Giáo dân có thể canh tân Giáo hội bằng cách nào?

0
944

Jeffrey A. Mirus

Trong tháng Ba và tháng Tư, tôi đã gợi ý rằng những gì giới kinh doanh gọi là giảm biên chế là tuyệt đối cần thiết với việc canh tân Giáo hội. Quan điểm của tôi là nếu Giáo hội không một lần nữa học cách loại trừ những người trong hàng ngũ của mình đã từ chối những giáo huấn chính thức của Giáo hội về đức tin và luân lý, khi đó Giáo hội chắc chắn phải chịu sự bi đát về mặt thiêng liêng. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng giáo dân đã đem lại động lực chính yếu cho việc canh tân Giáo hội trong mười năm trở lại đây, điều đó có nghĩa là những người tích cực nhất trong việc này lại không có thẩm quyền trong Giáo hội.

Tôi đã kết luận với câu hỏi này:

Làm thế nào chúng ta mong đợi một nhóm ngày càng đông gồm những người giáo dân lãnh đạo dấn thân một cách sâu xa trong Giáo hội Công giáo, cũng như các tổ chức nổi tiếng mà họ đã phát triển, cuối cùng nắm lấy cơ hội tạo ra một sự thay đổi sâu rộng trong một Giáo hội quá trì trệ?  [Những trở ngại đối với việc “Giảm biên Chế”  trong Giáo hội]

Tôi im lặng theo dõi câu hỏi này. Trong khoảng thời gian một tháng nay, tôi đã không cung cấp một đề xuất cụ thể như một câu trả lời. Điều này là bởi vì tôi không biết câu trả lời. Trong thực tế, tôi thậm chí không tin rằng có một câu trả lời.

Trung thành hay tuyệt vọng?

Điều này nghe có vẻ giống như một công thức tuyệt vọng, nhưng không phải vậy. Bản chất của Phúc Âm là trao ban mà tay trái không biết tay phải đang làm gì. Hãy xem hướng dẫn của Chúa chúng ta:

Đức Giêsu nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” (Ga 4,34-38).

Chúng ta hãy vận dụng lối so sánh với chiến tranh. Người lính ở tiền tuyến của một trận chiến cụ thể không biết vai trò chiến lược của mình đối với chiến thắng của cuộc chiến, cũng như thất bại hay cái chết của anh ta phù hợp như thế nào với mô hình chiến thắng. Thậm chí chính Đức Giáo hoàng không hẳn nhận thấy được mình phù hợp với kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa đối với Giáo hội như thế nào. Chúng ta nên nhớ cách Chúa Giêsu đã trả lời Phêrô sau khi báo trước về cái chết của ông. Liên quan tới Gioan, Phêrô hỏi: “Thưa Thầy, còn người này thì sao?” Đấng cứu độ của chúng ta trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 2,21-22)

Hãy theo Thầy! Như thiên thần đã nói với thánh Gioan trong một thị kiến: “Chúng sẽ giao chiến với Con Chiên, và Con Chiên sẽ thắng chúng, vì Con Chiên là Chúa các chúa, Vua các vua; những kẻ đi theo Người, tức là những kẻ được kêu gọi, được tuyển chọn, và luôn trung thành, cũng sẽ thắng.” (Kh 17,14 phần nhấn mạnh được thêm vào). Và ở một chỗ khác: “Ngươi hãy viết: Ngay từ bây giờ, phúc thay những người đã chết, mà được chết trong Chúa!” (Kh 14,13). Điểm này đã rõ ràng và tất cả chúng ta đều phải trở lại điểm này nhiều lần. Chúng ta không được kêu gọi để thành công. Chúng ta được kêu gọi phải trung thành.

Hay đúng hơn, thành công của chúng ta là lòng trung thành. Chúng ta không cố gắng vượt ra khỏi vị trí của mình, vì “Chiến mã được chuẩn bị cho ngày giao tranh, nhưng thắng bại thuộc quyền Đức Chúa.” (Cn 21,31). Sứ mạng của chúng ta là trung thành, và điều này sẽ làm chúng ta tràn đầy niềm vui. Với một niềm hy vọng chắc chắn, tuyệt vọng là điều không thể. Đây là bài học đầu tiên và quan trọng đích thực nhất về sự canh tân Giáo hội.

Sự phức tạp của việc canh tân

Suy nghĩ thêm một chút sẽ cho thấy một khía cạnh khác của trường hợp này: Rất khó so sánh một nơi chốn và thời gian này với nơi chốn và thời gian khác nhằm xác định nơi nào tốt hơn cho việc cứu rỗi các linh hồn. Chẳng hạn như, tốt hơn là sống ở Ý thế kỷ mười ba, nơi Giáo hội và những giáo huấn của Giáo hội phần lớn được chấp nhận và giành được sự tôn trọng rất nhiều của công chúng, hay là sống ở nước Mỹ thế kỷ XXI, nơi Giáo hội và những giáo huấn của Giáo hội thì phần lớn bị bỏ mặc và thậm chí bị nhạo báng cách công khai?

