Chuẩn bị cho ngày trọng đại – Lời Chúa Chúa Nhật XXXII Thường Niên Năm A

0
1211

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Kn 6,13-17 (Hl 12-16)

Trích sách Khôn Ngoan: sự khôn ngoan sẽ đến với tất cả những ai tìm kiếm nó.

Ðáp ca: Tv 62,2. 3-4. 5-6. 7-8

Thánh vịnh 62: tâm hồn chúng ta đang khao khát Chúa.

Bài đọc II: 1 Tx 4,13-14 {hoặc 13-18}

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica: Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy tất cả những kẻ đã chết.

Tin Mừng: Mt 25,1-13

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Đức Giêsu kể về dụ ngôn các cô trinh nữ khôn ngoan và khờ dại. Ngài muốn dạy các môn đệ của mình về tầm quan trọng trong việc chuẩn bị đón nhận vương quốc của Thiên Chúa.

2. Chia sẻ

Trong đời sống thường ngày, mỗi khi một người hay một gia đình sắp có một sự kiện nào đó diễn ra như đám cưới, đám giỗ, tân gia, ăn hỏi, v.v… thì người ta cần có những ngày chuẩn bị trước đó.

Tùy theo khả năng định liệu của gia chủ hay cá nhân người ấy mà sự chuẩn bị được diễn ra sớm hay muộn. Nhưng tất cả đều giống nhau đó là đều phải có sự chuẩn bị trước chứ không phải để “nước đến chân, rồi mới nhảy”. Nếu không có sự chuẩn bị, đôi khi người ta phải nuối tiếc vì đã không chuẩn bị cách nghiêm túc.

Trong những ngày này, Giáo hội đang hướng về những ngày cuối năm phụng vụ. Các bài đọc Lời Chúa đều nhắc nhớ cho người Kitô hữu về những ngày sau hết, hay nói khác đi là để chuẩn bị cho ngày Nước Chúa trị đến.

Với ý hướng đó, Giáo hội đã cho người Kitô hữu thấy được bài học của sự chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy, qua dụ ngôn về cô năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại ra đón chàng rể. Trong dụ ngôn này, mười trinh nữ là hình ảnh của nhân loại, chú rể là Chúa Kitô, cô dâu là Giáo Hội, dầu là ân sủng và lòng mến, đèn là đức tin. Theo phong tục của người Do-thái, trong phần cuối cùng của lễ cưới, vào ban đêm, chú rể sẽ đến nhà cô dâu và đón vợ về nhà mình một cách long trọng. Khi chú rể đến, các trinh nữ có quan hệ thân cận với cô dâu sẽ cầm theo đèn ra cửa để đón tiếp chàng.

Để nói một sự chuẩn bị tinh tươm và xứng đáng ấy, bài đọc một cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự khôn ngoan trong việc định liệu. Định liệu tốt để có thể đáp ứng tốt với tất cả những gì có thể xảy ra. Từ những điều này, tôi thấy cần phải:

Luôn sống trong tâm tình chờ đợi Chúa đến

Khi nói điều này nhiều người sẽ nói là “dở hơi” vì tôi vẫn đang mạnh khỏe, đang ăn nên làm ra, đang trẻ trung và chưa có dấu hiệu gì của sự kết thúc cuộc đời. Vậy cớ gì phải chuẩn bị sớm thế, đó có lẽ dành cho những ai đang hấp hối trên dường bệnh thì đúng hơn.

Cái suy nghĩ thường tình đó có lẽ đã trùng với suy nghĩ của những cô trinh nữ khờ dại trong bài Tin Mừng hôm nay. Các cô cũng nghĩ rằng việc đón chàng rể chắc sẽ diễn ra chóng vánh nên không cần chuẩn bị gì nhiều, cứ như bình thường “Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo” (Mt 25,3). Thế rồi, sự chuẩn bị không kỹ càng ấy đưa các cô đến tình thế “khó đỡ” là hết dầu cho đèn khi chàng rể đến, và cái “kết đắng” là các cô không được vào dự tiệc cưới cùng với chàng rể.

Bài học đó gợi lên hình ảnh của ngày mọi người ra đón Chúa trong ngày sau hết. Có những người chuẩn bị, có những kẻ không. Và rồi có những điều nuối tiếc còn để lại.

Một lần nọ, trên một tờ báo Anh, có đăng lời này: “Lời khuyên nhỏ cho một thương gia lớn để tiết kiệm thời gian, là đội mũ ngay khi có tiếng gõ cửa. Nếu là người bạn muốn gặp, bạn nói mình vừa mới trở về. Nếu không, bạn nói mình sắp phải đi”.

Lời khuyên trên cho thấy thái độ ứng biến của một người chủ nhà trước một sự kiện. Thế nhưng có hai cách ứng xử khác nhau tùy vào tâm tình của ông ta đối với vị khách. Điều này cũng cho thấy tương tự như thái độ chuẩn bị của các cô trinh nữ khi ra đón chàng rể. Các cô mong chờ chàng rể thật lòng sẽ có thái độ khác, còn các cô còn lại thì hời hợt và bất cẩn. Việc chờ Chúa đến là một việc hệ trọng trong đời sống đức tin của mọi người và nó đòi hỏi một thái độ đúng đắn, nghiêm túc. Điều này không phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, điều kiện an sinh xã hội hay điều gì khác, vì Chúa đến như “chàng rể đến vào ban đêm, lúc người ta không ngờ” (Mt 25,23).

Vì thế, mỗi người được mời gọi luôn cần phải sống trong tâm tình tỉnh thức và kiên nhẫn. Tâm tình của sự chờ đợi Chúa đến trong cuộc đời mình và với sự tỉnh thức này như Bài đọc 1 miêu tả về đức khôn ngoan “và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm” (Kn 6,15).

Trong đời sống của chúng ta, có quá nhiều người, vì cậy dựa vào đức tin của mình, đã lựa chọn một lối sống thờ ơ và chểnh mảng trong việc chuẩn bị cho Ngày phán xét. Rồi khi nhận thấy mình sắp bị gọi ra khỏi thế gian để đi gặp Vị Thẩm Phán, họ mới bừng tỉnh vì thấy đèn của mình đã tắt. Họ bắt đầu nghĩ đến việc đi mua “dầu” bằng cách để lại của cải cho những người nghèo. Mặc dù chúng ta không bao giờ được phép tuyệt vọng về lòng thương xót của Chúa nhưng vẫn có chỗ đáng để cảm thấy sợ hãi ở đây. Vì một sự ăn năn trên giường lúc nguy tử ít khi chân thành và hiếm khi, thậm chí không bao giờ là hoàn hảo; hơn nữa, kết quả của sự hối hận muộn màng ấy cũng luôn là điều không chắc chắn.

Chờ đợi trong niềm hy vọng

Có lẽ đây là chủ đề chính yếu và tâm tình cốt lõi trong bất kỳ cuộc chờ đợi nào như người ta nói “chờ đợi là hy vọng”. Tức là sự chờ đợi đó phải được đáp trả bằng một điều gì ấy tốt đẹp và những điều sắp xảy đến là xác thực.

Thử tưởng tượng nếu chúng ta được nói ngồi ở công viên để chờ một ai đó sẽ đến để gặp chúng ta và chúng ta thì luôn nghĩ rằng không biết có đúng như vậy hay không, hay người ấy là người chúng ta không thích… thì thời gian chờ đợi sẽ dường như dài vô tận và như một cực hình cho người chờ. Còn nếu chúng ta chờ đợi và nghĩ rằng mình sẽ được gặp người nổi tiếng, được dẫn đi ăn nhà hàng, được tặng quà v.v… thì có lẽ sự chờ đợi ấy sẽ rất thú vị và người ta có có nhiều động lực và hy vọng để chờ.

Các cô trinh nữ khôn ngoan đã chờ đợi trong niềm hy vọng. Vì các cô biết chắc chàng rể sẽ đến để đón các cô vào dự tiệc cưới, nên họ đã chuẩn bị cho một cuộc chờ đợi nghiêm túc. Họ tràn đầy niềm hy vọng khi họ gặp chàng rể trong sự vui mừng và bẽn lẽn khi gặp chàng. Họ hạnh phúc để bước đi cùng chàng vào trong tiệc cưới. Đó chính là niềm hy vọng mà thánh Phaolô cũng đã nhắc nhở cộng đoàn của mình trong Bài đọc hai “chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng” (1 Tx 4,13).

