Dưới ảnh hưởng của các biến cố, cuộc đời thánh Vinh Sơn được thay đổi

0
2371

Lm. Phêrô Nguyễn Công Tuấn, CM

Hành trình tâm linh của thánh Vinh Sơn phụ thuộc vào các sự kiện[1]. Quả thế, khi đọc lại các bút tích và cuộc đời của ngài, người ta đã phát hiện ra một loạt các biến cố nền tảng đã giúp ngài đắc thủ một định hướng quyết đoán và dứt khoát.

a. Hai kinh nghiệm mang tính cách thanh tẩy  

         Vào thời điểm đó, cũng như ngày nay, cuộc sống ở Paris đặt ra trước tiên vấn đề nhà ở.  May mắn thay, thánh Vinh Sơn tìm ra một “lãnh thổ”. Một trong các người đồng hương của ngài, thẩm phán của Sore (Landes), đã cho ngài cư trú. Một hôm, ông ấy bị ốm, nằm liệt giường. Một thanh niên tiệm thuốc tây đến để điều trị cho ông, và ăn cắp ít tiền của ông. Cha Vinh Sơn không thấy tiền, nhưng bị buộc tội ăn cắp. Cha bị trục xuất và thậm chí bị thẩm phán rượt đuổi trên đường phố và tại nhà bạn bè. Vụ việc thật tệ đến nỗi cha bị bạn bè khinh thường và họ chính thức yêu cầu cha đừng đến gặp họ. Các mối tương quan của cha bị phai nhạt dần: trong sáu tháng, cha phải chịu đựng sự im lặng trước một sự bất công như vậy. Gần năm mươi năm sau, cha mới nói ra tất cả giá trị tinh thần của sự kiện này:

          “Đôi khi Thiên Chúa muốn thử thách người ta, và vì điều đó, Chúa cho phép các cuộc gặp gỡ tương tự xảy ra[2].

          Cha đã trải nghiệm trong nội tâm của mình sự bất công mà người nghèo thường là nạn nhân mà không ai bênh vực cả. Sự kiện thanh lọc đầu tiên!

         Sau lời buộc tội bất công này, vào năm 1611, cha Vinh Sơn đã có một cuộc gặp gỡ quyết định: đó là một “cuộc gặp với một giáo sư thần học”[3], vị này đã bị cám dỗ nặng chống lại đức tin đến nỗi cha sợ ông ta sẽ chết trong tình trạng này.

          “[Vì liều lĩnh, hoặc vì lòng quảng đại, cha Vinh Sơn] hiến mình cho Chúa, trong ý hướng muốn ăn năn sám hối, để gánh vác – nếu không cùng các đau khổ đó (của vị giáo sư) – thì ít ra là (gánh vác) các hậu quả của sự công bằng mà Thiên Chúa thấy cần phải để cho thánh nhân chịu khổ đau. Về điểm này, thánh nhân noi gương tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng mang lấy các yếu nhược của chúng ta để chữa lành chúng ta, Đấng đã gánh chịu các tật nguyền mà chúng ta đã phải gánh chịu[4].

          Sau đó, chính thánh Vinh Sơn bị cám dỗ yếu lòng tin: ba hoặc bốn năm sống trong bóng tối nội tâm và đấu tranh tâm linh.

          Sự chấp nhận kép này – việc bị buộc tội trộm cắp và mang nỗi đau của người khác – đã thay đổi ước muốn của cha, thay đổi quan niệm của cha về mọi sự và về con người. Từ đó, thánh Vinh Sơn không chỉ nhìn vào người nghèo và người khốn khổ, mà ngài còn quan tâm săn sóc họ nữa. Sự khốn khổ của người khác sẽ không còn là đối tượng quan sát của cha nữa. Cha ngưng là một khán giả thờ ơ, để giao tiếp và đồng cảm với sự đau khổ của người khác, trong toàn bộ con người của cha và tất cả hành động của cha. Cha tìm ra giải pháp và phương thuốc cho những bất hạnh của chính mình qua sự hiến thân cho người nghèo[5]. Một sự thử thách mang tính giải thoát đã khiến cha vừa yêu người nghèo, vừa chống lại sự nghèo đói như chống lại một bệnh dịch. Sự tiến triển trong quyết định này sẽ mau chóng và tìm ra đỉnh điểm của nó vào năm 1617.

