João Maria Barbosa Lemos, CM
1. Xác định chủ đề
Thay vì những nghiên cứu dài dòng và sâu sắc về việc canh tân đại phúc Vinh Sơn, chúng tôi sẽ cố gắng chia sẻ với anh em kinh nghiệm của chúng tôi ở Bồ Đào Nha, liên quan đến một nhóm truyền giáo Vinh Sơn, gồm các cha Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái và giáo dân.
Sau khi nghe về “Vai trò của người giáo dân trong cuộc đại phúc”, chúng tôi sẽ tập trung đóng góp phần khiêm tốn của mình vào đề tài “Làm việc chung – tầm quan trọng của các mối tương quan trong nhóm.” Vì lẽ đó và để không bị lạc khỏi chủ đề này, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng trung thành với sơ đồ được trình bày bởi cha Luis María Martínez San Juan, một thành viên của Ủy Ban Trù Bị cho Tháng Vinh Sơn.
2.1 Chúng tôi là những ai?
Đội ngũ của chúng tôi gồm: Cha João Maria Barbosa Lemos; sơ Maria do Carmo (Nữ Tử Bác Ái), một y tá; và hai giáo dân là Maria Irène đến từ Lousado-Porto và Maria Ottilie đến từ Faro-Algarve.
2.2 Suy nghĩ về động cơ thúc đẩy chúng tôi
Ở đây, chúng tôi xin tóm lại những điều mà bằng cách này hay cách khác, đã đưa chúng tôi đi vào kinh nghiệm của các nhóm truyền giáo hỗn hợp:
2.2.1 “Cuối cùng, các thành viên cần giúp hàng giáo sĩ và giáo dân làm việc chung với nhau, và nâng đỡ nhau trong quá trình xây dựng cộng đoàn Kitô hữu” (HP 15, 3).
2.2.2 “Trong các sáng kiến tông đồ, các Tỉnh dòng và các Nhà riêng biệt phải sẵn lòng làm việc trong sự cộng tác huynh đệ với nhau, với hàng giáo sĩ giáo phận, với các Dòng tu và với giáo dân” (QC 3).
2.2.3 Các Nữ Tử Bác Ái của Tỉnh dòng Bồ Đào Nha đã cảm thấy được mời gọi bởi tinh thần cộng tác và góp phần vào hoạt động truyền giáo chung này. Các chị đã thực hiện những bước đầu trong công việc chung này với những kết quả rất tốt đẹp.
2.2.4 Các giáo dân đã cởi mở nhiều hơn đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, họ ý thức rằng điều đó cũng như sự tham gia của họ là một phần trong ơn gọi của họ khi chịu Phép Rửa, vì qua Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều là nhà truyền giáo.
2.2.5 Tất cả những điều này đã khiến các linh mục của Tu Hội Truyền Giáo, các Nữ Tử Bác Ái và giáo dân, đặt hết tâm trí của họ vào hoạt động loan báo Tin Mừng chung. Hoạt động này mang lại chứng tá lớn lao hơn cho Giáo Hội.
2.3 Sự tham gia của giáo dân vào nhóm truyền giáo
Một thời gian trước đây ở Bồ Đào Nha, các sơ Nữ Tử Bác Ái đã bắt đầu tham gia vào các cuộc đại phúc cùng với các linh mục của Tu Hội Truyền Giáo.
Vào năm 1988, người giáo dân ở đây đã bắt đầu tham gia vào các cuộc đại phúc và đạt được những kết quả tốt. Ngày nay, nhóm đại phúc Vinh Sơn mới mẻ này thường bao gồm một linh mục Tu Hội Truyền Giáo, một Nữ Tử Bác Ái, và một người nam hoặc nữ giáo dân. Khi vì lý do này hay lý do khác mà không có một Nữ Tử Bác Ái, thì sẽ có hai nữ giáo dân có thể cộng tác với vị linh mục. Tương tự như thế, khi không có giáo dân, thì hai chị Nữ Tử Bác Ái có thể cộng tác với vị linh mục. Nhưng thông thường và lý tưởng thì đội ngũ này gồm một linh mục, một Nữ Tử Bác Ái, một người nam hoặc một người nữ giáo dân. Do đó, đội ngũ này mang tính Giáo Hội hơn và có tính dấu chỉ cao hơn: đội ngũ đó mang lại chứng tá tốt đẹp hơn, nó cho thấy cách tỏ tường hơn rằng Giáo Hội có tính truyền giáo. Tóm lại, đội ngũ đó có ảnh hưởng sâu xa hơn đến tính năng động đặc trưng của cuộc đại phúc. Đội ngũ đó cho thấy một cách đầy đủ và tốt đẹp hơn rằng, hoạt động truyền giáo được thực hiện bởi mọi người, với mọi người và nhắm đến mọi người.
Đã có rất nhiều các cuộc đại phúc được thực hiện theo nhóm. Các cuộc đại phúc đó thường được các giám mục và/hoặc các linh mục quản xứ thỉnh cầu. Những vị này coi các cuộc đại phúc ấy là đỉnh cao của việc loan báo Tin Mừng.
2.4 Hoạt động truyền giáo được thực hiện theo nhóm
Đây là một kinh nghiệm rất phong phú và tích cực. Tại sao như vậy? Vì:
-
- Trong cuộc đại phúc, người ta nhận được nhiều hơn là cho đi: “Chính khi hiến thân là khi nhận lãnh.”
- Đó là sự chia sẻ cầu nguyện, chia sẻ đức tin sống động và chia sẻ công việc chung.
- Cuộc đại phúc mang lại một cơ hội tốt hơn để đáp ứng các thách đố và nhu cầu khác nhau, phát sinh từ thực tế của cuộc đại phúc.
- Thành phần đa dạng của đội ngũ này giúp đội dễ dàng tiếp xúc với người đang được loan báo Tin Mừng hơn, tuy nhiên, thực tế có thể khá phúc tạp.
- Cuộc đại phúc làm vang vọng trong đời sống những lời Tin Mừng: “Chúa đã sai họ ra đi từng hai người một.”
Các kết quả từ nhóm đại phúc này nói chung là rất tích cực và vô cùng thú vị. Điều đó không có nghĩa là không phát sinh các vấn đề hoặc những khó khăn cố hữu trong việc sống theo nhóm hay đội. Thật đáng ngạc nhiên nếu như không có những khó khăn ấy.
Tuy nhiên, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, các khó khăn có thể khắc phục, các chướng ngại có thể vượt qua, và sự hợp nhất sẽ xuất hiện. Trong viễn cảnh này, những va chạm và xung đột có thể được giải quyết một cách dễ dàng.
2.5 Những thái độ phải vun trồng trong một cuộc đại phúc
Để tránh chỉ hành động một cách hởi hợt:
-
- Chúng ta không bằng lòng với việc chỉ “đánh bóng vẻ bên ngoài”. Cần phải hồi sinh đức tin của mọi người, để đức tin của họ có thể soi sáng cho các vấn đề của họ.
- Chúng ta không chỉ đơn giản tìm cách giải quyết các vấn đề thực tế trước mắt, mà đúng hơn, phải tìm kiếm một sự hoán cải đích thực theo Tin Mừng.
- Chúng ta muốn thấy sự hoán cải của các tác nhân làm cuộc đại phúc (giáo dân, các linh mục và các truyền giáo).
2.6 Quy luật sống trong cuộc đại phúc
Chúng ta không phải là:
a) “Những con người tốt lành”, những vị cứu tinh, những người hiểu biết.
b) “Những người bán hàng” tìm kiếm bất cứ giá nào để bán hàng hóa của mình.
c) ‘Những nhà báo thọc mạch” đang săn tìm tin tức.
d) Mục đích của chúng ta không phải là đưa ra các bài giảng, bởi vì chúng ta muốn tránh sự ràng buộc và sự bất khoan dung.
e) Chúng ta không muốn mang đến cho những người được viếng thăm một ác cảm về đức tin, về giáo xứ và về cuộc đại phúc.
Chúng ta là:
a) “những người bạn được lôi kéo để phục vụ, không vì lý do nào khác và không đòi đền đáp,” giống như Đức Giêsu.
b) Như Đức Giêsu, chúng ta ra đi gặp gỡ mọi người, đưa cho họ một lời mời gọi, chứ không áp đặt họ. Chỉ có đời sống của chúng ta mới có thể thuyết phục họ.
c) Như Đức Giêsu, chúng ta là những sứ giả Tin mừng: “Bình an cho nhà này”.
d) Như các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, chúng ta là những Kitô hữu. Chúng ta là những nhà truyền giáo, đầy xác tín và vui mừng.
e) Chúng ta tin vào một Thiên Chúa là Đấng Nhân Lành và là Cha; chúng ta tin tưởng rằng tâm hồn con người về cơ bản là tốt lành.
f) Tóm lại, chúng ta tìm kiếm một phong cách Tin Mừng đơn sơ, khiêm nhường, hòa nhã và khôn ngoan.
3. Tinh thần của nhóm ở ba giai đoạn đại phúc
3.1 Thời gian chuẩn bị: Tiền đại phúc
Nhóm truyền giáo, một khi được thiết lập, nhắm đến:
-
- Nuôi dưỡng tinh thần nhóm ngay cả khi cách biệt.
- Cầu nguyện cho cuộc đại phúc sắp diễn ra.
- Am hiểu về thực tế nơi tổ chức cuộc đại phúc, ít nhất là qua nghiên cứu của linh mục quản xứ và/hoặc qua đội ngũ giáo dân địa phương.
- Liên lạc với thực tế nơi tổ chức cuộc đại phúc, nếu không phải bởi tất cả các thành viên của nhóm, thì ít nhất là bởi vị điều phối viên hoặc các thành viên gần với địa phương đó nhất.
- Nhóm thông tri và chuẩn bị càng nhiều càng tốt cho các giai đoạn khác nhau của cuộc đại phúc.
3.2 Trong thời kỳ tâm điểm của cuộc đại phúc
Chúng ta cố gắng:
-
- Sống tinh thần đồng đội, mỗi người chấp nhận hoàn cảnh của mình, và phát huy hết khả năng riêng biệt của mình: “Mình vì mọi người và mọi người vì mình”.
- Cầu nguyện theo nhóm hoặc cùng với các nhóm khác nếu có nhiều nhóm.
- Lập kế hoạch và đánh giá công việc từng ngày.
- Dùng bữa chung theo nhóm, thông thường và tốt nhất là với các gia đình.
3.3 Các hoạt động trong thời kỳ tâm điểm của cuộc đại phúc
Giai đoạn đầu tiên: Gặp gỡ. Nhà truyền giáo, đến từ bên ngoài, thực hiện việc gặp gỡ mọi người. Ngài đi thăm viếng các gia đình, trò chuyện thân mật với họ. Sự chuẩn bị này sẽ tiếp tục với việc đào tạo các linh hoạt viên.
Giai đoạn thứ hai: Lời Chúa. Chúng ta công bố Sứ điệp Lời Chúa, Tin Mừng, bằng một cách thức rất đơn giản, lưu tâm đến tuổi tác và những khác biệt khác nữa.
Giai đoạn thứ ba: Các cuộc họp nhóm. Những người hàng xóm và bè bạn gặp gỡ nhau tại các tư gia. Thông thường, một người trong nhóm sẽ linh hoạt cuộc đối thoại tại tư gia của người ấy. Chính Đức Kitô đến hiện diện. Chúng ta không quên giúp các bệnh nhân có thể tham gia, nhiều bao nhiêu có thể.
Giai đoạn cuối cùng: Cộng đoàn dân Thiên Chúa. Tất cả mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm và hợp nhất trong mục tiêu làm sống lại nhận thức về sự hiện diện của Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành.
3.4 Hậu đại phúc – hoàn cảnh hiện nay
Hậu đại phúc này kéo dài một năm.
Chúng ta cố gắng hướng sự chú ý đến Giáo Hội như là thực thể truyền giáo, chăm lo cho người nghèo và công bình xã hội.
Có một hội nghị với các linh hoạt viên vào khoảng giữa năm. Hội nghị này chủ yếu giải quyết đề tài “Sư phạm Kitô giáo” hoặc một đề tài nào đó nếu được xem xét là phù hợp hơn.
Vào cuối năm Hậu đại phúc, một hội nghị diễn ra trong hai hoặc ba ngày tại nơi được làm đại phúc với tất cả các nhóm nếu có thể.
4. Tầm quan trọng của chủ đề cho cuộc đại phúc mới
4.1 Giáo Hội
Nhóm đại phúc làm chứng tá cho các đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Nhóm ấy làm chứng cho một thiện ý cao cả về sự sẻ chia, hiệp thông và hợp nhất. Đội ấy cấu thành một thách đố: các Linh mục, các Nữ tu và Giáo dân: tất cả chúng ta được mời gọi đến với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.
4.2 Mục vụ
Sẽ dễ dàng thực hiện đại phúc hơn nếu ta tiếp cận được các hạng người khác nhau, bất kể họ là ai.
Chúng ta tìm cách đến với mọi người bằng các phương tiện như:
-
- gặp gỡ trực tiếp
- gặp gỡ nhóm nhỏ
- công bố Tin Mừng ngang qua việc rao giảng và đối thoại
- cử hành các nghi thức, các giờ cầu nguyện và phụng vụ các Bí tích
- thăm viếng người nghèo và người túng thiếu.
4.3 Vinh Sơn
Qua việc công bố niềm vui về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất, Đấng được sai đến bởi Chúa Cha, Đấng đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.
4.4 Các định hướng khả thi cho các cuộc đại phúc Vinh Sơn
-
- Một kinh nghiệm phong phú được phát triển và sinh hoa trái.
- Phải chú ý đưa ra một sự chuẩn bị đặc thù cho các tham dự viên khác nhau, để mỗi người có thể đảm nhận vai trò riêng biệt của mình.
- Cũng cần phải chú ý đến việc học hỏi những năng động của tinh thần đồng đội, để cuộc Đại phúc ngày càng trở nên dấu chỉ chứng tá: “hãy xem họ yêu thương nhau làm sao” và “họ có một trái tim và một tâm hồn”.
4.5 Cách tiếp cận này đáp ứng các vấn đề của những người thờ ơ lãnh đạm như thế nào?
Sự phản hồi và khảo sát sơ bộ đưa ra ý tưởng về thực tại cụ thể, bao gồm cả sự thờ ơ lãnh đạm, sẽ không bao giờ được xem nhẹ. Chúng ta phải duy trì sự nhạy cảm đối với hoàn cảnh thực tế:
-
- bằng việc làm chứng cho sứ điệp của chúng ta, tình liên đới thiết thực, niềm vui của chúng ta trong việc gần gũi với mọi người;
- bằng đời sống cầu nguyện của chúng ta. Khi cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin cho chính điều đó;
- bằng việc giữ tiếp xúc với tất cả những hạng người ít được giúp đỡ: bệnh nhân, người già, người nghèo, người nghiện.
- bằng việc thường xuyên dùng bữa với các gia đình: điều đó giúp phá vỡ những lạnh nhạt, xua tan các rào cản và định kiến, giải quyết các xung đột;
- bằng cách đưa ra các chứng từ cá nhân về niềm vui, sự đơn sơ và tình liên đới với tất cả mọi người;
- bằng cách đi ra để gặp gỡ mọi người bất kể hoàn cảnh cụ thể của họ thế nào, chủng tộc hay màu da của họ ra sao.
- bằng cách cổ võ việc thói quen mời gọi những người bị coi là xa lạ với Giáo Hội “thử tham gia” cuộc đại phúc.
5. Chủ đề này được hiểu như thế nào?
Các truyền giáo. Có những nhà truyền giáo không còn biết bất cứ cách thức đại phúc nào khác ngoài nhóm hỗn hợp. Những nhà truyền giáo khác thì vẫn trung thành với lập trường cá nhân của họ. Nói cách khác: một số bằng lòng làm việc theo nhóm, tham gia và cộng tác như là một sự phong phú thêm. Một số khác dường như coi đó như là một trở ngại, vì họ thích làm việc một mình hơn.
Các linh mục và giáo dân mà chúng ta đang hướng dẫn. Nhìn chung, họ có suy nghĩ rất tích cực về chúng ta. Họ thấy nơi chúng ta một dấu chỉ của Giáo Hội, một nhóm thuộc Giáo Hội đưa ra đời chứng tá tốt hơn, một tổng hợp các đặc sủng trong việc loan báo Tin Mừng. Một số người thấy mình bị thách thức: “Người phụ nữ này sẽ đến vì cô ấy không biết làm gì, đúng không? Vậy thì tại sao cô ấy lại đến?”
Người nghèo. Họ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của sự hiện diện của chúng ta, và những lời của Tin Mừng: “ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”; “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Từ đó, nảy sinh những cử chỉ sẻ chia, tình bạn, lòng biết ơn, dù họ nghèo.
Các Giáo phận và những người mang trách nhiệm mục vụ. Hẳn là chúng ta được hiểu và được chấp nhận bởi các Giám mục và các cha sở yêu cầu chúng ta thực hiện các cuộc đại phúc. Các linh mục quản xứ mời chúng ta chỉ sau khi thông báo cho Giám mục của mình.
6. Rút ra các kết luận khả thi
6.1 Vì một cuộc Tân Phúc Âm hóa trong thế kỷ 21
Làm việc theo nhóm truyền giáo sẽ thuận tiện cho việc Tân Phúc Âm hóa không chỉ ở tầm mức cá nhân, nhưng còn ở tầm mức nhóm người trong những hoàn cảnh và văn hóa đa dạng của họ. Các nhóm ấy sẽ được dẫn dắt để đào tạo các Cộng đoàn Giáo Hội trưởng thành, các công đoàn này sẽ tăng trưởng về đức tin và nhận ra ý nghĩa nguyên thủy tròn đầy của việc gắn bó với Đức Kitô và Tin Mừng của Người.
Việc đem Tin Mừng đến với những người vô tín và thờ ơ lãnh đạm sẽ dễ dàng hơn, bằng việc dẫn họ đi vào con đường khai tâm và gặp gỡ trong sự xác tín rằng, Thiên Chúa yêu thương từng người trong số họ và rằng, Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của tất cả chúng ta.
Một người giáo dân được đào tạo một cách sống động và thiết thực sẽ sẵn lòng tham gia và trở thành nhà truyền giáo.
Một khoá giáo dục về công bằng và liên đới, bao gồm những điều kiện nghèo đói và bất bình đẳng, sẽ được tổ chức bằng cách cố gắng đáp ứng những điều này thông qua các hành động của các cá nhân và các nhóm.
6.2 Giữ phong cách đại phúc của chúng ta luôn mới
-
- Tiếp tục lưu tâm đến các thực tại của xã hội.
- Đào tạo một giáo dân để họ nhận thức và dấn thân vào sứ vụ.
- Làm cho “cuộc đại phúc Vinh Sơn” năng động hơn với lửa nhiệt thành mới, các phương pháp mới và các kinh nghiệm mới.
7. Kết luận:
Chúng tôi đang cố gắng chia sẻ với anh em một chút về những gì đã được thực hiện cuộc tân đại phúc Vinh Sơn, theo như viễn cảnh đặt ra cho chúng tôi: “Làm việc chung với nhau, và các mối liên hệ trong nhóm đại phúc”. Chúng tôi không gắng sức bàn hết các khía cạnh của chủ đề này. Có lẽ vì thế mà chủ đề này không đáp ứng với điều anh em đang mong đợi. Chắc chắn vẫn còn nhiều nghi vấn đặt ra và biết bao đáp án cần tìm câu trả lời. Đó là điều chúng ta có thể làm lúc này, sau khi thông tri và chia sẻ các kinh nghiệm của chúng ta một cách rõ ràng. Xin lượng thứ cho tôi nếu tôi không đáp ứng với những mong đợi của anh em.