« Một mình với Thiên Chúa »
Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy (x. Rm 2, 14-16). Lương tâm là nơi tận cùng sâu kín nhất, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người (Gaudium et Spes 16).
Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công đồng Vaticanô II đưa ra một mô tả gây xúc động về lương tâm:
Lương tâm là nơi tận cùng sâu kín nhất, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người (GS số 16).
Mỗi yếu tố của sự mô tả này mời gọi việc suy niệm và sự đào sâu trong cuộc đối thoại. Đối với chúng ta, nếu điều đó hiển nhiên, thì trách nhiệm của chúng ta cũng được cam kết trong việc đào tạo này về một lương tâm thích đáng, trong sự đối thoại với những người có chuyên môn, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. (Qua Tông huấn Amoris Laetitia 2016 của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi ý kiểu trao đổi này).
Bài tham luận này sẽ gồm bốn phần:
- những suy tư liên quan đến sự tự do, trách nhiệm và hậu quả của nó.
- những yếu tố đào tạo cho một lương tâm tốt
- kêu gọi hoán cải do lương tâm đòi hỏi,
- thực tại được «ở một mình với Thiên Chúa»
1 – NHỮNG LƯƠNG TÂM ĐẦU TIÊN
Lương tâm là khả năng nhận ra điều tốt và điều xấu. Lương tâm được gợi ý nhờ các nguyên tắc phổ quát, như «làm điều tốt và tránh điều xấu». Trong sách Sáng thế, khi người ta đề cập trình thuật về Adam và Eva và điều người ta gọi là «sa ngã», một câu hỏi được đặt ra cách tất yếu: «nếu Thiên Chúa không muốn đôi vợ chồng đầu tiên ăn trái cây ấy, tại sao Ngài trồng cây ấy trong vườn?» Đó là một câu hỏi hay! Câu trả lời dẫn chúng ta đến vấn đề về tự do. Trước khi Thiên Chúa trồng cây hiểu biết điều thiện và điều ác trong vườn địa đàng, tổ tiên đầu tiên không có tự do, họ không có qui luật, họ có thể làm tất cả những gì họ muốn vì Thiên Chúa đã không ấn định bất cứ giới hạn nào cho hành động của họ. Qua việc đưa vào cây này, đôi vợ chồng gặp một lệnh cấm: «các ngươi không được ăn trái cây ấy». Và như vậy, cách nghịch lý, họ được tự do: phải chăng họ sẽ lắng nghe Thiên Chúa hoặc trái tim của họ? Chúng ta biết kết quả.
Sau khi ăn trái cây, Adam và Evà đã bắt đầu đối thoại với Thiên Chúa, đó là cuộc đối thoại đầu tiên mà chúng ta biết.
Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: «Ngươi ở đâu?» Con người thưa: «Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.» (St 3, 8-10)
Bối cảnh của sự «sa ngã», thật đẹp và đồng thời thật bình thường làm cho chúng ta gần như đau xót. Thiên Chúa đến trong vườn lúc dễ chịu nhất trong ngày khi làn gió nhẹ thổi. Đó là lúc thuận lợi để viếng thăm công trình tạo dựng yêu quí của Ngài, loài người, và trò chuyện với họ. Có thể tưởng tượng đi với Thiên Chúa trong vườn tuyệt đẹp và đơn sơ nói chuyện về mọi sự với Đấng Tạo Thành vũ trụ? (Điều đó có thể nhắc lại cho chúng ta việc các môn đệ đi với Đức Giêsu khi Thiên Chúa đã chọn viếng thăm nhân loại lần nữa.) Tuy nhiên, Adam và Evà lẩn trốn Thiên Chúa. Sự phi lý của cố gắng này có vẻ hiển nhiên nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta ngày nay làm như vậy.
Khi Thiên Chúa gọi họ, con người nói với Ngài: «Con nghe tiếng Ngài trong vườn» . Những lời nói đầu tiên mà con người nói với Thiên Chúa trong cuộc đối thoại là như thế. Tôi tiếp nhận những lời ấy với hết sức mạnh của chúng. Con người và vợ biết rằng Thiên Chúa yêu mến họ và đã tạo ra khu vườn cho loài người nơi họ hưởng sự gần gũi và sự quan tâm của Ngài. Khi ông bà nghe tiếng Thiên Chúa trong vườn, họ biết rằng Ngài đến thăm họ có lẽ theo thói quen, tiếng gió hiu hiu trong ngày, và thường thường họ chạy đến gặp gỡ Ngài. Nhưng, ngày hôm ấy, không phải như thế. Khi nói rằng đã nghe tiếng Thiên Chúa trong vườn, con người biểu lộ kinh nghiệm của mình về sự gần gũi Thiên Chúa, về lòng nhân từ và tình thương của Ngài. Con người nhận ra tương quan triệt để của mình với Thiên Chúa, cho đến chính hơi thở của mình. Tuy nhiên, con người không còn sẵn sàng bước đi với Thiên Chúa.
Con người tiếp tục: «con sợ hãi vì con trần truồng». Trước kia, con người không bao giờ sợ hãi Thiên Chúa; đó là một tình cảm mới xảy ra như một hậu quả của tội lỗi. Con người gán sự sợ hãi của mình cho sự trần truồng và, qua lời khẳng định này, con người công nhận sự bất tuân của mình với Chúa. Sự cởi mở và sự tin tưởng tuyệt đối đã xác định sự tương tác giữa Thiên Chúa và nhân loại từ nay đã bị giảm bớt. Con người, phải đứng vững không sợ cũng không xấu hổ trước Đấng Tạo Thành mình, nói rằng sự trần truồng làm họ xa sự hiện diện thần linh. Chúng ta nhận thấy sự bấp bênh của lập luận này và chúng ta biết sự thật nào là sâu xa nhất.
Sau đó, con người thốt lên một câu thường xác định tương quan của con người với Thiên Chúa: «nên con lẩn trốn ». Câu nói này làm tôi buồn vì, từ lâu, nhân loại tìm cách xa lìa Thiên Chúa. Trong bối cảnh của trình thuật này, điều đó hình như gợi lên điều phi lý của đôi vợ chồng tìm cách lẩn trốn Thiên Chúa giữa cây cối trong vườn. Chúng ta biết rõ là điều đó có ít ý nghĩa nhưng, việc lẩn trốn Thiên Chúa hướng chúng ta về một ý nghĩa sâu xa hơn. Người ta có thể tìm cách lẩn trốn trong các trách nhiệm lao động, trong sức lôi cuốn của một nhóm hoặc trong những công việc kết hợp với những buổi họp, nhưng đó chỉ là những mưu mẹo. Điều lo ngại hơn là lẩn trốn Thiên Chúa bên trong bằng một sự trung thành mù quáng với một kỷ luật, bằng một sự vâng phục chặt chẽ, bằng sự chấp nhận những cách suy nghĩ đặc biệt và cứng nhắc. Người ta có thể lấn trốn Thiên Chúa bằng đủ mọi cách bên ngoài và bên trong. Có thể là chúng ta sợ đi với Thiên Chúa trong một số lãnh vực của đời sống chúng ta vì chúng ta chưa sẵn sàng cho những cuộc đối thoại có thể từ đó mà ra. Chúng ta không sẵn sàng để bị tranh luận hoặc bị chất vấn, thế nên chúng ta trốn. Chúng ta có thể hiểu sự sợ hãi của Adam và Evà. Chúng ta hiểu nhu cầu để cho mình được hòa giải của họ vì đó cũng là nhu cầu của chúng ta.
Adam và Evà đã dùng sự tự do của mình và từ nay chịu trách nhiệm về những hành vi của mình vì các hành vi có những hậu quả. Trong trường hợp này, cũng như mọi trường hợp tội lỗi, hậu quả bao hàm một sự phân ly với Thiên Chúa.
Sự việc «lẩn trốn Thiên Chúa» là một trong những chân lý mà Đức Giêsu đáp lại khi Ngài đến ở giữa chúng ta. Ngài muốn chữa lành những người đã xa lánh đường ngay nẻo chính.
«Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất» (Lc 19, 10; xem 15, 1-10).
Đức Giêsu không ngừng mời gọi những người đi với Ngài, trở nên các môn đệ Ngài và nhiều người đáp lại lời mời gọi của Ngài.
«Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ» (Ga 3, 16-17).
Bất chấp tình trạng của chúng ta là những người tội lỗi, thiếu tin tưởng và sự chai lỳ con tim của chúng ta, Thiên Chúa tiếp tục yêu thương chúng ta. Chúng ta cũng vậy, chúng ta tìm cách trốn Ngài; lúc ấy Thiên Chúa sai Đức Giêsu đến với chúng ta, ban cho chúng ta sự tha thứ tội lỗi và chỉ dẫn cho chúng ta đường phải theo.
Như trong các trình thuật của Đức Giêsu, lịch sử tổ tiên chúng ta trình bày nhiều yếu tố quan trọng đối với một lương tâm luân lý: sự tự do, trách nhiệm của chúng ta đối với sự chọn lựa của chúng ta và những hậu quả của chúng. Trình thuật này về sự tạo dựng con người đưa chúng ta vào lãnh vực của lương tâm; cùng vấn đề nảy sinh trong câu chuyện các anh em đầu tiên.
Câu chuyện Cain và Abel khiến chúng ta chú ý ngay tức khắc đến sự bạo lực mà chúng ta có thể có đối với nhau. Trình thuật này cũng có một sự cảnh cáo:
«Tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó» (St 4, 7).
Cain không được dự định cho tội lỗi. Anh ta có sự tự do và khả năng chống lại và chế ngự những dục vọng của mình. Nhưng để đạt đến điều ấy, anh ta phải cộng tác với ơn Chúa và tự chủ. Anh ta không bị bắt buộc làm điều ác cho em mình. Tuy nhiên, sau khi đã quyết định, anh ta chịu trách nhiệm về những hành vi của mình và hậu quả của chúng. Anh ta sử dụng lương tâm luân lý, dù rằng ít phát triển.
Vậy đây là câu hỏi thứ hai: làm thế nào đào tạo một lương tâm luân lý?
2 – VIỆC ĐÀO TẠO MỘT LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ TỐT
Lương tâm luân lý phải được rèn luyện. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo khẳng định tầm quan trọng của «tính nội tâm» đối với lương tâm:
Điều quan trọng là mỗi người phải chú ý nghe và làm theo tiếng nói của lương tâm mình. Sự đòi hỏi sống nội tâm như thế càng tỏ ra cần thiết vì cuộc sống hiện nay thường không để cho chúng ta suy nghĩ, suy xét và hồi tâm (§1779).
Sự thấu triệt các thông tin và các quyết định không thể đến từ bên ngoài, chúng phải do một sự phân định cá nhân và một sự suy tư từ kinh nghiệm. Đức Giêsu gợi lên sự phân biệt này khi nói đến nguồn gốc của tội lỗi:
«Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: «Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế» (Mc 7, 14-15).
Một lúc khác, Ngài còn nói :
«Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra» (Lc 6, 45).
Như vậy, việc đào tạo một lương tâm luân lý tốt đòi hỏi một sự suy nghĩ và một sự phân định nghiêm túc liên quan đến các vấn đề chạm tới đời sống của chính mình và đời sống của người khác. Hãy xem điều gì có thể đóng góp vào sự phân định.
Trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đọc:
«Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh… Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm. Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hiện; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Đức Ki-tô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, có các chứng từ và lời khuyên nhủ của anh em giúp đỡ, được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn» (§1784-1785).
Ý thức về tầm quan trọng khác nhau của những yếu tố được chỉ định trong các đoạn này, chúng ta có thể xác định năm yếu tố đóng góp đặc biệt vào việc đào tạo lương tâm luân lý: Lời Chúa, Thập giá của Đức Giêsu, các ơn Chúa Thánh Thần, chứng từ và các lời khuyên của người khác và giáo huấn chính thức của Giáo Hội hướng dẫn.
a) Được hướng dẫn bởi Lời Chúa
Lời mời gọi của Đức Giêsu với các môn đệ để bước theo Ngài không chỉ có nghĩa là bước theo cùng một chiều với Ngài để đi đến nơi sắp tới. Ngài mời gọi các môn đệ theo cách suy nghĩ, cách hành động, cách nói của Ngài. Trong Tin Mừng Matthêu, các dụ ngôn và các bài giảng của Đức Giêsu gợi lên sự suy nghĩ và đưa ra những phương hướng về cách sống. Các vấn đề được đặt ra với Đức Giêsu, các vấn đề chính Đức Giêsu đặt ra và các câu trả lời mà Ngài đưa ra có mục tiêu giúp đào sâu ý nghĩa của một đời sống con người thật sự. Đức Giêsu, Đấng đã chọn trở nên người để chỉ cho chúng ta con đường của một nhân loại đích thực, là người hướng dẫn tuyệt hảo cho việc đào tạo một lương tâm luân lý lành mạnh. Đức Giêsu đòi hỏi sự chú ý và sự dấn thân của chúng ta.
Kinh Thánh của truyền thống Do thái – Kitô giáo chứa đựng hai bộ luật chính về cách xử sự: mười điều răn (Xh 20, 2-17) và các Mối Phúc (Mt 5, 2-12). Mỗi bộ luật, theo cách của mình, trình bày các thái độ quan trọng nhất của một đời sống con người thật sự. Ý nghĩa không đơn giản là «hãy làm điều này» và «không làm điều kia» nhưng một lời kêu gọi suy nghĩ về đời sống của mình và sự cần thiết để sống trung thành với Thiên Chúa và trong tương quan với anh chị em mình. Những bộ luật này đưa ra chất liệu về việc đào tạo lương tâm luân lý và có thể dùng làm điểm xuất phát cho việc đào tạo lương tâm nhờ có Lời Chúa.
b) Chú ý đến Thập giá
Thập giá là biểu tượng của Kitô hữu, nó chỉ định một sự sẵn sàng để vác gánh nặng và, đồng thời, vượt qua các thử thách mà chúng ta phải đối diện khi tìm cách theo Tin Mừng. Nó cung cấp các điều kiện của mọi suy tư Kitô giáo.
«Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá » (1 Cr 2, 1-2 ; xem 1, 22-25).
Người ta ít cần giải thích tầm quan trọng của thập giá trong linh đạo Vinh Sơn (chẳng hạn xem bài của Cha Robert P. Maloney, C.M. (1995) “The Cross in Vincentian Spirituality,” «Thập giá trong linh đạo Vinh Sơn» Vincentian Heritage Journal (16:1), tr. 1-23.) Nó là tâm điểm của linh đạo Vinh Sơn và nhất là của Louise.
Thập giá không chỉ là dụng cụ của việc hành quyết Đức Giêsu, nó tượng trưng cho sự vâng lời trung thành của Ngài để thực hiện ý muốn của Chúa Cha đối với Ngài, cho đến sự thương khó và cái chết của Ngài. Không có gì làm cho Đức Giêsu lãng quên sứ mạng của Ngài. Việc suy niệm về con đường trung thành của Đức Giêsu là tâm điểm của việc đào tạo một lương tâm tốt. «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi » (Lc 9, 23).
Trong đời sống của một Kitô hữu, thập giá được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nó luôn thể hiện sự thách thức để sống với tư cách là môn đệ của Chúa. Điều đó đưa chúng ta đến một định nghĩa của một lương tâm tốt: nó dẫn một người bước theo Đức Giêsu trong sự trung thành và trong niềm vui. Thập giá vừa có sự phó thác vừa có sự đồng ý.
Chúng ta nói đến nhu cầu «theo lương tâm của mình» nhưng chúng ta cũng nhấn mạnh sự cần thiết đối với một Kitô hữu để «bước theo con đường Thập Giá». Hai điều này dẫn chúng ta theo cùng một chiều hướng với điều kiện lương tâm được đào tạo tốt bởi Thập giá.
c) Được những ơn của Chúa Thánh Thần hướng dẫn
Ta cũng phải nhấn mạnh đến vị trí của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu. Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta đọc Kinh Thánh với một tâm hồn cởi mở để lắng nghe sứ điệp mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta. Ngài giúp chúng ta giải thích giáo huấn của Giáo Hội để áp dụng nó vào đời sống chúng ta và lấy những quyết định cần thiết. Thánh Thần cũng mặc khải đoàn sủng của các Đấng Sáng lập và cho phép nó cập nhật trong những thực tại mới. Thánh Thần ban cho chúng ta sự thận trọng để đọc những «dấu chỉ thời đại». Nhưng hãy sáng suốt: tiếng nói của lương tâm không phải là tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Có một bên là tiếng nói của chúng ta và bên kia là tiếng nói của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tiếng nói của chúng ta phải được linh hứng và hướng dẫn bởi ơn của Chúa Thánh Thần.
«Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng là chứng cho tôi» (Rm 9, 1).
Trong Tin Mừng thánh Gioan, trong diễn văn tại bữa tiệc ly, Đức Giêsu hứa gửi Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ để hướng dẫn các ông:
«Khi nào Thần khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em ta thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng là những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em» (Ga 16, 13-14).
Chúa Thánh Thần mặc khải những gì còn ẩn giấu đối với trí tuệ con người và ban sự chắc chắn về một đường hướng để sống một đời sống luân lý và tin vào những xác tín của chính mình. Các Đấng Sáng lập nhấn mạnh về vai trò của Chúa Thánh Thần trong các hành động của chúng ta:
«Khi người ta nói Chúa Thánh Thần làm việc nơi người nào, điều đó được hiểu rằng Thánh Thần, cư ngụ trong người đó, ban cho người đó cùng những khuynh hướng và tâm trạng mà Đức Giêsu đã có ở trần gian, và chúng khiến người ấy hành động như vậy, tôi không nói là với một sự hoàn hảo bằng nhau, nhưng theo mức độ về những ơn của Thánh Thần» (Coste XII, 108, Bài nói chuyện 196 ngày 13/12/1658).
Hiển nhiên, Chúa Thánh Thần làm việc để củng cố và hướng dẫn việc đào tạo lương tâm Kitô giáo.
d) Chứng từ và các lời khuyên của người khác
Các chứng từ và lời khuyên là một nguồn lợi dồi dào cho việc đào tạo lương tâm luân lý. Gương mẫu của bạn bè hoặc gia đình, những lời khuyên của một người đồng hành thiêng liêng hoặc một Bề trên, những lời của một bài giảng hoặc một buổi nói chuyện, một bài về thời sự, một tài liệu và thậm chí một vở kịch có thể mang lại một sự khuyến khích cho đời sống luân lý. Nếu chúng ta mở mắt và tai, chúng ta có thể phân định nhiều giáo huấn trong đời sống thường ngày của Cộng đoàn địa phương hoặc trên thế giới.
Chúng ta cũng có thể nhìn các thánh. Đời sống của họ trình bày cho chúng ta những bài học sống động về lương tâm luân lý được đào tạo tốt. Thánh Phaolô không ngần ngại nói với các Kitô hữu Côrintô :
«Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô» (1 Cr 11, 1).
Về việc đào tạo liên tục lương tâm luân lý của chúng ta, chúng ta có thể đọc các bút tích thiêng liêng: Gương Chúa Giêsu của Thomas a Kempis, Lâu đài nội tâm của Têrêxa Avila, Dẫn vào đời sống đạo đức của François de Sales… Các Đấng Sáng Lập chúng ta biết rõ mọi tác phẩm này và đã công nhận giá trị đối với việc đào sâu thiêng liêng của những sách ấy và phương hướng của việc chọn lựa chúng.
Nơi chính các Đấng Sáng lập chúng ta, chúng ta có một kho tàng lớn đầy những chỉ dẫn để sống và lấy những quyết định luân lý. Trong các bài nói chuyện của ngài, thánh Vinh Sơn đề nghị những lời khuyên vững chắc về phương pháp tốt để quyết định theo nhân đức và các giá trị Kitô giáo.
«Qua từ ngữ tĩnh tâm thiêng liêng hoặc các việc thiêng liêng, ta phải hiểu một sự thoát khỏi mọi việc và lo lắng trần thế để chuyên chú nghiêm túc vào việc biết rõ nội tâm của mình, xem xét kỹ tình trạng lương tâm của mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện và như vậy chuẩn bị tâm hồn của mình để được thanh tẩy mọi tội lỗi, mọi tình cảm và thói quen xấu, chất đầy sự ước muốn những nhân đức, tìm kiếm và biết ý muốn của Thiên Chúa, và, biết điều ấy rồi, phục tùng, thuận theo, kết hiệp với điều ấy, và như thế nhắm tới, tiến bước và cuối cùng đạt đến sự hoàn hảo của chính mình» (Coste XIII, 143-144. Tài liệu 44).
« Thưa chị, hãy luôn có ý định cầu xin Đức Giêsu giúp đỡ, để hình thành các công việc của chị theo những ý định của Ngài và trọn nội tâm của chị theo gương mẫu của Ngài» (Coste VIII, 280. L. 3113).
Thánh Louise thường nói với các chị em về sự cần thiết phải chăm lo những đòi hỏi của đời sống nội tâm, Mẹ khuyến khích các chị em qua kinh nghiệm riêng của mình.
Vinh Sơn và Louise tin cách sâu sắc vào sự cần thiết của việc xét mình đều đặn. Việc nhấn mạnh của Vinh Sơn về các quyết tâm phải chọn khiến tôi chú ý. Theo ngài, việc xét mình không chủ yếu dựa vào sự khám phá những khuyết điểm mới mà vào một nhận thức về một khía cạnh của đời sống, đòi hỏi sự chữa lành hoặc sự đào sâu và một sự chú ý đến khía cạnh đó. Năm 1625, Vinh Sơn giúp các chị học hỏi Qui Luật chung:
«Nhưng chị em hãy nhớ rằng chị em không bao giờ phải tường trình về lương tâm của mình, chị em không hỏi tật xấu đặc biệt nào chị em phải khắc phục, hoặc nhân đức mà chị em phải hướng tới, và sử dụng bấy nhiêu thời gian cần thiết cho điều ấy, một tháng, ba tháng, một năm, nếu người ta thấy không đủ luyện tập, thì ba năm, nếu cần» (Coste X, 606-607. Bài nói chuyện 105 ngày 17/11/1658).
Thánh Louise không sợ viết cho các chị em về đề tài xét mình riêng:
«… vì tình yêu Ngài, tôi xin chị em suy nghĩ về bản thân mình cách nghiêm túc, để xem có phải chị em thực sự thuộc về Thiên Chúa. Và chị em sẽ biết điều đó nếu chị em thích từ bỏ các ý riêng mình, giữ mình khỏi mọi riêng biệt, vâng lời các bề trên của chị em, cắt đứt mọi ràng buộc nếu chị em có, không chấp nhận trong tâm trí chị em bất cứ ước muốn nào về điều này hoặc điều kia, nếu không phải là làm vui lòng Thiên Chúa trong mọi hành động của chị em» (Bút tích thiêng liêng, 262,L.381, tháng 09/1649).
e) Việc giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội
Còn có một nguồn đào tạo lương tâm luân lý khác, đó là giáo huấn của Giáo Hội. Trong Lumen gentium, Công đồng Vaticanô II đưa ra những chỉ dẫn quí báu về tầm quan trọng của phương thế này đối với việc đào tạo lương tâm những người Công giáo:
«Nhờ cảm thức đức tin do chính Thánh Thần Chân lý khơi dậy và nâng đỡ, khi tuân phục theo sự hướng dẫn của Huấn Quyền Giáo Hội, Dân Thiên Chúa đón nhận không phải lời của người phàm, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa, trung thành gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh chỉ một lần là đủ, thấu hiểu cách sâu xa hơn với một nhận thức chính xác và thực thi đức tin cách hoàn hảo hơn trong đời sống hằng ngày (Lumen Gentium § 12).
Huấn quyền được giao cho Đức Giáo Hoàng và các giám mục:
«Các Giám mục khi dạy dỗ trong sự thông hiệp với Giám mục Rôma, phải được mọi người kính trọng như những chứng nhân của chân lý thần linh và Công giáo; phần các tín hữu phải tùng phục phán quyết của Giám mục về đức tin và phong hoá được công bố nhân danh Đức Kitô, cũng như phải gắn bó với ngài bằng thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức. Thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức này về mặt ý chí cũng như lý trí phải được đặc biệt dành cho huấn quyền đích thực của vị Giám mục Rôma » (Lumen Gentium § 25).
Ý định rõ ràng. Lương tâm luân lý sẽ được soi sáng bằng một nỗ lực hiểu biết những giáo huấn của Truyền thống và Giáo Hội. Những người đã nhận trọng trách đặc biệt này có quyền được kính trọng và chú ý đặc biệt, về phần chúng ta, sẽ được thể hiện trước tiên, bằng một thái độ khiêm nhường và vâng phục.
Còn những yếu tố khác có thể đóng góp cho việc đào tạo lương tâm luân lý, nhưng yếu tố chính vẫn là hoạt động của Chúa Thánh Thần phải tìm kiếm và lắng nghe.
3 – LƯƠNG TÂM LUÂN LÝ KÊU GỌI SỰ HOÁN CẢI
Lương tâm luân lý không chỉ có vai trò gợi lên sự chú ý về điều xấu phải tránh, nó cũng hướng chúng ta tới điều lành phải đạt, bằng cách đảm nhận những tư tưởng và hành động của chúng ta. Trình thuật về «người trộm lành» rất có tính chất xây dựng về phương diện này:
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: «Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!» Nhưng tên kia mắng nó: «Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: «Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!» Và Người nói với anh ta: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc 23, 39-43).
Người trộm lành tự do chấp nhận trách nhiệm về các hành vi của mình và sự trừng phạt xứng đáng. Trong một thái độ chân thật, anh ta hướng về Đức Giêsu để xin Ngài thương xót và Đức Giêsu ban cho anh ta điều ấy không do dự và vô điều kiện. Anh ta sẽ sống mãi với Thiên Chúa và sẽ tìm thấy sự hoàn thành trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Lương tâm luân lý dẫn đến kinh nghiệm về sự trách nhiệm và phải đưa con người đến sự hoán cải cá nhân, tìm kiếm không ngừng để biết Thiên Chúa.
4. Ở «MỘT MÌNH VỚI THIÊN CHÚA»
Phần cuối này muốn giúp chúng ta suy niệm về một khuynh hướng bên trong. Sự mô tả về lương tâm như là «ở một mình với Thiên Chúa», được trích từ Gaudium et Spes (Công Đồng Vatican II):
«Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo, và tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người: ‘hãy làm điều này, hãy tránh điều kia’»
Sự mô tả này đã gợi lên nhiều phê phán, một số người nghĩ rằng nó giúp cho sự chủ quan và sự đạo đức quá cá nhân mà không chú ý đủ về chiều kích cộng đoàn của Giáo Hội và huấn quyền đặc biệt của Giáo Hội. Dĩ nhiên, nếu người ta đi quá xa, người ta có thể rơi vào những thái quá và những sự phóng đại trong sự giải thích. Tuy nhiên, tôi thích ý nghĩ này rằng lương tâm là một nơi mà một người «ở một mình với Thiên Chúa».
Khi “ở một mình với Thiên Chúa”, mọi mưu mẹo và mọi tự vệ biến mất. Không còn khả năng tìm cách giải thích hoặc chứng minh những gì, hiển nhiên, là đúng. Những giới hạn của sự hiểu biết và kinh nghiệm là nền tảng của sự phân định và những quyết định phải chọn dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần. Điều đó gợi lên sự chung thẩm khi chúng ta sẽ ở trước mặt Thiên Chúa cho sự đọc lại cá nhân về đời sống chúng ta. Không có gì vẫn sẽ giấu kín. Đối với bất kỳ vấn đề nào được đặt ra, một giải đáp sẽ được đòi hỏi và các quyết định sẽ phải được đảm nhận và xét xử bởi sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Tôi thoải mái với hình ảnh lương tâm như một “sự khẩn nài nội tâm” nơi mà chúng ta tìm cách chọn những quyết định tốt nhờ ánh sáng của việc cầu nguyện và những nguồn đã rèn luyện lương tâm chúng ta. Trong các hoàn cảnh đời sống, thường rất phức tạp, với những giá trị mâu thuẫn, chúng ta cố gắng cởi mở với những lời khuyên của Chúa Thánh Thần để chọn những quyết định tốt có thể.
Chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới một lương tâm «hoàn toàn» được đào tạo, nhưng một lương tâm được đào tạo tốt, chú ý đến nhiều yếu tố góp phần cho sự quyết định luân lý, là một dụng cụ cốt yếu của người Kitô hữu trung thành. Sự ý thức về sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa, Đấng linh hứng và khuyến khích, dẫn tới việc sử dụng tốt nhất dụng cụ này.
VÀI NGUYÊN TẮC CHUNG
Có nhiều nguyên tắc chung và nền tảng đối với lương tâm luân lý. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo xác định, «Một vài quy tắc có thể áp dụng trong mọi trường hợp»:
- Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt.
- Khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”.
- Đức ái Kitô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm của họ… là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8,12). “Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14, 21) (§1789).
Chúng ta có thể thêm qui tắc rất phổ biến :
Con người luôn phải vâng theo sự phán đoán chắc chắn của lương tâm mình (§1800).
Trong công việc đào tạo lương tâm luân lý và sự xác định các giới hạn của nó, phải chú ý đến tất cả những nguyên tắc này.
KẾT LUẬN
Các vấn đề của việc đào tạo tâm hồn và đào tạo lương tâm giống nhau. Đây là các phương thế để lớn lên trong các chiều kích này của đời sống tu trì.
1- Một đời sống nội tâm được sống cách kiên trì và có ý thức.
Sự tăng trưởng trong nhân đức và sự phát triển của lương tâm không được triển nở mà không có thời gian dành cho sự suy tư nghiêm túc và cầu nguyện. Sự thinh lặng và sự bình thản là cốt yếu.
2 – Một sự xem xét về chiều kích cá nhân và liên bản vị của tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Các nhân đức hình thành tương quan này với Thiên Chúa và sự nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa đào tạo lương tâm.
3 – Một nghiên cứu đào sâu được hướng dẫn.
Người ta không thể gợi lên lương tâm luân lý mà không nói đến việc đào tạo nó. Lương tâm cần những hướng dẫn nghiêm túc, việc đọc Kinh Thánh, giáo huấn của Truyền thống… Tuy vậy, một sự hiểu biết tốt về các giáo huấn này đòi hỏi thời gian.
4 – Việc xét lương tâm đều đặn.
Vinh Sơn và Louise đã dành cho việc xét mình một vị trí quan trọng. Nó giúp biết mình hơn trong sự thật. Socrate đã nói: «Một đời sống không xét mình là không đáng sống».
5 – Việc đọc một tiểu sử của Vinh Sơn hoặc Louise
Một trong các anh em của tôi nói rằng một thành viên Vinh Sơn phải luôn đọc một tiểu sử của thánh Vinh Sơn hoặc thánh Louise. Tôi mở rộng lời khuyên này về các lá thư và các bài nói chuyện của các ngài. Tôi công nhận không hoàn toàn trung thành với điều đó, nhưng tôi xác tín về sự thật của nó. Các Tu hội của chúng ta may mắn có các Đấng Sáng lập thông minh và cụ thể.
Một tương quan thường xuyên với đời sống và lời nói của các ngài là một phương thế rất hữu hiệu cho việc đào tạo tâm hồn và lương tâm của chúng ta.
6 – Việc đọc Hiến Pháp đều đặn.
Các điều khoản của Hiến Pháp, được tập hợp cách cẩn thận, mô tả điều chúng ta là, điều chúng ta phải là và các phương thế để đạt đến: «Tận hiến cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo». Hiến pháp này cần thiết cho việc đào tạo tốt tâm hồn, tinh thần và linh hồn.
7 – Sau cùng, một cộng đoàn tình yêu huynh đệ.
Trong sự hiện diện với các anh chị em, chúng ta biểu lộ con người sâu xa nhất của mình và nhu cầu đào tạo của chúng ta mà chúng ta thách thức.
Chắc chắn, chúng ta có thể thêm những phương thế khác, nhưng tôi dừng lại đây. Tôi muốn kết thúc với các lời khuyến khích sâu sắc được Mikha tặng cho các thính giả của ông. Chúng vẫn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay và tóm tắt suy nghĩ của chúng ta:
Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,
điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn :
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa,
và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn (Mk 6, 8).
Patrick GRIFFIN, CM