b. Hai biến cố la bàn  

          Do đó, sau khi được thanh tẩy và tâm hồn đã được chuẩn bị, thánh Vinh Sơn đối đầu với năm 1617, năm bản lề của cuộc đời ngài, với nhiều khám phá. Việc phục vụ người nghèo bắt đầu trở thành tối quan trọng trong cuộc đời của ngài. Như ngài sẽ nói một năm sau đó, sau một thời gian dài chuẩn bị, ngài đã tìm thấy con đường của mình: Lo cho phần rỗi của người nghèo ở nông thôn, đó là việc chính yếu của ơn gọi của chúng tôi, và tất cả phần còn lại chỉ là phụ”[6]. Hãy nghe ngài nói về các sự kiện năm 1617.

          1/ Ở Folleville

          “Một ngày nọ, người ta mời tôi đi giải tôi cho một người ốm nặng, người này là một người đàn ông tốt nhất trong làng, hoặc ít là một trong các người tốt của làng. Tuy nhiên, ông tự xưng các tội mà ông chưa bao giờ dám xưng khi đi xưng tội, khi ông tuyên bố lớn tiếng trước sự hiện diện của bà chỉ huy các chiến thuyền: ‘Thưa bà, tôi đã bị nguyền rủa, nếu tôi không xưng tội chung, do các tội trọng mà tôi đã không dám xưng’…”[7].

            Đó là vào tháng 01 năm 1617, việc đã xảy ra; và ngày lễ thánh Phaolô trở lại là ngày 25/01, người phụ nữ này đã xin tôi, cha Vinh Sơn kể, thuyết giảng trong nhà thờ Folleville để khuyến khích người dân đến xưng thú tội chung; và tôi đã làm như thế. Tôi trình bày cho họ tầm quan trọng và lợi ích của việc thú tội chung, và sau đó, tôi dạy họ cách làm tốt điều đó; và Thiên Chúa rất quan tâm đến sự tin cậy và đức tin tốt của người phụ nữ này (vì số lượng lớn và tội lỗi to lớn của tôi sẽ ngăn chặn kết quả của hành động này) mà Chúa chúc phúc cho bài giảng của tôi; và tất cả các người tốt này đã rất cảm động vì Chúa, đến nỗi tất cả họ đã đến để làm lời thú tội chung của họ. Tôi tiếp tục hướng dẫn họ và hướng họ vào các bí tích, và bắt đầu nghe họ xưng tội… Và đây là bài giảng đầu tiên của Tu Hội, và thành công mà Thiên Chúa ban cho vào ngày lễ thánh Phaolô trở lại; sự gì Thiên Chúa không làm mà không có kế hoạch cho ngày ấy[8].

          2/ Tại Chatillon

          Ngày 20/08/1617, “Một ngày Chủ nhật, khi tôi mặc áo để cử hành thánh lễ, người ta báo cho tôi rằng một ngôi nhà bị tách biệt với các nhà khác, cách đó một phần tư dặm, mọi người trong nhà đều bị bệnh, không còn một người nào để giúp đỡ các người khác, và tất cả đang ở trong tình trạng khốn khó mà tôi không nói ra được. Nó làm cho tôi xúc động lắm. Trong bài giảng, tôi kể tình trạng của họ cho giáo dân biết, và Chúa, chạm đến trái tim của các người lắng nghe tôi, khiến tất cả họ cảm thấy thương cảm cho người nghèo khổ. Sau bữa tối, người ta tập trung tại nhà của một người phụ nữ tốt bụng của thị trấn, để xem họ có thể giúp đỡ gì chăng, và mỗi người đều được sắp xếp để đi thăm và an ủi họ bằng lời nói của mình, và để giúp đỡ họ…và đó là nơi đầu tiên mà Hội Bác Ái được thiết lập[9].

Chính vào năm 1617, hành trình của thánh Vinh Sơn cuối cùng cũng sáng tỏ, ở Gannes-Folleville, sau đó là Châtillon-les-Dombes. Chính trên con đường của người nghèo mà Chúa Kitô kêu gọi và sai cha đi. Kể từ đó, thừa tác vụ linh mục của cha mới có ý nghĩa: bước theo Chúa Kitô, Đấng rao giảng tin mừng cho người nghèo, phục vụ Chúa Giêsu Kitô trong con người nghèo[10]. Từ các kiện này, cha rút ra một bài học kép: mục tiêu của cha phải là cứu linh hồn và giải thoát người nghèo khỏi muôn vàn cơ khổ. Sự chuẩn bị lâu dài của cha đã thực sự mang đến cho cha một định hướng rõ nét: một khuôn khổ tinh thần vững chắc cho phép cha tự mở ra cho ân sủng thiêng liêng, thông qua cầu nguyện, nguyện gẫm và quên mình.

c. Các cuộc gặp gỡ – biến cố

  • Không thể bỏ qua những cuộc gặp gỡ quan trọng mà, lúc này hay lúc khác, đã đánh dấu cuộc đời của thánh Vinh Sơn. Đây là một số trong nhiều người khác:
  • Cha Bérulle, người đã ảnh hưởng đến thánh Vinh Sơn cho đến khi thành lập Tu Hội Truyền Giáo. Về người sáng lập Dòng Thuyết Giảng, ngài nói: “Cha có được một sự thánh thiện và một sự hiểu biết vững chắc, đến nỗi người ta hiếm khi tìm thấy một người tương tự”[11].
  • Cha Duval, cố vấn tinh thần của ngài: “Một tiến sĩ danh tiếng của Đại học Sorbonne, và thậm chí còn nổi tiếng hơn nhờ sự thánh thiện của đời cha”[12], ngài sẽ nói.
  • Thánh Phanxicô Xalêxiô, “người bạn vĩ đại”[13] này đã dạy ngài cầu nguyện, ngay cả đôi khi thánh Vinh Sơn thích một phương pháp đơn giản hơn.
  • Thánh Jeanne de Chantal đã đổi hướng đời ngài. Ngài nhìn nhận: “Bà cho tôi vinh dự được chia sẻ đời sống nội tâm của bà”[14].
  • Thánh nữ Louise de Marillac, đặc biệt là cộng tác viên của ngài, mở các Hội Bác Ái và lập ra Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, là không thể tách rời với thánh Vinh Sơn, mà bà thường giống như đôi tay và trái tim của ngài.

Trong khi ban đầu, ngài dường như muốn chuyên về phục vụ người nghèo, thánh Vinh Sơn được dẫn dắt để dần dần mở rộng sự bác ái của mình cho nhiều hình thức nghèo khác. Đối với ngài, người nghèo, ngài thấy nơi mọi người nam, mọi người nữ, mọi đứa trẻ sống trong hoàn cảnh cụ thể của sự khốn khổ hay sự bất công. Hãy thử đưa ra tổng hợp – kết luận về sự tiến triển này.

1/ Điều đầu tiên gây ấn tượng và kết luận mạnh mẽ đầu tiên là: tư tưởng của thánh Vinh Sơn Phaolô liên quan đến người nghèo đã tiến triển: từ việc truyền giáo duy nhất cho các linh hồn cần nhờ giúp đỡ vật chất; từ sự phục vụ người dân đến việc quan tâm đến tất cả các khốn khổ của vương quốc; dấn thân với người nghèo ở Pháp để mở ra cho Thế giới thứ ba (như người ta sẽ nói ngày nay).

2/ Sự tiến triển này được xảy ra bởi các sự kiện khác nhau, vốn đánh dấu các giai đoạn quan trọng trong hành trình của thánh Vinh Sơn: 1617[15], 1619[16], 1620-1621[17], 1634[18], 1639[19], 1646-1648[20].

3/ Sự tiến triển này trong định nghĩa của thánh Vinh Sơn về người nghèo do đó xuất phát từ thực tế, chứ không phải từ sự suy tư lý thuyết. Năm 1617, thánh Vinh Sơn dường như đã tìm thấy chuyên môn của mình “với các cấu trúc nông thôn” (truyền giáo và hội từ thiện). Nhưng, rất nhanh, các sự kiện đã xô đẩy các dự tính của ngài và ngài phải tự thích nghi. Ngày nay, người ta sẽ nói rằng chính sự chú ý đến các dấu chỉ thời đại đã là động lực của sự tiến triển ấy.

4/ Trong quá trình tiến triển này, cần lưu ý rằng sau khi trở thành người tạo ra các cấu trúc (Hội từ thiện, Tu Hội, Hội Dòng) để làm việc cho người nghèo, thánh Vinh Sơn đã đi vào các cấu trúc đang có để hồi sinh và cập nhật hóa chúng (trẻ em được tìm thấy, bệnh viện, tuyên úy quân đội, v.v.). Hoạt động của ngài là không tự trị cũng không cạnh tranh; trái lại, nó nhằm mục đích thống nhất mọi nỗ lực của ngài. Hơn cả một người sáng tạo, thánh Vinh Sơn dường như là nhà linh hoạt quan trọng cho Hội Từ Thiện và Hoạt động xã hội thời bấy giờ.

5/ Rồi với các cuộc chiến sau đó, dịch bệnh và nạn đói, hành động của thánh Vinh Sơn đã bộc lộ năng lực cá nhân của ngài, phương cách duy nhất hiệu quả, hợp lệ, và thích nghi để đáp ứng cho các trường hợp khẩn cấp. Thật đáng ngạc nhiên khi thánh Vinh Sơn có thể đối phó nhanh chóng và gửi càng nhiều anh em và Nữ Tử Bác Ái đến tại chỗ càng tốt. Khi đối mặt với tình huống khẩn cấp, việc thích ứng phải nhanh chóng và tổng quát. Do đó, các thành viên của Tu Hội, lúc ban đầu được chọn để đi nơi khác, đã đến Lorraine và Picardie, các Cộng đoàn nằm trong khu vực đau khổ, ngừng tất cả công việc khác, để giúp đỡ người nghèo, ngay cả khi tu viện của anh em phải chứa rất nhiều người nghèo, người bệnh hoặc người thương tật …

6/ Rất nhanh chóng, các anh em Vinh Sơn và Nữ Tử Bác Ái lo lắng cùng lúc về nhu cầu vật chất và tinh thần cho người nghèo. Đặc biệt khi họ cùng lo cho các nô lệ chèo thuyền lớn; cứu trợ các khu vực bị tàn phá, nơi mà anh em Truyền Giáo tự trở thành y tá và người đào mộ, như tại Alger và Madagascar.

7/ Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh sự quan tâm chăm lo về mặt xã hội của thánh Vinh Sơn Phaolô, người dè chừng sự cứu nguy, và ưa thích, bất cứ khi nào có thể, việc lôi kéo người nghèo đi làm việc kiếm sống.

          Người ta có thể nói rằng trước năm 1617, thánh Vinh Sơn làm việc để đưa Chúa vào các công việc của mình, và từ năm 1617, ngài kiên quyết đặt mình vào công việc của Chúa. Tất nhiên đó là một công thức, nhưng người ta muốn nói rằng qua đó, thánh Vinh Sơn – giống như mọi anh em Vinh Sơn – bắt đầu cuộc hành trình của mình như thể hành trình dò dẫm, sau đó các sự kiện “trung gian” khác nhau hoặc nhiều người đã vào cuộc, và cho phép ngài đào sâu kinh nghiệm cá nhân của mình. Các sự kiện đã giúp làm tiết lộ mục đích. Với lời buộc tội ăn cắp tiền, ngài đã trải qua sự bị loại trừ; với sự cám dỗ chống lại đức tin, như sự nghi ngờ của thánh Phêrô đi trên mặt nước, bởi vì ngài đã đặt điểm tựa vào chính bản thân. Và khi ấy ngài tự dâng mình cho Chúa, và mọi thứ bắt đầu được dần dần đi vào nề nếp. Các cuộc gặp gỡ đã giúp đỡ ngài nhiều: gặp cha Bérulle, thánh Phanxicô Xalêxiô, gia đình ngài Gondi. Các sự kiện quyết định như là như quyết định của năm 1617[21]: vụ Gannes-Folleville khiến ngài gặp phải sự nghèo nàn  tinh thần và thúc giục ngài mở ra công việc cho Tu Hội; vụ Châtillon làm cho ngài đối mặt với  sự nghèo nàn về vật chất, và dẫn dắt ngài thành Hội Các Bà Bác Ái. Hai cuộc gặp gỡ này mang quyết định trong việc gắn kết cách sâu sắc hơn mối tương qua của ngài với Thiên Chúa và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của ngài.

          Kể từ năm 1617, thánh Vinh Sơn Phaolô không thay đổi tiêu chí; nhưng chân trời của ngài trở nên rộng hơn nhiều so với chân trời mà ngài đã hình dung vào năm 1617. Vào thời ấy, như năm 1660, người nghèo trở thành, đối với thánh Vinh Sơn, là người trong thực tế đã bị Hội Thánh và xã hội bỏ rơi, bởi vì họ không có phương tiện để giúp đỡ người nghèo. Nói một cách dễ hiểu, theo thánh Vinh Sơn, người nghèo là một người đau khổ, cần được ưu tiên truyền giáo và người nghèo là hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô.


[1]  J.-P. RENOUARD, Prier 15 jours avec saint Vincent de Paul, Montrouge : Nouvelle cité, 2000, trg. 92-93.

[2] SV XI, 337

[3] L. ABBELLY, La Vie du Vénérable Serviteur de Dieu, Vincent de Paul, Instituteur et Premier Supérieur Général de la Congrégation de la Mission, Paris : Florentin Lambert, 1664, Tập 3, trg. 116. (Ab III, 116). [theologap là từ năm 1560 được chỉ định cho kinh sĩ của kinh sĩ hội của một nhà thờ chính tòa lo việc dạy thần học. Xem: A. REY (sous dir. ), Dictionnaire historique de la langue française, Paris : Dictionnaires le Robert, 1994, trg. 2115].

[4] Ab III, 117.

[5] «Biện pháp mà ngài sử dụng là làm ngược lại những gì cám dỗ gợi ý cho ngài, cố gắng hành động bằng đức tin, và tôn vinh cùng phục vụ Chúa Giêsu Kitô; đó là những gì ngài làm đặc biệt trong chuyến viếng thăm và an ủi người bệnh nghèo” Xem Ab. III, 118.

[6] SV XI, 133.

[7] Ibid., XII, 7-8.

[8] Ibid., XI, 4-5.

[9] Ibid., IX, 243-244.

[10] Ibid., XII, 367.

[11] Ibid., XI, 128.

[12] Ibid., XI, 154.

[13] Ibid., VIII, 266.

[14] Ibid., X III, 125.

[15] Với việc phát hiện người nghèo nông thôn và sự nghèo tinh thần (ở Gannes) và nghèo vật chất (Châtillon) của họ. Chúng ta hãy lưu ý rằng vào thời điểm đó, người nghèo vẫn còn ở bình diện như “người bệnh”, và sự nghèo đói không phải là một tình huống xã hội mà là một tai nạn.

[16] Với các ngưởi tù chèo thuyền được thánh Vinh Sơn phát hiện và tiếp cận như một tầng lớp xã hội, đó là một nhóm người mà điều kiện sống khiến họ nên nghèo. Thánh Vinh Sơn, cho đến lúc ấy chỉ tiếp cận dân làng và nông dân nghèo, từ bỏ việc truyền giáo đặc biệt này.

[17] Với các Hội đoàn đang tăng số lượng, cả ở các làng và trong thành phố, và điều đó khiến thánh Vinh Sơn từ bỏ dứt khoát (trong thực tế) sự truyền giáo đặc biệt cho người nghèo nông thôn và người bệnh (xem Mâcon). Người nghèo, đối với thánh Vinh Sơn bây giờ, là tất cả các tầng lớp xã hội bị Hội Thánh và Xã hội bỏ rơi: người ăn xin, người già, trẻ em …

[18] Giai đoạn mới: Thánh Vinh Sơn đưa các Nữ Tử Bác Ái và linh mục của Tu Hội Truyền giáo vào các cấu trúc xã hội: bệnh viện, nhà nuôi trẻ em được tìm thấy …

[19] Với các trường hợp khẩn cấp: người nghèo thời đó là nạn nhân của các cuộc chiến tranh, bất kể họ là ai và bất cứ nơi nào có họ (ở Lorraine, Picardie, Champagne, ngay cả ở Paris).

[20] Với việc mở ra việc truyền giáo ở Barbarie, sau đó là ở Madagascar.

[21] Hai sự kiện này vào năm 1617, trong thừa tác mục vụ của ngài, đã trở thành một khám phá mang tính “giác ngộ”.  Xem lời tựa của Cha Mc Cullen, trong “Au temps de saint Vincent de Paul…et aujourd’hui”  – Les Cahiers Vincentiens –  Hors série, trg. 9 – Coll. Fiches vincentiennes éditées par la Province de Toulouse à : “Animation vincentienne, 19, Rue Pasteur, 33110, le Bouscat”.