Đào tạo các nhà đào tạo

0
929

ROBERT P. MALONEY, CM

Tầm quan trọng của đề tài này

Tôi thiết nghĩ, chúng ta không cần phải nhắc lại vị thế nổi bật của các văn kiện mà Tu Hội đã ban hành trong thời gian gần đây về vấn đề đào tạo. Hiến Pháp và Quy Chế của chúng ta (số 77 – 95), cũng như tất cả Tổng Đại hội gần đây đều lưu ý tầm quan trọng của việc đào tạo. Điều này đã được nói đến trong bức thư của Tổng Đại hội năm 1992 gửi tới các thành viên trong Tu Hội:

“Bản thân việc canh tân Tu hội đòi hỏi một công cuộc đào tạo toàn diện cho các thành viên của Tu hội, cả đào tạo sơ khởi lẫn thường huấn. Nguyên lý của việc đào tạo này là: “Bước theo Chúa Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.” Vì vậy, chúng ta dấn thân vào một chương trình sống động của việc đào tạo toàn diện, trong đó mỗi thành viên sẽ có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về việc đào tạo cho sứ vụ truyền giáo. Chúng ta cũng dấn thân cho việc chuẩn bị cẩn thận cho những người linh hoạt thực sự của các cộng đoàn Vinh Sơn.

1) Bởi vì việc đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định cho việc canh tân mỗi cá nhân và cả cộng đoàn, mỗi Tỉnh dòng nên dành một sự quan tâm đặc biệt để mang lại sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho các nhà đào tạo tương lai của Tỉnh dòng. Cụ thể, Tỉnh dòng nên bảo đảm đầy đủ sự hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo toàn diện các thành viên của mình.

2) Các Tỉnh dòng cần có ý thức đồng trách nhiệm cho việc đào tạo và sẵn sàng hợp tác liên Tỉnh dòng bằng cách:

        • Động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu động các nhà đào tạo,
        • chia sẻ các nguồn lực kinh tế của các Tỉnh dòng,
        • đón nhận các anh em thành viên từ các tỉnh dòng khác có nhu cầu đào tạo chuyên môn.

3) Bề trên Tổng quyền và Ban cố vấn của ngài nên nghiên cứu khả năng tạo ra ở một hay nhiều nơi:

        • một trung tâm quốc tế cho việc đào tạo các nhà đào tạo của chúng ta,
        • một đội ngũ các nhà đào tạo lưu động phục vụ cho việc đào tạo các nhà đào tạo ở các Tỉnh dòng khác nhau.

Những chương trình này nên huấn luyện các thành viên theo Linh đạo Vinh Sơn, phương pháp giảng dạy, và cảm thức đa văn hóa để họ có thể làm việc hiệu quả ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.”

Dựa vào tài liệu của Tổng Đại hội và nhiều cuộc thảo luận tiếp theo trong Ban Tổng Cố vấn, chúng tôi quyết định đưa việc đào tạo các nhà đào tạo của chúng ta trở thành một trong những mục tiêu chính cho sáu năm tới.

Tình hình hiện nay – Ba yếu tố của việc đào tạo

Công việc đào tạo vốn là một sứ vụ căn bản của Tu Hội từ những ngày đầu thành lập. Để tiếp tục đào tạo tốt các thành viên của chúng ta, mỗi Tỉnh dòng phải lựa chọn, hỗ trợ và đào tạo những nhà đào tạo có thể chuẩn bị cho tương lai của Tỉnh dòng. Những anh em thành viên được chọn phải là những người trưởng thành toàn diện ─ không chỉ đơn giản là có thiên hướng học vấn, cũng không đơn thuần là phù hợp, cũng không chỉ có thiêng liêng. Những người ấy phải là người toàn diện, trưởng thành, và tận tâm với Tu Hội và sứ mệnh phục vụ người nghèo của Tu Hội.

Trong quá khứ, nhiều Tỉnh dòng ở châu Âu và Bắc Mỹ, vào thời điểm đó là những nơi giàu ơn gọi, đã rất chú trọng đến việc đào tạo các nhà đào tạo. Thông thường, điều này có hình thức cung cấp cho các nhà đào tạo tiềm năng một sự đào tạo học thuật chuyên biệt. Chẳng hạn, nhiều người đến Rôma để lấy bằng cử nhân và bằng tiến sĩ về Tín lý, Luân lý, Giáo luật, Thánh Kinh, Lịch sử Giáo hội, Triết học, v.v… Ngày nay, nhiều Tỉnh dòng “mới hơn” đang phát triển nhanh chóng ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cũng nhận thấy có cùng quan điểm đó. Mỗi năm, chúng ta thấy có 20-25 anh em thành viên, nhiều thành viên hiện nay đến từ Nam bán cầu, cư trú tại Collegio Leoniano và học tại các trường đại học của Roma. Các thành viên khác được chuẩn bị học vấn tương tự tại các trung tâm trên các châu lục khác.

Nhưng ngày nay chúng ta cũng ý thức rằng, bên cạnh việc chuẩn bị chuyên môn trong lĩnh vực Giáo Hội, những người có trách nhiệm cho việc đào tạo sẽ được lợi rất nhiều từ việc đào tạo các kỹ năng đào tạo. Ví dụ, sẽ rất hữu ích nếu họ được đào tạo về linh hướng, làm việc nhóm, biết một số nguyên tắc cơ bản của tâm lý học, v.v…

Chúng tôi ngày càng nhận thức rõ rằng, bên cạnh việc chuẩn bị học vấn chuyên môn và đạt được các kỹ năng đào tạo, các nhà đào tạo cho Tu Hội Truyền giáo cũng cần một sự đào tạo đặc biệt về Vinh Sơn. Việc tham gia vào chương trình CIF có thể đóng một số vai trò trong việc này, nhưng việc đào tạo Vinh Sơn sâu hơn cho các nhà đào tạo chắc chắn sẽ hữu ích. Nhà đào tạo chính không cần phải là một chuyên gia trong bất kỳ khía cạnh cụ thể nào của di sản Vinh Sơn của chúng ta, vì vị đó có thể kêu gọi người khác giúp đỡ, nhưng vị đó nên có một nền tảng Vinh Sơn phong phú.

Tóm lại, ngày nay người ta thấy rõ rằng, nếu các nhà đào tạo được chuẩn bị một cách tương xứng, thì các ngài cần được đào tạo nhiều phương diện nhiều điều, trong đó có những phương diện sau:

    • đào tạo học thuật chuyên biệt, đặc biệt nếu họ phải trở thành giảng viên ở cấp đại chủng viện;
    • đào tạo chuyên biệt các kỹ năng đào tạo, để họ có thể hỗ trợ các cá nhân và các nhóm trong quá trình phát triển của họ;
    • việc đào tạo Vinh Sơn chuyên biệt, để họ có thể được trang bị để truyền tải di sản phong phú của Tu hội chúng ta. Hai loại hình đào tạo cụ thể cuối cùng đặc biệt quan trọng đối với các giám đốc Nội Chủng Viện và giám đốc của các sinh viên. Việc chuẩn bị học vấn cụ thể cũng cần thiết nếu một giám đốc đào tạo đồng thời là một giáo sư chủng viện.

Mục tiêu của tất cả những điều này là nhà đào tạo có thể có được kinh nghiệm bén rễ sâu vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, có thể chìm sâu vào đặc sủng của thánh Vinh Sơn, và có thể trở thành người hướng dẫn khôn ngoan cho những người khác trên hành trình thiêng liêng.

Trách nhiệm cho việc đào tạo các nhà đào tạo

Trong vấn đề này, cũng như rất nhiều vấn đề khác, trách nhiệm chính đối với sự đào tạo một thành viên nằm ở chính bản thân thành viên đó. Chỉ nhờ óc sáng kiến, sự hợp tác với người khác và siêng năng, việc đào tạo của thành viên đó mới thực sự phong phú.

Hơn nữa, Tỉnh dòng của thành viên đó có thể và thực sự phải hỗ trợ đáng kể. Thành viên đó phải được cung cấp thời gian, nguồn lực và sự đồng hành để có thể tham gia tích cực vào quá trình đào tạo. Nhiều Tỉnh dòng khá quảng đại trong việc tạo cơ hội đào tạo cho các nhà đào tạo.

Dĩ nhiên, người được chọn làm nhà đào tạo phải là người đã đã sống các chiều kích khác nhau của đời sống Vinh Sơn của chúng ta một cách toàn diện quảng đại. Các chương trình để “đào tạo nhà đào tạo ” giả định một chủ thể trưởng thành.

Một số mô hình cho việc đào tạo các nhà đào tạo

Dưới đây tôi đưa ra ba mô hình để tạo các nhà đào tạo. Các Tỉnh dòng khác nhau có thể nhận thấy một hoặc một trong số những mô hình này, phù hợp với mục đích, và tùy thuộc vào hoàn cảnh đa dạng của các Tỉnh dòng

Mỗi mô hình mà tôi đề xuất đều bao gồm ba yếu tố đào tạo được mô tả ở trên. Các mô hình được phân biệt với nhau bởi câu trả lời cho câu hỏi này: Yếu tố nào trong ba yếu tố cung cấp bối cảnh cho những yếu tố khác?

1. Mô hình chuyên môn hóa học thuật

Đây là mô hình được sử dụng thường xuyên nhất trong quá khứ và hiện nay vẫn đang được sử dụng, ở một mức độ đáng kể. Theo mô hình này, một thành viên được gửi đi để nghiên cứu một chủ đề học thuật chuyên biệt, như thần học tín lý, Thánh Kinh, hoặc giáo luật, và sau đó cũng được yêu cầu làm giám đốc cho các sinh viên. Rõ ràng, một thành viên như vậy sẽ trở về Tỉnh dòng của mình với những khả năng chuyên môn học thuật (mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khiến vị đó trở thành một giáo sư giỏi) nhưng khả năng hiểu biết của vị đó về các kỹ năng đào tạo và kiến ​​thức của vị đó về di sản Vinh Sơn của chúng ta có thể rất hạn chế. Do đó, nếu mô hình này hoạt động, giám đốc tương lai của Nội Chủng Viện hoặc giám đốc của các sinh viên cũng nên có cơ hội tham gia vào một học viện đào tạo, như những học viện được mô tả dưới đây, nơi vị đó sẽ được đào tạo một số kỹ năng trong việc hỗ trợ người khác về việc lượng giá bản thân, linh hướng, làm việc nhóm, v.v… Một thành viên như vậy cũng nên có một số cơ hội để tham gia vào một chương trình tập trung đặc biệt vào di sản Vinh Sơn của chúng ta, như được lưu ý dưới đây.

2. Mô hình đào tạo các kĩ năng

Trên hầu hết các châu lục đều có những trung tâm đã được thiết lập từ lâu để đào tạo các nhà đào tạo. Những trung tâm này thường có các danh hiệu như “Viện đào tạo tu sĩ” hoặc “Trung tâm đào tạo liên ngành dành cho các nhà đào tạo chủng viện.” Các chương trình như vậy thường cung cấp các khóa học về linh hướng, dạy người khác cầu nguyện, lượng giá tâm lý-tâm linh, tâm lý của người trẻ, đời sống tu trì ngày nay, linh đạo linh mục, sự phân định, làm việc nhóm và xác định giới tính. Đôi khi, các chương trình này có các điểm nhấn khác nhau. Một số chương trình tập trung nhiều hơn vào nền tảng Thánh Kinh và lịch sử linh đạo Kitô giáo. Những chương trình khác tập trung nhiều hơn vào các phương tiện đào tạo và phát triển tâm – sinh lý. Rõ ràng là, các chương trình như vậy không tập trung vào đặc sủng riêng biệt của bất kỳ hội dòng nào vì các thành viên của các hội dòng khác nhau cùng tham gia vào các chương trình đó. Tuy nhiên, họ có thể bị ảnh hưởng bởi linh đạo hoặc truyền thống của hội dòng bảo trợ chương trình (ví dụ, một số người nhấn mạnh đến sự phân định của thánh Inhaxiô, v.v…)

Các chương trình này có độ dài khác nhau. Ví dụ, Viện Rulla được Đại học Gregorian ở Rome tài trợ, kéo dài trong ba hoặc bốn năm; trường đại học này cũng cung cấp một chương trình bốn tháng hàng năm cho các nhà đào tạo. Học viện Đào tạo tu sĩ tại Đại học St. Louis ở Hoa Kỳ về cơ bản là một chương trình kéo dài một năm. Viện đào tạo các nhà giáo dục hàng giáo sĩ (IFEC), do các giám mục Pháp phối hợp với các linh mục Xuân Bích tổ chức, đưa ra một chương trình kéo dài một năm để đào tạo các nhà đào tạo và cho các cha linh hướng mới. Học viện Công giáo Paris cung cấp một chương trình hai năm. Học viện Salesianum ở Rome cung cấp một chương trình có độ dài tương tự, học viện Teresianum cũng vậy. Ngoài ra còn có các học viện tương tự như vậy ở Ireland, Peru, Colombia, v.v…

Những chương trình như thế này rất hữu ích cho các giám đốc tương lai của Nội Chủng Viện và giám đốc của các sinh viên, vì rất nhiều sứ vụ của họ sẽ bao gồm việc hỗ trợ những người khác trong việc đào tạo cá nhân.

Nếu một nhà đào tạo tương lai tham gia vào một chương trình như vậy trong một hoặc hai năm, thì sẽ rất hữu ích nếu vị đó bổ sung loại hình đào tạo chuyên biệt này (trong các kỹ năng đào tạo) với việc đào tạo sâu hơn di sản Vinh Sơn của chúng ta. Việc tham gia vào một khóa CIF ở Paris sẽ giúp ích cho vấn đề này, ít nhất là trong vai trò là người khởi đầu.

Đương nhiên, nếu một thành viên tham gia vào một chương trình nhấn mạnh đến các kỹ năng đào tạo cũng sẽ là một giảng viên ở cấp đại chủng viện, vị đó sẽ cần một số chương trình đào tạo học thuật chuyên biệt. Điều này có thể đạt được ở bất kỳ trung tâm nào trong số những trung tâm này trên tất cả các châu lục.

3. Mô hình di sản Vinh Sơn

Theo ghi nhận của Tổng Đại hội năm 1998, đây là một lĩnh vực yếu kém trong Tu hội, bởi vì ngoài CIF, hiện tại không có “trung tâm quốc tế” nào để thực hiện các nghiên cứu về di sản Vinh Sơn của chúng ta. Những nghiên cứu như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho các giám đốc của Nội Chủng Viện và các giám đốc của các sinh viên. Liệu chúng ta có thể suy nghĩ một cách sáng tạo về một phương thức nào đó mà trong đó một anh em thành viên có thể tham gia vào một chương trình tập trung kéo dài một năm để trau dồi kiến thức của mình và tập trung vào di sản Vinh Sơn của chúng ta? Tại một phiên họp thường kỳ của Ban Tổng Cố vấn vào ngày 15 – 19 tháng 3 năm 1999, chúng tôi đã thông qua một số đề xuất mà chúng tôi hy vọng sẽ hữu ích trong vấn đề này. Những điều này được giải thích trong phần tiếp theo của bài viết này.

Nếu sự tập trung vào di sản Vinh Sơn là yếu tố chính yếu trong một chương trình tổng thể để đào tạo một giám đốc chuyên biệt, thì cũng sẽ rất tốt cho vị đó để bổ sung điều này bằng một chương trình sẽ mang lại cho vị đó các kỹ năng đào tạo, đặc biệt là những điều có ích cho cả lý thuyết lẫn thực hành linh hướng, tâm lý của người trẻ, dạy người khác cầu nguyện, v.v. Các khóa học được đề cập ở trên trong mô hình thứ hai có thể hữu ích.

Cũng như đã đề cập ở trên, nếu một giám đốc chuyên biệt của Nội Chủng Viện hoặc giám đốc của các sinh viên cũng được yêu cầu làm giảng viên trong đại chủng viện, thì vị đó sẽ cần phải có được những sự chuẩn bị học vấn chuyên biệt.

Nhằm mục đích “Đào tạo các nhà đào tạo” tốt hơn Một số quyết định được đưa ra trong cuộc họp Ban Tổng Cố vấn ngày 15-19 tháng 3 năm 1999

Vì trên các châu lục đã tồn tại nhiều học viện có thể mang lại việc đào tạo học thuật và chuẩn bị kỹ năng đào tạo, nên trong kỳ họp Tổng Cố vấn, chúng tôi xét thấy rằng, trách nhiệm cụ thể của chúng tôi nằm trong việc cung cấp các chương trình cho việc đào tạo đặc biệt về Vinh Sơn cho các nhà đào tạo của chúng ta.

Với mục đích thảo luận, chúng tôi thấy hữu ích khi phân biệt năm thực tại:

A. CIF

Trung tâm Đào tạo Quốc tế: St. Vincent de Paul (CIF) đã mang lại một chương trình rất có giá trị liên quan đến việc đào tạo Vinh Sơn chuyên biệt. “Chương trình thường huấn Vinh Sơn” tại trung tâm dành cho tất cả các anh em thành viên trong độ tuổi từ 35 đến 50 và có thể rất hữu ích trong việc cung cấp nền tảng cơ bản cho những thành viên sẽ làm công việc đào tạo của chúng ta. Hơn 200 thành viên của Tu Hội đã tham gia chương trình và đánh giá rất tích cực. Theo cương mục của Hiến Pháp và Quy Chế của chúng ta, chương trình này cung cấp một thời gian nghiên cứu và suy ngẫm về mục đích và bản chất của Tu Hội, đời sống tông đồ, đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, lời khấn, v.v… Gần đây, chúng tôi đã nhận được một số đề xuất để cung cấp một chương trình ngắn hơn dành cho các thành viên trên 50 tuổi cũng sẽ tập trung vào di sản Vinh Sơn của chúng ta. Sau nhiều cuộc đối thoại với nhóm CIF ở Paris, vào ngày 18 tháng 3, chúng tôi đã quyết định tài trợ ba chương trình kéo dài một tháng cho nhóm tuổi này trong giai đoạn 2000-2001, một chương trình bằng tiếng Anh, một chương trình bằng tiếng Pháp và một chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha (sau này có thể có các phần cho các nhóm ngôn ngữ khác).

B. Một Viện Nghiên Cứu Quốc Tế cho các Chuyên viên Nghiên cứu Vinh Sơn

Thật quan trọng khi Tu Hội cần phải có một số chuyên gia về lịch sử và di sản Vinh Sơn của chúng ta (vai trò này đã và đang được thực hiện bởi các thành viên như các cha: André Dodin, Raymond Chalumeau, José María Román, Luigi Mezzadri, và John Rybolt).

Để đáp ứng mục tiêu này, chúng tôi đã xem xét một giả thuyết cụ thể:

    • Một “Viện nghiên cứu Vinh Sơn chuyên biệt quốc tế” sẽ được đặt tại Paris
    • Thời gian của nó sẽ phụ thuộc vào nền tảng và mục tiêu của người tham gia, nhưng một năm sẽ là tối thiểu.
    • Giả sử số lượng người tham gia sẽ ít thì bất kỳ số lượng nào cũng được chấp nhận. Nói cách khác, chương trình sẽ được thực hiện nếu có một anh em tập trung vào các nghiên cứu Vinh Sơn nâng cao, nếu có năm người thì cũng như vậy.
    • Phương pháp nghiên cứu sẽ được hướng dẫn. Một vị cố vấn sẽ gặp gỡ thường xuyên với các thành viên – học viên. Các thành viên – học viên sẽ tự làm phần còn lại trong công việc của mình.
    • Một vị cố vấn sẽ được chỉ định cộng tác với nhóm CIF và người tham gia, và một hợp đồng sẽ được soạn thảo.
    • Trước khi bắt đầu, một đề cương chi tiết cho chương trình một năm sẽ được soạn thảo. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào quá trình đào tạo trước đó của học viên.
    • Các chi phí sẽ được tính như với chương trình CIF hiện tại. Những chi phí này chủ yếu bao gồm tiền ăn ở tại Paris, cộng với một số chi phí khác. Có thể xin các học bổng.
    • Chương trình sẽ được cung cấp cho tất cả Giám tỉnh, những người có thể gửi các anh em thành viên quan tâm đến tham gia. Giả thuyết này đã được chấp thuận. Chương trình cụ thể hiện đang được soạn thảo với việc đối thoại với nhóm CIF và sẽ sớm được đưa ra.

C. Các trung tâm đào tạo các nhà đào tạo tại các khu vực

Vào ngày 18 tháng 3, chúng tôi cũng đã quyết định đề nghị CLAPVI,[1] ASPAC[2] và COVIAM[3] tổ chức các trung tâm khu vực dành cho việc đào tạo Vinh Sơn chuyên biệt cho các nhà đào tạo của chúng ta.

Làm thế nào người ta có thể hình dung ra cơ cấu của những “trung tâm” như vậy? Điều đó sẽ phụ thuộc vào Hội nghị của các Bề trên Giám tỉnh. Nhưng, như một mô hình khả thi, người ta có dự phóng trước một vài điều như thế này:

    • Tất cả các nhà đào tạo (hiện tại và tương lai) của riêng khu vực đó sẽ tập hợp mỗi năm một lần,
    • trong mùa hè (tức là thời gian của kỳ nghỉ dài ở Bắc bán cầu hoặc Nam bán cầu),
    • hai hoặc ba tuần lễ
    • có một vị (hoặc một ủy ban) sẽ chịu trách nhiệm tổ chức chương trình đào tạo Vinh Sơn trong khoảng thời gian đó. Chương trình này sẽ bao gồm: 1) nghiên cứu, 2) chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm trong vai trò nhà đào tạo, 3) sống đời sống cộng đoàn và cầu nguyện chung với nhau trong thời gian đó.
    • Chương trình này sẽ được diễn ra vào mỗi mùa hè, nhưng các chủ đề được đưa ra để nghiên cứu và các mối quan tâm được thảo luận sẽ thay đổi vào mỗi mùa hè để các nhà đào tạo đều có thể tham gia một cách liên tục vào các khóa học này (ví dụ như các chủ đề thay đổi hàng năm cho Tuần lễ Salamanca ở Tây Ban Nha). Vì hoàn cảnh tổ chức CEVIM[4] rất khác nhau, chúng tôi quyết định tham khảo thêm ý kiến của các Giám tỉnh ở các khu vực khác để xác định các phương thức nào sẽ được các Giám tỉnh khuyến nghị nhằm nâng cao việc đào tạo cho các nhà đào tạo.

D. Sử dụng Internet trong việc hỗ trợ các nhà đào tạo của chúng ta

Vào ngày 18 tháng 3, chúng tôi cũng quyết định đề nghị, bắt đầu từ tháng 9 năm 1999, SIEV phải đảm bảo việc đăng một bài báo trên trang web của chúng ta hai tuần một lần và bằng ba ngôn ngữ (nếu có thể), để cho các nhà đào tạo có thể tham khảo. Việc sử dụng World Wide Web (www) và trang web của Tu Hội chúng ta để phục vụ việc đào tạo cho thấy nhiều khả năng vẫn chưa được khám phá.

E. Tháng Vinh Sơn cho việc đào tạo những ai hỗ trợ công việc đào tạo các nhóm khác nhau trong Gia đình Vinh Sơn

Vào ngày 18 tháng 3, cùng với các Nữ Tử Bác Ái, chúng tôi đã quyết định đồng bảo trợ một Tháng Vinh Sơn trong năm 2002 cho “các cố vấn quốc gia” của các nhóm giáo dân Vinh Sơn khác nhau (AIC, Hiệp hội Bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô, các Nhóm Giới trẻ Con Đức Mẹ Vinh Sơn). Những người tham gia sẽ là các thành viên Tu Hội Truyền Giáo, Nữ Tử Bác Ái, và giáo dân cố vấn thiêng liêng.

Tôi thường nhìn lại với tâm tình cảm mến và biết ơn về tất cả những thành viên trong Tu Hội đã giúp đỡ tôi chuẩn bị cho sứ vụ trong Tu Hội. Họ đã rất tận tâm và, việc họ sử dụng các phương pháp trong thời đại của các ngài, đã tạo nên một tác động rất ý nghĩa đối với bản thân tôi. Có ai trong chúng ta không thể nói nhiều điều như vậy về các thành viên đang làm công tác đào tạo của chúng ta? Khi nhìn về tương lai, trách nhiệm của chúng ta rất rõ ràng: chúng ta phải có nỗ lực dự phóng để tiếp tục mang lại cho các sinh viên của chúng ta những nhà đào tạo tốt lành.


[1] Hội nghị các Giám tỉnh Châu Mỹ Latin

[2] Hội nghị Châu Á Thái Bình Dương

[3] Hội nghị các Giám tỉnh Châu Phi và Madagascar

[4] Hội nghị các Giám tỉnh Châu Âu và Trung Đông