CUỘC THI VÀ PHẦN THƯỞNG

0
1235

 

Ngày 05/01/2019, tại giáo phận Đà Lạt, chương trình “Vui Học Triết”, mừng lễ thánh Tôma Aquinô, bổn mạng các học viện Công Giáo, tiếp tục được tổ chức như một truyền thống tốt đẹp hàng năm.

Năm nay,  Học viện Durando, Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn đã vinh dự đăng cai chương trình này và đón tiếp ba học viện: Học viện Châu Sơn, Chủng viện Minh Hòa, Học viện Don Rua đến tham dự. Đến với ngày vui hôm ấy, quý cha, quý thầy đã được tham gia nhiều cuộc thi: đố vui triết học, đá bóng,… Và nói đến thi là nói đến những phần thưởng, những “phần quà” cho người tham dự. Tuy nhiên, những phần thưởng ấy không chỉ dừng lại ở những món quà hiện vật mà còn là những phần thưởng “tinh thần” khác cho những người tham dự.

Món quà “tinh thần” thứ nhất, khi tham dự phần đố vui triết học, có nội dung hướng những triết sinh đến Thiên Chúa, thiết nghĩ, quý thầy lại càng thêm xác tín rằng Thiên Chúa là “Đầu mối khôn ngoan”, chứ không phải là tri thức và cũng càng không phải là một triết gia nào đó. Nhận ra được điều này thì những người tham gia sẽ có được thêm một “món quà”.

 

Phần thưởng tiếp theo là gì ? Tôi thích câu nói: “Trong cuộc thi này ai cũng là người thắng cuộc.” Bởi lẽ, khi đến với những cuộc thi, các triết sinh không chỉ thi thố tài năng, mà  còn có thể nhận ra được sở trường, sở đoản của triết sinh học viện mình và triết sinh học viện khác. Người ta vẫn nói “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vậy, qua đó, mỗi tham dự viên của chương trình, nếu biết tự nhận thức bản thân mình còn có những khuyết điểm, cố gắng học tập thêm, thì họ lại được thêm một “phần thưởng” nữa rồi.

Nói đến sự tự nhận thức, tôi nhớ đến bài giảng của Đức Cha Antôn, Giám Mục giáo phận Đà Lạt trong bài giảng lễ, trong phần thứ hai của ngày “Vui Học Triết”. Ngài đã nêu ra “Triết lý quả trứng gà” của Lý Gia Thành, để khuyên những người có mặt hôm ấy: quý cha, quý thầy, cần biết “đập vỡ từ bên trong để trưởng thành”. Đức Cha cũng nhấn mạnh thêm việc tự đào tạo trong sự thật và tình yêu mến.

Ngày vui đã qua, cuộc vui cũng tàn, sự phấn khích, những phần thưởng hiện vật đạt được trong các phần thi cũng sẽ không còn mấy ai nhớ đến. Thế nhưng, thiết nghĩ những “phần thưởng” trong cuộc sống mà mỗi người tham gia chương trình sẽ còn tiếp tục nhận được, khi họ cố gắng phấn đấu để đập vỡ những rào cản bên trong, những khiếm khuyết của mình. Và mọi người trong cuộc đời chẳng phải cũng còn một “chặng đường” cần chạy, để giành cho kỳ được “phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1Cr 9, 25)?