức cho những nạn nhân, những con người khốn khổ hằng chạy đến kêu xin Ngài.

Chúa Thánh Thần hoạt động trong mỗi chúng ta bằng cách tuôn đổ trên linh hồn chúng ta những món quà là ân sủng và phú vào nó những nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Ngài ban tặng bảy ơn Thánh Thần, củng cố năng lực tự nhiên của chúng ta, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn và hành động mạnh mẽ hơn. Những ơn này bao gồm bốn ơn trợ giúp trí năng: ơn tri thức, hiểu biết, khôn ngoan và ơn chỉ giáo; Ba ơn giúp tăng cường ý chí: ơn sức mạnh, sùng hiếu và ơn kính sợ Chúa[19]. Những ơn này được gọi là những “tặng ân” bởi vì chúng ta không sắm được, càng không đáng được. Chúng được chính Chúa Thánh Thần tặng ban cho chúng ta một cách nhưng không và chỉ có người bạn tốt mới sẵn sàng trao tặng những món quà quý giá cho bạn của mình. Chúa Thánh Thần là người bạn tốt đó.

3. Đặc tính người bạn nơi Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần là người bạn tốt lành luôn đồng hành và dẫn đường cho chúng ta. Như đã nói từ đầu, Chúa Thánh Thần chọn linh hồn ta làm nơi cư ngụ, thì ắt hẳn Ngài luôn đồng hành với ta, dẫu ta thức hay ngủ, dẫu ta đang vui vẻ hạnh phúc hay đang u sầu chán nản. Ngài ở bên ta, hướng dẫn, giúp ta phân biệt giữa sự thật và gian dối, giữa sự lành và sự dữ. Nhờ Ngài, chúng ta nhìn thấy mọi vật theo giá trị của chúng. Chúng ta nhìn thấy công trạng lớn lao của những việc bé nhỏ chúng ta làm cho Chúa và thấy sự xúc phạm khủng khiếp của những tội nhẹ khi chúng ta phạm đến Chúa. Như người thợ sửa đồng hồ với cái kiếng lúp của mình có thể phân biệt được những vòng bánh xe nhỏ xíu của cái đồng hồ, cũng thế, với ánh sáng soi chiếu của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể phân biệt được tất cả những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống[20]. Thật vậy, Chúa Thánh Thần là người chỉ đạo tài giỏi, Ngài như người đánh xe ngựa đưa chúng ta đi dự tiệc. Chúng ta chỉ cần nói: “Tôi muốn đi” và leo lên xe. Thật là quá dễ dàng để nói “tôi muốn”.  Chúa Thánh Thần muốn dắt chúng ta về Thiên Đàng, chúng ta chỉ cần nói “con muốn” và hãy để cho Ngài dắt chúng ta đi[21].

Chúa Thánh Thần là người bạn đem niềm vui và an ủi đến với bạn hữu của Ngài. Nơi Chúa Thánh Thần vốn có niềm vui, sự an bình và an ủi, nên Ngài thường hay trao ban những điều đó. Tuy nhiên, linh hồn con người thường bị thu hút bởi niềm vui giả tạo, như thể con thiêu thân bị thu hút bởi ánh đèn. Nếu con thiêu thân tìm ánh đèn và lao mình vào đó, thì con người cũng thường chạy đến những nơi chốn có thú vui bên ngoài, đó là những lễ hội vui chơi suốt ngày đêm. Họ vui chơi, hưởng niềm vui giả tạo như thể chưa bao giờ nghe lời cảnh báo của Thánh Phêrô: “Nước trời đâu phải tại của ăn, thức uống, nhưng hệ tại sự công chính, an bình và niềm vui trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Trái lại, con người cần niềm vui từ bên trong, niềm vui mà người bạn vĩ đại mang đến cho họ. Niềm vui lớn lao nhất mà Chúa Thánh Thần mang đến cho con người là phẩm giá làm con cái Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần làm cho mỗi Kitô hữu trở nên xứng đáng được Chúa Cha yêu quý và được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1, 4). “Quả vậy, Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba!” Cha ơi! (Rm 8,14-15)[22]. Cũng với lời lẽ tương tự, ở một đoạn khác, thánh Phaolô viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba’ Cha ơi!” (Gl 4, 6). Nhờ Thánh Thần, chúng ta được phép tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu là Chúa” (1Cr 12, 3), cũng nhờ Ngài, chúng ta có thể thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha chúng con”. Nếu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là mối dây se kết tình yêu giữa Cha và Con, thì tương tự như vậy, nơi chúng ta, Ngài là mối dây tình yêu thắt buộc chúng ta với Cha ở trên trời và với con cái Cha ở dưới đất[23].

