I. Các bài đọc
Bài đọc 1: Is 50,5-9a
Bài trích sách ngôn sứ Isaia: Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa được nâng đỡ bởi Thiên Chúa.
Đáp ca: Tv 116,1-2,3-4,5-6,8-9
Thánh vịnh 116: Chúc tụng Chúa vì ơn cứu độ của Ngài.
Bài đọc 2: Gc 2,14-18
Trích thư của thánh Giacôbê tông đồ: thánh Giacôbê dạy rằng, đức tin phải được chứng minh trong hành động.
Tin Mừng: Mc 7,1-8,14-15,21-23
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô và Đức Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người, phải từ bỏ mình vác thập giá mà theo.
II. Chia sẻ
Hôm nay, các bài đọc Lời Chúa sẽ dẫn chúng ta vào trong một cuộc khám phá về khuôn mặt của Đấng Mêsia. Ngài là ai? Ngài sẽ tỏ lộ khuôn mặt ấy cho chúng ta như thế nào? Và đâu là hành động của đức tin chúng ta?
Khuôn mặt Đấng Mêsia
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô đã thay mặt cho các anh em mình, tuyên xưng về danh tính đích thực của Đức Giêsu, khi được hỏi: “Người ta bảo thầy là ai?” Câu trả lời rất xác tín và rõ ràng: “Thầy là Ðấng Kitô” (Mc 8,29).
Từ Kitô bản dịch tiếng Hy Lạp từ tiếng Do thái có nghĩa là Đấng Mêsia, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Vào thời Chúa Giêsu, hình ảnh về Đấng Mêsia đã được nhiều người mong đợi, hầu hết đều tìm kiếm một nhà lãnh đạo chính trị, người sẽ giải phóng dân Do thái khỏi sự chiếm đóng của La Mã.
Có vẻ như Chúa Giêsu không sử dụng thuật ngữ này cho chính mình. Như chúng ta thấy trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu tự gọi mình là Con Người, một thuật ngữ có nguồn gốc từ Kinh Thánh Do Thái, được tìm thấy trong sách Đaniel và trong các sách ngụy thư khác. Nhiều học giả gợi ý rằng, cụm từ Con Người được hiểu đúng nhất có nghĩa là “con người”.
Đó chính là Đấng Mêsia. Vậy sứ vụ của Ngài có phải như người ta mong ước hay không? Đức Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ về sứ vụ của mình: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Điều này được mô tả rõ ràng hơn trong bài đọc I, khi nói về khuôn mặt của Người tôi trung của Thiên Chúa. Một khuôn mặt bị biến dạng vì bị tra tấn và chịu cực hình, nhưng Ngài đã cam chịu, vì “tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50,6). Khuôn mặt này dường như không phải là khuôn mặt của Đấng Mêsia mà Phêrô, cũng như các môn đệ khác và đám đông mong đợi. Cho nên ông đã căn ngăn Chúa Giêsu bước vào con đường khổ nạn.
Thế nhưng, Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn đệ nhìn nhận rõ khuôn mặt của Đấng Mêsia. Và con đường của Đấng ấy đi, là con đường của thập giá, mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài, đều được kêu gọi để bước theo, như Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói: “cần nhớ rằng, chính việc chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu, chịu chết và Sống Lại, giúp nhân tính của ta được phục hồi, ngay cả khi nó đã bị đổ vỡ vì những thăng trầm của cuộc sống hoặc mang đầy vết tích tội lỗi. Ta không được tìm cách uốn nắn để làm chủ quyền năng của dung nhan Đức Kitô” (Gaudete et Exultate, số 151).
Như vậy, khuôn mặt đích thực của Đấng Mêsia là khuôn mặt của tình thương và khổ hình. Nhưng đó là khuôn mặt làm cho cuộc sống của chúng ta được sống động trong đức tin.
Tình người môn đệ
Ơn gọi của người môn đệ sẽ không gì khác hơn là sẽ vác thánh giá theo Chúa. Đó chính là con đường để trở nên người môn đệ đích thực. Con đường của Đấng Mêsia đã không như Phêrô hay người ta nghĩ, là để trở nên những vị vua thống trị hay tìm vinh quang thế gian. Nhưng người môn đệ được kêu gọi “ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).
Vừa phải bỏ mình, tức là từ bỏ những kế hoạch và dự tính cá nhân của mình, vừa phải vác thập giá, tức là những gì thuộc về mình để theo Chúa. Đó chính là con đường tiệm tiến để theo Chúa. Như vậy, đức tin sẽ cho thấy phần thưởng vô hình mà người môn đệ theo đuổi. Người ta sẽ không thấy được phần thưởng đó, nếu không vác thập giá để theo Chúa. Hay nói khác đi, đức tin đòi hỏi người đó phải sống, phải hành động như thánh Giacôbê nhắc nhở: “cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Chính những điều đụng chạm trong cuộc sống hằng ngày sẽ là những thánh giá người môn đệ đón nhận để bước đi theo Chúa. Để rồi họ sẽ nhận được vinh quang của Ngài sau này.
Cám dỗ tháo lui
Con đường mà Đức Giêsu vạch ra cho các môn đệ hôm nay chính là con đường của Đấng Mêsia. Con đường của khổ nạn và thập giá, cũng như cái chết. Con đường đó là con đường của đức tin, đòi hỏi phải được biến thành hành động, phải dấn thân.
Thế nhưng, xem ra thật ái ngại để bước đi trên con đường thập giá đó. Phêrô hôm nay đã trở thành như một tên cám dỗ để Đức Giêsu tháo lui khỏi thập giá: “Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8,32).
Phêrô cũng như mỗi người chúng ta xem ra dễ tự cám dỗ mình để khỏi dấn thân vào con đường của Chúa. Giả như trong đời sống đức tin hằng ngày, chỉ cần một chút thử thách, khó khăn là chúng ta có thể dễ dàng rút lui và chùn bước. Khuôn mặt của Đấng Mêsia đòi hỏi chúng ta phải dấn thân, mới có thể nhận ra hình ảnh đích thực của Ngài. Và đôi khi khuôn mặt ấy ẩn dấu dưới những khuôn mặt của anh chị em xung quang chúng ta, người đang đòi hỏi chúng ta phục vụ họ. Có thể họ là những bệnh nhân covid đang ở trong các bệnh viện và các khu cách ly. Họ có thể là người nghèo ở khu nhà trọ này, khu nhà trọ kia đang thiếu lương thực. Họ có thể là những người bệnh mãn tính đang rên rỉ đau đớn từng ngày. Họ là những họa ảnh khuôn mặt của Chúa đòi chúng ta khám phá.
Vì thế, đừng để chúng ta rơi vào cơn cám dỗ để từ chối con đường thập giá của Chúa như Phêrô. Và đòi hỏi chúng ta cần phải học thêm mỗi ngày để có một đức tin đúng đắn. Như Phêrô đã tuyên xưng đức tin của mình vào Đức Giêsu, nhưng sau đó, chính Chúa Giêsu đã cho thấy, đức tin của ông còn non nớt và chưa có chiều sâu và ông cần học hỏi hơn nữa.
Đức tin đòi hỏi phải hành động. Hành động đó là can đảm bước theo con đường thập giá của Chúa, dù phía trước xem ra mù mịt. Nhưng đó cuộc hành trình mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta bước đi mỗi ngày. Để qua đó, chúng ta sẽ dần khám phá khuôn mặt của Đấng cứu độ chúng ta.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM