ĐẠI PHÚC VINH SƠN

0
872

Một lời đáp trả mang đặc nét Vinh Sơn đối với việc Tân Phúc Âm hóa

TÀI LIỆU ĐÚC KẾT

Các tham dự viên Tháng Vinh Sơn

I. Lời mở đầu

Các linh mục và tu huynh Vinh Sơn, các Nữ Tử Bác Ái, các tu sĩ và cộng tác viên giáo dân từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Paris trong một tháng, từ ngày 7 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1997. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong công tác nền tảng của thánh Vinh Sơn, đó là đại phúc.[1]  Kinh nghiệm của chúng tôi rất phong phú bởi nhóm chúng tôi đại diện cho 5 châu lục, 26 quốc gia và 35 tỉnh dòng. Thay vì tạo nên những rào cản hoặc khó khăn thực tế thì sự khác biệt về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ và giới tính đã tạo nên tinh thần sôi nổi và nhiệt tình hơn nhiều.

Tháng Vinh Sơn tạo nhiều cơ hội cho các cuộc hội họp, cử hành phụng vụ, thăm viếng các địa danh Vinh Sơn trong và ngoài Paris, và các cuộc trao đổi trong các nhóm nhỏ hay lớn. Những cuộc trao đổi này tỏ ra có tính khuôn mẫu nhất trong việc đưa chúng ta đến chiều cao, chiều sâu và bề rộng của đại phúc Vinh Sơn: từ những khu rừng ở Mozambique đến vỉa hè ở New York, từ Altiplano ở Bolivia đến thành phố Dublin, từ quốc đảo Cuba đến tiểu lục địa của Ấn Độ. Điều này đem lại cho chúng tôi một cảm thức thực sự về “Giáo hội toàn cầu.”[2] Qua những cuộc trao đổi hăng say, chúng tôi đã học được những cách thức mới mẻ nhằm giới thiệu, hiểu biết và thực hiện đại phúc.

Chúng tôi là những nhân chứng về sự khéo léo và sáng tạo trong công việc nơi cuộc sống của các nhà truyền giáo. Vượt trên những khác biệt, chúng tôi nhận thấy những đặc tính chung tốt lành cho phép chúng tôi khẳng định rằng những gì chúng ta đang làm thực sự là tinh thần Vinh Sơn.

Những điểm quan trọng của cuộc họp mặt này là các chuyến thăm đến những địa danh có liên quan trực tiếp với thánh Vinh Sơn. Đỉnh điểm của các chuyến thăm viếng là buổi tĩnh tâm tại Berceau – nơi sinh của thánh Vinh Sơn, do cha Bề Trên Tổng Quyền hướng dẫn. Chúng tôi đã đến gần sát với “cội nguồn” của Gia đình Vinh Sơn, một cuộc hồi hương của mọi ngành trong gia đình. Trong bài nói chuyện của mình, cha Robert Maloney đã mạnh dạn nói cho chúng tôi những điều chỉ có thể được mô tả như là trái tim và linh hồn của ơn gọi chúng ta, cũng như của Tháng Vinh Sơn:

“Không phải các con số giảm dần trong Giáo Hội khiến chúng ta phải sợ hãi. Cũng không phải là sự biến mất của các dòng tu. Điều khiến chúng ta phải thực sự lo sợ là mất đi ngọn lửa trong tâm hồn. Thứ thiêu đốt trong tâm hồn nhà truyền giáo đích thực là một khao khát sâu đậm, một sự khao khát theo Chúa Kitô là Đấng Rao Giảng Tin Mừng cho người nghèo.” [3]

II. Đại phúc: “Một lời đáp trả Phúc Âm hóa cho thời đại của chúng ta”

A. Mô tả

“Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.” Sự phong phú và sáng tạo của lời kêu gọi truyền giáo mà chúng tôi cảm nhận trong cuộc họp này đã giúp chúng tôi tìm ra những yếu tố chung, tạo điều kiện cho việc diễn tả về một cuộc đại phúc:

      1. Một lời loan báo mang tính ngôn sứ, ngoại thường và mạnh mẽ về Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng, bằng lời nói và việc làm.
      2. Thường được thực hiện trong một khung thời gian cụ thể theo một mô hình bao gồm việc chuẩn bị, thực hiện và củng cố.
      3. Thường được thực hiện bởi cộng đoàn địa phương và Nhóm Truyền giáo.
      4. Nhằm mục đích tiếp cận mọi người, mời gọi mỗi người hoán cải theo Đức Giêsu Kitô.

