Hai năm được che đậy trong mầu nhiệm

0
1069

Thomas McKenna, CM
NDĐ chuyển ngữ

Để giúp trang trải trong lúc đi học, Vinh Sơn nhận làm quản lý một trường nội trú nhỏ. Mặc dù trường học này dường như phát triển mạnh, nhưng các khoản nợ của trường vẫn tăng lên. Ngài không thể tìm được sự bổ nhiệm tới một giáo xứ nào, mặc dù ngài nỗ lực rất nhiều.

Tại thời điểm này, một người phụ nữ hào phóng từ Toulouse đã nhớ đến ngài trong chúc thư của bà, nhưng một sự phức tạp đã xuất hiện. Để có được gia tài, Vinh Sơn đã phải lần theo dấu vết một người đàn ông nợ tiền của bà ấy. Con nợ quỷ quyệt này đã bỏ chạy đến Marseilles. Lo sợ bị mất món tiền, Vinh Sơn đã thuê một con ngựa và đuổi theo ông ta. Trên đường truy đuổi, tiền đi đường của Vinh Sơn đã hết, vì vậy, ngài đã bán con ngựa mà ngài đã thuê để tiếp tục đuổi theo kịp ông ta. Khi Vinh Sơn tìm thấy con nợ, ngài đã tống người đàn ông đó vào tù và không lâu sau đó đã giành được gia tài của người phụ nữ kia. Để giảm chi phí cho tuyến đường trở về, Vinh Sơn đã đặt vé tàu để đi qua Địa Trung Hải và cập bến tại một vùng nào đó của nước Pháp. Điều gì thực sự đã xảy ra với ngài sau đó, giữa năm 1605 và 1607, vẫn là chủ đề lớn của sự suy đoán. Có lẽ ngài chỉ trốn tránh các chủ nợ của mình, nhưng ngài gần như biến mất trong hai năm.

Một truyền thuyết cho rằng: ngài đã bị cướp biển bắt giữ. Câu chuyện này có nền tảng trong những lá thư Vinh Sơn viết cho một ân nhân ngay sau khi ngài trở về Pháp. Theo câu chuyện của ngài, những tên cướp biển đã bán ngài làm nô lệ ở Tunis. Sau khi phục vụ cho một ngư dân, rồi một nhà luyện kim, và cuối cùng là một nông dân, Vinh Sơn đã trốn thoát được trong một chiếc thuyền nhỏ với người chủ cuối cùng của mình. Đó là một kẻ đã bỏ Kitô giáo và đang muốn quay trở lại với đức tin của mình. Họ đã đi thuyền qua hàng trăm dặm ngoài biển khơi để đến được miền đất an toàn ở miền nam nước Pháp.

Cả hai đã tìm đường đến Avigno. Vinh Sơn đã thu hút được sự chú ý của vị Phó đặc sứ của Đức Giáo hoàng. Vinh Sơn đã viết trong một lá thư: “Ngài làm cho tôi vinh dự … đối xử với tôi với lòng tốt hết sức, vì lý do là một vài bí mật luyện kim mà tôi đã dạy ngài ….”, Có vẻ như sau đó Vinh Sơn đã cùng với vị Phó đặc sứ đến Rô-ma, nhưng những gì xảy ra ở đó vẫn còn là một bí ẩn. Dù sao, Vinh Sơn cũng đã tái xuất hiện ở Pháp và quyết định thử vận may của mình ở Paris.

Đến cuối đời, Vinh Sơn tìm cách phá hủy những lá thư mô tả cảnh cầm tù mang tính huyền thoại của ngài được viết ở nửa đầu thế kỷ đó. Thật vậy, các nhà viết sử hiện đại đã không tin những chi tiết về các cuộc phiêu lưu của Vinh Sơn. Có lẽ những kỳ công như thế chỉ đến ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời Vinh Sơn, khi mà nhân đức chỉ chiếm một vị trí mờ nhạt so với động cơ cá nhân của ngài.

Phần lớn, Vinh Sơn coi chức linh mục của mình như một phương tiện để nâng cao địa vị của mình trong xã hội. Trong một lá thư gửi mẹ sau vài năm ở Paris, ngài ám chỉ đến những hiểm họa và những thực tế cuộc sống khi ngài bước lên:
“việc con còn phải lưu lại thành phố này lâu dài, là để tìm lại cơ hội tiến thân (mà các tai hoạ đã lấy mất) khiến con đau khổ không thể phụng dưỡng mẹ như con phải làm. Nhưng con tin vào ơn Chúa, là Ngài sẽ ban phúc lành cho những nỗ lực của con và ban cho con những phương tiện, để con có một cuộc hưu dưỡng tốt đẹp, hầu con có thể sống những ngày cuối đời thư thái bên mẹ”.