Giấc Mơ Trong Đời Sống Đức Tin – Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A

0
1225

(Bài Ðọc I: Is 7, 10-14; Bài Ðọc II: Rm 1, 1-7; Phúc Âm: Mt 1, 18-24)

Trong những tuần lễ vừa qua, các nước Đông Nam Á đã có một kỳ thi đấu thể thao lớn là SEA Games 30 tại Philippines. Một trong những điểm nổi bật trong sự kiện này là đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đã giành huy chương vàng cho môn thi này. Hàng triệu người dân Việt Nam đã hân hoan vui mừng và coi đó như một giấc mơ dài đằng đẵng đã thành hiện thực.

Trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng có câu chuyện về những giấc mơ. Đó là sự mong đợi, mơ ước của dân Do thái về Đấng Messiah nơi bài đọc I và cụ thể hơn là giấc mơ của Giuse trước bối cảnh khó khăn, khi đối diện với việc Đức Maria mang thai Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về một trong các biến cố trong lịch sử cứu độ. Cả Maria và Giuse đều cảm thấy bị thách đố và bối rối trước việc làm huyền nhiệm của Thiên Chúa: Ngôi Lời nhập thể. Cả hai đã không thể hiểu hết được vấn đề và cũng không thể giải thích được việc làm đó cách sáng tỏ, nên câu chuyện gần như bế tắc.

Thế nhưng, qua điều đó cho thấy, đứng trước mầu nhiệm cứu độ, người Kitô hữu cũng đòi hỏi phải đối diện với những thách đố của đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Khi đặt mình vào trong hoàn cảnh như Đức Mẹ và thánh Giuse hôm nay, tôi nhận ra một vài điểm cần chú ý trong đời sống đức tin của tôi.

Tin vào lời hứa của Thiên Chúa: ở cả ba bài đọc hôm nay đều nhấn mạnh đến Lời Hứa của Thiên Chúa. Bài đọc I, tiên tri Isaia nhắc nhớ cho dân về lời hứa cứu độ, đó là dấu chỉ “này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.(Is 7,14)  Bài đọc II thánh Phaolô cũng nhắc nhớ về lời hứa “Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người”. (Rm 1, 2)

Nơi bài Tin Mừng, Đức Maria đã gặp thách đố với hệ quả của lời “xin vâng”. Làm sao để giải thích với Giuse và bà con láng giềng về việc mang thai. Nhưng Đức Maria tin vào lời hứa trong Kinh thánh, tin vào lời thiên thần truyền tin, nên Đức Maria đã im lặng trong cầu nguyện. Trong biến cố truyền tin, khi “thiên thần cáo biệt ra đi”, đối với người đọc thì đó là chỗ kết của câu chuyện, của trình thuật Tin Mừng. Nhưng đối với Đức Maria, đó có thể là cái kết của một cuộc đời. Tuy nhiên, Đức Maria tin rằng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa sẽ được thực hiện, là sự thật, cho nên Đức Maria đã tín thác tuyệt đối cuộc đời mình cho Thiên Chúa, dù biết rằng hậu quả sẽ rất là đau khổ.

Nơi Giuse, người công chính, ông cũng gặp thách đố to lớn trước việc khó giải thích về việc mang thai của Đức Maria. Nhưng, những lời thiên thần trong giấc mơ đã làm cho Giuse tìm lại bình an trong tâm hồn mình. Mọi nghi ngờ tan biến vì ông cũng đã tin vào lời thiên thần nói với ông về Đấng Cứu Thế.

Cả Đức Maria và Giuse đều đã rơi vào thế bế tắc, thế nhưng lời hứa của Thiên Chúa đã củng cố họ trong đức tin. Cũng giống như Abraham tổ phụ “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18) như thánh Phaolô đã diễn tả trong thư Rôma về Abraham. Vì thế các ngài đã trở nên khuôn mẫu của đức tin cho mỗi người Kitô hữu.

Vậy tôi đã tin như thế nào về Lời Hứa của Thiên Chúa trong hành trình đức tin? Tôi có tin rằng Đấng Emmanuel là ở cùng với nhân loại và cứu độ nhân loại hay dịp giáng sinh chỉ là một lễ hội? Điều này đòi hỏi tôi tín thác và trông cậy luôn luôn vào tình thương yêu của Chúa cho dù cuộc sống gặp những thử thách hay bế tắc.

Hình ảnh của Đức Maria hôm nay đã khích lệ đức tin cho biết bao nhiêu là phụ nữ đang gặp những bế tắc trong đời sống gia đình, và nhiều khó khăn khác trong cuộc sống mà nỗi khổ của họ xem ra không ai hiểu cho.

Thử thách là để canh tân đức tin: Giuse là người công chính, ông đã tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa như giải pháp đầu tiên cho vấn đề. Giấc mơ của Giuse như là biểu tượng của một hình thức đối thoại thiêng liêng giữa con người với Thiên Chúa để tìm sự hướng dẫn cho những hành động của mình. Điều này đến từ đức tin. Nếu Giuse không phải là con người của đức tin, có lẽ ông đã hành động như ông toan tính, là tố cáo và kết án Đức Maria. Nhưng ông đã không làm như thế. Ông đã tìm kiếm Ý Chúa trước nhất cho vấn đề này.

Điều này cũng mời gọi tôi cần biết xử lý và đối diện với các vấn đề của cuộc sống trong chiều kích đức tin. Nếu gặp điều khó khăn trong cuộc sống thì điều đầu tiên tôi cần hỏi là, Chúa muốn tôi làm như thế nào trong vấn đề này chứ không phải để kêu trách hay oán giận Thiên Chúa. Đôi khi vì gặp phải quá nhiều khó khăn và thử thách tôi đã cảm thấy rằng đức tin không giúp ích cho tôi cả, nhưng kỳ thực, đúng hơn điều này đang giúp tôi canh tân đức tin của mình, để tôi lớn mạnh hơn trong đời sống nội tâm.

Không làm tổn thương tâm hồn người khác: Giuse đã hành xử theo như thiên thần đã chỉ dẫn cho ông, vì thế ông đã không làm tổn thương tâm hồn của Đức Maria. Trong cuộc sống hằng ngày nơi gia đình, trong cộng đoàn, với người thân, với hàng xóm, bạn bè, đôi khi mọi người dễ làm tổn thương nhau, có khi bằng một lời nói nhận xét này nọ, hay qua thái độ hành xử. Thường thì những vết thương lòng đó rất khó chữa trị, thậm chí nó còn là nguyên nhân cho những tổn thương lớn hơn và nặng nề hơn.

Mùa Giáng Sinh và câu chuyện của Giuse hôm nay đã gợi lên cho tôi điều cần cố gắng làm trong cuộc sống. Đó là tránh những điều làm tổn thương đến người khác và cố gắng sống với mọi người với con tim vui tươi để mang Chúa đến những tâm hồn.

Giấc mơ của Giuse đã làm thay đổi vấn đề. Vậy tôi có dám mơ ước về một điều gì đó tốt đẹp cho chính bản thân tôi, hay mọi người thân trong gia đình hay cho người khác trong mùa hồng ân này? Giấc mơ mà tôi đang có cho tôi, cho gia đình, cho cộng đoàn là gì? – nếu tôi tin rằng Chúa sẽ thực hiện điều Ngài đã hứa trong Tin Mừng? Khi tôi sống những điều đó trong cuộc sống, đó cũng là cách để làm cho những giấc mơ thành hiện thực. Đặc biệt đó là giấc mơ về ơn cứu độ của Thiên Chúa nơi tâm hồn tôi, cũng như nơi tâm hồn những anh chị em sống xung quanh tôi.

Pt. Phêrô Phạm Minh Triều, CM