B. Những đặc tính Vinh Sơn

Dựa trên căn tính Vinh Sơn của chúng ta và suy ngẫm những gì chúng tôi đã học được trong cuộc họp này, đây là những đặc điểm nổi bật nhất của cuộc đại phúc:

      1. Trước hết, đại phúc hướng đến người nghèo và với người nghèo.
      2. Đại phúc đề ra một hình ảnh mới về Giáo Hội như một sự hiệp thông của các cộng đoàn, nơi đó người giáo dân được thăng tiến.
      3. Đại phúc khuyến khích các sinh hoạt phụng vụ một cách sinh động và tham dự trọn vẹn.
      4. Đại phúc cổ vũ lòng bác ái cảm tính và thiết thực trong cộng đoàn.
      5. Đại phúc thúc đẩy giáo huấn xã hội của Giáo Hội trở nên bén nhạy với cộng đoàn truyền giáo địa phương.
      6. Đại phúc được cụ thể hóa trong thực tế mỗi địa phương.
      7. Đại phúc thức tỉnh và củng cố lòng sùng kính Đức Maria.

C. Truyền giáo

Truyền giáo là một hành động mang tính hợp tác giữa nhiều người khác nhau. Chúng tôi liệt kê các những nhóm người ấy như sau:

      1. Các linh mục và những người chịu trách nhiệm trong cộng đoàn truyền giáo là lực lượng truyền giáo chính.
      2. Nhóm truyền giáo Vinh Sơn phối hợp với các nhà truyền giáo địa phương, làm sinh động và điều phối các hoạt động truyền giáo.
      3. Sự hợp tác giữa các thành viên khác nhau của Gia đình Vinh Sơn và những người khác làm phong phú thêm các hoạt động truyền giáo.

D. Việc đào tạo

Dường như đối với chúng tôi, một trong những điểm then chốt của đại phúc ngày nay là việc đào tạo. Việc này phải được thực hiện ở các cấp độ sau:

      1. Trang bị cho nhóm truyền giáo những kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cộng đoàn truyền giáo.
      2. Đào tạo hàng giáo dân nơi cộng đoàn truyền giáo địa phương để bảo đảm công việc truyền giáo.
      3. Lượng giá định kỳ hoạt động truyền giáo của chúng ta.

III. Những đề xuất

      1. Đẩy mạnh sứ vụ đại phúc ở các tỉnh dòng của chúng ta bằng cách hỗ trợ khả năng lưu động của các nhà truyền giáo, và trong việc đổi mới các công tác của chúng ta.
      2. Thành lập Văn phòng quốc tế về Đại phúc, nhằm thúc đẩy việc thông tin, đào tạo và phát triển. Điều tương tự nên được thực hiện ở mức độ liên tỉnh, ở bất cứ nơi nào có thể.
      3. Thúc đẩy việc trao đổi các nhà truyền giáo giữa các tỉnh dòng của Tu Hội Truyền Giáo, và với các nhóm truyền giáo khác, ở cả ở cấp quốc gia và quốc tế.
      4. Giúp hình thành các nhóm truyền giáo hỗn hợp (các linh mục, tu huynh, Nữ Tử Bác Ái, giáo dân Vinh Sơn và những người khác) trong mỗi tỉnh dòng của chúng ta.
      5. Trong Tổng Đại Hội, nghiên cứu về sự tham gia của toàn thể Gia đình Vinh Sơn trong các cuộc Đại phúc.
      6. Đảm bảo cho công tác chuẩn bị đại phúc được bao gồm trong tiến trình đào tạo sơ khởi nơi các ứng sinh của chúng ta.
      7. Mời các chuyên gia tham gia vào các nhóm truyền giáo hỗn hợp cấp tỉnh của chúng ta, để thúc đẩy sự hợp tác, củng cố đặc sủng của chúng ta và tạo điều kiện cho việc liên lạc với nhau.
      8. Thúc đẩy các cuộc họp định kỳ của các nhóm Đại phúc, cả ở cấp độ khu vực và quốc tế.
      9. Ở cấp độ tỉnh dòng, tạo một quỹ tài chính để hỗ trợ cho sứ vụ đại phúc.
      10. Trong Tổng Đại Hội hoặc một ủy ban quốc tế, nghiên cứu chủ đề “Công Bằng và Bác Ái” trong đời sống của Tu Hội.

IV. Kết luận

Chúng tôi, những tham dự viên Tháng Vinh Sơn năm 1997, đã nhận ra nhiều dấu hiệu của niềm hy vọng cho tương lai. Qua trao đổi kinh nghiệm cá nhân và đối thoại, chúng tôi đã học được sự đa dạng và sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng ngang qua các cuộc đại phúc ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong những năm tới, chúng tôi muốn khuyến khích và cổ vũ các sáng kiến đại phúc ​​mới, bao gồm sự góp mặt của các linh mục, tu huynh, nam nữ giáo dân là thành viên của các nhóm truyền giáo của chúng ta.

Là những nhà truyền giáo thuộc Gia đình Vinh Sơn, chúng tôi sẽ tích cực tham gia vào việc Tân Phúc Âm hóa thế giới trong Thiên niên kỷ thứ ba. Các khuyến nghị và đề xuất của chúng tôi được hướng dẫn bởi Hiến Pháp 1984 của Tu Hội Truyền Giáo. Cùng với tất cả các thành viên của Gia đình Vinh Sơn trên toàn thế giới, chúng tôi mong muốn tiếp tục tìm kiếm những phương cách mang lại sức sống mới cho việc giảng đại phúc nơi chúng ta sống và làm việc.[4]

Đức Maria thành Nazareth, người môn đệ đầu tiên của Đức Kitô và cũng là nhà truyền giáo, thúc giục cho chúng ta mở ra cho Chúa Quan Phòng. Chúng ta biết ơn tất cả các nhà truyền giáo thánh thiện nam nữ, đặc biệt là thánh Vinh Sơn, thánh Louise và các thánh trong Gia đình Vinh Sơn của chúng ta. Nơi cuộc sống của họ, chúng ta bị thách thức để trở thành những người nam nữ thánh thiện và thiết thực hơn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng ngày nay.

Khi trở lại với công việc truyền giáo của mình, chúng tôi nhớ lại những lời cha Robert Maloney, C.M Bề Trên Tổng Quyền của Tu Hội Truyền Giáo, nhắn nhủ chúng tôi trong ngày tĩnh tâm tại nơi sinh của thánh Vinh Sơn:

“Trở thành nhà truyền giáo – đó là ơn gọi của chúng ta. Thưa anh chị em, hãy hít thật sâu tinh thần truyền giáo mà thánh Vinh Sơn đã gợi hứng cho những người theo ngài. Hãy để tinh thần ấy lấp đầy tâm trí và trái tim của anh chị em. Sau đó hãy ra đi. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)

Tháng Vinh Sơn về các cuộc đại phúc

Paris, Pháp

Ngày 2 tháng 8 năm 1997


[1] Robert P. Maloney, C.M., bài giảng ở Berceau, Pháp vào ngày 19 tháng 7 năm 1997 trong tháng Vinh Sơn về các cuộc đại phúc.

[2] Karl Rahner, “Tầm quan trọng lâu dài của Công Đồng Vatican II” trong Nghiên Cứu về Thần Học XX, 90-102; xem “Tương Lai của Giáo Hội và Giáo Hội của Tương Lai” trong sđd 103-114.

[3] Robert P. Maloney, C.M., “Tinh thần Truyền Giáo Vinh Sơn: Hôm qua và Hôm nay” Buổi nói chuyện tại nơi sinh của thánh Vinh Sơn, Pháp, ngày 19 tháng 7 năm 1997.

[4] Hiến Pháp Tu Hội Truyền Giáo, số 14.