1. Các bài đọc
Bài đọc I: Is 55,10-11
Sách ngôn sứ Isaia: Lời Chúa sẽ đạt được chính mục đích.
Ðáp ca: Tv 64,10abcd. 10e-11. 12-13. 14
Thánh vịnh 64: chúc tụng vì sự giàu có của Người.
Bài đọc II: Rm 8,18-23
Thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma: cùng với tất cả thụ tạo, chúng ta chờ đợi ơn cứu chuộc của Chúa.
Tin Mừng: Mt 13,1-9 {hoặc 1-23}
Tin Mừng theo thánh Matthêu: Đức Giêsu nói rằng nước Thiên đàng thì như hạt giống được gieo trên đất tốt.
2. Chia sẻ
Dụ ngôn là thể văn rất quen thuộc đối với chúng ta. Có rất nhiều các câu chuyện dụ ngôn trong các sách Tin Mừng. Chữ dụ ngôn có nghĩa là so sánh. Đó là một câu chuyện ngắn, người kể thường dùng những hình ảnh quen thuộc trong thiên nhiên hoặc trong đời sống thường ngày để minh họa. Yếu tố đặc biệt của dụ ngôn là gây kinh ngạc và thắc mắc cho người nghe.
Hôm nay trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng sẽ được nghe một câu chuyện dụ ngôn rất hay. Đó là dụ ngôn người gieo giống. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để diễn tả về hình ảnh hay mầu nhiệm Nước Trời mà Ngài muốn giải thích cho dân chúng.
Kinh Thánh nói “Lời Chúa là lời hữu hiệu, sắc bén hơn cả dao hai lưỡi” (Dt 4,12). Hãy nhìn vào Bài đọc một khi chính Thiên Chúa nói về Lời của Người “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55,11).
Lời của Thiên Chúa không phải là những phát ngôn trống rỗng, nhưng đó là Lời mang lại kết quả cho đời sống. Và khi Lời đó được phát ra sẽ làm cho đạt được mục đích đã ủy thác. Từ đây ta có thể thấy, sức mạnh của Lời Chúa lớn lao biết chừng nào và lời này thật vĩ đại.
Trong bài Tin Mừng là cả một dụ ngôn dài về người gieo hạt giống. Dụ ngôn này bao gồm phần Đức Giêsu mô tả câu chuyện và phần kế tiếp là phần giải thích của Ngài dành cho các môn đệ, vì họ không hiểu hết được ý nghĩa của câu chuyện mà Chúa Giêsu muốn nói.
Từ những điều này chúng ta có thể đặt câu hỏi: tôi đã có thái độ nào với Lời Chúa trong cuộc sống? và Lời Chúa đã tác động đến tôi như thế nào?
Có thể sẽ cần nhiều thời gian để có thể trả lời rốt ráo hai câu hỏi này. Nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay chúng ta có thể nhận ra một vài điểm đáng chú ý.
Lời Chúa là lời mang sức sống
Lời Chúa thì khác hẳn với lời con người. Vì Lời Chúa không chỉ mang nghĩa nơi lời, nhưng Lời Chúa còn có một sức mạnh nội tại của lời. Vì thế, lời thế gian có hoa mỹ, có hay ho như thế nào đi nữa thì vẫn không thể so sánh với Lời Chúa. Vì Lời Chúa là lương thực cho linh hồn “người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Tự Lời Chúa sẽ mang lại sức sống cho người nghe “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).
Vậy đức tin dạy cho thấy Lời Chúa phải được đặt ở vị trí quan trọng trong đời sống. Vì đó là Lời Chúa nói với mỗi người và làm cho ta thêm sức sống.
Để dành một chỗ trong tâm hồn chúng ta cho Lời Chúa
Nơi dụ ngôn trong bài Tin Mừng, hạt giống đã phải đối đầu với 3 “rủi” là đất sỏi đá, đất bên vệ đường, và đất nơi bụi gai và chỉ có một “may” là “đất tốt”. Khi hạt giống rơi xuống đất tốt nó sẽ sinh hoa trái, dù ít dù nhiều khác nhau.
Có lẽ không người Kitô hữu nào mà lại không muốn nghe Lời Chúa hay đón nhận Lời Chúa vào trong tâm hồn của mình. Và cũng thế, không ai lại muốn biến tâm hồn mình thành mảnh đất khô cằn hay cứng cỏi hay đất bụi gai cho Lời. Tất cả đều muốn là đất tốt cho Lời.
Vì thế, mỗi ngày hãy dành đôi ba phút để được đón nhận Lời như đọc một đoạn Phúc âm hay một vài câu Kinh thánh hay ít ra như người ta thường làm, đó là mỗi ngày một câu Lời Chúa. Đó là cách gieo và cũng là cách đón nhận hạt giống và để cho hạt giống Lời sinh hoa trái trong tâm hồn.
Đồng thời cũng cần phải chú ý đến cung cách đọc Lời Chúa. Đọc Lời Chúa phải khác so với cách đọc tin tức hay đọc truyện hay đọc tiểu thuyết. Cần phải có thái độ đọc làm sao để Lời Chúa “thấm” vào tâm hồn, khắc ghi vào tâm trí và rồi tuôn chảy thành sự tốt lành trong đời sống. Thì đó cách đón nhận hữu hiệu và làm cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái thành hành động.
Luôn khát khao chờ đợi ơn cứu độ
Lời Chúa trong Bài đọc 2 hôm nay nhắc nhớ chúng ta về thực tại chúng ta đang sống. Đó là cùng với mọi loài thụ tạo chúng ta vẫn đang “những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). Đó là sự mặc khải về ơn cứu độ. Chính Ngôi Lời sẽ mặc khải điều ấy qua chính mình. Vì thế, khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa là khi chúng ta thể hiện lòng khao khát nội tâm của mình trước ơn cứu độ của Chúa. Chúng ta sẽ trông chờ để Lời đó dẫn chúng ta đến sự thật toàn diện.
Với những tâm tình trên, chúng ta nhận ra Lời Chúa trong đời sống chúng ta quan trọng như thế nào. Và chúng ta biết phải làm gì để đón nhận lời ấy và làm cho lời ấy sinh hoa kết quả trong tâm hồn chúng ta.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM