Đức Giáo Hoàng Phanxicô Ca Ngợi Thánh Vinh Sơn

0
991

(Trích lược lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi thánh Vinh Sơn trong Dịp lễ 27/09/2017)

Thánh Vinh Sơn Phaolô sinh năm 1581 gần vùng Dax và qua đời tại Paris năm 1660. Ngài là linh mục tận tâm tận lực lo cho người nghèo, cho người sống bên lề, người nô lệ, người khốn cùng. Vào thời đó, ngài đã can thiệp với nhà cầm quyền để họ giúp cho người nghèo. Năm 1617, ngài kêu gọi các phụ nữ ở Châtillon-sur-Chalaronne, trong vùng Ain, giúp đỡ những người sầu khổ. Đó là điểm khởi đầu cho hàng loạt các tổ chức từ thiện và hội dòng của ngài. Năm 1625, thánh Vinh Sơn thành lập Tu Hội Truyền giáo (còn được gọi là các cha Lazaristes), và  năm 1633, ngài thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác ái. Gia đình Vinh Sơn dấn thân làm việc thiện qua nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ thứ 19, chân phước Frédéric Ozanam thành lập Hội Bác Ái Vinh Sơn.

Trong thư tôn vinh vị thánh vĩ đại của nước Pháp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chiêm ngưỡng vị thánh “luôn lên đường tìm kiếm”, “tìm kiếm Chúa”, “tìm kiếm người nghèo”. Cha Vinh Sơn luôn luôn biết trải lòng mình ra với những người đang khát lòng thương xót, với những khuôn mặt đang thiếu thốn tất cả. “Cái nhìn của Chúa Giêsu đã tác động đến thánh Vinh Sơn Phaolô, đã mời gọi ngài không phải chỉ sống cho riêng mình mà ra đi phục vụ người nghèo không điều kiện, những người mà thánh Vinh Sơn gọi họ là Chủ, là Thầy của mình. Từ đó, cuộc sống của thánh nhân là cuộc đời phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Một lời trong Tin mừng đã nói lên ý nghĩa đời sống phục vụ của ngài: ‘Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”(x. Lc 4,18).

Với một ước muốn mãnh liệt làm cho người nghèo biết Chúa Giêsu, thánh Vinh Sơn Phaolô tận tâm tận tụy với việc loan báo Tin Mừng qua việc phục vụ người nghèo trong xã hội, chăm lo việc đào tạo các linh mục. Thánh Vinh Sơn Phaolô kêu gọi những người giàu giúp người nghèo, sống hiệp thông và dùng của cải của mình để giúp người nghèo, vì thánh nhân quan niệm  rằng ‘khi chúng ta đến với người nghèo là chúng ta gặp Chúa”

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến hạt giống nhỏ đã gieo năm 1617, bây giờ đã đã lớn lên thành “cây cao to lớn”, đó là gia đình Vinh Sơn gồm các Tu Hội, các hội từ thiện hiện diện trên toàn thế giới. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã ý thức rằng công việc của ngài không chỉ do một mình ngài, nhưng được xây dựng trong Giáo hội, với dân của Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh trong một bức thư: “Tôi quý trọng tính cách ngôn sứ của thánh Vinh Sơn Phaolô, khi ngài đề cao các đức tính phi thường của phụ nữ, trong sự nhạy cảm thiêng liêng cũng như nhân bản của thánh Louise de Marillac”.

Trong năm kỷ niệm 400 năm đoàn sủng Vinh Sơn, Đức Thánh Cha mời gọi: “Trong năm tạ ơn này, các con cháu thánh Vinh Sơn hãy đào sâu đoàn sủng của mình, một đoàn sủng luôn được vun xới từ nguồn. Khi anh chị em gặp những người có đời sống bấp bênh, bị tan nát vì quá khứ khó khăn, tất cả anh chị em được gọi để trở nên những tảng đá: nhưng không phải là các tảng đá cứng, không nhạy cảm với các đau khổ (…) nhưng là những tảng đá làm chỗ dựa vững chắc cho sóng gió bất thường của cuộc sống, để đương cự với nghịch cảnh”. “Xin Chúa gửi anh chị em đi khắp thế giới như hạt giống rơi vào mảnh đất khô cằn, để anh chị em mang niềm an ủi đến người bị tổn thương, toả sáng ngọn lửa đức ái sưởi ấm những quả tim bị chai đá vì bị bỏ quên, những quả tim khô cằn vì bị gạt ra bên lề”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu rõ: “Đức ái là con đường chủ đạo của giáo huấn xã hội của Giáo hội”. Ngài nhắc đến Hiến chế Lumen Gentium, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, “Giáo hội yêu thương chăm sóc những ai bị đau khổ do yếu đuối con người, nhận biết nơi người nghèo, người đau khổ hình ảnh của Đấng sáng lập Giáo hội, nghèo khó và đau khổ (…) và tìm cách phục vụ Chúa Kitô qua họ”. Thánh Vinh Sơn đã thực hiện tất cả những điều này trong suốt cuộc đời của ngài và bây giờ, ngài vẫn còn tiếp tục nói với từng người chúng ta cũng như với Giáo hội. Gương của ngài mời gọi chúng ta luôn lên đường, sẵn sàng để cái nhìn của Chúa Giêsu và lời Chúa làm chúng ta kinh ngạc.

Chớ gì gương của thánh Vinh Sơn thôi thúc chúng ta ra đi “đến những nơi chốn xa xôi và chúng ta dành thì giờ cho người nghèo, những người nghèo mới của thời buổi bây giờ, thông cảm với suy nghĩ và khó khăn của họ, vì một kitô hữu không tiếp xúc với người đau khổ là một kitô hữu không nhập thể, và không có khả năng đụng chạm vào thịt da của Chúa Kitô.

Cuối thư, Đức Phanxicô ngỏ lời với các thành viên gia đình Vinh Sơn: “Xin cho Giáo hội và cho anh chị em tìm thấy Chúa Giêsu nơi những người anh em khốn khó, đói khát, trần trụi, không còn nhân phẩm, người bệnh, người bị tù và cả ở những người đầy hoài nghi, u minh, đắm mình trong tội, hung bạo, hung hăng, quạu cọ. Và để anh chị em tìm được trong vết thương vinh quang của Chúa Kitô sức mạnh của đức ái, phúc thật của hạt giống chết đi để mang lại sự sống, sự phong phú của hòn đá bị tổn thương bật ra nguồn nước, niềm vui được thoát ra khỏi chính mình, và đi tới với thế giới, không hoài niệm quá khứ, nhưng với một lòng tin tưởng vào Chúa, có tinh thần sáng tạo trước các thách thức của ngày hôm nay và ngày mai vì, như vị thánh Tông đồ của Người Nghèo chia sẻ : “Tình yêu thì sáng tạo đến vô tận”.

BTT