FRÉDÉRIC OZANAM, CÁNH CỬA ĐỨC TIN

0
893

SỨC MẠNH GƯƠNG SÁNG của CHÂN PHƯỚC

Thiên Chúa đã nâng chân phước Frédéric lên, đặt vào ngài tình yêu rực cháy của Người, để động viên các nhóm giáo dân trong việc phục vụ người nghèo. Chân phước là một giáo sư bảo vệ và truyền bá đức tin qua việc giảng dạy các bộ môn văn hóa. Ngài cũng chọn việc viết báo và đã thành lập một tờ báo. Chân phước đã đậu bằng tiến sĩ luật và là nhà phê bình văn chương và lịch sử hàng đầu trong phong trào Tân-Công giáo ở nước Pháp, vào tiền bán thế kỷ 19. Chân phước là người có gia đình, một người cha tuyệt vời, và ngài làm cho gia đình mình thành một Giáo Hội thu nhỏ. Cuộc sống ngắn ngủi của ngài hết sức bận rộn với những bổn phận của nghề dạy học, những hoạt động văn chương rộng lớn, và công việc viếng thăm tại gia của các thành viên Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn. Dù đã 200 năm trôi qua, các bài viết về chính trị của chân phước trong việc bảo vệ Giáo Hội Công Giáo và công việc giúp đỡ người nghèo ở những khu ổ chuột của thủ đô Paris, vẫn rất liên hệ và truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay. Các bài viết của chân phước được viết trước và đã định hình nhiều cho công trình nền tảng về tư tưởng xã hội của Công Giáo cho kỷ nguyên hiện đại.

CÁC CHÂN LÝ ĐỨC TIN của CHÂN PHƯỚC

1. Việc làm môn đệ Đức Kitô có quan hệ chặt chẽ với các bài phê bình của chúng ta khi đối diện với xã hội hôm nay.

2. Thay vì than phiền về sự lãnh đạm của ngày nay, chúng ta hãy “gieo mình xuống dưới chân” những người nghèo, và la lớn lên như thánh tông đồ, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con ! Các bạn là những ông chủ, còn chúng tôi là đầy tớ của các bạn”.

3. Người nghèo là hình ảnh thánh thiêng của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta không nhìn thấy, và không thể yêu bằng bất cứ cách nào khác, chúng ta yêu Người nơi bản thân người nghèo.

4. Một phần lớn nhân loại là người nghèo, và bản chất con người là nghèo đến mức nó phải chết, do đó, nếu chúng ta muốn trở nên thánh, chúng ta cũng phải trở nên nghèo. Đó là một đặc tính của tình yêu ước muốn nên giống những người được yêu, bao nhiêu có thể.

ĐỨC TIN và CUỘC SỐNG của CHÂN PHƯỚC

Việc Bảo Vệ Đức Tin

Chẳng bao lâu sau khi đến Paris, Ozanam đã trở nên nổi bật cả ở trong lớp học lẫn trong các cuộc tranh luận ngoại khóa. Những cuộc tranh luận này kết hợp kiến thức bách khoa với tư duy sắc bén và kỹ năng lý luận vô song. Chân phước cũng mau chóng đóng vai trò lãnh đạo nhóm thiểu số sinh viên Công giáo. Nhóm sinh viên này đang nhiệt tình bảo vệ đức tin của mình trong bầu khí chống đối và thù hận của thời đại. Ozanam có một đam mê cháy bỏng đối với việc tranh luận trí thức, và niềm khao khát này khiến chân phước tổ chức các buổi tọa đàm; trong các buổi tọa đàm này, chân phước có thể đưa cả phân khoa và các bạn sinh viên vào các cuộc tranh luận sôi nổi liên quan đến hàng loạt các chủ đề. Với sự giúp đỡ và cố vấn của người bạn tốt, Emmanuel Bailly, chủ bút tờ Diễn Đàn Công Giáo và cũng là chủ nhà, Ozanam đã tụ tập một nhóm các sinh viên đến tham dự các buổi tranh luận thường kỳ, trong các buổi này, nổi tiếng nhất là Buổi thuyết trình về Lịch Sử.

Buổi Thuyết Trình Về Lịch Sử mau chóng trở thành truyền thống vì các buổi tranh luận thường dừng lại nơi công trạng của Đức Tin Công Giáo liên quan đến một đề tài lịch sử nào đó đang được tranh luận. Ozanam và các bạn muốn bảo vệ Đạo Công Giáo, đang khi các nhóm khác muốn đại diện cho lập trường trí thức đương thời cho rằng Giáo Hội nói chung là một thế lực thối nát, áp bức và thoái hóa trong lịch sử. Vào một ngày định mệnh, giữa cuộc tranh luận như vậy, Ozanam bị một sinh viên thách thức đưa ra bằng chứng cho thấy Giáo Hội là một thế lực nhân từ, yêu thương. Ozanam đã đáp trả bằng việc kể ra hàng loạt các biến cố trong lịch sử Giáo Hội đã nêu bật những cách thế mà Giáo Hội làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đối thủ của Ozanam chưa thỏa mãn và cãi lại là Giáo hội có thể đã là một thế lực tốt vào một thời điểm thôi, nhưng Giáo Hội bị cật vấn: làm sao Giáo Hội có thể được xem như là một thế lực tích cực trong thời hiện đại?

Ozanam trả lời bằng cách nêu ra những công cuộc bác ái tốt lành được thực hiện nhân danh Giáo hội bởi hàng giáo sĩ và bởi nhiều Dòng tu khác. Sau cùng, sinh viên kia nói : “Ozanam ơi, Kitô Giáo đã từng làm được những việc kỳ diệu trong quá khứ, nhưng bây giờ, Kitô Giáo đang làm gì cho người nghèo trong thủ đô Paris này? Hãy cho chúng tớ thấy phúc lợi nào mà người lao động gặt hái được từ tôn giáo của bạn và rồi chúng tớ cũng sẽ tin vào tôn giáo của bạn.”. Theo các sử gia viết về Ozanam, Ozanam đã im lặng trước thách thức này, và vài ngày sau đó, chân phước đã triệu tập một nhóm nhỏ sinh viên Công giáo để trả lời bằng một câu trả lời thuyết phục cho vấn nạn ấy. Sau việc này, “Hiệp Hội Lịch sử” trở thành “Hiệp Hội Bác Ái” mà cuối cùng thành tên “Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn”.

GIÁO HỘI và CHÂN PHƯỚC 

Bảo vệ Giáo Hội

Lúc Ozanam đến Paris vào năm 1831, ở tuổi 18, cũng là lúc Giáo Hội Công Giáo bị đa số các giáo sư và những người có địa vị tại Đại Học Paris nhận xét như là bảo thủ vô vọng và chỉ được ngưỡng mộ trong sự nhớ nhung thời trung cổ mà thôi. Các Đại Học như Đại Học Paris, Đại Học Sorbonne là những nơi phát triển tốt các triết lý dân chủ tự do và các tổ chức chính trị tiến bộ. Đạo Công Giáo bị la lối và bị phản bác một cách công khai. Các bài thuyết trình ở Đại Học Paris, ở các bộ môn khác, đều thường bao hàm việc đề cập nào đó về những cách thế mà Giáo Hội đã gây thiệt hại trên xã hội và các cá nhân, và xã hội hiện đại của nước Pháp cần tự giải phóng mình khỏi cái ách áp bức và gây nghẹt thở của Giáo Hội. Ozanam bước vào các cuộc tranh cãi ầm ĩ này và mau chóng nổi bật như là người bảo vệ Hội Thánh. Ozanam đã gieo một vài hạt giống đầu tiên mà cuối cùng sẽ nở hoa trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội 60 năm sau đó.

Sự Thách Thức Hiện Trạng; Đi trước thời đại

Khi Ozanam bị những người ở Đại Học thách thức: hãy chứng minh Đạo Công Giáo đang thay đổi cuộc sống của dân Pháp hiện đại ra sao, thì một cách tự nhiên, chân phước hiểu điều này như là một thách thức đối với cả đời sống tiện nghi và tách biệt của mình, cũng như địa vị vốn được chiều chuộng kiểu quí tộc của Giáo Hội trong xã hội Pháp. Chân phước giải thích sự thách thức này như là lời kêu gọi mình đi đến các khu ổ chuột đầy rác rưởi bẩn thỉu của Paris, nơi đó, chân phước và các bạn sẽ gặp gỡ chính những con người bị coi như sản phẩm phụ của chế độ tư bản công nghiệp. Tất nhiên, Ozanam đã có thể chọn cách giải thích khác cho sự thách thức này: chẳng hạn như lời mời gọi phải đạo đức hơn, hướng về phụng vụ nhiều hơn, hoặc dấn thân hơn vào guồng máy chính trị của Giáo Hội hoặc các tương quan của Giáo Hội với Nhà Nước. Tất cả những việc này đều có thể là câu trả lời vững chắc cho một thách thức như thế. Tuy nhiên, Ozanam đã chọn lựa người nghèo, và việc chọn lựa này, với những việc ngoài tầm tay bác ái của Giáo Hội thời ấy, đã làm cho chân phước trở nên nổi bật. Chân phước đã hình dung ra trước các chọn lựa ưu tiên mà các nhà thần học giải phóng sẽ đòi hỏi một thế kỷ sau đó. Và các lựa chọn đó cũng được chính Đức Giáo Hoàng yêu thích.

Việc phục vụ tích cực

Theo chân phước Ozanam, Giáo Hội không được đứng về phía, hoặc tệ hơn, liên minh với các thế lực lỗi thời và áp bức. Đó là những thế lực kéo dài nỗi thống khổ của dân chúng. Chân phước cũng xác tín rằng lời kêu gọi này không chỉ dành cho số ít các cá nhân được ưu đãi, họ đã tạo thành tầng lớp giáo sĩ giữa lòng một Giáo Hội thụ động và to lớn hơn, nhưng nó còn là lời kêu gọi gửi đến tất cả các Kitô hữu, linh mục hay giáo dân. Việc phục vụ những người nghèo nhất trong số người nghèo, đối với Ozanam, đã là dấu chỉ mạnh mẽ nhất và rõ nét nhất về Sự Hiện Diện của Đức Kitô trong đời sống của Giáo Hội. Loại phục vụ này không phải là một công việc có thể được thực hiện bởi sự ủy nhiệm mà các kitô hữu có thể thuê ai đó làm. Nó là loại công việc đòi hỏi sự dìm mình cách trực tiếp của các kitô hữu vào đời sống của người nghèo và người đau khổ.

TRÍCH DẪN

Vì chúng ta là những người trẻ, vì chúng ta không giầu có, nên chúng ta có thể dễ dàng đóng vai những người trung gian, mà, với tư cách là người kitô hữu, chúng ta phải xem nó là vai trò bắt buộc. Đó là sự giúp ích mà Hiệp Hội thánh Vinh Sơn của chúng ta có thể làm được. Vấn đề chia rẽ dân chúng hiện nay không phải là vấn đề chính trị. Nó là một vấn đề xã hội. Vấn đề là biết xem ai đang ở thế trên, tinh thần ích kỷ hay tinh thần hy sinh; hoặc xã hội sẽ chọn sự hân hoan luôn tăng triển và lợi nhuận, hoặc sẽ chọn mọi người đều hiến thân cho công ích, và trên hết mọi người phải hiến thân cho việc bảo vệ những người yếu thế nhất.

Các thánh là những người mất trí khi yêu. Tình yêu của các ngài không có giới hạn, ôm chặt Chúa, ôm cả nhân loại, ôm lấy cả thiên nhiên…Vậy thì, bạn thân mến ơi, chúng ta lại sẽ không làm bất cứ điều gì để trở nên giống các vị thánh mà chúng ta yêu mến sao? (Trích từ Các thư của Frédéric Ozanam; Thư thời niên thiếu trang 243-244).

BTT (st)