(Bài đọc 1: Hc 44,1.10-15; Bài đọc 2: Ep 6,1-4.18-23; Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a)
Trong những ngày tết này bầu khí trong các gia đình, làng xóm, giáo xứ thật rộn rang, tấp nập. Những người con cái trở về với cha mẹ, ông bà, gia đình, sau những tháng ngày vất vả làm việc hoặc xa cách phương trời xa.
Có những người cha, người mẹ đã lo dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa cả tháng trước, để đón các con trở về. Cái bầu khí đó thật ấm cúng, hạnh phúc dường bao. Rồi thì những buổi gói bánh, tiệc tùng đã làm cho mọi người trong gia đình có dịp gần gũi và gắn bó với nhau hơn.
Đấy là đối với những ai còn cha còn mẹ. Còn những ai mà cha mẹ đã mất rồi thì con cái lo mua hoa, mua bông, sửa sang mộ phần và thắp cho cha mẹ những nén nhang thơm ngào ngạt, như tấm lòng của con cái với cha mẹ. Những người con không còn cha mẹ nữa thì họ lại ngồi kể với nhau về những kỷ niệm với cha mẹ khi các ngài còn sống. Điều mà bài đọc I sách huấn ca nói rằng “Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.” (Hc 44, 15)
Giáo hội Công giáo Việt Nam đã dành riêng ngày mồng 2 tết để kính nhớ ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống tốt đẹp, không những của chỉ người dân Việt, nhưng việc kính nhớ, hiếu thảo với cha mẹ cũng là một truyền thống trong Kinh Thánh. Cả bài đọc I và bài đọc II đều chứng minh cho điều này và đừng quyên rằng điều răn thứ 4 thảo kính cha mẹ là một trong 10 điều răn mà Chúa đã truyền cho Môsê trên núi Sinai. Trong những ngày này, mọi người con cái sẽ hướng về cha mẹ để cầu nguyện cho các ngài dù còn sống hoặc đã qua đời. Một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Kitô trong mỗi dịp xuân về.
Với tâm tình thiêng liêng và đầm ấm của những ngày đầu năm này, tôi được gợi lên vài điều suy nghĩ về việc hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
Người xưa đã dạy: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”, trong muôn đức hạnh của con người, Hiếu là đức hạnh trọng yếu thứ nhất. Nếu có ai đã từng đọc qua bộ sách Nhị Thập Tứ Hiếu (24 gương hiếu hạnh của con cái với cha mẹ) có thể thấy được câu ngạn ngữ trên thật đúng dường nào! Những người con trong bộ truyện này, dù hoàn cảnh khác nhau, địa vị khác nhau, độ tuổi khác nhau nhưng đều có điểm chung là kính yêu cha mẹ hết tâm, hết tình và chỉ muốn cha mẹ trở nên bất tử, sống trọn đời, trọn kiếp với con cái.
Trong bà đọc I sách Huấn Ca là một bài ca ngợi công đức của các tiền nhân, những gương sáng, những lời nói tốt lành và những việc thiện mà các ngài đã làm. Qua điều ấy, các thế hệ con cháu được thừa hưởng chúng như một gia tài thiêng liêng. Đây cũng là một lời nhắc nhở rằng, các thế hệ con cháu, hãy bắt chước gương sống đạo hạnh của tiền nhân và làm cho gia tài thiêng liêng ấy thêm phong phú. Bài đọc II thánh Phaolô khuyên các kẻ làm con: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Ep 6,1)
Chữ hiếu là đức hạnh trọng yếu nhất của một đời người. Cha mẹ là người đã sinh ra chúng ta và thay mặt Chúa để dạy giỗ chúng ta. Chỉ trừ những bậc cha mẹ bị bệnh về tâm thần, chắc hẳn các bậc cha mẹ khác, không ai muốn dạy con mình trở nên người xấu. Cha mẹ nào cũng muốn cho con mình đẹp nhất, giỏi nhất, sống sung sướng nhất, ngoan nhất…. và các ngài cố gắng làm và hy sinh mọi thứ để mong sao con cái được như vậy.
Các bài đọc trong Kinh Thánh hôm nay gợi lên một vị trí đáng kính của cha mẹ trong gia đình. Con cái hãy coi cha mẹ như những vị thánh sống trong nhà và kính trọng các ngài hết mực. Có thể cha mẹ cũng có những cá tình này nọ, hoàn cảnh này nọ, cách cư xử này nọ, nhưng dù các các ngài như thế nào thì vẫn là cha là mẹ. Điều này không thể phủ nhận và không thể đảo ngược. Không có một tiêu chuẩn nào trên thế gian này quy định rằng một người phải như thế này hay thế kia mới đủ tư cách làm cha làm mẹ. Không! Tự bản chất của việc sinh con đã cho cha mẹ có quyền đó. Vì thế, việc hiếu thảo của một người con cũng có cùng một bản chất như thế và đó luôn là điều phải đạo:
Người tai mắt đứng trong trời đất,
ai là không cha mẹ sinh thành,
gương treo đất nghĩa trời kinh,
ở sao cho xứng chút tình làm con. (ca dao)
Có thể những ai đã từng mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai mới thấm thía về tình thương của cha mẹ. Lúc ấy, họ mới cảm nhận được sự thiếu thốn, thiệt thòi khi vắng bóng cha hay khuất bóng mẹ. Khi cha mẹ đã mất rồi thì dù có van xin trời, van xin đất hay biển khơi để đưa cha mẹ về lại trần gian, chỉ là vô vọng. Hay bây giờ họ có xây mộ lớn, cúng nhiều lễ vật như những người tôn giáo bạn làm, thì cũng không thay cho việc hiếu mà họ đã đối xử với bố mẹ, khi các ngài còn sống. Nên điều duy nhất mà những người con phải làm đó là hết lòng kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ khi các ngài còn sống. Hãy coi các ngài như là những thánh nhân trong nhà.
Con cái có kính cha mẹ khi còn sống thì mới có nhớ cha mẹ lúc đã qua đời. Đó mới là cái tâm của đạo hiếu, là cái chân thật của tình thương con cái dành cho bố mẹ. Đó mới là cái nhớ thật, cái thương thật lòng của những người con. Hãy cố gắng làm tất cả để cha mẹ vui, hạnh phúc và đừng làm bất cứ điều gì làm phiền cha mẹ. Chỉ như thế thôi thì những con đã được hưởng phúc đức của cha mẹ và nhất là đã chu toàn luật Chúa với cha mẹ, người đã sinh thành ra mình “Hãy lắng nghe cha ngươi, người sinh ra ngươi, và đừng khinh thường mẹ ngươi khi người già đi”. (Cn 23,22)
Cha mẹ càng về già, càng yếu đi vì bệnh tật thì lại là lúc cha mẹ cần đến con cái nhất. Các ngài không đòi trả hiếu nhưng con cái có dịp để đền ơn. Khi còn bé, biết bò, biết lẫy, cha mẹ luôn bên cạnh dắt dìu. Thì khi về già, cha mẹ trở nên như tuổi thơ của những người con, các ngài cũng cần dìu, cần dắt, vì chân yếu, mắt mờ vì nuôi dưỡng con cái và vì cuộc đời. Những lúc như thế, con cái hãy đóng vai cha mẹ như khi chúng ta bé thơ. Hãy yêu thương ẵm bồng, chăm sóc bố mẹ khi các ngài không còn đủ hơi sức để chăm sóc cho bản thân mình.
Có nhiều gia đình trẻ ngày nay quá bận rộn với công việc, họ không có thời giờ để trò chuyện, để chăm sóc cha mẹ và đôi lúc họ lại coi cha mẹ già là một nỗi gánh nặng. Điều này là một màu xám buồn cho bức tranh hiếu thảo. Cha mẹ không cân đo, đong đếm với con cái bao giờ, thế sao con cái có thể đong đếm với cha mẹ như thế!
Công cha bao năm tình thương lai láng,
nghĩa mẹ đậm đà, chín tháng cưu mang,
bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
biết lấy gì đền đáp nghĩa khó khăn. (ca dao)
Hiếu thảo với cha mẹ thì không đợi đến lúc cha mẹ mất rồi mới xin lễ cầu nguyện cho các ngài mau lên thiên đàng. Nhưng cách hiếu thảo là lo phụng dưỡng, kính yêu, chăm sóc cha mẹ khi còn sống mới là lời cầu nguyện đẹp nhất. Lời cầu nguyện bằng hành động này không chỉ cầu cho cha mẹ không mà thôi, những cũng là cách cầu nguyện cho chính mỗi người con cũng được hưởng hạnh phúc với cha mẹ trên thiên đàng khi về bên Chúa: “ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin người ấy sẽ được nhậm lời.” (Hc 3, 3-5)
Và đương nhiên, bình diện trên cũng mở ra cùng một nguyên lý của các bậc con cháu với các bậc ông bà. Có lẽ lời Đức Giáo Hoàng trong Tông huấn dành cho người trẻ Christus vivit sẽ nói về vị thế của ông bà với người trẻ:
Lời Chúa khích lệ chúng ta giữ sự gần gũi với người già, để học hỏi từ kinh nghiệm của các vị: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó… Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ”. (Hc 6,34.36). Dù gì đi nữa, chiều dài những tháng năm họ sống và tất cả những gì họ kinh nghiệm trong đời phải làm cho chúng ta kính trọng họ: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên” (Lv 19,32). Vì “sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão.” (Cn 20,29) (Tông huấn Christus vivit, số 188)
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay một lần nữa lập lại cho những kẻ chất vấn người giá trị về đạo hiếu đã được lưu truyền: Môsê đã nói: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và “ai rủa cha mẹ, người đó phải chết.”(Mc 7,11) Đạo hiếu là truyền thống của Kinh Thánh, đạo hiếu là truyền thống đức tin của người Kitô hữu, đạo hiếu là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thật là một hình ảnh thật đẹp về đạo hiếu. Nó được bám rễ trong Lời Chúa, trong truyền thống dân tộc và trong đức tin nơi mỗi người Công giáo Việt nam.
Xuân Canh Tý 2020
Pt. Phêrô phạm minh Triều, CM