Halleluia! Chúa đã sống lại! Lời Chúa – Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A

0
2189

(Bài Ðọc I: Cv 10,34a. 37-43; Bài Ðọc II: Cl 3,1-4; Phúc âm: Ga 20,1-9)

Halleluia! Chúa đã sống lại rồi! có lẽ sẽ là lời chính yếu mà mọi người Kitô hữu nói với nhau trong ngày này. Lời này chứa đựng cả một niềm vui to lớn, cũng như một thông điệp hy vọng, đó là Đức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết để cứu chuộc con người.

Niềm vui Phục Sinh của Đức Kitô giờ đây đã lan tỏa trên khắp địa cầu, ánh sáng của Ngài đã chiếu soi mọi chốn, nhất là cho những tâm hồn đang đau khổ và tăm tối trong đời sống đức tin. Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Giờ đây, Ngài đã Phục Sinh và Tin Mừng Phục Sinh này đang được loan đi khắp mọi nơi.

Đứng trước một biến cố lớn lao của đức tin như thế, tôi tự hỏi mình rằng, với tôi biến cố này có gì đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà sự chết đang lan tràn trên toàn thế giới? Làm sao tôi có một cảm nghiệm riêng tư về sự Phục Sinh của Chúa trong ngày trọng đại này? Tất cả điều này đã dẫn tôi vào một cuộc hành trình khám phá nội tâm về Đức Kitô Phục Sinh với ba tiến trình chính yếu.

Thứ nhất, làm như thế nào để tôi có thể gặp gỡ được một Đức Kitô phục sinh? Tôi thiết nghĩ rằng, câu hỏi này không phải cho riêng tôi mà thôi, mà cho tất cả anh chị em Kitô hữu khác nữa. Điều này đòi hỏi một kinh nghiệm rất riêng tư của bản thân về Đấng Phục Sinh. Chính câu hỏi này đặt tôi vào vị trí của Maria Mađalêna trong bài Tin Mừng hôm nay. Với Maria Mađalêna, thì bà đã không mong để gặp Chúa Phục Sinh, vì cũng giống như các môn đệ, bà chẳng hiểu điều Đức Giêsu đã tiên báo. Nhưng con tim của bà đã luôn thổn thức để đi viếng Chúa nơi ngôi mộ đá. Vì thế, bà đã “đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối.” Bà đã can đảm ra đi một mình để mong nhìn lại Chúa, người mà bà đã yêu mến tha thiết.

Maria Mađalêna đã sống trong tâm tình thao thức, để rồi bà quyết ra đidừng lại trước mộ đá. Ba động cơ thao thức – ra đi – dừng lại đã là cuộc hành trình của Maria Mađalêna để có được kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh. Điều này cho thấy việc bà ra viếng mộ Chúa, không phải là trong cơn mê ngủ, nhưng là mục đích là tìm gặp lại Chúa, cho dù trong tâm trí của bà, thì Ngài đã chết. Đó là một cuộc kiếm tìm có mục đích của Maria Mađalêna.

Quả thật, điều này là một trắc nghiệm cho tình yêu của bà dành cho Chúa. Để gặp được hay để có kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh cũng đòi hỏi tôi có một tình yêu, một thao thức để gặp Chúa.

Trong thời điểm hiện tại, tôi rất may mắn là vẫn được tham dự thánh lễ hằng ngày trong chủng viện, còn phần lớn các anh chị em khác không có cơ hội đó trong Mùa Chay và tuần Lễ Phục Sinh năm nay. Tôi thấy nhiều người, trong đó có rất nhiều bạn trẻ đã thể hiện tâm trạng của mình về điều này trên các trang mạng xã hội. Họ ước ao để đến nhà thờ, để được dự lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa. Phải chăng đó cũng là một khát khao, một thao thức thiêng liêng nơi các anh chị em Kitô hữu trong cuộc hành trình thiêng liêng của họ. Điều gì đã làm cho họ có khát vọng đó? Chắc hẳn họ đã có một kinh nghiệm nào đó với Chúa cách riêng tư và họ muốn đến để gặp Ngài mỗi ngày.

Đây là một bài học và là một kinh nghiệm đẹp cho tôi về niềm khát khao gặp Chúa và tình yêu mà người Kitô hữu dành cho Ngài, và nó được tỏ lộ cách đặc biệt trong những ngày này. Chính những tâm tình ấy cũng đã diễn tả phần nào tâm tình mà Maria Mađalêna dành cho Chúa vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh, tuy chúng ta không có được một kinh nghiệm trực tiếp và sống động như bà.

Điều này cũng có nơi Gioan và Phêrô, tuy đến mộ, kẻ nhanh người chậm khác nhau, nhưng cả hai ông đều đã có được kinh nghiệm về Chúa Phục Sinh vào buổi sáng hôm ấy. Điều này cho thấy kinh nghiệm về một cuộc gặp gỡ Chúa là rất riêng nơi mỗi người.

Thứ đến, gặp được Chúa Phục Sinh rồi, tôi sẽ biến đổi ra sao? Kinh nghiệm và bằng chứng về sự biến đổi sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh đó chính là các tông đồ. Điều cụ thể đó có thể được thấy rất rõ trong Bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay. Một Phêrô chối Chúa, nhút nhát trước kia, giờ đây bạo dạn, dõng dạc tuyên bố trước đám đông hàng ngàn người về Đức Giêsu Phục Sinh. Ông đã lớn tiếng làm chứng về Ngài.

Điều này hoàn toàn khác biệt so với khi Chúa chịu chết, các tông đồ đã trốn chạy tất cả. Nhưng giờ đây, dưới tác động của Chúa Thánh Linh, các ông đã không ngần ngại để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi nước mọi dân. Giờ đây, tất cả các môn đệ đầy tràn niềm vui, bình an và khôn ngoan và can đảm rao giảng “và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước” (Cv 10,40-41).

Nơi bài đọc II thánh Phaolô sẽ trả lời cho sự biến đổi ấy: “nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất” (Cl 3,1-2). Rõ ràng đây là hai thái độ sống hoàn toàn khác nhau khi đã được thông phần vào sự sống của Đức Giêsu, và đó là sự biến đổi về lối sống. Cho nên, khi gặp gỡ được Đấng Phục Sinh, điều này đòi hỏi tôi phải thay đổi lối sống của mình và luôn sống cho chiều kích vĩnh cửu.

Cuối cùng, sau khi đã gặp Chúa, được biến đổi, thì tôi sẽ kể lại chuyện Ðức Kitô Phục Sinh như thế nào cho người khác? Ba nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay đã có một niềm vui lan truyền, dù họ chưa hiểu hết tường tận về biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu. Bắt đầu từ Maria Mađalêna, rồi đến Phêrô và sau hết là Gioan.

Hai ông kia đều chạy ra mộ Chúa vì lời kể của Maria Mađalêna. Lời kể của bà gây nên một sự tò mò và ngạc nhiên cho hai ông. Vì thế, khi nghe bà nói xong thì cả hai cùng chạy và cuối cùng cả ba đều đã nghiệm ra biến cố này, đặc biệt là Gioan “ông thấy và ông tin” (Ga 20,8). Đức tin của Gioan và rồi của Phêrô đều đã được củng cố qua sự kiện Chúa Phục Sinh.

Tôi sẽ rao giảng Tin Mừng Phục Sinh của Chúa như thế nào cho những người anh em của tôi? Có lẽ không có gì khác hơn, đó là tôi sẽ kể lại Tin Mừng Phục Sinh của Chúa bằng chính đời sống của mình hay nói khác đi, là qua mọi mặt của đời sống, từ cách ăn, nết ở đến thái độ, suy nghĩ, hành động…. Để làm sao qua đời sống của tôi, những anh chị em khác nhận ra Chúa, nhất là nhận ra Đấng Phục Sinh.  Đời sống của tôi cần phải gây nên một sự ‘tò mò’ cho người khác về Chúa. Đó là cách tôi rao giảng Tin Mừng. Nếu không làm được điều điều này, thì thật là “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Đức Kitô đã phục sinh, niềm tin này thách đố mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại. Thế nhưng, nó không phải là tin đồn hay phỏng đoán, mà là sự thật, như Phêrô đã dõng dạc tuyên bố “nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41).

Các nhân chứng có thấy tận mắt thì mới dám kể lại, và rồi để khẳng định tính xác thực ấy, các ngài đã dám liều mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh mà mình đã loan báo. Cứ như thế, qua dòng thời gian, đã có vô số những con người đã dám tử đạo để làm chứng cho niềm tin ấy. Đó những những bằng chứng xác thực nhất để mọi người mạnh dạn mà nói lên rằng: Halleluia! Chúa đã sống lại rồi!

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, xin hãy phục sinh những gì đang là chết chóc và đau khổ nơi những tâm hồn và nơi thế giới của chúng con hôm nay.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM