Gương mục tử tốt lành – Lời Chúa Chúa nhật XVI Thường niên Năm B

0
700

I. Các bài đọc

Bài đọc 1: Giêrêmia 23,1-6

Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia: Thiên Chúa hứa ban các ngôn sứ cho dân Israel.

Đáp ca: Tv 23,1-3,3-4,5,6

Thánh vịnh 23: Chúa là mục tử của tôi.

Bài đọc 2: Ep 2,13-18

Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Ephêxô: Đức Kitô đã hoán cải chúng ta cho Thiên Chúa và hiệp nhất chúng ta trong bình an.

Tin Mừng: Mc 6,30-34

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Đức Giêsu kêu mời các môn đệ nghỉ ngơi, sau sứ vụ của họ và Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông theo Người.

II. Chia sẻ

Nhìn vào thực trạng Giáo hội ngày nay, chúng ta thấy nổi lên một vấn đề rất được hay quan tâm, là đời sống cá nhân của các mục tử. Nhất là trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam, thì câu chuyện về cha này, cha kia, cũng hay được đưa ra bàn tán, xì xầm mỗi khi anh chị em giáo dân có dịp gặp mặt. Điều đó cho thấy một sự quan tâm của giáo dân đến những người lãnh đạo cộng đoàn của mình. Đó chính là các mục tử, các linh mục.

Vậy người mục tử như thế nào để xứng đáng là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, Đấng mà mỗi mục tử, mỗi linh mục được kêu gọi để dẫn dắt đoàn chiên của Ngài. Hay nói khác đi, đâu là hình ảnh của người “mục tử như lòng Chúa mong ước”?

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay có thể gợi mở cho chúng ta đôi ba tư tưởng, để xem xét về hình ảnh các mục tử như lòng Chúa ước mong.

Đức Kitô là trung tâm của đời sống

Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay chỉ cho thấy được vị trí trung tâm của Đức Giêsu trong đời sống của mỗi người, cách riêng cho các mục tử. Chúa chính là điểm hội tụ cho các môn đệ, là mục tử hội tụ các con chiên mà Ngài chăm sóc. Mỗi hành động của Ngài là mỗi hành động yêu thương và dạy dỗ, để mang lại bình an cho đoàn chiên, cho đoàn môn đệ của Ngài.

Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I, đã tuyên sấm chống lại các mục tử xấu. Đó là những mục tử đến để phá hoại đoàn chiên, thay vì chăm sóc yêu thương. Và qua đó, ngôn sứ đã dự báo về hình ảnh người mục tử tốt lành. Người mục tử này sẽ yêu thương, chăm sóc đàn chiên của mình và làm cho nó được sống sung túc “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số”(Gr 23,3).

Trong bài đọc II, thánh Phaolô diễn tả một đời sống gắn bó với Chúa, mà chính Ngài như là một “cực” thu hút tất cả lại gần Ngài, “xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người” (Ep 2,13). Như vậy, trong Chúa, chúng ta trở nên gần gũi với Người. Khoảng cách giữa chúng ta với Chúa nói lên sự thân tình và gắn bó. Chẳng thể có một đời sống được huấn luyện, dạy dỗ bảo ban, nếu chúng ta không được ở gần bên Chúa và sống gần gũi với Ngài.

Hơn thế nữa, chúng ta cũng thấy, trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trở thành trung tâm cho các môn đệ “các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy” (Mc 6,30). Cuộc đàm đạo của các tông đồ trở nên sôi nổi và hào hứng, vì Chúa Giêsu đang nghe họ báo cáo, về những “thành tích” đã làm được, qua việc trừ quỷ và các phép lạ đã làm. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho các ông trở nên sống động và nhiệt thành.

Như thế, nếu bất cứ cuộc đời nào đời sống nào gắn bó với Chúa, coi Chúa như là trung tâm của cuộc sống. Chắc hẳn cuộc sống đó sẽ bình an hạnh phúc. Vì người đó sẽ được Chúa yêu thương dạy dỗ nhiều điều, như mục tử chăm sóc đoàn chiên và làm cho nó được no thỏa. Điều này thể hiện qua đời sống cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ “hay lui ra và nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Cầu nguyện là cách để giữ sự thân tình với Chúa và cũng là cách Chúa nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn chúng ta.

Người mục tử của Chúa

Như vậy, người mục tử trước hết giống như các môn đệ. Họ cần phải lấy Đức Kitô làm trung tâm của đời sống mình. Trước khi chăm sóc đoàn chiên của mình, họ cần phải gần gũi và học hỏi với Chúa Giêsu. Họ cần có trái tim của Chúa trong sứ vụ của mình. Nên chỉ có cách sống gần gũi với Chúa, lấy Chúa làm trung tâm, thì họ mới có thể học hỏi nơi Chúa những gì, mà Chúa muốn họ làm, khi Ngài trao cho họ sứ vụ.

Điểm nổi bật thứ hai nơi người mục tử, là họ cần có một cảm thức nhạy bén về nhu cầu của con chiên. Đó là cách mà họ có thể mang lấy sứ vụ của mình một cách bình an, khi sống giữa đàn chiên của mình. Vì chỉ khi họ biết về nhu cầu của đoàn chiên, thì họ mới biết và ý thức rằng, những gì họ cần dâng hiến cho đoàn chiên của mình.

Cảm thức này, ngay chính trong Giáo hội đã được nói đến rất rõ trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes, số 1). Đấy cũng là cảm thức của những người mục tử trong Giáo hội. Họ cần phải nhìn vào cuộc sống với con mắt của Chúa và một trái tim rộng mở, để thấy được mọi chiều kích của cuộc sống con chiên của mình. Từ đó, họ sẽ có những thao thức để làm sao chăm sóc tốt đàn chiên mà Chúa đã trao phó cho họ. Nếu không, dân chúng sẽ trở nên “đàn chiên không người chăm sóc” (Mc 6,34), như bài Tin Mừng nói với chúng ta hôm nay.

Đức Giêsu chính là mẫu gương của người mục tử. Sự hy sinh và thấu hiểu của Ngài cho đàn chiên là chìa khóa của sự thành công. Xin cho các vị mục tử cũng có một cảm thức nhanh nhạy về “mùi chiên” để làm cho “đàn chiên mình được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM