Đặc sủng – Linh đạo Vinh Sơn và lối sống của chúng ta

0
1432

Juan Patricio Prager 

Dẫn nhập

Chủ đề “Đặc Sủng – Linh Đạo Vinh Sơn Và Lối Sống Của Chúng Ta” đã dẫn đưa tôi bén rễ sâu vào kinh nghiệm Vinh Sơn về Đức Giêsu. Đặc sủng Vinh Sơn và linh đạo Vinh Sơn được tập trung vào cuộc gặp gỡ với Đức Kitô nghèo khó hiện diện ở giữa những người nam nữ nghèo khổ. Có hai câu hỏi chìa khóa mà thánh Vinh Sơn phải trả lời đó là: Đức Giêsu là ai? Tôi phải bước theo Đức Giêsu như thế nào? Trong suốt tiến trình biến đổi của ngài, một cách tiệm tiến thánh Vinh Sơn đã bắt đầu hiểu ý nghĩa của hai câu hỏi đó. Và như vậy, sự biến đổi của ngài là một tiến trình đi đến để biết Đức Giêsu, để bước đi trên con đường của các môn đệ, con đường Nước Thiên Chúa.

Khi thánh Vinh Sơn bước đi dọc theo con đường đó, ngài đã mang ý nghĩa đến cho đặc sủng và tinh thần mà qua đó đã cho phép ngài lần lượt tạo nên một cuộc sống lấy đặc sủng làm trung tâm. Tuy nhiên, ở đây Đức Giêsu vẫn là người đầu tiên khởi xướng. Đức Giêsu dành cho thánh Vinh Sơn một lời mời gọi, và thánh nhân đã nỗ lực để đáp lời. Đức Kitô nghèo khó đã được vén màn và thánh Vinh Sơn phải mở tâm hồn mình ra đối với thực tại đó. Thần Khí của Đức Giêsu đã hành động và thánh Vinh Sơn đã đáp lại bằng chính cuộc sống của ngài.

Đặc sủng mà Đức Giêsu tỏ lộ cho thánh Vinh Sơn là đặc sủng phục vụ người nghèo. Đặc sủng đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần, đặc sủng xây dựng nên Vương Quốc Thiên Chúa. Các đặc sủng thì luôn luôn được gắn kết với Nước Thiên Chúa. Yếu tố Tin Mừng mà đặc sủng Vinh Sơn làm nổi bật lên đó là Nước Thiên Chúa dành cho người nghèo. Đặc sủng không phải là một ý tưởng được sáng tạo bởi thánh Vinh Sơn, nhưng trước hết và trên hết, đặc sủng là ân sủng của Thiên Chúa mà thánh Vinh Sơn đã khám phá trong suốt hành trình sống của ngài.

Đặc sủng là một huyền nhiệm. Ý nghĩa của đặc sủng được tỏ lộ trong suốt dòng lịch sử và kinh nghiệm của Vinh Sơn. Không ai – thậm chí cả thánh Vinh Sơn – hoàn toàn hiểu được tất cả hệ quả đi kèm trong việc đón nhận ân sủng ấy. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng chút một để qua đó chúng ta có thể sống được đặc sủng trong những hoàn cảnh mới mẻ. Chúa Thánh Thần luôn cho phép những mạc khải mới, những ý tưởng mới, và những cách sống mới, mà về cơ bản sẽ cho phép con người sống đặc sủng.

Đặc sủng luôn bao gồm động lực “đáp trả lời mời gọi”. Đức Kitô nghèo khó kêu gọi chúng ta từ những vùng ngoại vi và mời gọi chúng ta đáp lời. Linh đạo Vinh Sơn là đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô nghèo khó đang ở giữa những người nghèo khổ.

Cần phải nói rõ rằng, linh đạo Vinh Sơn không phải là một loạt các tham chiếu đến các tác phẩm của Đấng Sáng Lập của chúng ta, cũng không phải là một vài lời cầu nguyện theo công thức, một loạt các nhân đức, các công việc làm, hay những việc đạo đức bình dân. Đúng hơn linh đạo Vinh Sơn là bước theo Đức Giêsu hiện diện giữa những người nghèo khổ nhất, những người bị loại trừ khỏi xã hội. Chắc chắn rằng, tất cả những thực tại khác đều có vị trí của nó, nhưng chỉ khi chúng giúp chúng ta bước theo Đức Giêsu như nhà truyền giáo của người nghèo.

Vâng, giờ đây hãy cho phép tôi đưa ra năm nét đặc trưng của linh đạo Vinh Sơn, mà nhờ đó chúng ta có thể sống đặc sủng Vinh Sơn một cách tốt nhất.  

Năm nét đặc trưng của linh đạo Vinh Sơn

1. Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta vào giữa thế giới

Nơi con người Giêsu, Thiên Chúa bước vào thế giới của chúng ta như một người anh em và đấng cứu chuộc. Thiên Chúa không giải cứu chúng ta từ trên cao cũng không phải từ bên ngoài, nhưng đúng hơn như một phần của nhân loại.

Chúng ta không mang Thiên Chúa đến thế giới! Hoàn toàn ngược lại, chính Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta vào giữa thế giới. Thế giới là sự sáng tạo của Thiên Chúa, là ân sủng của Ngài và là sự cứu độ của chúng ta. Tách mình ra khỏi hay cố gắng để thoát khỏi thế giới không phải là phương thế hành động của một nhà truyền giáo Vinh Sơn. Vâng, tội lỗi tồn tại trong thế giới và vì vậy, có nhiều yếu tố làm lu mờ và che dấu sự hiện diện của Thiên Chúa, làm biến dạng hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng như thánh Tông đồ đã nói: “ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng chứa chan muôn phần” (Rm 5,20).

Linh đạo Vinh Sơn là một lời cam kết với thế giới. Vấn đề của thế giới là vấn đề của chúng ta. Tất cả những đau khổ và những yếu đuối của anh chị em chúng ta thì không xa lạ gì đối với chúng ta. Có lẽ chúng ta không có tất cả những câu trả lời cho các vấn đề của họ. Tuy nhiên, chúng ta hiện hữu cùng với họ, kề vai sát cánh, và cùng với tất cả những người đang thực hiện cuộc hành trình ngang qua thế giới này, chúng ta đặt câu hỏi về thực tế hiện nay của thế giới. Ở đây, nhiệm vụ trở nên mang tính nhân loại hơn.

Chúng ta ở trong thế giới như những người mang sứ điệp Tin Mừng. Để truyền giáo thì không chỉ là giảng dạy và cử hành các bí tích. Đúng hơn, truyền giáo là sự giải phóng mọi sự dữ đang đè nặng trên nhân loại… đó là tạo ra một tương quan mới với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta.

Tin Mừng của phúc âm thì không phải là một tin tốt lành bởi vì tôi công bố, nhưng đúng hơn, bởi vì những người nam người nữ đã trải nghiệm một sự biến đổi ngay trong tình trạng tội lỗi của họ. Truyền giáo không bắt đầu với những lời lẽ ngoan đạo, hay đọc thuộc lòng những trích đoạn từ Kinh Thánh, nhưng đúng hơn, truyền giáo bắt đầu bằng việc phản ứng trước những tin xấu mà con người phải chịu đựng ngay trong chính bản thân họ: đói kém, thất nghiệp, xung đột, bạo lực, thiếu ý nghĩa trong cuộc sống của họ, nghèo đói.

2. Thiên Chúa chờ đợi chúng ta giữa những người nghèo

Khi Đức Giêsu mời gọi chúng ta bước theo, Ngài đã thực hiện điều đó ở giữa người nghèo… và ở giữa người nghèo, chúng ta phải trả lời: Thiên Chúa là ai? Người nghèo là ai? Chúng ta phải hòa hợp bản thân với người nghèo như thế nào? Đây là trục chính yếu của linh đạo của chúng ta. Cho phép tôi đưa ra ba điểm làm sáng tỏ sau:

Người nghèo có giá trị nơi chính bản thân họ: Tôi không cố gắng tương quan với người nghèo chỉ vì Đức Kitô hiện diện ở nơi họ. Tôi cố gắng tương quan với người nghèo bởi vì họ là những anh chị em của tôi, những người đang phải chị đau khổ. Họ có một ưu thế trong Vương Quốc Thiên Chúa và do đó, tôi quan tâm đến người nghèo vì họ có một nhân phẩm cá vị; họ là chủ thể của chính đời sống họ chứ không phải là những người đón nhận lòng thương hại và của bố thí.

