Chúa thương xót hết mọi người – Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm A

0
653

1. Các bài đọc Lời Chúa

Bài đọc I: Is 56,1. 6-7

Sách ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa mặc khải ơn cứu độ của Ngài cho tất cả.

Ðáp Ca: Tv 66,2-3. 5. 6 và 8

Thánh vịnh 66: Tất cả mọi dân nước sẽ chúc tụng Chúa.

Bài đọc II: Rm 11,13-15. 29-32

Thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma: những đặc ân của Thiên Chúa cho nhà Israel không hề thay đổi.

Tin Mừng: Mt 15,21-28

Tin Mừng theo thánh Matthêu: Đức Giêsu chữa lành con gái cua người đàn bà Canaan vì đức tin của bà.

2. Chia sẻ

Những ai ở miền Tây Nam bộ thì đều biết đến một địa điểm hành hương rất nổi tiếng đó là trung tâm Tắc Sậy – nơi cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được an táng ở đó. Nhưng có một điều rất lạ lùng là những khách hành hương thì không chỉ là người Công giáo mà cả người ngoài Công giáo. Thậm chí số người ngoài Công giáo đến với cha Phanxicô Trương Bửu Diệp rất đông và họ được rất nhiều ơn qua lời bầu cử của cha.

Có một điều gì đó nối kết rất gần gũi và thiêng liêng giữa cha Phanxicô Trương Bửu Diệp và những người chưa có đức tin Công giáo. Họ đến kính viếng cha và họ van vái những ơn cho bản thân, cho gia đình v.v… Và dường như người ta có cảm tưởng là họ được ơn nhiều hơn cả người Công giáo! Và có một tâm lý là những người này đến với Tắc Sậy một cách rất tự nhiên, thân thiện như người trong đạo, chứ không ái ngại như đến với các trung tâm hành hương Đức Mẹ hay các thánh khác của người Công giáo.

Trong bài Tin Mừng hôm nay cũng kể về người đàn bà dân ngoại đã đến với Chúa Giêsu để cầu xin cho con gái bà khỏi bệnh. Thế nhưng, để một người đàn bà dân ngoại đến với Đức Giêsu là một người Do-thái thì không hề là chuyện dễ dàng. Vì giữa hai nhóm người nay luôn có một khoảng cách rất xa vì sự phân biệt.

Thế nhưng, người đàn bà này đã vượt ra ngoài cái mặc cảm ấy, cái sự phân biệt đối xử ấy để đến với Chúa Giêsu, vì bà tin nơi Ngài có khả năng cứu con mình khỏi chết. Một điều đáng chú ý ở đây là bà đến với Chúa với một sự khiêm nhường để cầu xin lòng thương xót của Chúa “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm” (Mt 15,22).

Bà tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và xưng với Đức Giêsu là Ngài và là con vua Đa-vít. Bà không nói gì về công trạng của mình, nhưng cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa, không phải là thương xót con gái tôi, nhưng là thương xót tôi. Để thỉnh cầu lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, bà nói lên tất cả sự khổ cực của người con gái bà: đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!

Nhưng Đức Giêsu không đáp lại một lời – đừng hiểu nhầm rằng Chúa chúng ta từ chối giúp đỡ và đáp lại bà bằng thái độ khinh miệt, nhưng Ngài muốn nhân dịp này để thử thách và để bà chứng tỏ đức hạnh của mình. Khi Đức Giêsu nói rằng “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”(Mt 15,24). Bà không hề ghen tị mà vẫn tiếp tục cầu xin tha thiết và gọi Đức Giêsu là Chúa của bà – “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”

Khi Chúa Giêsu có ý ví dân ngoại với lũ chó con (theo ngôn ngữ dân Do-thái thời bấy giờ thường sử dụng), bà không những không bực tức mà ngay lập tức thừa nhận tình trạng của mình – “Thưa Ngài, đúng thế” và tiếp tục cầu xin: “nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15,27). Quả là một người có lòng tin mạnh mẽ và sự khiêm nhường đáng nể phục. Qua lời Chúa hôm nay giúp tôi nhận ra rằng:

Thiên Chúa luôn thương xót hết mọi người

Quả thực, ngay Bài đọc một sách ngôn sứ Isaia đã cho thấy điều ấy, khi tất cả những ai giữ lề luật và sống theo đường lối của Chúa đều đón nhận được ơn cứu độ. Và rồi trong Nhà Chúa không có sự phân biệt cho dân ngoại hay dân riêng, Do-thái hay Ai Cập, nhưng “Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc” (Is 56,7).

Lòng thương xót của Chúa luôn dành cho tất cả. Không ai tự coi mình là người xứng đáng hưởng đặc ân lòng thương xót của Chúa, mà chính Chúa là người ban phát lòng thương xót của Ngài cho tất cả. Người đàn bà Canaan trong bài Tin Mừng cho ta thấy rõ điều ấy. Và chính trong Bài đọc hai thánh Phaolô một lần nữa khẳng định “Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người” (Rm 11,32).

Thái độ nào cần có khi đến với Chúa

Như người đàn bà Canaan, chúng ta được mời gợi để đến với Chúa với tâm hồn khiêm nhường và kiên nhẫn trong cầu nguyện. Đức Giêsu đã không làm cho con gái của bà khỏi bệnh ngay lập tức khi bà kêu xin, nhưng “Người không đáp lại một lời nào”.

Nghĩa là có một khoảng thời gian của sự lưỡng lự, im lặng, đó là thời gian đòi hỏi sự thử thách lòng kiên nhẫn trong đức tin của người xin. Càng thấy Chúa im lặng, bà càng van xin và nhìn nhận sự thấp hèn của mình “vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.” Đó là thái độ tin tưởng kiên nhẫn để chờ đợi sự đáp lời của Đức Giêsu.

Nhiều khi chúng ta đi hành hương nơi này nơi kia, xin ơn này ơn kia với Chúa hay Đức Mẹ hay các Thánh mà chẳng thấy được ơn thì đừng nản lòng. Đôi lúc có thể thái độ cầu nguyện của chúng ta chưa đủ tin tưởng và khiêm tốn, có thể Chúa muốn thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta thêm chăng! Hãy vững tâm liên lỉ cầu nguyện. Vì Thiên Chúa luôn thương xót hết mọi người và chắc hẳn Ngài đang luôn lắng nghe lời van xin của chúng ta.

Bài Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giêsu đã bị dân Do-thái chối bỏ, nhưng người đàn bà Canaan này là một người dân ngoại lại đón nhận Đức Giêsu. Vì thế, điều ngạc nhiên là ngay cả dân ngoại cũng được đón nhận ơn cứu độ của Chúa, qua Đức Giêsu mà như trong Bài đọc hai thánh Phaolô đã đề cập đến “như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót” (Rm 11,30-32). Và niềm tin vào Chúa chính là chìa khóa then chốt để làm cho một người Do-thái hay dân ngoại đón nhận được ơn cứu độ của Chúa.

Nhớ cầu nguyện cho người khác, nhất là người thân trong gia đình

Hình ảnh van xin của người đàn bà trong bài Tin Mừng thật đẹp, khi bà đã không xin ơn cho mình, nhưng cho con gái bà. Vì điều ấy, bà chấp nhận hạ mình xuống van xin Chúa Giêsu.

Điều này gợi lên cho mỗi người chúng ta cũng cần có những hy sinh đi kèm với lời cầu nguyện, để xin ơn cho những người thân trong gia đình. Đây là một việc đầy lòng bác ái và hơn nữa là cách thực thi lòng thương xót của Chúa cho những người thân yêu của mình. Có những bố mẹ già cả chấp nhận đau đớn phần xác để chỉ muốn cầu xin Chúa ban ơn bình an cho con cái. Có những người con hy sinh, chấp nhận vất vả để xin Chúa ban cho bố mẹ sức khỏe và tuổi thọ. Điều này thật đẹp và ý nghĩa khi chúng ta sống tương quan của lòng thương xót giữa những người trong gia đình với nhau.

Câu chuyện của người đàn bà Canaan giúp tôi nhận ra được một chỉ dẫn về đức tin, sự khiêm nhường và kiên trì mà tôi cần phải có khi cầu nguyện. Có lẽ, để làm cho tôi cảm nhận được lòng thương xót và háo hức hơn để đạt được lời ước nguyện, đôi lúc, Thiên Chúa thường tỏ ra không chú ý đến những lời cầu nguyện của tôi để rèn luyện sự khiêm nhường và nhẫn nại của tôi. Khi đó, như Chúa đã hứa, “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7).

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM