Đào tạo trường kỳ như là sự trung thành sáng tạo

0
1149

ALFREDO BECERRA VÁZQUEZ, CM

1. Dẫn nhập

Đào tạo trường kỳ[1] và trung thành với đặc sủng Vinh Sơn làm thành “những cột trụ” trong việc canh tân tinh thần và tông đồ của Tu Hội.

Hiến Pháp của chúng ta nói về việc này như sau: “… Ngoài ra, các thành viên cần phải trợ giúp về mặt thiêng liêng cho các linh mục, trong công cuộc đào tạo trường kỳ cũng như trong việc thúc đẩy lòng nhiệt thành mục vụ của họ. Các thành viên phải làm việc để khuyến khích họ ước muốn thực hiện lựa chọn của Giáo hội dành cho người nghèo” (x. số 15); “Việc đào tạo các thành viên của chúng ta phải được liên tục và canh tân suốt đời” (x. số 81).

Đào tạo trường kỳ giúp chúng ta biết cách đáp ứng những đòi hỏi của sứ mạng của chúng ta, và những thách đố của thế giới hiện nay. Thiên Chúa dùng chúng ta như những thừa tác viên thích hợp và hữu hiệu, để đáp ứng với những thay đổi mau chóng và sâu xa của thế giới, điều này đặt lên chúng ta trách nhiệm suy tư dựa trên thực tế của thế giới và dựa trên chính đời sống của chúng ta, để nhận ra điều gì chúng ta phải điều chỉnh nơi bản thân, điều chỉnh những quan niệm, thái độ và phương pháp của chính chúng ta. Lối tiếp cận phê bình này sẽ làm cho chúng ta nâng tầm ơn gọi của chính mình, và coi đó là một ân huệ từ Thiên Chúa. Lối tiếp cận đó không chỉ là sự hoàn thiện về mặt lý thuyết, học thuật hoặc thực tiễn, theo cách được xem như phục hồi trí tuệ hoặc chuyên môn, mà là một thứ gì đó uyên thâm và bao quát hơn nhiều, bởi đào tạo trường kỳ đặt nền tảng trên những nơi sâu kín nhất của tinh thần chúng ta, và khao khát muốn thích ứng với bản thân bao nhiêu có thể và bằng mọi cách có thể để trình bày hoàn cảnh, để dự đoán về tương lai trong chừng mực có thể. Việc đào tạo trường kỳ bao hàm sự cống hiến và nỗ lực không ngừng cho việc canh tân tinh thần, trí tuệ, thực tiễn và chuyên môn, để cho chúng ta hiểu và đáp ứng những thực tế mới của thế giới luôn đổi thay, và chuyển trao Lời Chúa cho mọi người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta; việc đào tạo đó thực hiện quá trình trường kỳ về “cuộc hoán cải liên tục”, điều đó nhất quán với đặc nét Vinh Sơn của chúng ta hơn cả.

2. Đào tạo trường kỳ là một đòi hỏi về sự trung thành sáng tạo của chúng ta

Từ thời Công đồng Vatican II, chúng ta đã nhận được đòi hỏi về những cách thức mới trong việc đào tạo linh mục và tu sĩ. Khái niệm về đào tạo nói chung và khái niệm về đào tạo trường kỳ đã phát triển theo những kinh nghiệm đào tạo khác nhau, khái niệm ấy rất giống với khái niệm mà Công đồng đã định nghĩa.[2] Sự phát triển và hiểu biết về đào tạo đã được áp dụng trong Tu hội, chẳng hạn như các tài liệu liên quan đến cuộc đào tạo sơ khởi.

Thư của Tổng Đại hội năm 1992 được gửi tới các thành viên khẳng định như sau: “Tự bản chất, việc canh tân của Tu hội đòi hỏi đào tạo toàn diện, sơ khởi và trường kỳ của các thành viên của Tu hội. Nguyên tắc của cuộc đào tạo này là: ‘Bước theo Đức Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.’ Vì thế: Chính chúng ta cam kết thực hiện một chương trình đào tạo toàn diện đầy sức sống, mỗi thành viên sẽ có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về việc đào tạo cho sứ mạng của chính mình; chính chúng ta cũng cam kết để chuẩn bị với các linh hoạt viên thực sự cẩn trọng của các cộng đoàn Vinh Sơn.”[3]

Việc đào tạo không có hồi kết, luôn lưu tâm tới mọi chiều kích và mọi giai đoạn của con người, và dành ưu tiên sống trong Thần Khí như là một khía cạnh cấu tạo nên và đem lại ý nghĩa cho tha nhân.[4] Trong Tu Hội Nhỏ Bé, chúng ta thấy hai giai đoạn riêng biệt: Đào tạo sơ khởi và thường huấn hay đào tạo trường kỳ. Đây không phải là một biện pháp khắc phục vì các vấn đề trong quá trình đào tạo sơ khởi, cũng không phải là biện pháp bổ sung, hoàn thiện hay thích nghi của quá trình đào tạo đó. Trái lại, việc đào tạo căn bản phải được sắp xếp hướng tới đào tạo trường kỳ,[5] như là một sự chuẩn bị cho một đời đào tạo trường kỳ, dù việc đào tạo trước đó có sự tự chủ tương đối, và các đòi hỏi riêng của nó, vì là giai đoạn thử nghiệm và bắt đầu bước vào đời sống tu trì. Việc đào tạo sơ khởi là giai đoạn đầu tiên của một đời đào tạo trường kỳ, và phải tạo ra sự trải nghiệm, sự ham học hỏi của trí tuệ, và việc đạt được những cung cách và những kỹ năng có thể giúp cho việc phân định tông đồ, khả năng chuyên môn và sự thích nghi không ngừng đối với những thay đổi không ngừng, và sự tăng trưởng hàm chứa nơi những điều đó.

Cuộc sống của con người tự bản chất là liên tục và đổi thay, và khi các yếu tố này được kết hợp hài hòa với nhau, chúng đảm bảo sự trưởng thành và phát triển của con người. Việc đào tạo trường kỳ làm cho mọi người thay đổi liên tục và không ngừng giữa những đổi thay. Động lực sống còn này được diễn tả bằng từ “trung thành”, sự “trung thành” hàm ý sự giữ vững không ngừng với các giá trị trường tồn, và sự thích ứng và sự nhập thể của chúng trong các hoàn cảnh và giai đoạn đa dạng của cuộc sống. Về mặt này, người ta lớn lên và trưởng thành, cuộc sống con người dần được xây dựng, là một tiến trình tăng trưởng về phẩm chất, là một sự hoàn thiện đòi hỏi phát minh và sáng tạo.[6] Đào tạo trường kỳ được hiểu theo cách này, giúp hòa hợp giữa sự sáng tạo và trung thành, đặc biệt vì ơn gọi của chúng ta đòi hỏi sự tăng trưởng năng động, và trung thành đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa được thấy rõ ràng trong các dấu chỉ thời đại. Đặc tính của việc phục vụ tông đồ của chúng ta phụ thuộc vào điều này. Đặc tính đó đề cập đến một sự trung thành và năng động phải mô phỏng lòng can đảm, sự sáng tạo và sự thánh thiện của các đấng sáng lập nam cũng như nữ, với tư cách là sự đáp ứng cho các dấu chỉ thời đại đang phát sinh trong thế giới ngày nay, để thực hiện điều thánh Vinh Sơn sẽ làm hôm nay, trong sự trung thành với Chúa Thánh Thần, để đáp ứng những đòi hỏi tông đồ trong thời đại chúng ta.

3. Nền tảng và các khía cạnh toàn diện của đào tạo trường kỳ

a. Nền tảng của đào tạo trường kỳ

Nhu cầu cho việc đào tạo trường kỳ là một đòi hỏi của chính ơn gọi tu trì và tông đồ; chúng ta cần phải không ngừng làm sống lại đặc sủng mà chúng ta đã nhận được, để duy trì đặc sủng đó luôn sống động và giữ cho sự mới mẻ vĩnh cửu đặc sủng của Thiên Chúa luôn mới.[7] Việc bước theo Đức Kitô ngụ ý một sự năng động cần được nuôi dưỡng và canh tân không ngừng, và lời mời gọi theo Người được lặp lại mọi lúc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực không ngừng mặc lấy cho mình những tâm tình của Ngài đối với Chúa Cha, dẫu rằng chúng ta là những tội nhân, chúng ta không bao giờ có thể mong đợi đạt được trọn vẹn sự ấp ủ về con người mới mà chúng ta kinh nghiệm nơi chính mình, cũng không có được những tâm tình của Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta.[8] Từ quan điểm này, việc đào tạo trường kỳ ngụ ý việc sống trong một tiến trình hoán cải và canh tân tinh thần liên tục.

Mặt khác, sứ mạng của chúng ta là một ân sủng sống động mà chúng ta nhận được và sống trong những khoảnh khắc độc đáo; chúng ta phải giữ gìn, đào sâu, và không ngừng thích ứng điều đó trong sự hòa hợp với Giáo hội. Điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng canh tân tinh thần và đời tông đồ. Chúng ta sẽ chẳng có bất cứ thứ gì để cống hiến cho người nghèo, xã hội, và để đối thoại với tha nhân, nếu chúng ta không thấm nhuần lòng trung thành với đặc sủng Vinh Sơn, không nhắm mục đích lặp lại cách máy móc, mà là để cải tạo điều đó tại đây và lúc này, cho việc phục vụ người nghèo, phục vụ Giáo hội và thế giới.

b. Các khía cạnh của đào tạo trường kỳ

Những lĩnh vực hoặc khía cạnh nào cần được đề cập và thực hiện bởi đào tạo trường kỳ? Đào tạo trường kỳ ở phạm vi toàn thể: Việc đào tạo “phải bao gồm toàn thể con người…, để… mọi cung cách và hành động, vào những thời khắc quan trọng cũng như trong những sự kiện đời thường, sẽ cho thấy rằng họ thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn và vui tươi…. Để việc đào tạo được hoàn thành, thì việc đào tạo đó phải bao gồm mọi khía cạnh của đời sống của người Kitô hữu. Vì thế, việc đào tạo đó phải cung cấp một sự chuẩn bị về nhân bản, văn hóa, thiêng liêng và mục vụ, đặc biệt phải chú ý đến sự hội nhập hài hòa của tất cả các khía cạnh khác nhau của việc đào tạo.”[9] Việc rút giảm đào tạo trường kỳ chỉ đối với chiều kích trí tuệ bằng mô hình phục hồi, nghĩa là những năm nghỉ ngơi, các khóa học và tham gia các cuộc họp khác nhau, quay trở lại khái niệm đào tạo đã vượt qua, như đã được đề cập trước đây. Việc canh tân trí tuệ được hình thành trong chừng mực mà chúng ta cũng trưởng thành, và lớn lên trong sự hòa nhập cá nhân với tư cách là cá nhân và với tư cách là các nhà truyền giáo Vinh Sơn, và chúng ta tiếp tục hòa nhập vào thân thể của Tu hội, theo một cách thức ngày càng gia tăng.

Khi cân nhắc chủ thể của quá trình đào tạo trường kỳ là con người với tất cả các chiều kích của người ấy trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, điểm kết thúc hay điểm cuối cùng của việc đào tạo là tính toàn thể con người, và gồm năm khía cạnh chính yếu sau:[10]

1 – Đời sống trong Thần Khí giữ vị trí hàng đầu, ở đó sự phân định tông đồ giữ một vị trí chính yếu. Thánh Vinh Sơn muốn nói đó là “con người nội tâm”. Việc đào tạo trường kỳ đạt được chủ yếu qua việc lượng giá không ngừng và suy ngẫm về việc tông đồ của chính người đó, được thấy bởi ánh sáng đức tin và với sự trợ giúp của cộng đoàn tông đồ. Vì thế, việc đào tạo trường kỳ được đặt trong bối cảnh của sứ mạng, và bày tỏ việc đào tạo đó với tư cách là một chiều kích trọn vẹn, thiết yếu của đời tông đồ và truyền giáo chúng ta, phải được lượng giá và phân định nhờ Lời Chúa và chiêm niệm về thế giới, trong cuộc đối thoại-cầu nguyện với Thiên Chúa. Đây là một phần của quá trình phân định liên tục. Nếu việc phân định được tổ chức chung với nhau, thì điều đó tốt hơn rất nhiều.

2 – Chiều kích nhân bản và huynh đệ đòi hỏi một nỗ lực không ngừng để tăng trưởng về sự trưởng thành cá nhân và cộng đoàn, và sự hội nhập của chúng ta. Điều không thể thiếu là tiếp tục tăng trưởng trong sự tự biết mình và khả năng bộc lộ bản thân và để cho mình được biết đến, bằng lòng tự trọng, sự thấu cảm và cảm thông với những người mà chúng ta đang sống và chia sẻ sứ mạng. Phải đặc biệt chú ý đến việc hiểu biết những ước muốn sâu xa nhất và sự tăng trưởng trong khả năng tự bộc lộ bản thân, và do đó để mở ra với ân sủng để tự gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết với những tâm tình của Đức Kitô. Vì thế, tính liên đới cộng đoàn và tông đồ cũng như cảm thức thuộc về Tu hội sẽ phát triển.

3 – Khía cạnh thứ ba là chiều kích tông đồ và truyền giáo, trong thực tế, đòi hỏi phải cập nhật các mục tiêu và phương pháp tông đồ – truyền giáo, trong sự trung thành với đặc sủng của chúng ta, sứ mạng của chúng ta và phong cách thực sự của nhà truyền giáo Vinh Sơn.

4 – Chiều kích trí tuệ, dựa trên việc đào tạo thần học vững chắc, cần thiết cho việc phân định cá nhân và tông đồ, đòi hỏi chúng ta không ngừng cập nhật các sứ vụ và công việc khác nhau, chúng được cụ thể hóa bởi sứ mạng thực tế của Tu hội và sứ mạng cụ thể mà từng thành viên đã lãnh nhận.

5 – Chiều kích cuối cùng là chiều kích đặc sủng Vinh Sơn của chúng ta. Chiều kích này đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, suy ngẫm và tiếp thu tất cả sự phong phú của di sản Vinh Sơn mà chúng ta sở hữu. Điều đó giả định rằng, chúng ta có khả năng-biết cách để tạo ra một tổng hợp trong đời sống của chúng ta, để áp dụng linh đạo và giáo huấn của thánh Vinh Sơn vào đời sống hàng ngày của chúng ta với tư cách là con cái của thánh Vinh Sơn, để không ngừng canh tân “thánh hoá” phép rửa của chúng ta, như được diễn tả trong đời sống, bằng các lời khấn của chúng ta, đặc biệt là lời khấn “kiên định.” Điều này đòi hỏi chúng ta đào sâu về đặc sủng Vinh Sơn đã sống qua quá trình hội nhập văn hóa, như là một yếu tố hội nhập và thiết yếu của cuộc đào tạo trường kỳ của chúng ta. Chúng ta là những thành viên Vinh Sơn với đôi chân được đặt vững chắc trong một bối cảnh mà ở đó, “chúng ta cụ thể hóa” đặc sủng Vinh Sơn.

4. Những áp dụng và những người chịu trách nhiệm về đào tạo trường kỳ

a. Cộng đoàn là nơi ưu tiên cho đào tạo trường kỳ

Nơi dành riêng cho việc đào tạo trường kỳ là cộng đoàn tông đồ như được diễn tả trong một số văn kiện của Giáo hội.[11] Ở đó, thành viên Vinh Sơn tìm thấy sự nâng đỡ và thúc đẩy cần thiết. Các việc tông đồ, các Tỉnh dòng, cuộc Hội nghị của các Bề trên Giám Tỉnh cũng phải đề xướng và đưa ra chủ đề liên quan cho việc đào tạo trường kỳ, vì đây là nhu cầu đối với tất cả các nhà truyền giáo Vinh Sơn cũng như toàn thể Tu hội. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, Tu hội của chúng ta có thực sự muốn thúc đẩy và duy trì việc đào tạo trường kỳ hay không? Chẳng phải chủ nghĩa tích cực đồng nhất tất cả các loại hoạt động và công việc với sứ mạng tông đồ, và chủ nghĩa chủ quan chiếm ưu thế trong nhiều Tỉnh dòng của chúng ta, với những trở ngại to lớn cho việc đào tạo trường kỳ, đó chẳng phải chỉ là một hoạt động cá nhân đơn thuần và tạm thời sao?

Chúng ta là cộng đoàn truyền giáo. Biết bao lần chúng ta đã trải nghiệm thành quả liên quan đến sứ vụ, theo cách mà chúng ta cảm thấy mình là một thành phần của một cộng đoàn sống động, của một Tỉnh dòng có tầm nhìn, của một Tu hội đang phải đương đầu với những thách đố về các hình thức nghèo đói mới hiện nay. Ở những nơi này (cộng đoàn, Tỉnh dòng và Tu hội), các thành viên của Tu hội thấy những nơi để đối thoại huynh đệ, để suy ngẫm và cầu nguyện. Một cộng đoàn, một Tỉnh dòng và một Tu hội, mà ở đó, bằng cách thông tri cá nhân và thiêng liêng, ý thức đồng trách nhiệm với nhau và giúp đỡ lẫn nhau để khám phá ra cách thức mà chúng ta phải tiếp tục lớn lên.[12] Vì vậy, một cộng đoàn được hoán cải trong việc đào tạo xuất sắc hơn thông qua việc đào sâu và thích ứng với đặc sủng và sứ mạng của chúng ta,[13] nơi mà “…những đường lối hướng dẫn bao quát được thực thi một cách cụ thể, qua những nỗ lực kiên nhẫn và bền chí mỗi ngày… cũng như… nơi mà, các thành viên luôn giúp nhau đáp ứng với tư cách là những con người thánh hiến, mang một đặc sủng chung, trước những nhu cầu của những người nhỏ bé nhất và trước những thách thức của xã hội mới.”[14]

Đó là một đòi hỏi cho sứ mạng của chúng ta và là một phần không thể thiếu của sứ mạng để tạo nên một “cộng đoàn tông đồ”, vì cộng đoàn tự thân là truyền giáo, công bố và loan báo về Thiên Chúa, bằng cách thức yêu thương huynh đệ và chứng tá của sự hiệp thông, và bởi vì qua đó, sứ mạng phổ quát của Tu hội được cụ thể hóa và hiện thực hóa. Chúng ta phải làm cho mình thấy sứ mạng của chúng ta và các ưu tiên tông đồ của sứ mạng đó, khi các điều ấy được đề xuất trong Tổng Đại hội vừa qua và dần dần, khi các điều ấy được cụ thể hóa ở cấp độ Tỉnh dòng, sẽ là những nỗ lực vô ích nếu cộng đoàn địa phương không biến chúng thành một dự phóng cộng đoàn. Dự phóng này không chỉ giới hạn ở việc lưu ý một số hoạt động chung nho nhỏ vào thời gian biểu và lịch công tác của cộng đoàn, mà còn khuyến khích tiến trình chấp nhận các giá trị của thành viên Vinh Sơn, của sự phân định truyền giáo chung và đảm bảo không gian cho việc đào tạo trường kỳ.

b. Những người chịu trách nhiệm cho việc đào tạo trường kỳ

Qua một số Tổng Đại hội, Tu hội Truyền giáo đã bày tỏ mối quan tâm của mình trong việc cung cấp và đảm bảo việc đào tạo trường kỳ cho các nhà truyền giáo. Tu hội đã thúc đẩy hai tổ chức ở cấp Tu hội: Trung tâm Đào tạo Quốc tế ở Paris[15] và Văn phòng Quốc tế về Nghiên cứu Vinh Sơn.[16]

Ở cấp Tỉnh dòng, vị Giám tỉnh chịu trách nhiệm cho việc đào tạo trường kỳ; vì thế, Quy Chế của chúng ta khẳng định: “Bởi sự trợ giúp của Ban Đào tạo, mỗi Tỉnh dòng phải tổ chức và đẩy mạnh việc đào tạo trường kỳ cả về mặt cá nhân cũng như cộng đoàn.” (Số 42)

Vị Bề trên địa phương có trách nhiệm thúc đẩy việc đào tạo trường kỳ trong cộng đoàn của mình, và nơi các thành viên một cách cá nhân, đặc biệt là qua gương mẫu cống hiến cho việc đào tạo của chính mình.[17] Ngài cần thúc đẩy việc soạn thảo, thi hành và lượng giá dự phóng cộng đoàn, dự phóng này cần phải tính đến việc đào tạo trường kỳ như một yếu tố thiết yếu.

Các thành viên cũng phải lưu tâm đặc biệt đến vai trò của vị bề trên, cá nhân nhà truyền giáo Vinh Sơn phải chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ của chính mình, và dự phóng cộng đoàn, hoặc một chương trình của Hội đồng Tỉnh là vô dụng nếu bản thân cá nhân đó không được thuyết phục về nhu cầu về chương trình đó.[18] Tương lai của nhiều sứ vụ có thể không tùy thuộc quá nhiều vào số lượng nhà truyền giáo, nhưng đúng hơn là phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và tầm nhìn tông đồ, để đương đầu với những thách đố của một nền văn hóa luôn thay đổi, và sự tham gia của người giáo dân Vinh Sơn vào các công tác, việc phục vụ và việc tông đồ của chúng ta. Trong dự phóng đời sống cá nhân của mình, mỗi nhà truyền giáo Vinh Sơn cần xác định các ưu tiên của mình, trong đó việc đào tạo trường kỳ phải giữ một vị trí quan trọng.

Bề trên Tổng quyền và Hội đồng Cố vấn của ngài đóng một vai trò quyết định, vì các ngài có trách nhiệm áp dụng các kết quả, các cam kết và các quyết định mà Tổng Đại hội đưa ra về việc đào tạo trường kỳ.[19] Theo cách thức này, khi các cuộc kinh lý theo Giáo luật diễn ra, các ngài phải hỏi từng nhà truyền giáo về việc đào tạo trường kỳ được tổ chức như thế nào, và làm rõ về việc cộng đoàn và Tỉnh dòng đó hỗ trợ và giúp đỡ việc đào tạo ấy.

Ở cấp độ của Hội nghị các Giám Tỉnh, có thể chứng tỏ ích lợi về một người hoặc một Ủy ban được ủy nhiệm cho các vấn đề liên quan đến việc đào tạo trường kỳ. Có các cơ quan trong Tu hội có thể thúc đẩy việc đào tạo trường kỳ ở các châu lục,[20] các vùng, các quốc gia khác nhau[21] một cách dứt khoát hơn. Chắc chắn tại các Tỉnh dòng khác nhau, có một cam kết mạnh mẽ trợ giúp việc đào tạo truyền giáo các thành viên của chính Tỉnh dòng đó, nhưng có lẽ Tỉnh dòng đó cần khích lệ sự cộng tác Liên-Tỉnh dòng nhiều hơn trong vùng Liên-Tỉnh dòng này hiện diện.

5. Các phương pháp và giai đoạn đào tạo trường kỳ

a. Các phương pháp cho việc đào tạo trường kỳ

Việc đào tạo trường kỳ ngụ ý nỗ lực tối ưu hoá sự gắn kết với những đòi hỏi của sứ mạng hiện nay của chúng ta. Điều này sẽ làm cho chúng ta thực hiện tốt hơn những gì chúng ta đã làm, sáng tạo hơn và làm việc tông đồ mạnh dạn hơn. Vì vậy, các phương cách thích hợp cho cách tiếp hành của chúng ta là phù hợp nhất cho việc sống trong trung thành sáng tạo.[22] Việc đào tạo trường kỳ cũng ngụ ý sự chuyên tâm đọc sách và đào sâu đặc sủng Vinh Sơn của chúng ta, cũng như suy tư mục vụ-thần học và Thánh Kinh. Điều này đòi hỏi phải dành thời gian cho việc cập nhật năng lực chuyên môn, và trí tuệ.

Nghiên cứu cá nhân và suy gẫm chung trong cộng đoàn phải là yếu tố hòa hợp trong đời sống của chúng ta như là nhà truyền giáo Vinh Sơn. Tại thời điểm thay đổi thừa tác vụ, cần phải khát khao về việc cập nhật trong việc chuẩn bị cho thừa tác vụ được bổ nhiệm một cách mới mẻ. Đây là thời điểm thích hợp để canh tân và sở đắc các kỹ năng. Đây là một sự đầu tư mang lại việc phục vụ người nghèo tốt hơn. Về phương diện này, Hướng dẫn Thực hành cho vị Giám Tỉnh viết rằng: “Không có bất cứ cách nào để cố gắng rèn luyện tính sáng tạo trong việc đào tạo trường kỳ, một số khả năng được trích dẫn ở đây: Các khóa học chuyên môn, những ngày đào tạo có tổ chức cho Tỉnh dòng, các tuần nghiên cứu ở các các vị trí khác nhau, chuẩn bị một thư viện Tỉnh để thuận tiện cho các nghiên cứu mục vụ và Vinh Sơn, mua các tạp chí và khuyến khích việc đọc chúng, và nói chung, để cung cấp cho tất cả các thành viên Tỉnh dòng mọi phương tiện cần thiết cho việc đào tạo trường kỳ của họ.”[23]

Chắc chắn, có các hoạt động, sự kiện và chương trình đa dạng trong việc đào tạo trường kỳ ở cấp Tỉnh dòng, Vùng và Tu hội, cấu thành chính những phương tiện thích hợp cho việc đào tạo trường kỳ. Quả thật, nếu chúng ta muốn đưa việc phục vụ “lành nghề” đến người nghèo, thì chúng ta cần đầu tư vào việc đào tạo trường kỳ.

b. Các giai đoạn đào tạo trường kỳ

Việc đào tạo ngụ ý một quá trình lâu dài, chú ý đến các “chu kỳ sống” khác nhau qua việc một người không ngừng tăng triển và làm việc. “Có một tinh thần trẻ trung kéo dài qua mọi thời đại; tinh thần này nảy sinh từ thực tế là ở mọi giai đoạn của cuộc đời, một người tìm kiếm và thấy một nhiệm vụ mới cần thực hiện, một cách thức cụ thể của con người về việc phục vụ và yêu thương.”[24]  Quá trình đào tạo trường kỳ phải đi vào xem xét các giai đoạn này, cùng với những cơ hội và thách thức đang hiện diện và thích ứng các giai đoạn ấy với chúng.[25]

Dù ít hay nhiều, giai đoạn những năm đầu tiên sau khi chịu chức hoặc đào tạo sơ khởi được thực hiện khác nhau ở các Tỉnh dòng khác nhau. Trong giai đoạn được gọi là “tuổi trưởng thành” nhắm tới gồm độ tuổi từ 45 đến 65, có thể cùng với sự trưởng thành cá nhân, có khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ, kèm theo đó là đôi khi lo sợ không thích nghi được với thời đại, và cảm giác về một thói quen nào đó, mệt mỏi và thất vọng vì đã không đạt được những mục tiêu mà lúc còn trẻ đã mường tượng. Vì lý do đó, việc đào tạo trường kỳ phải tập trung vào kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa hơn, cho phép phục hồi lịch sử cá nhân của một người trong ánh sáng Thiên Chúa, và coi hiện tại là một khoảnh khắc ân sủng, với hy vọng vào những năm sau này, tất cả sẽ là có thể với sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Điều đó cũng có khả năng xảy ra nhất là cộng đoàn đang sống và những nỗ lực tông đồ sẽ nhận ra nhu cầu đào sâu hơn, và lãnh hội các giá trị trong lối sống của chúng ta cho một cuộc “biến đổi lần thứ hai”, và một động lực tông đồ mới, cùng với việc thanh luyện một số khía cạnh nhân cách nào đó, và vì thế, làm cho người ta có thể dâng mình cho Thiên Chúa một cách chân thành và quảng đại hơn.[26] Đó là thời điểm thích hợp để gián đoạn công việc của một người và dành thời gian nghỉ ngơi cùng với việc cập nhật kiến thức học thuật và mục vụ, như là một sự chuẩn bị cho một bài sai cụ thể trong những năm tiếp theo. Khi thời điểm nghỉ hưu đến gần, một giai đoạn khác về đào tạo nhân bản và thiêng liêng cần phải có để mang lấy niềm vui và ý nghĩa lớn hơn trong thời điểm bớt dần sinh hoạt này. Một số kinh nghiệm tông đồ mới cũng có thể giúp người ta nhận biết sứ vụ, giúp dễ dàng kiểm soát độ tuổi này.

Việc chăm sóc các thành viên cao niên và đau yếu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của Tu Hội. Ngoài tình cảm và lòng biết ơn ra, chúng ta cảm thông và bày tỏ với các thành viên của Tu Hội, những người đã xả thân phục vụ Chúa trong thân phận người nghèo. Trong Tu Hội trong Giáo Hội, chúng ta cũng nói với họ điều đó vào lúc tuổi xế bóng của cuộc đời, họ có một sứ mệnh và vì lý do đó, họ cần phải sống giai đoạn này trong tình trạng của cuộc đào tạo trường kỳ. Các thành viên này là một phúc lành cho các Nhà và các Tỉnh dòng của chúng ta.[27] Điều đáng ao ước là các nhà truyền giáo cao niên Vinh Sơn vẫn ở trong một cộng đoàn tông đồ trong khi họ không cần sự trợ giúp ngoại thường nào, và họ có một công việc tương xứng với hoàn cảnh cá nhân của họ, để trải nghiệm giai đoạn về đời sống này điều Vịnh-gia nói về người công chính và so sánh người ấy với cây hương bá Li-băng: “Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: ‘Chúa thật ngay thẳng…’[28]

6. Kết luận

Bài suy tư này kết thúc bằng sự tổng hợp, tập hợp các khía cạnh thiết thực nhất để thực hiện quá trình đào tạo trường kỳ. Tất cả đều phải nhận trách nhiệm đào tạo đó với sự chân thành và quảng đại, vì đặc nét công việc tông đồ của chúng ta, sự tồn tại của nhiều công việc tông đồ của chúng ta và tương lai của việc chúng ta phục vụ Giáo hội phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo trường kỳ của chúng ta. Mỗi nhà truyền giáo Vinh Sơn phải tự vấn xem mình đang sử dụng tài năng Chúa ban cho mình theo cách thức nào, và đang chuẩn bị cho mình trở thành một công cụ thích hợp trong tay Thiên Chúa ra sao? Câu trả lời phải được diễn tả rõ ràng trong dự phóng của đời sống cá nhân mà thành viên ấy phải phân định với vị Bề trên địa phương. Theo cách tương tự, mỗi cộng đoàn phải soạn thảo một dự phóng bao gồm việc đào tạo trường kỳ như một phần cốt yếu, được Tỉnh dòng phê chuẩn. Thành viên Vinh Sơn phải sử dụng tốt hơn những phương tiện do Tu Hội cung cấp, chẳng hạn như việc linh hướng, đời sống bí tích và cầu nguyện, việc biện phân tông đồ cộng đoàn được nâng đỡ bởi một sự canh tân không ngừng và bằng những phương tiện huấn luyện tông đồ và mục vụ, qua việc siêng năng nghiên cứu và suy tư cá nhân, những thời gian nghỉ ngơi được chuẩn bị và tổ chức tốt, và tham gia vào các nhóm họp khác nhau ở cấp Tỉnh dòng, Khu Vực và Tu Hội. Những buổi họp này phải luôn có các yếu tố nghiên cứu và suy tư về một số chủ đề chuẩn bị cho một cam kết tông đồ tốt hơn và trọn vẹn hơn.

Việc đào tạo sơ khởi các thành viên của chúng ta phải chuẩn bị cho nhà truyền giáo Vinh Sơn luôn sống tính năng động của việc đào tạo. Đó là đảm bảo việc đào tạo toàn vẹn, trường kỳ trong sự trung thành sáng tạo đối với sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao cho Tu Hội Nhỏ Bé.[29]


[1] Trong các tài liệu của Tu hội và Giáo Hội, các từ ngữ “đào tạo trường kỳ”“thường huấn” hầu như được sử dụng với cùng một ý nghĩa. Có người thực hiện phân biệt và điều đó có thể hữu ích: họ thích dùng từ ngữ “đào tạo trường kỳ” để nói đến việc đào tạo với tư cách là một tiến trình liên tục và tiến triển của sự hội nhập cá nhân và tông đồ; và “thường huấn” khi người ta nói về các giai đoạn đào tạo chuyên sâu thỉnh thoảng diễn ra trong đời và bên ngoài cộng đoàn của chính một người, như được coi là thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, các khóa học, các buổi hội thảo và việc tham gia các cuộc hội họp khác nhau.

[2] Xem Perfectae Caritatis (Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu-PC), số 18 và Optatam Totius (Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục-OT), số 22. Khái niệm về giáo dục và đào tạo ở phạm vi dân sự đã phát triển từ một mô hình học thuật sang chức nghiệp, phần lớn giảm giáo dục hoặc đào tạo xuống lĩnh vực chuyên môn và kỹ thuật, và sẽ được thực hiện một lần trong đời, xuống một mô hình khác xem xét mọi khía cạnh của con người và sự phát triển tổng thể của người ấy. Trong phạm vi Giáo hội, chúng ta đã chuyển từ một khái niệm đào tạo, vốn cũng nhấn mạnh một cách căn bản về học thuật, và được đưa ra trong những năm đầu tiên của chủng viện hoặc đời sống tu trì, sang một mô hình đào tạo tập trung vào toàn thể con người và được phát triển xuyên suốt toàn thể đời sống của người ấy; x. Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu – PC, số 18. Kể từ Công đồng Vatican II, các tài liệu khác nhau về đào tạo linh mục, đời sống tu trì và thánh hiến đã nhấn mạnh và phát triển khái niệm đào tạo toàn diện, toàn thể và trường kỳ.

[3] Tổng Đại hội lần thứ 38 của Tu hội Truyền giáo (tháng 07/1992, tại Rôma), Thư gửi các thành viên, các Cộng đoàn mới, số 04, trong tạp chí Vincentiana 4-5, (Tháng 07-10/1992) số 367.

[4] Khái niệm về đào tạo này được diễn tả một cách rõ ràng trong các văn kiện khác nhau của Giáo hội về việc đào tạo đối với đời sống thánh hiến; x. Essential Elements in the Church’s Teaching on Religious Life As Applied to Institutes Dedicated to Works of the Apostolate, 46; OT, 22; Basic Norms for the Formation of Priests, 100; Vita Consecrata (VC), 65.

[5] Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay-PDV), Đức Giáo hoàng khẳng định rằng việc đào tạo trường kỳ là sự kéo dài thêm tự nhiên và cần thiết của quá trình xây dựng nhân cách đã bắt đầu từ việc đào tạo sơ khởi… Việc đào tạo trường kỳ được chuẩn bị bởi việc đào tạo sơ khởi thúc đẩy và đảm bảo các điều kiện cho sự hiện thực hóa việc đào tạo trường kỳ (x. 71).

[6] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói về sự trung thành sáng tạo và năng động trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến – VC, số 37.

[7] x. 2 Tm 1, 6; Potissimum Institutioni (Văn kiện về việc đào tạo trong các dòng tu-PI), số 67; Tông huấn Pastores Dabo Vobis (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay – PDV), số 07.

[8] x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 65 và 69. Về phần các linh mục, Đức Giáo hoàng quả quyết rằng, nền tảng thích hợp và động lực ban đầu cho việc đào tạo trường kỳ được bao hàm trong tính năng động của Bí tích truyền chức thánh (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay – PDV), số 70.

[9] Tông huấn Đời sống Thánh hiến – VC, số 65.

[10] x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến – VC, số 71. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Hậu-Thượng Hội đồng, Vita Consecrata, đưa ra năm chiều kích của việc đào tạo trường kỳ này, tiếp tục và cụ thể hóa các định hướng đã có trong một số văn kiện của Giáo hội về việc đào tạo tu sỹ, đặc biệt trong các Chỉ thị về Đào tạo trong các Dòng tu (PI) và Đời sống Huynh đệ trong Cộng đoàn (VFC).

[11] “Đối với mọi người, cộng đoàn tu trì là nơi và môi trường tự nhiên của tiến trình tăng trưởng, nơi tất cả mọi người trở nên đồng trách nhiệm đối với sự tăng trưởng của người khác”. VFC, 43; cũng xem VC, 67 và PI, 27.

[12] x. VFC, số 43.

[13] Trong văn kiện của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Sống Thánh Hiến, Liên Hiệp Các Bề Trên Tổng Quyền khẳng định rằng, một mô hình cộng đoàn tông đồ mới đang xuất hiện, đặt tầm trọng hơn đến các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, và “mô hình cộng đoàn truyền thống, chủ yếu dựa trên việc tuân thủ và cấu trúc dòng tu, đang nhường chỗ cho một đời sống huynh đệ sâu sắc hơn… Chiều kích truyền giáo của cộng đoàn đã được tái khám phá… với một phong cách mới về sự  linh hoạt và thẩm quyền và với nhiều trách nhiệm hơn, quý chuộng một nền linh đạo mới và một cảm thức tông đồ mới.” Các Đặc sủng trong Giáo hội cho Thế giới, Văn kiện cuối cùng, 2.2.

[14] VFC, 43

[15] Để tìm hiểu về phần đầu của chương trình, x. JOHN RYBOLT, “Trung tâm Đào tạo Quốc tế: Saint Vincent de Paul,” trong tạp chí Vincentiana 04-05 (từ tháng 07 đến tháng 10 năm 1996), 390-396; quy chế và chương trình của nó, x. “Trung tâm Đào tạo Quốc tế: St. Vincent de Paul (CIF),” trong tạp chí Vincentiana, số 02 (từ tháng 03 đến tháng 04 năm 2000), 144-147; một báo cáo hoạt động, x. JOHN RYBOLT, “Báo cáo về Trung tâm Đào tạo Quốc tế: Saint Vincent de Paul (CIF),” trong tạp chí Vincentiana, số 03 (tháng 5-tháng 6 năm 2002), 226-231.

[16] “Văn phòng Quốc tế về Nghiên cứu Vinh Sơn (S.I.E.V.),” trong tạp chí Vincentiana, số 02 (tháng 03 đến tháng 04 năm 2000), 139-141.

[17] Hiến pháp của chúng ta ghi lại rằng: “Mỗi cộng đoàn phải nỗ lực soạn thảo một dự phóng cộng đoàn, theo Hiến pháp, Quy chế và Quy tắc Tỉnh” (số 27). Dự phóng này sẽ trình bày đúng trật tự đời sống và việc làm của chúng ta, việc tổ chức các cuộc họp cộng đoàn, và việc lượng giá định kỳ đời sống và hoạt động của chúng ta. Sự biên soạn lại hiến pháp này được bổ sung bởi Quy chế rằng: “Trong khả năng có thể, dự phóng cộng đoàn mà mỗi cộng đoàn tự vạch ra cho mình vào đầu năm làm việc của mình, phải gồm có tất cả những điều sau đây: hoạt động tông đồ, cầu nguyện, sử dụng của cải, đời chứng tá của Kitô hữu nơi chúng ta làm việc, việc đào tạo trường kỳ, thời gian suy tư nhóm, thời gian cần thiết để nghỉ ngơi và nghiên cứu, và nội quy ngày sống. Tất cả những điều này phải được sửa đổi cách định kỳ”, (số 16).

[18] “Hiểu theo một nghĩa nào đó, từng linh mục một phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ của mình trong Giáo Hội. Bổn phận trung thành với ân huệ của Thiên Chúa và với sự năng động của việc hoán cải thường nhật phát xuất từ chính ân huệ, như được bén rễ trong bí tích Truyền Chức Thánh, là bổn phận mà trong thực tế mỗi một linh mục phải tự mình gánh mang. Các qui tắc hoặc các tiêu chuẩn của quyền bính Giáo Hội về vấn đề này, cũng như gương sáng của các linh mục khác không đủ để làm cho việc đào tạo trường kỳ có sức lôi cuốn, nếu như mỗi một linh mục không tự mình xác tín về sự khẩn thiết của việc đào tạo ấy, và không tự quyết định để đề cao giá trị của những cơ hội, những thời giờ và những phương thức dành cho việc đào tạo ấy”(Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay – PDV, số 79).

[19] x. ROBERT P. MALONEY, Thư gửi các Giám Tỉnh của Tu hội Truyền giáo (12/06/1999), trong tạp chí Vincentiana, số 06 (11-12 1999), tr 391-393.

[20] Hội nghị các Giám Tỉnh vùng Châu Á-Thái Bình Dương (APVC); Hội nghị các Giám Tỉnh vùng Châu Âu về Truyền giáo (CEVIM); Hội nghị các Tỉnh dòng Vinh Sơn vùng châu Mỹ-Latinh (CLAPVI); Hội nghị các Giám Tỉnh Phi châu và Madagascar (COVIAM) và Hội nghị Quốc gia của các Giám Tỉnh tại  Mỹ (NCV).

[21] Ủy ban Nghiên cứu Vinh Sơn tại Côlômbia (CEVCO); Trung tâm Linh hoạt Vinh Sơn (CAVI) tại Pê-ru; Trung tâm Linh hoạt và Truyền giáo Vinh Sơn (CAVIM) tại Chi-lê; Viện Nghiên cứu Vinh Sơn (VSI) tại Mỹ; Nhóm Nghiên cứu Vinh Sơn tại Trung-Âu (MEGVIS); Nhóm Linh hoạt Vinh Sơn (GAV) tại Italia; Tuần Nghiên cứu Vinh Sơn (GRAV) tại Salamanca (Tây Ban Nha); Nhóm Nghiên cứu và Linh hoạt Vinh Sơn (GRAV) tại Pháp; Văn phòng Quốc tế về Nghiên cứu Vinh Sơn (SIEV), Trung tâm Đào tạo Quốc tế (CIF) tại Pari; Chúng tôi đã giới thiệu bài báo của EMERIC AMYOT D’INVILLE, “The Structure of Vincentian Studies and Animation,” trong tạp chí Vincentiana, số 02 (03-04-2000), tr 128-138.

[22] Chúng ta có thể nói rằng, trong số những phương tiện đơn giản và dễ tiếp cận cho lòng trung thành sáng tạo của chúng ta mà chúng ta có: Thánh lễ hàng ngày, việc cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn, bí tích hòa giải, linh hướng, tĩnh tâm hàng tháng, các cuộc họp nghiên cứu, tông đồ, truyền giáo, v.v… Tất cả những điều này thúc đẩy chúng ta hướng tới việc thăng tiến trong sự trung thành sáng tạo, và những điều này phải có một vị trí đặc quyền trong dự phóng cá nhân và cộng đoàn của chúng ta. Chúng ta hãy tự vấn, chúng ta có thực sự sử dụng những phương tiện đơn giản và bình thường này như chúng ta phải làm để việc đào tạo trường kỳ phù hợp với đời sống cộng đoàn của chúng ta chưa? Và chúng ta phải làm gì để sử dụng chúng tốt hơn?

[23] General Curia, Hướng dẫn Thực hành cho vị Giám Tỉnh, Rôma, 1998, số 106.

[24] Tông huấn Đời sống Thánh hiến-VC, số 70.

[25] Đức Giáo hoàng phân biệt các thời kỳ hoặc chu kỳ sống sau đây: 1) những năm đầu tiên dấn thân trọn vẹn vào hoạt động tông đồ; 2) thời kỳ tiếp theo, có thể biểu thị nguy cơ mệt mỏi, sống theo thói quen và thất vọng khi đạt được kết quả sơ sài; 3) độ tuổi trưởng thành, với nguy cơ của chủ nghĩa cá nhân, sự thiếu linh hoạt, vị kỷ và lo sợ không thích nghi được với thời thế; 4) khi cao niên, được đặc trưng bởi sự suy giảm sức mạnh thể chất và tinh thần, và bớt dần sinh hoạt; và 5) khoảnh khắc nên một với giờ phút quan trọng nhất trong cuộc khổ nạn của Chúa. Đức Giáo hoàng cũng nói về những lúc khủng hoảng, khi khó lòng trung thành hơn, và khẳng định sự cần thiết của một vị Bề trên và sự trợ giúp đủ khả năng của một người anh em. Những lúc thử thách này “sẽ hiện ra như một phương tiện đào tạo trong tay Chúa Cha an bài sắp đặt, như một chuộc chiến không chỉ có tính cách tâm lý của cái tôi đối diện với chính mình và với những yếu đuối của mình, mà còn có tính cách đạo đức, vì hàng ngày mang dấu hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của thập giá” x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến – VC, số 70.

[26] x. Tông huấn Đời sống Thánh hiến – VC, số 70

[27] “Các thành viên bệnh tật, đau yếu, cao niên phải có một vị trí đặc biệt trong thâm tâm chúng ta, vì sự hiện diện của học là một phúc lành trong các Nhà của chúng ta. Do đó, ngoài chăm sóc y tế và quan tâm cá nhân, chúng ta phải cung cấp cho họ những phương tiện để họ cùng chia sẻ cuộc sống thường ngày cũng như việc tông đồ của chúng ta” (HP 26, § 1).

[28] Tv 92, 15-16. Vào “giai đoạn thứ ba”, vẫn có thể tổ chức một số hội nghị nâng đỡ tinh thần thích ứng với nhịp sống về nhân loại và tông đồ, điều này có thể giúp thành viên cao niên và đau yếu vẫn linh hoạt trong giới hạn sức khỏe của họ,và nâng đỡ họ trong những khó khăn và đồng hành với họ, để họ không sa chước cám dỗ của sự thiếu quan tâm, hờ hững và cô lập.

[29] Chúng ta được mời gọi để canh tân việc đào tạo trường kỳ trong Tu hội. Chúng ta đã bắt đầu một nghiên cứu nho nhỏ để hiểu thực tế của chúng ta về phương diện này. Khi đến lúc, chúng tôi sẽ cho anh em biết kết quả, và kết quả đó sẽ khuyến khích chúng ta canh tân việc đào tạo này.