Sở dĩ thánh Phaolô phải nói cho họ về hy vọng ấy vì họ đang phải đối đầu với sự bắt bớ và đau khổ mà họ đang phải chịu, bởi vì Đức Kitô chưa trở lại trong vinh quang. Và như thế nhiều người trong số họ sẽ chết trước khi nhìn thấy cuộc trở lại lần thứ hai của Đức Kitô. Vì niềm hy vọng duy nhất của họ trong hoàn cảnh này là cuộc trở lại của Đức Kitô. Đức tin của họ “thả neo” trong niềm hy vọng này. Và vì thế thánh Phaolô khích lệ họ hãy kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa đến với sự chuẩn bị xứng đáng và sẵn sàng.

Ngay cả sự chết mà được nhìn với con mắt của sự hy vọng phục sinh thì cảm xúc rất khác với những người nhìn cái chết với sự hủy diệt vĩnh cửu. Người Kitô hữu luôn được nhắc nhở cần sống trong tâm tình của niềm hy vọng ấy. Dù cuộc sống có như thế nào, dù đau khổ, hay chết chóc, hay tuyệt vọng thì luôn nhớ rằng chúng ta vẫn hy vọng nơi Chúa, Đấng cứu độ chúng ta và Đấng sẽ phục sinh sự chết của chúng ta để được sống muốn đời.

Cần khích lệ nhau trong cộng đoàn để sống niềm hy vọng về ngày sau hết

Câu cuối cùng trong Bài đọc hai mà thánh Phaolô khuyên nhủ cộng đoàn của mình là một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu “Vì thế, anh em hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau” (1 Tx 4,18). Đó là những lời về cuộc nghênh đón Đức Kitô ngự đến trong ngày của Người.

Các Kitô hữu được mời gọi sống trong mối tương quan của đức tin để nâng đỡ nhau trong đời sống. Họ khó có thể đủ bền lòng vững chí nếu chỉ tin tưởng và hy vọng một mình. Bởi vì cuộc đời này không dễ dàng diễn ra chóng vánh, nhưng thường là kéo dài và có nhiều thử thách trong cuộc hành trình ấy. Vì thế, họ cần phải khích lệ nhau để sống trong niềm hy vọng.

Có lẽ hình ảnh năm cô khôn ngoan chờ chàng rể đến là khuôn mẫu cho sự chờ đợi của cộng đoàn. Có thể có những cô cũng dễ nản lòng thất vọng, nhưng nhờ những lời khích lệ của cô khác mà họ nâng đỡ nhau kiên trì cho đến khi chàng rể đến.

Trong đời sống cộng đoàn đức tin có bao giờ tôi đã khích lệ người khác bằng những lời lẽ của đức tin khi họ gặp khó khăn thử thách hay không? Hay có khi nào tôi đã nói cho người khác về phần thưởng Nước Trời và vinh quang của Chúa khi họ chìm ngập trong sự đam mê của cái thế gian và danh vọng trần thế không?

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay mang lại cho tôi một cảm thức đức tin của sự chờ đợi Chúa đến trong niềm hy vọng. Đó là ngày trọng đại, ngày Chúa đến trong cuộc đời tôi. Vậy tôi đã đang chuẩn bị như thé nào cho cuộc ngự đến này của Chúa trong đời tôi? Tôi có tỉnh thức sãn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan hay tôi đang rơi vào sự dửng dưng hờ hững của năm cô khờ dại?

Đó là câu hỏi căn bản trong đời sống mà tôi cần nhắc nhớ chính mình để sống trong niềm hy vọng về ngày chung cuộc được hưởng vinh quang của Chúa trong nước của Người. Đó là ngày trọng đại của đời tôi và tôi xứng đáng, vì đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng ngay từ lúc này trong đời sống của tôi.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM