Alexis VARGAS SANDOVAL, C.M.
“Xin chữa lành và cho con được sống! Nay muôn vàn cay đắng đã hóa nên an bình! Vì chính Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong, vất bỏ sau lưng mọi lỗi lầm con phạm. Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung. Chỉ người sống, vâng chỉ người sống mới ca tụng Ngài như thể con nay. Người cha sẽ dạy cho con cái rõ Ngài là Đấng tín trung. Lạy Đức Chúa, xin Ngài thương cứu độ. Rồi chúng con sẽ ngày ngày xướng họa đàn ca trong nhà Đức Chúa, suốt cả cuộc đời.” (Is 38,16-20)
Mến chào anh em trong Chúa, suốt bốn tháng rưỡi vừa qua, lần đầu tiên tôi đã cảm nghiệm được phận người mỏng giòn qua đại dịch Covid-19 này. Đây là một thời khắc khó khăn, trắc trở và hãi hùng. Tuy thế, tôi phải thú thật rằng thời khắc ấy là lúc tôi ngộ ra cách xâu xa hơn về lòng thương xót và sự gần gũi của Thiên Chúa, thêm vào đó là tinh thần liên đới của anh em, cộng đoàn và giáo xứ sở tại của tôi, tỉnh dòng Pháp, gia đình tôi, bạn bè tôi, và nhiều anh chị em trong gia đình Vinh Sơn, những người thiện chí, và sự quan tâm của các nhân viên ý tế của bệnh viện Robert Ballanger. Nói tóm lại, nhờ có những lời cầu nguyện, sự chăm sóc hay có lẽ là những cử chỉ nhỏ, một sự quan tâm, một tin nhắn mà tôi sẽ mãi mang ơn họ.
Đôi khi thật khó bày tỏ cảm xúc và hơn nữa, với anh em chúng ta, những con người được thánh hiến vì tình yêu. Chúng ta phải luôn trở về với suối nguồn lòng thương xót không vơi của Thiên Chúa, đồng thời nhận ra rằng chúng ta là quà tặng cho người khác, và rằng cuộc sống viên mãn nhờ việc cho đi. Mới đây mà 3 tháng đã trôi qua từ khi tôi xuất viện và tôi đã có cơ hội dừng lại để định hướng lại cuộc sống và việc tác vụ của mình, và tôi xác tín rằng trong khoảng thời gian này cùng với nhiều điều khác nữa, chúng ta có thể đo lường khả năng chịu đựng và trao ban hy vọng, ngay ở nơi mà đa phần người ta bị chôn vùi bởi sự chán nản và sức mạnh của họ đã trở nên suy yếu.
Tôi muốn dùng Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 18 để kể về kinh nghiệm này theo cách của riêng tôi. Tin Mừng của Chúa Nhật đó khởi đi từ một biến cố đau đớn đối với Chúa Giêsu, đó chính là cái chết của Gioan Tẩy Giả, người bạn rất thân mến của Ngài. Đó cũng là lý do khiến Ngài thấy rằng thật khôn ngoan nếu giữa tang thương người ta biết rút về một nơi nào đó riêng mình để ở cùng với Chúa Cha. Một thời khắc để ngẫm lại mọi sự đồng thời để không giả vờ như không có gì xảy ra thì quan trọng dường bao. Thế nhưng sao những điều này lại xảy ra với tôi? Và sao lại là tôi? Dù sao thì thời điểm ấy đã đến với tất cả chúng ta và bằng cách của riêng nó. Cái kinh nghiệm này đã bắt đầu khoảng hai tuần trước khi tôi đi xét nghiệm. Tôi đến dùng bữa trưa với cộng đoàn tại một giáo xứ bên cạnh, nơi đây, các linh mục thuộc điểm mục vụ thường ăn trưa cùng nhau hai tuần một lần. Gia chủ, là một cha sở, đã đi đến miền đông của đất nước, nơi có vài ca nhiễm dịch. Tuy vậy, vì đây là thời kỳ bắt đầu cơn khủng hoảng sẽ khuấy động toàn thế giới, nên người ta ít để tâm đến bất kỳ một rủi ro nào có thể gặp phải. Ba ngày trôi qua và tôi phải quay về giáo xứ đó để chuẩn bị cho buổi họp giáo lý cho người lớn, vì tôi là một thành viên trong nhóm cùng với cha sở đó, và một lần nữa chúng tôi cùng dùng cơm trưa với ngài và cha phó của ngài trên một cái bàn rất nhỏ. Không có giãn cách thể lý vào thời điểm đó. Đến ngày cuối tuần, tôi cảm thấy không được khoẻ. Tôi bắt đầu bị sốt, cảm, và đau bao tử đi kèm với chúng chán ăn. Khi các triệu chứng tiếp tục vào thứ hai tiếp đó, tôi đã đi gặp bác sĩ. Ông ấy xét nghiệm tôi rất nhanh và bảo rằng không mấy nghiêm trọng, tôi chỉ mắc bệnh cảm; ông kê đơn thuốc sốt và nhức mỏi cho tôi và bảo tôi nghỉ vài ngày. Như thường lệ, bạn đi khám bệnh và nhận được tin tốt, nên bạn sẽ thấy an toàn hơn. Tuy thế, vài ngày trôi qua và không có sự thuyên giảm nào. Tôi trải qua cả tuần như thế cùng với các triệu chứng như vậy.
Như thường lệ vào cuối tuần, các bà từ giáo xứ kia đến. Họ nài ép tôi đi kiểm tra sức khỏe. Nhưng tôi cứ nán đợi đến thứ hai mới thực hiện. Bạn phải gọi điện thoại để đặt số. Tôi đã gọi và họ bảo tôi đi đến phòng cấp cứu tại Bệnh viện Robert Ballanger. Buổi trưa ngày 16 tháng 3 ấy, một cha bạn từ cộng đoàn đi cùng với tôi đến bệnh viện. Bạn phải đợi một chút. Tôi nói cha quay về và khi xong việc tôi sẽ gọi cha đến đón. Việc chờ đợi kéo dài hơi lâu, khoảng hai giờ. Nhưng như bạn cảm nhận mọi thứ khi vào viện vì thứ gì đó đã xảy ra với bạn, toàn khung cảnh dường như tối sầm trước mắt bạn. Dịch bệnh mới đang chớm, nên người ta sợ những ca dương tính với vi-rút Cô-rô-na. Và giờ thì tôi hiểu công việc của các nhân viên y tế, và tất cả những thứ họ mạo hiểm. Tôi đã làm xét nghiệm và phải chờ kết quả. Tôi đã nằm trên băng-ca, và khoảng 9h30’ tối, họ đưa kết quả xác nhận dương tính cho tôi. Tôi nhớ mình nhận kết quả rất bình thường và tôi nhủ lòng rằng, ừ thì sẽ sớm khỏi thôi. Một người nhủ lòng rằng mình còn trẻ và khỏe, và nó chỉ là vấn đề thời gian thôi. Tôi gửi tin nhắn cho cha bạn nhắn rằng mình bị dương tính với vi-rút và nói rằng ngài cứ đợi cho đến khi bệnh viện gọi ngài. Tôi phải nói với bạn rằng mình vẫn nhớ những gì sau đó, nhưng có một chuyện khác nữa đó là trải nghiệm hôn mê tạm thời gần một tháng.
Tôi có thể nói sao về kinh nghiệm này?
Trước hết, nó giống như ở giữa mê và tỉnh, giống như kiểu bị tách khỏi thực tại đồng thời lại nhận thức được nó. Tâm trí tôi cứ quẩn quanh đâu đó. Tôi mơ nhiều, nhưng tôi phải nói với bạn rằng chúng ta không ngừng là chính mình. Hãy để tôi giải thích. Trong các giấc mơ hay trong cái thực tại giả tạo này, mọi thứ phải xảy ra liên hệ với công việc bạn đảm nhận. Ở trường hợp của tôi, đó là chức linh mục. Tôi sẽ đưa ra vài ví dụ: đa phần là những giấc mơ đẹp, nhưng một số thì hoàn toàn là ác mộng. Tôi sẽ kể cho bạn nghe chi tiết hơn vào một dịp khác. Trong những giấc mơ, tôi thấy rằng tất cả xảy đến với tôi trên một chuyến đi đến Tây Ban Nha và bị đắm tàu, và sau đó chúng tôi được lực lượng hải quân Pháp cứu. Họ đưa chúng tôi đến Barcelona nên tôi thề tôi đã ở Tây Ban Nha. Tôi nhớ rất rõ mình có ý định gọi Toño (José Antonio Gonzáles, một thành viên đang học ở Salamanca) đến để đón tôi. Có rất nhiều việc ngẫu nhiên nhưng cũng rất hấp dẫn. Ví dụ, sau khi được cứu, tôi ở trong một căng phòng lớn và họ đã gọi tôi, nhưng tôi không thể bước đi cũng như di chuyển, tôi rất khát, nhưng lại không có nước uống. Rồi họ cho tôi ít nước, xong tôi đòi thêm nhiều hơn nữa. Một giấc mơ khác là việc tôi đi Cali, Columbia vào kỳ nghỉ, nhưng rồi mới đi được 3 ngày, tôi đổ bệnh và được nghỉ ở một cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái, tại đó, họ phục vụ chăm sóc y tế và tôi được lưu lại điều trị khoảng một tháng. Tôi biết các thành viên ở đó, nhưng chính các sơ đã chăm sóc cho tôi. Thậm chí tôi còn nhớ sơ quản lý đã không muốn giảm bớt chi phí cho việc điều trị.
Vì tôi đã phẫu thuật mở khí quản lúc bên Cali và vị bác sĩ phẫu thuật là một thành viên từ Tỉnh dòng Ý. Tôi đã gặp ngài ở Rôma và chúng tôi dự tính đi truyền giáo cùng với ngài sau đó.
Khi thời gian này qua đi, và nhìn lại những gì đã xảy ra với tôi, tôi có thể nói tâm trí trở nên rất lạ: có một xu hướng chắc chắn giúp ta tiến bước. Để tôi giải thích điều này: 3 giấc mơ mà tôi kể trên đã giúp tôi hồi phục đáng kể. Tại sao vậy? Khi tôi thức giấc hay đúng hơn là khi họ đánh thức tôi, tôi đã rất khát. Tôi không thể chịu nổi, tôi đã đòi uống nước và nhiều hơn nữa. Đó là thứ đầu tiên tôi xin, nhưng họ không đáp ứng một chút nào, và tôi không hiểu tại sao. Đó là lý do tại sao vài nữ y tá thân thiện cho một miếng vải ướt lên miệng tôi làm tôi cảm thấy phấn chấn một chút. Điều thứ hai là tôi không thể di chuyển trong căn phòng rộng lớn đó. Tôi đã ở trong một căn phòng với nhiều bác sĩ và y tá, được luồn ống thông khí quản và tôi thật sự bất lực. Mọi thứ đều đau đớn. Tôi không thể cử động được. Điều thứ ba là vấn đề về “khí quản”, khi tôi nằm mơ, điều đó không khó chấp nhận. Điều này có nghĩa, mọi thứ đã được an bài sẵn rồi. Tôi tin đó là đức tin, Chúa đã xếp đặt mọi thứ. Ngoài những giấc mơ trên, tôi cũng mơ được đi nghỉ cùng gia đình, đi truyền giáo ở Ấn Độ, dâng lễ cùng Đức Thánh Cha và điều đó vô cùng kỳ lạ với tôi. Tôi còn mơ tỉnh dòng đã mua một mảnh đất ở ngoại ô Bogota và họ gửi tôi đến đó làm bề trên và tôi làm việc với một trong những người Garcias, một tu huynh (trong tỉnh dòng Colombia của tôi, chúng tôi có hay đã có 5 anh em có chức thánh, hai người trong số đó là giám mục nhưng đã qua đời rồi, tôi không biết họ có chết vì lý do là giám mục hay không?), và đồng hành với các Nữ Tử Bác Ái cao niên. Và nhiều người khác nữa.
Trở về với bản văn Kinh Thánh, về thời gian ẩn dật của Đức Giê-su (là thời gian điều trị của tôi, và việc cách ly cho bạn), tôi tâm niệm rằng đây là thời khắc của hòa giải (với chính mình, với anh em, và gia đình) để bắt tay hành động; tức là, làm cho lòng bác ái trở nên thực tế. Tôi được đánh động giống như nhà truyền giáo vĩ đại Gioan Gabriel Perboyre rằng không cần gì hơn ngoài những dấu chỉ (Phúc Âm, thập giá, Thánh Thể) để trao ban bản thân cho nguồn mạch tình yêu. Quả vậy, thế giới cần sự cảm thông, quần chúng cần sự an ủi, và chúng ta là những cánh tay và đôi chân của Chúa Giêsu. Vậy, lời đáp trả của tôi là gì đối với lời mời gọi chữa lành các vết thương của anh chị em chúng ta? Đôi lúc thái độ của chúng ta là thái độ của các môn đệ: đó là từ chối tha nhân, để họ tự liệu lấy mọi việc theo khả năng họ có, với cách này, thưa anh em, chúng ta dựa dẫm vào phép lạ của Đức Giêsu, nhưng Ngài muốn dạy ta điều khác: không nhất thiết phải có mọi thứ rồi mới làm một vài thứ. Chỉ cần cho đi một chút những gì ta có, cùng với Đức Giêsu là đủ, bởi vì đó là công việc của Người chứ không phải suy tính của chúng ta. Hãy trao ban mà không so đo, và người ta sẽ trao lại cho bạn mà không tính toán, và khi thấy mình không thể làm thêm được nữa, bạn sẽ phát hiện ra rằng mình có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Chúng có vẻ không đáng kể, nhưng với sự hiện diện của Đức Giêsu, chúng sẽ làm nên sự khác biệt. Chính việc cho đi thời gian, tiền của, sự cảm thông và tình bạn của bạn sẽ có sức lây lan. Nếu người ta thấy bạn làm điều đó thì họ sẽ bắt chước việc bạn làm và sẽ có đủ để nuôi sống đám đông. Đấng sáng lập đáng kính của chúng ta đã nhân bội không chỉ lương thực mà còn cả tình yêu nữa, để mỗi người có được chút gì đó.
Giờ đây, một lần nữa, tôi muốn gửi lời cám ơn chân thành đến tất cả mọi người vì sự liên đới, tình bạn và lòng yêu mến của họ. Những cử chỉ yêu thương, lòng trắc ẩn nhỏ bé ấy… thật quý giá đối với tôi. Từ khi xuất viện vào ngày 2 tháng 5, lòng biết ơn đã đồng hành cùng tôi. Sự mỏng giòn của cuộc sống nhắc tôi cách mãnh liệt về điều mà tôi đã biết và là điều lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi chúng trở nên nhàm chán: đó là “không có gì là mãi mãi”. Không phải sự sống, sức khỏe, hay bạn bè. Dù sao, tôi đã học được những điều chúng ta thường rao giảng: cuộc sống là phép mầu và từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây đều có giá trị, và chúng ta phải dám sống, dám mạo hiểm cho điều tốt đẹp nhất, vì điều tốt đẹp nhất. Cho dù chúng ta có rơi vào bế tắc, thì chúng ta cũng mãn nguyện vì mình đã làm được điều gì đó, chúng ta đã cố gắng và chúng ta phải cố gắng hết lần này đến lần khác. Bằng cách nào đó, chúng ta phải cho mình cơ hội mắc sai lầm bởi vì điều đó thức tỉnh và đưa chúng ta đến chỗ đảm nhận cuộc sống với nhiều trách nhiệm hơn, và rồi chúng ta sẽ xác tín rằng điều quan trọng là cố gắng trở nên chân thật hơn mỗi ngày bằng việc học biết xấu hổ về chính lỗi lầm của mình. Tôi không thấy cách nào khác để thay đổi thực sự. Khi Diego Luis là hiệu trưởng tại Medellin, ngài luôn nhắc đến cụm từ này mà tôi khắc ghi từ đó; tôi không biết có phải là của ngài hay không, nhưng tôi thích nó: “Đừng đòi hỏi ở cơ cấu điều mà sự hoán cải của chính bạn không đem lại cho bạn”. Để điều này không có vẻ tôn giáo, tôi sẽ nói là “xác tín của riêng bạn”, bởi tôi cũng đã học được rằng sự thay đổi đến từ bên trong, từ những gì là riêng tư nhất, những gì được quan tâm nhiều nhất.
Tôi muốn chia sẽ với bạn vài tư tưởng từ những gì thiêng liêng mà tôi đọc được qua kinh nghiệm quan trọng này
Sức mạnh của cầu nguyện và tạ ơn
Điều này được chuyển thành sự hiện diện của Thiên Chúa mà chúng ta không bao giờ thiếu, và thành sự kiên nhẫn của tất cả các bạn trong lời cầu nguyện. Tôi thú thật hôm nay tôi mắc nợ mọi người một món nợ đáng kể. Thật vậy, tôi nợ các bạn mạng sống, và dĩ nhiên cũng nợ những ai đã chăm sóc tôi ở bệnh viện. Đó là lý do tôi mời gọi các bạn tự hào về niềm tin của mình. Họ đã đạt được những gì họ khẩn xin: một phép lạ vì họ đã quỳ trước Chúa Đấng nghe lời cầu nguyện của họ. Cuộc sống của tôi là bằng chứng. Đôi lúc, chúng ta chán nản vì cầu xin Chúa, nhưng không nhận được cái ta muốn. Những gì họ đã làm cho tôi có thể cho bạn thấy sự xác tín rằng Chúa giàu tình thương và lòng trắc ẩn, và rằng thật đáng đợi chờ bằng tất cả hy vọng.
Sự hiện diện của người khác và dấu chỉ của Thiên Chúa
Một ngày sau khi tỉnh lại, tôi nhận ra rằng một y tá là người Phi Châu. Tôi không chắc liệu có phải cô ấy đến từ Cônggô hay không. Cô khoảng 27 tuổi. Cô đến gần tôi và bằng lòng tôn trọng, cô thì thầm vào tai tôi: “Thưa Cha, con đến để có thể cùng Cha cầu nguyện”. Hành động đó đã đánh động tôi. Vài lời nguyện cô chia sẻ với tôi, đặc biệt là về Đức Trinh Nữ Maria, cô còn biết cả tiếng Latin. Điều đó diễn ra khoảng 2 hoặc 3 lần. Có một lần khi cầu nguyện xong, cô nói với tôi: “Thưa Cha, con luôn ghé qua đây và khi nào cha cần cầu nguyện, xin cứ gọi con và con sẽ đồng hành cùng Cha”. Bạn thấy đấy, Chúa luôn gởi ai đó thì thầm vào tai bạn rằng Ngài luôn ở đó và đó lý do tại sao tôi tin có thiên thần, nhất là thiên thần hộ thủ. Bạn có thể thấy rõ được một lần nữa bàn tay của Thiên Chúa. Tôi biết Giáo Hội cũng như thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn, nhưng không cần phải sợ. Trái lại, hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa Đấng đã hứa với các môn đệ, và từ các môn đệ đến chúng ta, rằng chúng ta không bao giờ cô đơn. Luôn có điều gì đó kỳ diệu thúc đẩy chúng ta hướng về phía trước. Đó là sức mạnh của Thánh Thần Đấng ban sức mạnh cho thân xác và dũng khí cho linh hồn.
Kinh nghiệm về sự phục sinh và sự kỳ diệu của cảm giác được sống
Chúng ta luôn nói về phục sinh, và chúng ta có đủ các trình thuật viết về điều đó. Chúng ta thường rất giỏi bàn về nó, nhưng khi một ai đó kinh qua nó, thì bất cứ giải thích nào cũng trở nên thiếu sót vì bạn nhận ra rằng đây không phải là một cuộc tranh luận nhưng là một sự kiện cụ thể mà bạn đang chứng kiến. Sau khi nhận thức mình đang ở đâu, tôi bắt đầu quan tâm đến việc chia sẻ những dấu hiệu của sự sống, về việc kể cho bạn và đặc biệt cho gia đình tôi rằng tôi còn sống và không đau khổ nữa! Trên hết, tôi nghĩ về cha mẹ, họ sẽ phải trải qua thời khắc khó khăn như thế nào vì mất một người con và có thể là nỗi đau đớn hơn; thật ra, có người cha hoặc hoặc người mẹ nào mà lại muốn mất con cơ chứ? Vì thế, tôi có thể nói với bạn rằng đối với riêng tôi, phục sinh là thức tỉnh, nhưng để làm gì? Để nói như Chúa: “Can đảm lên, chính Thầy đây, đừng sợ.” Thông báo tin mừng này có nghĩa là sống. Đó là lý do tôi mời gọi các bạn tỉnh thức để nhìn thấy các dấu chỉ của Chúa. Vì chúng ta sống, nhưng không tỉnh thức, nên đó là khác biệt chính yếu. Vậy làm sao để nhận ra tình yêu Chúa trong đời sống chúng ta? Ở phương diện này, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta là vô ích. Vì thế, bằng cách nào đó, những hoài nghi về sự hiện diện của Chúa trong đời sống của tôi đã biến mất. Sao có thể không thấy được kỳ công Chúa trong đời tôi!
Nhân điều này, tôi kể cho bạn nghe một niềm hoan hỷ mà tất cả mọi người đều kinh qua khi nghe thấy tiếng nói tôi lần nữa, và trên hết, tôi nói điều này với gia đình tôi. Thật sự lần này nước mắt là của niềm vui. Cùng lúc, gia đình tôi thấy vững tin vào Chúa hơn, và cách thức những thời điểm sống tốt, đôi khi xấu, trong đời dẫn chúng ta đến chỗ đặt mọi sự trong bàn tay của Chúa Đấng biết cách chứng tỏ chính mình. Quả vậy, công việc của Chúa cần thời gian, nhưng chúng đến và trao cho bạn sự đảm bảo. Vài anh em tôi cũng nói rằng họ chưa từng cầu nguyện cho ai nhiều như thế. Điều này làm tôi cảm động, tôi thực sự thừa nhận điều đó và vì vậy tôi xác tín rằng chúng ta thực sự nhận ra bạn bè khi họ giúp đỡ chúng ta vượt qua giông tố. Chưa bao giờ như bây giờ, tôi chắc chắn rằng thật đáng sống và đáng có bạn bè và gia đình, và không chỉ cha mẹ hay anh em tôi đã trao cho tôi cuộc sống của họ mà còn cả nhiều người trong các bạn nữa. Thực ra, Lời Thánh Kinh được ứng nghiệm ở đây: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Xin chân thành tri ân vì đã chia sẻ phép màu này, tức là cuộc sống của tôi, và tôi sẽ tiếp tục xin các bạn cầu nguyện cho tôi và cùng thể thức tôi chắc chắn bạn sẽ nhận được qua lời cầu nguyện và trên tất cả là tình bạn của tôi. Tôi yêu mến các bạn trong Chúa. Hãy cùng nhau hướng về trời cao, nơi có những dấu chỉ được thể hiện tỏ tường trên trái đất này, nhưng trên hết chúng ta tin rằng có sự sống đời đời. Và chúng ta không bao giờ bị thất vọng.
Phạm Minh Ngọc chuyển ngữ