Mặc dù được diễm phúc làm con Thiên Chúa, được thừa hưởng gia tài phong phú nơi Ngài (x. Rm 8,16), nhưng với thân phận con người, chúng ta đang bước trên hành trình dương thế thì không tránh khỏi những đau khổ, mất mát và đầy thất vọng. Vì thế, Anh Cả Giêsu đã hứa và xin Chúa Cha ban Thần an ủi là Đấng bảo trợ cho chúng ta. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16). “Đấng Bảo Trợ” mà Đức Giêsu muốn nói là Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ dạy chúng ta mọi điều, giúp ta hiểu và giải nghĩa những lời của Chúa Giêsu ở mỗi thời đại (x. Ga 14,26). Chính Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và sự an ủi. Như trong lời nguyện ngày lễ Chúa Thánh thần Hiện Xuống, vị linh mục sẽ đọc: “Lạy Thiên Chúa là Đấng trong ngày này đã dẫn dắt tâm hồn các tín hữu bằng ánh sáng của Thánh Thần, xin hãy làm cho chúng con nhờ cũng một Thánh Thần, biết yêu mến điều thiện hảo và không ngớt vui hưởng những an ủi của Người.”

Không chỉ là niềm vui và sự an ủi, Chúa Thánh Thần còn là người bạn hướng dẫn ta cầu nguyệndạy ta sám hối. Trong việc cầu nguyện, Chúa Thánh Thần tỏ mình trước hết như ân ban tới giúp chúng ta là những kẻ yếu đuối. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô nói: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm8, 26). Như vậy, Thánh Thần không chỉ thúc đẩy chúng ta cầu nguyện mà Ngài còn hướng dẫn chúng ta cầu nguyện. Ngài hướng dẫn từ bên trong, bổ khuyết sự thuyết sót của chúng ta, sửa chữa nỗi bất lực của chúng ta. Chúa Thánh Thần hiện diện trong lời cầu nguyện của chúng ta và cho nó một chiều kích thần linh: “Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho Dân Thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 27)[24]. Bởi vậy, chúng ta không khỏi ngần ngại để cho Thánh Thần hoạt động trong tâm khảm mình, chúng ta “hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà tạ ơn Thiên Chúa là Cha” (Ep 5, 18-20).

Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta Kinh Lạy Cha, là một lời kinh thiêng liêng đích thực. Qua lời kinh này, Người muốn chúng ta cùng thân thưa với Cha như thể người con yêu dấu, như Người vẫn thường thốt lên: “Abba! Cha ơi” (Rm 8, 15). Và như lời thánh Gioan Kim Khẩu quả quyết: “Người nào đã không lãnh nhận sự sung mãn từ Thần Khí, thì hoàn toàn không thể nào gọi Thiên Chúa bằng danh xưng “Cha” được, và do đó không thể cầu nguyện với những lời Chúa Giêsu dạy.” Thánh Augustino cũng dạy: “Không có Thánh Thần, kẻ nào kêu “Abba” chỉ là kêu trống rỗng[25]. Bởi thế, mỗi khi chúng ta hướng về Chúa Cha, cầu xin cùng Chúa Cha là Cha của chúng ta, thì chúng ta cũng đang kết hợp với Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Lời cầu nguyện của chúng ta luôn có sự hiện diện liên vị của cả Ba Ngôi chí thánh.

Một đặc tính quý báu khác nơi người bạn chí thánh của chúng ta đó là sự khiêm nhường trong phục vụ. Thánh Thần là một vị Thiên Chúa khiêm tốn, không ngừng phục vụ Chúa Kitô, phục vụ hội thánh, phục vụ nhân loại một cách âm thầm. Người soi sáng tâm hồn ta cách âm thầm, nhẹ nhàng thúc đẩy hay gợi ý, không bao giờ áp đặt. Ngài là vị Thiên Chúa của chiều sâu thinh lặng, không thích phô trương ồn ào[26].

Đời sống trong Chúa Kitô, bước đường trong Thần Khí không phải lúc nào cũng tràn đầy thành công, người Kitô hữu còn nghiệm thấy nhiều thất bại và va vấp. Chính những lúc đó, Thần Khí là người bạn trung thành không bỏ rơi ta. Ngài ân cần can thiệp để đỡ ta dậy, giúp ta tiếp tục bước đi. Chúa Thánh Thần yêu cầu ta sám hối, đồng thời ban cho ta ơn tha thứ. Chúng ta hãy nhớ lại, vào ngày lễ Ngũ tuần, sau khi Thánh Thần ngự xuống, và sau khi nghe ông Phêrô giảng giải, những người hiện diện đã cảm thấy “đau đớn” trong lòng và ăn năn trở lại: “Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: ‘thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’ Ông Phêrô đã trả lời họ: ‘Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần’” (Cv 2,37-38). Còn trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Thần được giới thiệu như Đấng giải thoát “khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8, 2) và khiến các Kitô hữu sám hối để thuộc về Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu khi đổ tràn Thần Khí cho các Tông đồ vào buổi chiều Phục Sinh, đã thiết đặt ơn tha tội trong tương quan với Thần Khí. Người nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 21-23). Bởi thế, Thần Khí không những thúc giục Kitô hữu chúng ta sám hối, mà còn có quyền trao ban và tái tạo đời sống thần linh, cũng như có quyền tha tội khi có sự sám hối, nhất là lúc lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Có thể nói, Bí tích Giao hòa không phải đơn thuần là sự giải thoát khỏi một sự giam cầm tàn nhẫn, nhưng là một điều kỳ diệu của lòng hoán cải mà chỉ có Thánh Thần mới có thể hoàn thành. Điều kỳ diệu này được thực hiện khi vị linh mục, cũng như hối nhân tràn đầy Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần hoàn thành tất cả điều đó, tạo dựng và trao ban “tâm hồn mới”. Điều đó có nghĩa là Thánh Thần thiết đặt một lối sống mới trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong cách chấp nhận thánh ý Người[27].

Một người bạn tốt không chỉ biết chia sẻ niềm vui, an ủi lúc ưu sầu, sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm động viên, hướng dẫn trong mọi hoàn cảnh, trung thành không bỏ rơi ta, mà phải là người bạn yêu ta bằng tình yêu chân thành, tình yêu dám hy sinh tính mạng vì bằng hữu.

Chúa Thánh Thần là người bạn như thế, Ngài yêu chúng ta hơn ngàn lần chúng ta yêu Ngài. Chúng ta sẽ chứng minh tình yêu đó với lập luận sau: Chúng ta biết rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8), nói cách khác, tình yêu là bản chất chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Với tư cách là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Thần là tình yêu có tính Ngôi Vị. Và vì là tình yêu, là quà tặng thần linh nên Ngài “dò thấu cả những chiều sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1Cr 2, 10). Sự sống sâu thẳm nơi Thiên Chúa trở thành quà tặng, thành cuộc trao đổi tình yêu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa giờ đây hiện hữu dưới hình thức một quà tặng. Thiên Chúa tự hiến trong Chúa Thánh Thần để chúng ta được cứu độ. Quả thực, Chúa Thánh Thần đã hiện diện trong công trình tạo dựng, khi Thiên Chúa tự hiến: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất […] và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1). Thiên Chúa là tình yêu đã trở nên quà tặng cho con người khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (x. St 1, 26)[28]. Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu vĩ đại khi trao ban Con một đến ở với loài người. Người Con là Đức Giêsu đã trở thành người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Người Con đã đến để mạc khải tình yêu của Chúa Cha đối với con người. Hơn nữa, Người Con đã chết vì con người, đó là hy tế tình yêu trọn vẹn: tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu đối với loài người (x. Dt 10,9 -18). Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô là tình yêu cứu chuộc đã tẩy xóa muôn vàn tội lỗi (x. Rm 5, 6). Tình yêu này được ký kết bằng máu, bằng hy tế thập giá, được thực hiện trong Thần Khí, bằng sự thúc đẩy và sức mạnh của Thần Khí. Tình yêu này chưa dừng tại đó, bằng chứng là khi Đức Giêsu ra đi, Thánh Thần được sai đến, Thánh Thần tiếp tục sứ mạng tình yêu, khi Ngài nâng con người lên, đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, giúp con người vượt qua thế gian, về cùng Chúa Cha giống như Chúa Con đã làm. Thánh Thần làm cho con người nhận biết họ là tội nhân, họ cần ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, họ cần tin vào Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và chết vì họ.

Tình yêu dám hy sinh tính mạng vì bằng hữu, tình yêu cho đi hết, tình yêu sẵn sàng trao ban máu thịt làm của ăn nuôi dưỡng bạn hữu, quả là tình yêu vĩ đại. Tình yêu này, chúng ta được chiêm ngắm qua Đức Giêsu trên thập giá, được nếm hưởng qua Bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, chúng ta nhiều khi lại quên mất: Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là uy quyền của Đức Giêsu trên thập giá; Chúa Thánh Thần là tình yêu được trao ban cho nhân loại vào giây phút nước và máu tuôn chảy trên thập giá; Và Thánh Thể còn là nhiệm tích cao cả của Chúa Thánh Thần, nói đúng hơn, chính Chúa Thánh Thần là linh hồn của việc cử hành Thánh Thể. Ngài đã chuyển hóa bánh rượu thành biểu tượng thực thụ sự hiện diện vượt qua của Đức Kitô giữa Giáo Hội. Vì Đức Kitô phục sinh trong Thần Khí, mà Thánh Thể là hiện thân hữu hình của sự phục sinh Đức Giêsu tại thế. Chúa Cha đã phục sinh Đức Giêsu trong Thần Khí từ cõi chết, giờ đây, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Thánh Thần ngự xuống cử hành mầu nhiệm phục sinh thân xác Đức Kitô. Cùng với Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ vật, biến đổi lễ vật nên Mình và Máu châu báu Đức Giêsu.

 Mặc dù, trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy” (Mc 14, 22), nhưng lời này của Đức Giêsu được thốt lên trong quyền năng triệt để của Thánh Thần, Đấng đã làm cho Đức Giêsu thành Kyrios, “Đức Chúa.” Đức Chúa cũng sẽ dùng cách đó mà biến đổi thân thể yếu hèn của chúng ta “cho giống với thân thể vinh quang của Ngài, nhờ bởi quyền năng Thánh Thần vốn làm cho Ngài có khả năng khiến mọi loài phải khuất phục” (Pl 3, 21)[29]. Bởi vậy, chúng ta kết luận rằng: sự chuyển hóa Thánh Thể là công việc chung của cả hai Đấng. Đức Kitô là trung gian của mọi cuộc thánh hóa, nhưng trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tình yêu bạn hữu hiến thân vì người mình yêu nơi Đức Giêsu được thực hiện trong tình yêu và quyền năng Chúa Thánh Thần.

Nhìn chung lại, với thật nhiều đặc tính tốt lành, thánh thiện nơi Chúa Thánh Thần và cách thức Ngài luôn hiện diện, cách thức Ngài hằng hoạt động trong mỗi nhân vị, chúng ta có thể nói: Ngài là người bạn vĩ đại của mọi Kitô hữu.

III. Nhận Định Và Kết Luận

Có một người bạn tốt trong cuộc sống phải là một điều may mắn, và có một người bạn là Chúa Thánh Thần càng là một ân ban cao cả. Bởi lẽ, với lý trí tự nhiên con người không thể hiểu nổi một Ngôi Vị Thiên Chúa lại là bạn của họ. Một Ngôi Vị cao cả hằng cư ngụ trong tâm khảm họ. Ngài là sự sống, là tình yêu và là quyền năng Thiên Chúa. Thiên Chúa trong tình yêu Ngôi Vị đã sai Con một xuống thế làm người, mặc khải về Cha, Ngài cũng đổ tràn “Thần Khí Tình Yêu”, “Thần Khí Sự Sống” vào lòng chúng ta để chúng ta trở thành con, được đồng thừa kế tình yêu và sự sống thần linh đó. Với sự ưu ái thần thiêng này, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, được làm anh em với Người Con duy nhất và được sự trợ giúp đắc lực của người bạn vĩ đại, chúng ta sẽ vững bước trên hành trình về nhà Cha.

1. Chúng ta có thể làm được mọi sự với Chúa Thánh Thần

Trước khi làm mọi sự, bạn và tôi phải chắc rằng chúng ta phải tồn tại, chúng ta phải có sự sống, mà phải là sự sống mới, sự sống thần linh. Chúa Thánh Thần như tôi đã trình bày ở phần I, Ngài là “Hơi Thở”, là “Thần Khí”, là “Sự Sống” và là “Đấng ban sự sống”. Chúa Thánh Thần không chỉ làm cho chúng ta trở nên sống động, mà còn làm cho chúng ta sống tự do trong tư cách là con cái Thiên Chúa: “Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8, 1-2). Trong Kinh Tin Kính, Thánh Thần được tuyên xưng là: “Chúa và là Đấng ban sự sống,” bởi đó, Ngôi Ba Thiên Chúa đã chuyển ban cho chúng ta “sinh khí thần linh” của Ngài. Hành động ban sự sống này đạt tới cực điểm với cuộc Phục sinh của Đức Kitô, và do đó, cả chúng ta nữa: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11)[30]. Chúng ta có sự sống mới, sự sống thần linh từ khi chúng ta lãnh nhận Phép Rửa. Lúc này, chúng ta được sinh ra một lần nữa, chúng ta được sinh ra bằng nước và Thánh Thần (x. Ga 3).

