Cộng đoàn đức tin – Lời Chúa Chúa nhật XXIII Thường niên Năm B

0
505

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Is 35,4-7a

Bài trích sách ngôn sứ Isaia: Ngôn sứ Isaia tuyên sấm về sự công thẳng của Thiên Chúa.

Đáp ca: Tv 146,7,8-9,9-10

Thánh vịnh 146: bài ca ngợi Chúa

Bài đọc 2: Gc 2,1-5

Trích thư của thánh Giacôbê tông đồ: thánh Giacôbê dạy rằng, không có sự bè phái trong cộng đoàn các Kitô hữu.

Tin Mừng: Mc 7,1-8,14-15,21-23

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc.

II. Chia sẻ

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy về tình thương của Thiên Chúa dành cho những người nghèo khổ và nhất là đối với những con người bất hạnh. Những người này thường bị xã hội ruồng bỏ hoặc quên lãng trong cuộc sống, khi không đóng góp gì cho xã hội.

Thế nhưng, đối với những con người này, Thiên Chúa luôn dành cho họ một chỗ đứng trong trái tim của Ngài. Ngài sẽ ra tay bênh vực khi họ kêu xin và Thiên Chúa muốn chúng ta cũng đối xử với những người này như thế.

Thiên chúa bênh vực kẻ nghèo hèn

Những người nghèo khổ và thân phận thấp hèn trong Cựu ước thường được gọi là các anawin. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong bài phát biểu tại buổi tiếp kiến chung tại Vatican ngày 15/02/2006,  đã nói: “Theo tinh thần Thánh Kinh, từ ngữ ‘anawim’ nói tới những tín hữu tự ý thức mình là ‘nghèo’, không những qua sự từ bỏ mọi thần tượng về giàu có và quyền lực, mà còn ở tính khiêm nhường sâu xa của một tâm hồn biết trống rỗng trước cám dỗ của lòng kiêu ngạo, để mở lòng cho ân sủng cứu độ của Thiên Chúa tràn vào.”

Chúng ta sẽ nhận rõ sự ưu ái của tình yêu Thiên Chúa dành cho những người này, như trong bài đọc I, chính ngôn sứ Isaia đã cho thấy: “chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35,4). Thiên Chúa đứng về phía người nghèo và Người mời gọi mọi người sống như thế, để làm hồi sinh những tâm hồn đau khổ. Về thể lý đó là một sự khiếm khuyết, nhưng về tâm hồn họ vẫn tràn đầy sức sống của một ước muốn cống hiến và thành toàn. Khi Thiên Chúa cứu thoát họ, sẽ giống như nai kia nhảy nhót hay như nguồn suối tuôn đổ dạt dào.

Trong bài đọc II, chính thánh Giacôbê đã lên tiếng cảnh báo tất cả những người trong cộng đoàn của mình, cần sống thật tâm và chân thành với những người nghèo trong cộng đoàn. Đừng coi người này hơn người kia, nhưng cần tôn trọng nhau với tình bác ái huynh đệ “thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2,4). Tại vì, dù họ nghèo, nhưng chính họ là những người khiêm tốn mở lòng ra và mau mắn được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì chính Đức Giêsu cũng đã mang lấy chính thân phận của con người nghèo và làm cho mọi người nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và khi chúng ta sống như Chúa, thì đó là dấu chỉ đích thực của một cộng đoàn đức tin, chứ không phải là một tổ chức dân sự.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy cách thế Đức Giêsu yêu thương và chữa lành người câm điếc và qua đó, Ngài cho dân chúng nhận biết quyền năng của Thiên Chúa. Một điểm rất đặc biệt nơi bài Tin Mừng này, là khi Đức Giêsu đang ở trong địa hạt Tia và Sidon. Nghĩa là vùng đất của dân ngoại. Thế nhưng, Chúa đã tỏ lộ quyền năng của mình ra cho họ. Tất cả những người này từ chính nơi sâu thẳm trong tâm hồn của họ, họ vẫn có khả năng đón nhận Tin Mừng cứu độ của Chúa. Vì thế, việc rao giảng Tin Mừng cho họ cũng chính là một mệnh lệnh cấp thiết, để mở rộng vương quốc của Thiên Chúa.

Dù là nơi dân ngoại, thì Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô vẫn có khả năng đâm rễ nhanh chóng. Điều quan trọng là, chúng ta có dám “bật mí” Tin Mừng cứu độ cho họ, như Chúa Giêsu đã làm hay không mà thôi.

Mối tương quan trong đời sống cộng đoàn

Bài đọc II, thánh Giacôbê qua việc đưa ra hình ảnh “người giàu” và “người nghèo”, là ngài muốn nói về mối tương quan trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Dù là ai, thì mối tương quan với những người trong cùng cộng đoàn đức tin phải là sự công bình chân thành: “Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2,1). Như vậy, tình bằng hữu giữa cộng đoàn Kitô hữu được xây dựng từ những giá trị tinh thần cao cả, chứ không phải là do cách phán đoán bề ngoài theo giá trị vật chất. Khi họ nhìn thấy nhau và họ nhận ra vị trí của người khác trong mối tương quan của mình cách bình đẳng, thì họ đã xây dựng nên một cộng đoàn tốt đẹp và thánh thiện như Chúa muốn.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy chính Chúa Giêsu đã chữa cho người điếc nghe được “Effetha!” nghĩa là “hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.” (Mc 7,34). Như vậy, chính anh đã nối lại mối tương quan với những người xung quanh, khi anh nghe được và nói lại được. Sự tương giao đã gãy đổ, khi anh bị câm điếc và nay anh đã nối lại mối tương giao đó qua việc được chữa lành. Chính Chúa sẽ là người giúp chúng ta mở ra các mối tương quan với những người anh em, với cộng đoàn của mình. Điều quan trọng là hãy đến với Chúa, đừng cứ để mình trở thành kẻ câm điếc “vĩnh viễn”.

Rồi chính những gì Chúa Giêsu đã làm, thì “Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn”(Mc 7,36 ). Như vậy, nhờ mối tương quan qua lại giữa những người trong cộng đoàn, mà họ đã trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa. Giả như họ đều là kẻ câm điếc, thì làm sao họ nói cho người khác về sự chữa lành của quyền năng Chúa.

Sức mạnh của tương giao cộng đoàn sẽ là động lực lớn để rao giảng Tin Mừng. Chính đời sống cộng đoàn sẽ làm chứng về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta luôn có mối tương quan tốt đẹp với cộng đoàn Kitô hữu của mình, để rồi mình sẽ trở thành chứng nhân loan truyền tình thương của Thiên Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM