Giúp đỡ người nghèo nơi vùng cách ly

0
750

“Corona-Virus”, có lẽ được xem là một trong những đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó không những gây tổn thất về mặt kinh tế, chính trị cho biết bao nhiêu quốc gia và chính phủ mà còn còn gây ra cái chết cho hàng vạn người trên toàn thế giới. Đặc biệt là những cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha… con số người bị lây nhiễm đã lên đến hàng trăm ngàn. Đất nước ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch này, các cửa hàng thì đóng cửa, công ty thì không có nguyên liệu để sản xuất, công nhân cũng vì thế mà không có việc làm… Nhìn chung, những hệ lụy mà đại dịch mang đến thì vô số, không thể nào ước tính được.

Vì thế, để đối phó cũng như giảm tránh sự lây lan của dịch bệnh, một biện pháp tối ưu đã được áp dụng ở nhiều nước, đó là việc cách ly trong xã hội. Tất cả mọi người đều phải ở nhà, tránh ra ngoài tiếp xúc với mọi người để giảm nguồn lây lan. Chắc hẳn đối với nhiều người, cách ly, ngoài việc giúp họ bảo vệ sức khỏe chính mình thì đây cũng là dịp để họ nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, dành thời gian thêm cho gia đình và người thân. Và đối với những gia đình có thu nhập tương đối và kinh tế ổn định, họ không phải lo lắng quá nhiều về thức ăn đồ uống trong những ngày cách ly. Họ chuẩn bị mọi thứ từ gạo đến mì tôm, có những người khoe trên Facebook rằng đã mua biết bao nhiêu nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống sử dụng trong mùa dịch, chất đầy nhà. Đối với những người có điều kiện thì việc cách ly đối với họ khá dễ dàng nhưng đối với những người không có điều kiện thì sao, những người lao động nghèo, những người có thu nhập thấp… họ phải làm gì để có thể tồn tại trong những ngày cách ly. Tại đất nước Philippines này, nơi mà người nghèo và vô gia cư còn nhiều hơn cả ở Việt Nam, điều mà chúng em cảm nhận rõ nhất nơi những người dân nghèo ở đây trong những ngày cách ly của chính phủ chính là sự lo lắng, bất an và hoảng sợ. Tuy nhiên, những nỗi sợ và sự bất an đó lại không đến từ đại dịch “Corona” nhưng đến từ sự đói và khát vì không có thức ăn cũng như đồ dự trữ.  Nỗi sợ này đối với họ còn lớn hơn cả đại dịch và họ đang phải sống lay lất từng ngày, chờ những sự giúp đỡ từ bên ngoài. Bởi vì những người ở đây đa phần là những người lao động tự do, không có công việc ổn định, làm ngày nào ăn ngày đấy. Đối với họ, việc kiếm được bữa cơm sống qua ngày đã là một việc khó khăn rồi nói chi bây giờ chính phủ cách ly toàn dân, không thể ra ngoài thì làm sao họ có thể kiếm tiền và thức ăn trong mùa dịch.

Khi thấy được hoàn cảnh cấp bách của người nghèo như thế. Cha Bề trên cùng cộng đoàn nhà tập quốc tế chúng em đã đưa ra ý tưởng tổ chức quyên góp từ thiện để cứu trợ những người dân bị cách ly xung quanh cộng đoàn. Thật may mắn khi chương trình từ thiện nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các ân nhân cũng như từ Tỉnh dòng, chúng em đã quyên góp được một số tiền kha khá để giúp những người bị cách ly. Với số tiền quyên góp được, chúng em quyết định mua những nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì tôm, cá hộp… để tiếp tế. Sau khi chia phần và đóng gói những phần quà cứu trợ, chúng em lập danh sách những người đang cần được giúp đỡ, tùy thuộc vào số thành viên trong gia đình mà họ sẽ nhận được số lượng phù hợp.

Ngày hôm sau, chuyến xe cứu trợ đầu tiên bắt đầu lăn bánh đến những nơi cách ly, khởi đi từ những người sống xung quanh cộng đoàn rồi đến là những người ở vùng lân cận. Trên xe chất đầy những thứ cần thiết như là quần áo, đồ cứu trợ, nước uống… Khi xe dừng lại là chúng em bắt đầu công việc của mình, mỗi tập sinh chúng em có nhiệm vụ chuyển và chia đồ cứu trợ. Hai tay hai phần cứu trợ, chúng em mang đến và trao tận tay những người khó khăn, thậm chí có nơi có người già thì chúng em đến tận nhà để trao đồ cứu trợ. Tuy số lượng quà không nhiều nhưng hầu như mọi người ai cũng có phần, có những người đến sau không kịp lấy thì được những người đến trước chia sẻ phần quà họ có. Khi nhận được đồ cứu trợ thì ai cũng hồ hởi và vui mừng, có những người còn không quên nói lời cám ơn.

                    

Khi trên xe không còn một món đồ nào và đảm bảo mọi người ai cũng nhận được đồ cứu trợ thì lúc đó chúng em mới lên xe trở về cộng đoàn. Trên đường về nhà, chúng em chia sẻ những cảm nhận của mình. Hầu như ai cũng chạnh lòng trước hoàn cảnh của người nghèo nơi đây và muốn giúp đỡ họ nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, khả năng của chúng em có hạn nên chỉ có thể giúp đỡ phần nào nỗi lo của họ mà thôi. Cuối cùng, những kinh nghiệm chúng em có được trong chuyến cứu trợ này thật quý giá và chúng em cũng muốn gửi thông điệp đến mọi người đó là mặc dù mình bị cách ly nhưng đừng để lòng mình bị cách ly, hãy biết mở rộng lòng mình ra. Kết nối với những người xung quanh, giúp đỡ những người kém may mắn và đặc biệt là chia sẻ vật chất cho những người nghèo. Đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn và đẩy lùi đại dịch.

Peter Nguyễn Tiến Quốc
Tập sinh