Tiếng kêu van thảm thiết lên Thiên Chúa trong thời đại không có đức tin của chúng ta có thể giúp ích nhiều cho một linh hồn hơn là cả đời Công giáo tự mãn trong một nền văn hóa đã được ban tặng nhiều điều. Việc từ chối phạm vào những tội tội nặng nề nhất trong một trong những gia đình bất hòa ngày nay, có thể được coi là một sự công chính cao cả hơn là nhờ các nhân đức của một đan sĩ mà không tận dụng được hết lợi ích của một đan viện nề nếp. Tôi không có ý đề nghị rằng chúng ta không bị ràng buộc phải cố gắng hướng tới sự cởi mở về văn hóa với Thiên Chúa, công bằng chính trị và xã hội, và kỷ luật lành mạnh của Giáo hội, vì đây đều là những sự thiện tuyệt vời. Quan điểm của tôi là, giả sử chúng ta trung thành, thì thành công của chúng ta ít quan trọng hơn chúng ta nghĩ.

Hơn nữa, sự thiếu thành công bên ngoài của chúng ta trong việc biến đổi đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và thậm chí cả đời sống Giáo hội Kitô giáo, trong công trình cứu độ của lòng thương xót vô biên, có thể đem lại ân sủng dồi dào hơn những gì hiển nhiên thành công của những người thích thú với những hoàn cảnh lịch sử, trong đó mọi thứ kết hợp với nhau để tạo ra một nền văn hóa Công giáo sâu sắc hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ điển hình nhất, chúng ta hãy xét xem một loạt các yếu tố huyền nhiệm kết hợp với nhau để hình thành nên Kitô giáo thời trung cổ.

Ban đầu, những Kitô hữu vẫn là thiểu số bị đàn áp cho đến khi Hoàng đế Constantine (mẹ ngài là một vị thánh) thắng một trận đánh lớn dưới dấu chỉ thánh giá và quyết tâm mang lại sự thịnh vượng của Kitô giáo (đồng thời trì hoãn lễ rửa tội của mình đến lúc hấp hối). Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, hầu hết trật tự cũ của La Mã đã bị xóa sạch qua rất nhiều cuộc xâm lược của người man di. Khi đó Giáo hội, bao gồm cả các tu viện,  gìn giữ các nhân đức Kitô giáo kinh điển vượt trội hoàn toàn, một hệ thống luật pháp chặt chẽ, nền học tập rộng lớn và một nền văn hóa rực rỡ, và chính Giáo hội đã dạy các bộ lạc cách sinh tồn và cải thiện thậm chí cả những triển vọng tạm thời của họ (bao gồm cả việc truyền đạt kiến ​​thức về những thứ như xen canh mùa màng). Các chàng trai trẻ của những ai sẽ trở thành quý tộc thường được trù định từ trước cho chức vụ của Giáo hội khi Giáo hội gia tăng thế quyền.

Kitô giáo thực sự đã đạt được thành tựu rất vĩ đại, và nó cũng phát sinh ra một sự lạm quyền mạnh mẽ của Giáo hội thế quyền – những mầm mống của sự hủy diệt chính nó. Chắc chắn, vấn đề là chúng ta phải thận trọng than thở về việc thiếu những gì cần thiết để làm cho Giáo hội có ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn hóa nhân loại; hay đúng hơn, chúng ta phải nhận ra rằng trong các vấn đề của con người, sự thống trị như thế thường sẽ phụ thuộc vào một điều gì đó khác với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Một lần nữa, chúng ta không biết bất cứ điều gì giống như khuôn mẫu đầy đủ của ân sủng Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết rằng nơi nào tội lỗi lan tràn, như thời đại của chúng ta lúc này, thì ân sủng càng chứa chan gấp bội (Rm 5,20).

Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống của chúng ta

Những gì tôi đã nói ở trên không gợi ý rằng chúng ta không cần cầu nguyện và suy gẫm cẩn thận về những gì Chúa đang mời gọi chúng ta thực hiện, vai trò mà Thiên Chúa muốn chúng ta đảm đương. Như một kế hoạch chiến lược, những nỗ lực nhằm biến đổi những khía cạnh có ảnh hưởng đặc biệt của một nền văn hóa vô thần cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng đây không phải là khoa học tên lửa. Trong thời đại của chúng ta, giáo dục là nguồn cung cấp chủ chốt cho tính vô thần đang thịnh hành, cũng như các hình thức truyền thông đại chúng khác nhau. Quy tắc và luật lệ chính trị cũng có ảnh hưởng rất lớn. Đối với người nghèo, bản chất phi nhân và vô luân của các dịch vụ xã hội hiện nay đóng một vai trò quan trọng. Với sự tôn trọng đối với giáo dục và các dịch vụ xã hội nói riêng, từ lâu tôi đã trình bày luận điểm rằng người Công giáo chỉ có thể thay đổi mọi thứ theo thánh ý của Thiên Chúa ngang qua việc sẵn sàng trả gấp đôi: Thứ nhất thông qua thuế; và sau đó bằng cách thiết lập các dịch vụ giáo dục và dịch vụ xã hội thật sự Công giáo điều mà được cung cấp miễn phí rộng rãi hơn.

Cuối cùng, nếu chúng ta có thể loại bỏ nền giáo dục công lập và thay thế các trường học Công giáo miễn phí do giáo dân điều hành, mỗi trường đều có một linh mục xuất sắc làm tuyên úy, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt! Nếu bạn thích, đó là một chương trình canh tân cả Giáo hội và thế giới. Nhưng điều quan trọng đối với mỗi chúng ta không phải là việc áp dụng một chương trình cụ thể. Mấu chốt là việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta không phải để thành công mà là trung thành. Điều này có nghĩa là trước tiên chúng ta phải phân định thánh ý của Thiên Chúa đối với chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại.

Nói cách khác: Nếu bài học đầu tiên của việc canh tân Công giáo đích thực là lòng trung thành thì bài học thứ hai chỉ có thể là cầu nguyện liên lỉ. Nhiệm vụ của tôi không phải là cung cấp việc linh hướng, nhưng hãy để tôi gợi ý, như một nguyên tắc ngón tay cái đơn giản và thô kệch, rằng nếu chúng ta không dành ít nhất một giờ mỗi ngày để cầu nguyện, thì có lẽ chúng ta đã không tiến bộ được cũng như chúng ta có thể biện phân và trung thành với thánh ý của Thiên Chúa.

Tất nhiên, những người chăm sóc con nhỏ phải đối mặt với một thách đố đặc biệt. Tuy nhiên, ngoài điều này, theo kinh nghiệm của tôi, hai giờ dường như là bình thường hơn đối với những giáo dân rất bận rộn trên thế giới, những người luôn coi trọng sự phân định và trung thành. Ngược lại, một điệp khúc phổ biến của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người đã không trung thành với những điều cơ bản như là giáo huấn của Giáo hội, và những người từ bỏ chức vụ linh mục hoặc lời khấn của họ, là từ lâu họ không còn tham gia vào việc cầu nguyện cá nhân nữa.

Trái lại, thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải cầu nguyện không ngừng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giê-su” (1 Tx 5,16-18). Điều này không chỉ có nghĩa là dành thời gian cụ thể cho việc cầu nguyện mà còn hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và phân định thánh ý của Thiên Chúa trong giây phút hiện tại. Điều đó có nghĩa là đón nhận từng khoảnh khắc như một loại bí tích, trong đó chúng ta phân định sự hiện diện của Thiên Chúa và mở lòng đón nhận ân sủng.

Để bắt đầu, chúng ta hãy lấy một trang từ cuốn sách của Thánh Elizabeth Ann Seton:

“Lạy Cha, quy luật đầu tiên trong cuộc đời Đấng Cứu Độ thân yêu của chúng con là làm theo thánh ý của Chúa Cha. Hãy để ý muốn của Thiên Chúa trong thời điểm hiện tại là quy luật đầu tiên trong cuộc sống hàng ngày của chúng con và làm việc không có khao khát nào khác ngoài khát khao được tròn đầy và hoàn hảo nhất. Hãy giúp chúng con trung thành làm theo điều đó, để khi làm những gì Ngài mong muốn, chúng con sẽ làm hài lòng Ngài. Amen.”

Một lần nữa, tôi không có một chương trình cụ thể, một kế hoạch chắc chắn để phục hồi và canh tân Giáo hội hoặc để làm cho Giáo hội có ảnh hưởng đến lợi ích tốt của các linh hồn hơn so với lịch sử gần đây. Nhưng tôi hy vọng bạn sẽ tin tưởng tôi khi tôi nói rằng điều này ít nhất không quan trọng. Ơn gọi của chúng ta là trung thành. Chỉ duy nhất sự trung thành là điều mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta. Trung thành với thánh ý của Thiên Chúa là thước đo thành công duy nhất của chúng ta. Chúng ta đang nói về lòng trung thành vì lợi ích của sự canh tân Giáo hội Công giáo, và vì mọi điều tốt đẹp khác.

(Trích Mệnh lệnh canh tân, các bài viết về việc canh tân Giáo hội

Nhóm dịch thuật Durando chuyển ngữ)