Cuộc hành trình nội tâm của đức tin: Lời Chúa – Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A
(Bài Ðọc I: St 12, 1-4a; Bài Ðọc II: 2 Tm 1, 8b-10; Phúc âm: Mt 17, 1-9)
Trong tháng vừa qua, đã có rất nhiều những chuyến hành trình đường hàng không giữa các quốc gia bị hủy bỏ vì dịch Covid-19. Có những quốc gia trước đây rất hấp dẫn đối với du khách, nhưng giờ người ta lại không dám đến, vì có dịch bùng phát ở đấy. Người ta đã không đủ can đảm, tự tin để đi đến những nơi như thế.
Những điều này làm tôi liên tưởng đến những cuộc hành trình trong các bài đọc Lời Chúa của Chúa Nhật thứ II Mùa Chay hôm nay. Các cuộc hành trình được nói đến này không chỉ nói về sự di chuyển về mặt vật lý, nhưng đó là những cuộc hành trình nội tâm của đức tin.
Cuộc hành trình đức tin của tổ phụ Abraham: ở bài đọc I sách Sáng Thế, Abraham đã được Thiên Chúa kêu gọi từ bỏ quê cha đất tổ, để đi đến miền đất Chúa hứa, một miền đất chảy sữa và mật (Xh 3, 8) và ở đó, cả nhà ông và dòng dõi ông sẽ được chúc phúc.
Tuy nhiên, ông đã chẳng được Thiên Chúa nói cho biết miền đất ấy ở đâu, xa hay gần, đường đi đến đó có hiểm trở hay không. Thế nhưng, tổ phụ Abraham đã cất bước lên đường để đi tìm miền đất mà Thiên Chúa đã hứa với ông. Xem ra đây là một cuộc hành trình vô phương, vô hướng và bất định, nhưng ông tin vào lời Chúa hứa và ra đi.
Cuộc hành trình đức tin của các môn đệ: ba môn đệ trong bài Tin Mừng cũng cất bước theo Chúa Giêsu trên con đường rao giảng. Nhưng hôm nay, các ông đã cùng với thầy mình leo lên núi cao, tách biệt khỏi ồn ào thế gian, để được cảm nghiệm vinh quang của Thiên Chúa qua sự kiện Chúa biến hình và rồi, dường như họ đã muốn đánh đổi tất cả, để được ở lại trong thế giới nhiệm mầu ấy “lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm” (Mt 17,4).
Thế nhưng, các ông không biết rằng, Đức Giêsu đã cho các ông cảm nghiệm trước một chút vinh quang của Thiên Chúa là để củng cố đức tin cho các ông, trong những ngày tháng sắp tới, trong cuộc khổ nạn của Chúa. Vì trong tâm trí các ông, Đấng Mêsia sẽ có một vị trí vinh quang và quyền lực như những vị vua, chứ không thể chết nhục nhã trên thập giá như tử tù được.
Đức Giêsu không muốn các ông bị “sốc” vì cuộc thương khó mà ngài sắp trải qua, điều mà có thể làm cho đức tin của họ bị dao động. Hành trình lên núi đó, chính là cuộc hành trình nội tâm nơi ba người môn đệ. Đó là để chuẩn bị cho các ông trong cuộc hành trình phía trước, cuộc hành trình với nhiều thử thách và không như những gì các ông mong đợi.
Cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu: trong mùa chay này, tôi cũng như tất cả anh chị em Kitô hữu, được mời gọi để làm một cuộc hành trình nội tâm về với Thiên Chúa. Qua đó, để chúng ta khám phá và củng cố đời sống nội tâm của mỗi người, trong mối tương giao với Thiên Chúa và anh em.
Mùa Chay năm nay có một điều rất đặc biệt, mà điều này có thể giúp người Kitô hữu khám phá cuộc hành trình đức tin của chính mình. Đó là Mùa Chay trong mùa dịch, một mùa dịch ở giữa Mùa Chay. Cả hai biến cố này giúp tôi nhận ra sự tin tưởng, tín thác của tôi vào Thiên Chúa như thế nào? Có gì khác biệt với những nhân vật trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay?
Có nhiều điều đang xảy ra trong mùa dịch này, dường như đó là những thách đố cho đức tin của người Kitô hữu. Bởi vì, với những gì đang diễn ra, thì cũng giống như những gì đã xảy ra với tổ phụ Abraham và các môn đệ. Abraham cất bước ra đi, là ông chấp nhận một sự xáo trộn của những sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày và chẳng biết là khi nào mới tới được miền đất Chúa hứa. Còn đối với các môn đệ, thì cuối cuộc hành trình dương thế của Chúa Giêsu đã không như những gì các ông “tưởng.”
Giữa mùa dịch này cũng có những điều tương tự như thế, khi mà những buổi cầu nguyện tuần cửu nhật đã kết thúc, những kinh nguyện cầu cho qua khỏi dịch corona được đọc mỗi ngày, thì kết quả là tình hình dịch lại xem ra nghiêm trọng và lan rộng ra hơn. Rồi thì có bao nhiêu những đảo lộn của cuộc sống đã xảy ra: đảo lộn về chuyện học hành, đảo lộn về công ăn việc làm, về thu nhập, về kinh tế, và đôi lúc, những điều này làm cho người ta nghi ngờ về tình thương của Thiên Chúa và đức tin trở nên dao động.
Có những kế hoạch đã định sẵn, giờ phải bỏ hay phải thay đổi vì đại dịch và nhiều điều đang diễn ra làm cho tương lai như mờ mịt. Tình hình thực tế đó, xem như có điều gì đấy đang quá sức của con người con người, con người dường như mất sự kiểm soát về nhiều mặt trong cuộc sống và đức tin xem ra bị thách đố về điều ấy. Nhưng, biến cố này làm cho tôi thức tỉnh để biết đặt kế hoạch đời mình vào trong sự quan phòng của Thiên Chúa, một điều mà tổ phụ Abraham đã tin và đã làm. Để qua sự tín thác ấy, tôi nhận được“ơn thiên triệu thánh của Người, không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho chúng ta từ trước muôn đời trong Ðức Giêsu Kitô,” như bài đọc II thư thánh Phaolô gởi cho Timôthê.
Thế nhưng, nhìn vào cuộc đời của Abraham, chúng ta thấy, ông đã tin, niềm tin của ông là một sự tín thác trọn vẹn cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Abraham vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng ông sẽ có con nối dõi. Dù bên ngoài là thực tế đầy thất vọng, Abraham vẫn tín thác vào Đấng sẽ ban cho ông đứa con, và ông còn sẵn sàng hiến tế đứa con ấy cho Người “dù tuyệt vọng, ông vẫn một niềm hi vọng” (Rm 4,18).
Đức cậy vượt lên trên cái nhìn bi quan về những thực tại trần thế, vì nhờ đức tin, đức cậy bám chặt vào Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, Người sẽ chiến thắng sự chết và quyền lực của nó. Sự tin tưởng thì không phụ thuộc vào điều hợp lý, dù con người tôi có như thế nào thì Thiên Chúa vẫn có thể hoàn tất kế hoạch cứu độ của Người nơi tôi.
Thiên Chúa luôn trung thành với những gì Người đã hứa, nhưng điều quan trọng là tôi có dám tín thác, có can đảm và kiên nhẫn để hy vọng về điều ấy. Đức tin của tôi có đủ mạnh để tôi dám đặt trọn cuộc đời mình, dù sống hay chết, hay mọi kế hoạch toan tính của riêng tôi vào bàn tay của Thiên Chúa, để đón nhận vinh quang trong tương lai, mà Người hứa ban cho tất cả, nếu tin vào Lời Chúa hứa.
Mọi người Kitô hữu cũng biết rằng Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta, và rằng ngay cả những lúc gặp khó khăn thử thách, những lúc mà mọi sự dường như trở thành vô nghĩa và không thể chấp nhận, thì với sức mạnh Chúa ban, chúng ta vẫn có thể tiếp bước trong hành trình đức tin, như câu chuyện của Abraham vậy. Và cũng như hành trình đức tin của Abraham không chỉ cho chính ông, mà còn cho nhiều thế hệ con cháu và thông qua họ, cho toàn thể nhân loại.
Mọi Kitô hữu cũng hãy biết rằng hành trình đức tin của chúng ta trong thời điểm hiện tại này, giữa cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19 không phải chỉ là chuyện cá nhân, nhưng có liên quan đến toàn thể cộng đoàn đức tin và liên quan đến cả thế giới. Hãy sống đức tin vững mạnh trong sự tín thác vào Thiên Chúa để nhận ra tình thương của Người dành cho nhân loại.
Đó chỉ là một biến cố nhỏ trong Mùa Chay này và còn rất nhiều những thử thách, những khó khăn khác đang diễn ra trong cuộc sống cách cá nhân hay tập thể. Nhưng trong Mùa Chay này, những biến cố đó là dịp để mọi người Kitô hữu nhìn vào biến cố tự nạn của Chúa với niềm hy vọng của sự Phục Sinh vinh quang, chứ không phải là biến cố tang tóc của sự tuyệt vọng; nhìn vào hiện tại với sự xác tín về Lời Chúa hứa, như Người đã khích lệ các môn đệ trên núi “các con hãy đứng dậy, đừng sợ” (Mt 17,8).
Pt Phêrô Phạm Minh Triều. CM