CHIA SẺ “HÃY GIẶT LƯỚI LẠI” bởi BTT - 10 Tháng tám, 2019 0 1568 09 giờ ngày 09/08/2019, trong Thánh Lễ Ra-Vào Nội Chủng Viện của Tu Hội Truyền Giáo, tôi chọn cho mình vị trí ngồi ở trên lầu của thánh đường, gần ca đoàn. Thế nhưng, ở đó, một cách vô tình, trước mặt tôi, phía xa xa kia là niềm vui của những anh em được toại ý, còn ở gần tôi lại là nỗi buồn của những anh em không được vào Nội Chủng Viện, và cả những anh em mới hồi tục. Ở nơi ấy, tôi đã có dịp cảm nghiệm nhiều về việc làm kỳ lạ của Đức Giê-su, Ngài để cho các tông đồ vất vả bắt cá, giặt lưới xong, rồi lại kêu các ông thả lưới bắt cá (Lc 5, 1-11), khác nào Ngài bảo các ông “HÃY GIẶT LƯỚI LẠI”. Chúa cũng đang gọi các anh em chúng tôi, người cần tạm dừng, người cần dừng lại, người gặp thuận lợi trong ơn gọi tu trì, “HÃY GIẶT LƯỚI LẠI”. Sao Chúa lại để Si-mon, Gia-cô-bê và Gio-an và nhiều người khác phải chịu khổ lâu như thế? Sao Chúa không giúp họ ngay từ đầu đi? Sao Chúa lại đợi đến lúc họ vất vả cả đêm, lạnh buốt cả người; để rồi mới giặt sạch lưới xong, gần như được nghỉ rồi, Ngài lại bảo họ “hãy thả lưới”(Lc 5,4)? Tôi thiết nghĩ, thả lưới xuống thì cũng chẳng phải chuyện nặng nề gì, nhưng việc phải kéo lưới lên, ngó lưới chẳng có gì ngoài vài khúc cây, cái rác mắc vào, rồi “GIẶT LẠI” mớ lưới ấy nữa. Hành hạ nhau à! Mấy anh em, với khuôn mặt buồn so trong buổi lễ hôm ấy, có lẽ cũng giống khuôn mặt các ngư phủ gặp Chúa hôm ấy. Mất công “dùi mài kinh sử” mấy năm, “lao công khổ tứ” bao ngày, giờ đây lại phải ngồi nhìn anh em vào Nội Chủng Viện, còn mình lại phải “GIẶT LƯỚI LẠI” thêm một thời gian, cũng chua chát, chẳng khác mấy ông tông đồ ngày xưa là bao! Bạn tưởng tôi đang khuyên lơn hay an ủi mấy anh em không được vào Nội Chủng Viện năm nay sao? Bạn nhầm to. Ích gì chứ! Trước khi vào Tu Hội Truyền Giáo, tôi đã từng phải rời một dòng tu vì lý do “ không thích hợp với ơn gọi này”. Ờ thì… không thích hợp, Chúa chẳng gọi tôi đi theo hướng ấy,… tôi tự an ủi mình, người khác cũng an ủi tôi, nhưng ích gì chứ. Trong vài năm sau đó, tôi từng nhiều lần đột ngột rơi vào tâm trạng buồn bã, sầu não ngay cả khi đang vui cười. Rồi sao? Giờ đây, tôi đang viết bài này, trong tư cách là chủng sinh của Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn. Chúa đã gọi tôi “GIẶT LƯỚI LẠI” thế đấy, Ngài muốn tôi “GIẶT LƯỚI LẠI” để chuẩn bị cho một ơn gọi mới. Còn những anh em được vào Nội Chủng Viện và những anh được ra Nội Chủng Viện thì vui rồi! Nhưng thiết nghĩ họ cũng cần “GIẶT LƯỚI LẠI”. Không giống như nhiều hội dòng khác, Tu Hội Truyền Giáo chúng tôi chỉ tuyên khấn một lần, thường là sau khi đã học xong chương trình thần học, và đó là lời khấn trọn với Chúa. Đặc biệt hơn, sau khi kết thúc năm Nội Chủng Viện, tương đương với nhà tập của các hội dòng khác, anh em chúng tôi thực lời “Quyết Tâm Tốt”, tương đương với việc Khấn Tạm của các hội dòng khác. Tuy nhiên, dù là Quyết Tâm hay Lời Khấn thì tôi thiết tưởng, chúng tôi, những người theo ơn gọi tu trì cũng cần lặp lại nó. Việc lặp lại này không chỉ qua việc thực hiện lời Khấn Trọn sau khi Quyết Tâm hay Khấn Tạm vài năm, nhưng còn là sự nhắc nhở chính bản thân, sự nối kết với Thiên Chúa, sự “GIẶT LƯỚI LẠI” để sẵn sàng theo lời Chúa sai ra đi thả lưới, liên tục trong đời sống ơn gọi của mình. Nhưng… tôi cần “GIẶT LƯỚI LẠI” bao nhiêu lần nữa mới đủ? Ngày nọ, cậu tôi khen rằng: “Các cha, các thầy sướng thật, chẳng phải lo chuyện ăn uống, nhà cửa gì cả. Khác hẳn những người ngoài đời.” Nhưng… “Cậu ơi, mỗi người chúng ta đều chẳng có ngôi nhà nào vĩnh viễn trên trần gian này cả. Chúng ta đều cần phấn đấu để được về ngôi nhà vĩnh hằng, Nước Trời” Thế nên, thiết tưởng, cả người đời, lẫn người đi tu đều cần “GIẶT LƯỚI LẠI” nhiều lần, nhiều lần lắm, để có thể dấn bước theo Chúa cho đến khi đánh được “Mẻ Cá Cuối Đời”, Nước Trời. Chúa đang mời gọi chúng tôi những người cần dừng lại, đã dừng lại hay vẫn còn “bon bon” chạy trên còn đường ơn gọi tu trì “HÃY GIẶT LƯỚI LẠI” để theo lời thầy chỉ dạy tiếp theo “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”(Lc 5,4). Còn bạn, Ki-tô hữu đi theo ơn gọi khác, các bạn có dám nghe theo lời Chúa phán: “HÃY GIẶT LƯỚI LẠI” để nhìn đến những người nghèo khổ, những người chưa biết Chúa? FA. Đằng Giao