Đức Kitô kêu gọi chúng ta phục vụ người nghèo, không chỉ là những “người nghèo tốt lành”: Đôi lúc chúng ta nói về việc được phúc âm hóa bởi người nghèo. Tôi không tin rằng chúng ta hiểu cụm từ “phúc âm hóa bởi người nghèo” một cách chính xác. Chúng ta nói về “những người nghèo tốt lành”, những người mà thường xuyên tham dự thánh lễ, sống một đời sống luân lý tốt đẹp, chia sẻ từ chính sự nghèo khổ của họ. Tuy nhiên, tôi tin rằng, lời kêu gọi phục vụ người nghèo, dù là người tốt hay không tốt thì đều giống nhau. Chúng ta không thể hỏi mọi người xem họ xứng đáng hay không xứng đáng với việc phục vụ của chúng ta rồi sau đó mới chăm sóc họ tương xứng với câu trả lời của họ. Quả thật, ngay cả những người không lương thiện cũng sẽ phúc âm hóa chúng ta, và chúng ta được kêu gọi để yêu thương những người không dễ thương đó. Rất thường xuyên, những người không đáng yêu đó sẽ đặt chúng ta vào trong sự tiếp xúc với tội lỗi và sự yếu đuối của chính bản thân chúng ta… những người không dễ mến đó mời gọi chúng ta động lòng trắc ẩn.

Sự hiện diện của Đức Kitô mang tính bí tích: Thánh Vinh Sơn nới về việc “gặp gỡ” Đức Kitô trong người nghèo và hiếm khi ngài nói về việc “nhìn thấy” Đức Kitô trong người nghèo. Đó là bởi vì sự hiện diện của Đức Kitô mang tính bí tích chứ không mang tính vật chất. Nói về việc “nhìn thấy” Đức Kitô trong người nghèo tạo nên sự mơ hồ bởi vì đó là một kiểu nói ngoan đạo nhưng không tương xứng với kinh nghiệm của chúng ta. Theo nghĩa đen, nếu ai đó “nhìn thấy” Đức Kitô trong người nghèo thì người đó hoặc là một nhà thần bí (và trong lịch sử Giáo Hội không có nhiều nhà thần bí) hoặc người đó cần đến một sự trợ giúp mang tính chuyên môn. Nói về việc “nhìn thấy” Đức Kitô trong người nghèo là tạo ra một thế giới ảo tưởng và những ước vọng sai lầm. Kinh nghiệm về Đức Kitô trong người nghèo mang tính bí tích. Đó là một trải nghiệm của đức tin mà qua đó bảo với tôi rằng, cuộc gặp gỡ với người nghèo thì hơn là một biến cố tình cờ. Đó không phải là một sự thật hiển nhiên nhưng đúng hơn là kết quả của một suy gẫm đầy đức tin về cuộc gặp gỡ với người nghèo. Thường thì tôi chỉ nhận thức được sự hiện diện của Đức Kitô sau cuộc gặp gỡ với người nghèo.

3. Đức Kitô mời gọi chúng ta tham gia vào sứ mệnh truyền giáo

 Bước theo Đức Kitô ở giữa người nghèo nghĩa là, chúng ta là những nhà truyền giáo. Tinh thần truyền giáo không phải là một ước muốn để bước đi và di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Quả thật, việc đi từ nơi này đến nơi khác thì hầu như chắc chắn là một trở ngại hơn là một yếu tố rõ ràng của sứ mệnh truyền giáo.

Trở thành một nhà truyền giáo là rời khỏi thế giới cá nhân và một vị trí an toàn của bản thân trên thế giới để bước vào thế giới của tha nhân; đó là rời khỏi vị trí của bản thân để bước vào nơi chốn của người nghèo và đồng hành cùng họ với Tin Mừng. Đây là một nhiệm vụ khó khăn. Từ góc độ kinh tế và xã hội, hầu như có thể chúng ta đang ở đâu đó ở giữa, trong khi người nghèo thì đang sống ở bên lề… và ở đó, ở ngay bên lề có một thực tế khác biệt, những giá trị khác nhau, một nền văn hóa khác nhau, những thực hành tôn giáo khác nhau. Ở đây chúng ta không nhất thiết đề cập đến một số thay đổi về mặt địa lý nhưng đúng hơn, trở thành một nhà truyền giáo là thích nghi chính bản thân chúng ta với thực tế của người nghèo.

Một mối nguy hiểm đối với mọi nhà truyền giáo là áp đặt thực tế của người này lên người khác: cách thức của tôi là cách thức duy nhất; thực hành tôn giáo của tôi là thực hành có giá trị duy nhất; tôi biết điều gì người nghèo cần và điều gì họ muốn (mà không cần hỏi họ). Chính ở đây, các nhân đức Vinh Sơn đóng một vai trò quan trọng: khiêm nhường lắng nghe và đồng hành mà không ra lệnh; đơn sơ để hiểu những động cơ thực sự của tôi đối với sứ vụ truyền giáo; hãm mình để hy sinh điều gì đó của bản thân vì lợi ích của người nghèo; dịu hiền để giải quyết các xung đột về văn hóa; bác ái và nhiệt thành truyền giáo thể hiện trong một ước muốn bước vào một thế giới mới.

Nói một cách đơn giản hơn: thách thức của sứ mệnh truyền giáo là phải biết cách sống và chia sẻ Tin Mừng trong một thực tại khác.

4. Đức Kitô ở cạnh chúng ta trong lời cầu nguyện

Thánh Vinh Sơn nói về việc trở thành những nhà chiêm niệm trong hoạt động… ngài không bảo chúng ta phải trở thánh những người nam nữ tu sĩ hay một đan sĩ, ngài cũng không khuyến khích một dạng thức phân liệt tâm thần thiêng liêng, nghĩa là tách rời đời sống thiêng liêng ra khỏi đời sống hoạt động tông đồ. Thay vào đó, thánh Vinh Sơn cổ vũ chúng ta, để cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài soi sáng cho những trạng huống khác nhau trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được mời gọi tham gia vào một cuộc đối thoại cá vị với Đức Kitô về kinh nghiệm của chúng ta giữa những người nghèo: mật hiệu của Nước Trời, những phản ứng bên ngoài và bên trong của chúng ta, những tiềm năng của cộng đoàn, v.v…

Cầu nguyện không phải là điều chúng ta thực hiện cho Thiên Chúa nhưng đúng hơn là điều Thiên Chúa làm cho chúng ta. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Thiên Chúa làm cho chúng ta nhạy cảm hơn với sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong lịch sử. Thiên Chúa hỏi chúng ta, củng cố chúng ta, và chỉ ra cho chúng ta con đường tình yêu, công lý, và tự do.

5. Đức Kitô làm cho chúng ta có khả năng yêu thương

Đích điểm của linh đạo Kitô giáo là tình yêu. Khi nói về linh đạo Vinh Sơn, thì tình yêu mang tính cụ thể hơn vì nó liên hệ đến sự thông truyền lòng thương xót và tình liên đới đối với những người bị loại trừ khỏi xã hội.  

Thánh Vinh Sơn thường nói về Sự Quan Phòng, và điều này không nên được hiểu như là một dạng thức may mắn của người Kitô hữu. Chúng ta bị nhầm nếu chúng ta hiểu Sự Quan Phòng nghĩa là mọi việc sẽ xảy ra một cách tốt đẹp. Sự Quan Phòng là mong ước của Thiên Chúa để giải cứu tất cả con cái Ngài khỏi sự dữ. Tất cả chúng ta ở trong bàn tay của Thiên Chúa và Thiên Chúa tạo nên những tiềm năng mới cho cuộc sống chúng ta như: tình huynh đệ, sự tổ chức, công bằng, sự hòa giải, v.v… Chúng ta sẻ chia điều mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa, cụ thể là lòng thương xót của Ngài. Ngay cả khi mọi sự không diễn ra một cách tốt đẹp, Sự Quan Phòng của Thiên Chúa vẫn hiện diện. Đức Kitô và những người bước theo Ngài luôn kiếm tìm những điều tốt đẹp cho những anh chị em của họ, và mang đến cho những anh chị em đó niềm hy vọng về một điều gì đó mới mẻ.

Bác ái không đơn giản chỉ là những công việc và những dự án. Đúng hơn đó là một cuộc gặp gỡ giữa những anh chị em của chúng ta. Gustavo Gutiérrez nói: “Bạn nói bạn yêu mến người nghèo; hãy nói cho tôi biết tên của họ là gì?” Rất có thể, phục vụ người nghèo mà không cần lắng nghe họ, không dành cho họ thời gian và cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng, linh đạo Vinh Sơn nghĩa là, chúng ta đặt bản thân chúng ta vào giữa người nghèo để yêu thương họ như những người anh chị em của chúng ta.

Lối Sống Của Chúng Ta

Những nét đặc trưng của linh đạo Vinh Sơn được thể hiện trong một lối sống. Lối sống đó bao gồm, những cấu trúc về nhóm, công việc, những thực hành tôn giáo của chúng ta, v.v… Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta đến từ nhiều đất nước và nhiều nền văn hóa. Thậm chí tôi sẽ không cố gắng để đề cập đến tất cả những tiềm năng khác nhau. Có lẽ trong những nhóm nhỏ, chúng ta có thể nắm bắt thực tế đó tốt hơn. Ở đây, tôi chỉ đơn giản muốn đề cập đến một vài yếu tố có thể giúp chúng ta suy gẫm về lối sống của mình:

Việc đào tạo: Chúng ta phải nghiên cứu cách thức mà trong đó chúng ta đang chuẩn bị cho các thành viên của các ngành khác nhau trong gia đình Vinh Sơn. Đó có phải là sự đào tạo giúp họ có khả năng hòa mình vào cuộc sống của người nghèo không? Việc đào tạo của chúng ta có tạo nên một thái độ lắng nghe và sự hội nhập truyền giáo hay không? Chúng ta có đang diễn tả linh đạo Vinh Sơn một cách thực sự không?   

Đối thoại với người nghèo: Thực hiện mọi sự cho người nghèo thôi là chưa đủ. Câu hỏi quan trọng hơn là: Chúng ta có đến với người nghèo như là những người anh chị em lắng nghe họ không? Chúng ta phải tạo ra các cấu trúc và cơ hội để người nghèo có thể nói và đưa ra ý kiến về việc phục vụ của chúng ta.

Làm việc nhóm: Một trong những dấu hiệu của Nước Trời là việc xây dựng cộng đoàn. Một trong những dấu hiệu chống lại Nước Trời là không có khả năng làm việc nhóm. Có một điều cần thiết là tạo ra các mối dây liên kết giữa các ngành trong gia đình Vinh Sơn, các nhóm khác nhau, và với chính những người nghèo.

Suy niệm về hoạt động tông đồ: Điều quan trọng là phải suy gẫm về việc phục vụ người nghèo của chúng ta. Chúng ta phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc và trung thực về hoạt động tông đồ của chúng ta: Chúng ta đang thực hiện điều gì? Tại sao chúng ta thực hiện điều này theo cách thức mà chúng ta thực hiện? Nhu cầu của người nghèo là gì? Nguồn gốc của các nhu cầu đó là gì? Người mà chúng ta phục vụ là ai? Điều mà Tin Mừng nói với chúng ta về việc phục vụ là gì?

Câu hỏi thảo luận:

Lối sống của chúng ta (chức vụ, các cấu trúc, các thực hành đức tin của chúng ta, v.v.) có dẫn chúng ta đến một phản ứng linh hoạt hay đó là một trở ngại cho việc phục vụ người nghèo của chúng ta?

Jos. Bùi Đức Năng chuyển ngữ