Được sinh ra trong Thần Khí và được đích thân Thần Khí ngự vào linh hồn, chúng ta có nguồn sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi cám dỗ và cạm bẫy của thế lực địch thù. Chúa Thánh Thần là người bạn dẫn đường chỉ lối cho ta, Ngài cho chúng ta những lời khuyên hữu ích, nhưng nhiều khi chúng ta không quan tâm, chỉ ương bướng làm theo ý mình, để rồi đi lệch hướng và thất bại. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không bỏ rơi ta, Ngài vẫn cư ngụ trong linh hồn ta và chờ đợi ta bước vào cõi sâu thẳm lòng mình để kín múc những ơn thiêng từ Ngài. Chúa Thánh Thần biết rõ từng người và đã ban cho mỗi người những ơn cần thiết. Ngài ban cho các Tông Đồ ơn can đảm để không còn run sợ trước kẻ thù, ơn hiểu biết để hiểu ra những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy, ơn nói tiếng lạ và ơn sức mạnh để sẵn sàng đi khắp nơi loan báo Tin Mừng.

Không chỉ nơi các Tông Đồ, nhưng tất cả mọi Kitô hữu, những người yêu mến và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần đều nhận được ánh sáng, sức mạnh và sự trợ giúp để làm mọi việc họ được kêu gọi. Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, các Kitô hữu bị bách hại đẫm máu, bị hành hình, tra tấn dã man, bị ép buộc chối bỏ đức tin và phải tôn thờ ngẫu tượng. Nhưng những con người đó đã có được sức mạnh của Thánh Thần, họ can đảm chịu đựng những tra tấn tàn bạo, họ can trường hy sinh để bảo vệ đức tin, một trong những ân ban trọng đại “do quyền năng của Chúa Thánh Thần” (x. Rm15, 1).

Với ân ban đức tin từ nơi Thánh Thần, người Kitô hữu nhận biết Chúa Giêsu, tin vào Chúa Giêsu cũng như những Giáo huấn của Người. “Không ai có thể nói rằng, Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12, 3). “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa […]. Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2, 10-11). Người Kitô hữu được đức tin khơi động, họ hoàn toàn thay đổi thái độ trước thế gian và trước thực tế cuộc sống. Họ nhìn nhận và giải thích mọi sự theo con mắt Thần Khí. Chúa Thánh Thần giúp các tín hữu phân biệt điều gì trong lịch sử đối nghịch với kế hoạch cứu độ. Chính Ngài mở rộng tâm hồn họ trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và tạo điều kiện giúp họ nhìn thấy cuộc đời, biến cố, lịch sử dưới ánh sáng của Ngài[31].

Như vậy, Chúa Thánh Thần đã trao ban cho mỗi Kitô hữu một cuộc sống mới, cuộc sống thần linh. Ngài ở trong tâm hồn và hằng hướng dẫn, trợ giúp chúng ta bằng những ơn thiêng cần thiết. Thế nhưng, trong thực tế, chúng ta có để ý đến sự hiện diện của Ngài không? Chúng ta đã đối xử với người bạn vĩ đại này như thế nào?

2. Chúng ta có thái độ nào đối với bạn Thánh Thần?

Trước tiên, chúng ta cần có thái độ ao ước được đón tiếp một vị thượng khách. Tôi tự hỏi, nếu vị đại diện Chúa là Đức Giáo Hoàng đến thăm nhà chúng ta, ắt hẳn, chúng ta sẽ phải chuẩn bị rất nhiều thứ để đón tiếp ngài một cách chu đáo. Thật là vinh dự và hạnh phúc biết bao khi được một vị thượng khách là Giáo Hoàng đến viếng thăm. Ở đây, còn hơn Đức Giáo Hoàng gấp trăm ngàn lần, đó là Chúa Thánh Thần, vị thượng khách vĩ đại. Ngài là Chúa của chúng ta, Chúa của vị đại diện mà tôi và bạn hằng mong gặp gỡ. Ngài không chỉ viếng thăm, mà còn chọn linh hồn và thân xác chúng ta làm nơi cư ngụ. Là Kitô hữu, chúng ta có nghe biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta chưa có thái độ quan tâm đúng đắn đến sự hiện diện thần linh đó. Bây giờ, chúng ta đã hiểu rõ Chúa Thánh Thần sẽ đến cư ngụ nơi tâm hồn người lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, và Ngài hằng hoạt động trong linh hồn ấy, vậy thì chúng ta phải mau mắn dọn dẹp tâm hồn mình thật xứng đáng đón tiếp Ngài.

Thứ đến, chúng ta phải sống chân thành với người bạn tốt của mình. Chúa Thánh Thần là người bạn chân thành, người bạn luôn ở bên ta cả khi ta vui cũng như buồn, khi ta thức cũng như khi ta ngủ. Ngài chia sẻ niềm vui, an ủi lúc ưu sầu, sẵn sàng giúp đỡ, quan tâm động viên, hướng dẫn ta trong mọi hoàn cảnh. Ngài là người bạn trung thành không bỏ rơi ta, Ngài chỉ tạm lánh xa ta khi ta cố tình xua đuổi Ngài ra khỏi lòng mình. Chúa Thánh Thần vẫn chờ đợi ta ăn năn sám hối đến bên tòa giải tội và đón Ngài về nhà mình.

Một thái độ không thể thiếu của chúng ta, những thụ tạo đối với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng là việc vâng phục Chúa Thánh Thần nơi tiếng nói lương tâm trong sự thật và sự thiện; vâng phục Chúa Thánh Thần trong việc lắng nghe và vâng phục Lời Chúa, vì “Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà nói cho anh em” (Ga 16, 13-14). 

Cuối cùng và quan trọng nhất, đó là tình yêu của ta dành cho bạn hữu. Chúa Thánh thần đã yêu thương ta bằng tình yêu vĩ đại, một tình yêu trao hiến của cả Ba Ngôi Thiên Chúa: tình yêu sáng tạo, tình yêu cứu độ, tình yêu hy sinh tính mạng vì bằng hữu. Tình yêu thiêng liêng của bạn hữu dành cho chúng ta sẽ được đáp trả như thế nào nếu không phải là việc ta “yêu lại”.

Tình bạn chân thành giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần chỉ được bền lâu khi và chỉ khi cả hai trao hiến cho nhau cách trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đã thực hiện việc trao hiến trước, bằng tình yêu cao cả, nay đến lượt chúng ta dấn thân trong tình yêu dành cho Ngài.

Chúng ta nói: “tôi yêu bạn”, hay “Tôi yêu Chúa Thánh Thần” thật dễ, nhưng tình yêu đó phải được minh chứng bằng hành động dấn thân cụ thể, nếu không, đó chỉ là những lời sáo rỗng và lừa dối. Mà kẻ nói dối thì không thể có tình bạn chân thành. Bởi vậy, với những gì tôi được học và cảm nhận riêng của bản thân, tôi xin nêu lên một vài hành động dấn thân trong tình yêu dành cho người bạn vĩ đại của tôi _ Chúa Thánh Thần.

3. Bổn phận của ta đối với chính mình và với tha nhân trong tình yêu Thánh Thần

Chúa Thánh Thần thật sự cư ngự trong chúng ta, Ngài yêu thích ngôi nhà đơn sơ khiêm tốn, là linh hồn khao khát yêu mến Thiên Chúa. Vì thế, bổn phận đầu tiên của ta là dọn dẹp nhà mình sao cho xứng đáng để Chúa Thánh Thần ngự trị. Mỗi người hãy biết tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng người khác.

Tôn trọng chính mình là tôn trọng con người toàn diện, bao gồm cả linh hồn và thân xác. Bởi lẽ, Chúa Thánh Thần ở trong linh hồn và linh hồn hằng kết hợp mật thiết vơi thân xác, nên Ngài cũng ngự trong thân xác chúng ta. Việc tôn trọng thân xác không có nghĩa là dung dưỡng thân xác, nuông chiều thân xác, cũng không gây tổn thương hay hành hạ thân xác. Tôn trọng thân xác bằng việc không phạm tội trên thân xác, tránh những hành vi thấp hèn, dâm dục gây ô uế thân xác. Cũng thế, việc tôn trọng linh hồn bằng việc giữ tâm hồn thanh sạch, xa tránh tội lỗi. Chúng ta biết rằng, Chúa Thánh Thần yêu thích tâm hồn trong sạch, Ngài thích ở lại trong những linh hồn không mắc tội trọng. Một linh hồn phạm tội trọng là linh hồn đang xua đuổi Thánh thần mà đón tiếp bọn ma quỷ. Thánh Phaolô viết cho Giáo đoàn Ephêsô những lời sau: “Anh em chớ phạm tội mà làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4,30), vì tội lỗi sẽ biến Đền thờ Chúa Thánh Thần thành sào huyệt của ma quỷ.

Tôn trọng tha nhân là điều chính đáng, bởi lẽ mỗi người là mỗi nhân vị được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa yêu thương từng người, Ngài không loại trừ ai, lẽ nào ta được quyền gây tổn thương hay xúc phạm đến con cái Thiên Chúa. Hơn nữa, mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta xúc phạm, nói xấu hay thậm chí sỉ nhục tha nhân, thì lúc đó chúng ta đang xúc phạm đến chính Chúa Thánh Thần. Bởi vậy việc tôn trọng tha nhân về cả thân xác, nhân phẩm cũng như linh hồn họ là điều phải được đảm bảo.

Không những tôn trọng người đang sống, chúng ta còn được nhắc nhở tôn trọng và kính nhớ đến những người đã qua đời. Thân xác những người chết dù sao đã từng là đền thờ của Chúa Thánh Thần, linh hồn họ có thể đẹp lòng Chúa và nay đang sống trong tình trạng thanh luyện hoặc đang hạnh phúc chiêm ngắm nhan thánh Chúa. Bởi thế, sau khi chết, thân xác thường được rảy nước thánh, được xông hương và chôn cất tử tế trong Đất Thánh.

Công việc kế tiếp chúng ta cần làm để tô điểm và trang hoàng ngôi nhà của mình là việc rèn luyện những nhân đức Thánh Thần yêu mến. Giống như dầu giữ cho đèn cháy sáng, ánh sáng sẽ tàn lụi khi dầu cạn hết, thì Chúa Thánh Thần cũng là ánh sáng và lửa của linh hồn được giữ trong chúng ta nhờ các nhân đức và việc lành. Đời sống nhân đức của chúng ta sẽ phải bao gồm một đức tin mạnh mẽ trong niềm cậy tin phó thác vào lòng thương xót Chúa, trong sự yêu mến Chúa và tha nhân, trong khiêm nhường, trong sự hòa thuận với mọi người, trọng sự kính sợ Chúa và nhất là trong sự trong trắng của tâm hồn và của đức khiết tịnh[32]. Những nhân đức trên cũng là những ân sủng của Chúa Thánh Thần là những hoa trái mà Thánh Thần trao tặng cho chúng ta. Tuy nhiên, để lãnh nhận được những ân ban này chúng ta cần cầu xin Chúa Thánh Thần, và để giữ được chúng, mỗi người hãy chuyên chăm rèn luyện, siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ sốt sắng, lãnh nhận các Nhiệm tích.

Sau khi mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta tiếp đãi vị thượng khách của mình bằng cuộc trò chuyện thân tình. Đó là việc cầu nguyện, điều mà giúp cho hai người bạn hiểu nhau hơn. Khi cầu nguyện, ta nói với bạn hữu những điều ta đang băn khoan, lo lắng. Ta chia sẻ với bạn hữu những ưu tư, những khó khăn và cả những ước vọng của mình. Như thế, ta sẽ có thể nghe rõ và hiểu đúng những điều bạn hữu khuyên bảo.

Cuối cùng, vượt trên mọi bổn phận, tình yêu Thánh Thần thúc bách tôi yêu yêu thương anh em mình như yêu Ngài, Đấng đang hiện diện trong họ, trong tôi. Dẫu biết rằng có nhiều cạm bẫy, nhiều điều ngăn cản việc tôi thực hiện đức ái này, nhưng tôi tin Chúa Thánh Thần sẽ ban sức mạnh, ban tình yêu của Ngài, giúp tôi thực thi sứ vụ Ngài yêu mến. Sứ vụ đó đòi hỏi tôi phải phục vụ khiêm nhường, phục vụ hết mình. Sứ vụ đó là việc dấn thân không tính toán vụ lợi, là thực thi lòng mến đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Kết Luận

Tựu chung lại, khi nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta không đủ khả năng cũng như ngôn ngữ để định nghĩa một Ngôi Vị Thiên Chúa như Ngài. Chúng ta biết về Ngài một cách giới hạn, bởi Ngài không thường mạc khải về chính mình, Ngài là Thần Khí khiêm nhường, âm thầm hoạt động. Tuy nhiên trong thực tế, với những gì Ngài đã, đang và sẽ còn làm nơi mỗi Kitô hữu, chúng ta có thể nói đơn giản Chúa Thánh Thần là quyền năng, là sự sống và là tình yêu Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng vĩ đại khôn dò khôn thấu, nhưng lại chọn linh hồn Kitô hữu chúng ta làm nơi cư ngụ. Ngài đã không chê bai ngôi nhà của thụ tạo thấp hèn chúng ta. Ở trong linh hồn, Chúa Thánh Thần như người bạn liên kết tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con với linh hồn đó. Trong tình yêu thần thiêng này, Thánh Thần đã trao ban tình yêu và nâng con người lên làm con của Chúa Cha, được thừa kế tình yêu và sự sống Thiên Chúa, được sống trong tình yêu đó.

 Là người bạn chân thành, vĩ đại, Chúa Thánh Thần luôn ở bên con người, đồng hành, hướng dẫn con người vượt qua mọi khó khăn. Ngài đã không bỏ rơi ta, như lời chân phước Elena Guerra, đấng sáng lập dòng Chúa Thánh Thần nói rằng: “Cả khi linh hồn chúng ta bội bạc và phản loạn, không có hoặc không thể có một người bạn nào tốt hơn chính Chúa Thánh Thần[33]. Ngài là người bạn khiêm nhường phục vụ, người bạn dạy ta cầu nguyện, và sẵn sàng tha thứ khi ta sám hối ăn năn. Nơi Ngài tình yêu dám hy sinh tính mạng vì bằng hữu được thực hiện trong Đức Kitô. Tình yêu cho đi hết, tình yêu sẵn sàng trao ban máu thịt làm của ăn nuôi dưỡng bạn hữu, quả là tình yêu vĩ đại.

Với tất cả những điều được trình bày trên, chúng ta có thể vinh dự nói với mọi người rằng: Chúa Thánh Thần là người bạn vĩ đại cho mọi Kitô hữu.

Giuse Nguyễn Đức Duy

 

 [1] x. Jean Laplace, Tự Do Trong Thần Khí, Lâm Nguyễn và An Sơn chuyển ngữ, 143.

[2] x. Ibid.,144.

[3] x. Fx. Durrwell, CSsR, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, Vũ Văn Thiện chuyển dịch, 28.

[4] x. Fx. Durrwell, CSsR, Thần Học Chúa Thánh Thần, Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ, 25-26.

[5] x. Ibid., 26.

[6] x. Ibid., 28.

[7] x. Fx. Durrwell. CSsR, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, P. Vũ Văn Thiện chuyển dịch, 262-263.

[8] x. Fx. Durrwell, CSsR. Thần Học Chúa Thánh Thần. Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ, 39-40.

[9] x. Phanxicô Phó Đức Giang, Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, 28.

[10] x. Fx. Durrwell. CSsR, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, P. Vũ Văn Thiện chuyển dịch, 45-47.

[11] x. Phanxicô Phó Đức Giang, Môi Sinh Giữa Lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, 29.

[12] x. Thông Điệp Chúa và Nguồn Sinh Khí Của Đức Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần Trong Sinh Hoạt Của Giáo Hội Và Của Thế Giới, số 55.

[13] x. Fr. Paul O’Sullivan. OP (EDM), The Holy Ghost – Our Greatest Friend, Đức Giang chuyển ngữ, 27-29.

[14] x. Ibid., 22.

[15] x. Ibid., 25.

[16] x. Thông Điệp Chúa và Nguồn Sinh Khí Của Đức Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần Trong Sinh Hoạt Của Giáo Hội Và Của Thế Giới, số 55.

[17] x. Fr. Paul O’Sullivan. OP (EDM), The Holy Ghost – Our Greatest Friend, Đức Giang chuyển ngữ, 15-16.

[18] x. Những Bài Giảng Bất Hủ Của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, Vũ Đức Thành dịch, 122.

[19] x. Fr. Paul O’Sullivan. OP (EDM), The Holy Ghost – Our Greatest Friend,  Đức Giang chuyển ngữ, 33.

[20] x. Những Bài Giảng Bất Hủ Của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, Vũ Đức Thành dịch, 121.

[21] x. ibid., 124.

[22] x. Fr. Paul O’Sullivan. OP (EDM). The Holy Ghost – Our Greatest Friend, Đức Giang chuyển ngữ, 105-107.

[23] x. Flipe Gómez Ngô Minh. Sj, Chúa thánh Thần – Một Dạng Tổng Lược Thần Học Về Chúa Thánh Thần, 72-73.

[24] x. Thông Điệp Chúa và Nguồn Sinh Khí Của Đức Gioan Phaolô II về Chúa Thánh Thần Trong Sinh Hoạt Của Giáo Hội Và Của Thế Giới, số 65.

[25] x. Hội Đồng Chủ Tịch Đại Năm Thánh 2000, Thánh Thần Chan Hòa Vũ Trụ, 236.

[26] x. Lm.Phaolô Bùi Văn Đọc, Lm.Giuse Võ Đức Minh, Chúa thánh Thần Đấng Ban Sự Sống, 357.

[27] x. Ibid., 252-255.

[28] x. Lm.Phaolô Bùi Văn Đọc, Lm.Giuse Võ Đức Minh, Chúa thánh Thần Đấng Ban Sự Sống, 154.

[29] x. Fx. Durrwell. CSsR, Hiểu Và Sống Mầu Nhiệm Thánh Thần Thiên Chúa, P. Vũ Văn Thiện chuyển dịch, 177-180.

[30] x. Flipe Gómez Ngô Minh. Sj, Chúa thánh Thần – Một Dạng Tổng Lược Thần Học Về Chúa Thánh Thần, 70-71.

[31] x. Hội Đồng Chủ Tịch Đại Năm Thánh 2000, Thánh Thần Chan Hòa Vũ Trụ, 220-221.

[32] x. Những Bài Giảng Bất Hủ Của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, Vũ Đức Thành dịch, 333.

[33] B. Elena Guerra, Tái Sinh Trong Chúa Thánh Thần,18.